Bài 1 : Đọc | Ngữ Văn 9 - Tập 2 | Bài 9 : Đi và suy ngẫm - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Bài 1 : Đọc


(Trang 89)

Du lịch – ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời,

sau đó biến bạn thành một người kể chuyện.

I-bo-no Bát-tu-ta (Ibn Battuta)

GIỚI THIỆU BÀI HỌC

•   Đi trên đất nước Việt Nam, mỗi bước đều có thể dẫn ta đến những cảnh trí diễm lệ của thiên nhiên, những câu chuyện bất tận về lịch sử vừa gian khó vừa hào hùng của dân tộc. Đi – thưởng ngoạn – quan sát – học hỏi và suy ngẫm, đó thực sự là một cơ hội tích luỹ năng lượng sống tuyệt vời mà mỗi người cần đón nhận bằng thái độ tích cực.
•   Qua tìm hiểu hai văn bản thông tin – loại văn bản đọc chính của bài học — và một bài thơ có sự gần gũi về chủ đề, em sẽ thấu hiểu sự cần thiết của việc chuyển hoá điều mình đã quan sát, thu nhận từ các chuyến đi, các hoạt động trải nghiệm thành những sản phẩm ngôn từ mang tính chất giới thiệu, quảng bá về đất nước và lịch sử dân tộc. Điều này rất có ý nghĩa đối với em trong việc rèn luyện một số kĩ năng thiết yếu và hình thành thái độ trách nhiệm trước bao món quà vô giá do thiên nhiên ban tặng, trước những công trình có giá trị lịch sử, văn hoá vốn thấm đẫm mồ hôi, xương máu của tiền nhân.

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

•  Nhận biết và phân tích được đặc điểm của văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử, tác dụng của cách trình bày thông tin trong văn bản (trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, các đối tượng phân loại, so sánh và đối chiếu,...).

•   Phân tích được thông tin cơ bản của văn bản; biết giải thích ý nghĩa của nhan đề và đánh giá vai trò của các chi tiết quan trọng trong văn bản.

•   Nhận biết và phân tích được quan hệ giữa phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ dùng để biểu đạt thông tin trong văn bản.

•   Hiểu được các hình thức làm biến đổi, mở rộng cấu trúc câu và ý nghĩa của chúng để vận dụng vào hoạt động tạo lập văn bản.

•   Viết được bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh hoạ.

(Trang 90)

•  Thuyết minh được (dưới hình thức nói) về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh hoạ.

•  Tự hào về vẻ đẹp muôn màu của đất nước và truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc; có ý thức gìn giữ những di sản quý báu do ông cha để lại và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

ĐỌC

TRI THỨC NGỮ VĂN

Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh

•  Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh thuộc loại văn bản thuyết minh, được viết ra nhằm đưa đến cho người đọc những thông tin khái quát về một cảnh quan đáng du ngoạn, thưởng lãm. Cảnh quan được đề cập thường có sự kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên (thắng cảnh) và vẻ đẹp của các công trình nhân tạ đó phổ biến là loại công trình phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng (danh lam).

•  Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh có thể được triển khai theo nhiều cách khác nhau. Tuy vậy, việc tạo lập mọi văn bản thuộc kiểu này đều phải đảm bảo các yêu cầu chính: nêu được vị trí không gian và quá trình hình thành cảnh quan; miêu tả được cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan; đánh giá được ý nghĩa của cảnh quan đối với đời sống con người; phối hợp hiệu quả phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ khi thể hiện tất cả nội dung trên.

Văn bản giới thiệu một di tích lịch sử

   Văn bản giới thiệu một di tích lịch sử thuộc loại văn bản thuyết minh. Nội dung của nó nói về những địa điểm, công trình (bao gồm cả di vật, cổ vật tồn tại trong đó) còn ghi dấu các sự kiện đáng nhớ của lịch sử đất nước, dân tộc, nhân loại. Thông qua việc kết nối quá khứ với hiện tại, văn bản khơi dậy ý thức trân trọng lịch sử, vun đắp thái độ yêu quý, giữ gìn những “trang sử sống” có thể gửi đến tương lai nhiều bài học có ý nghĩa. Trong nhiều trường hợp, di tích lịch sử là một bộ phận hữu cơ của danh lam thắng cảnh. Vì vậy, giữa văn bản giới thiệu về di tích lịch sử với văn bản giới thiệu về danh lam thắng cảnh có một số điểm tương đồng trên cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Cách trình bày thông tin trong văn bản thông tin

•  Tuỳ vào mục đích và nội dung thông tin mà người viết sẽ chọn những cách triển khai văn bản linh hoạt, phù hợp.

•  Kiểu văn bản giới thiệu về một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử thường được triển khai theo cách riêng: đi từ cái nhìn tổng quan đến miêu tả cụ thể các bộ phận hợp thành của đối tượng; trình bày xen kẽ tình trạng thực tế và lịch sử hình thành của đối tượng; chú ý đặt đối tượng giới thiệu vào đúng loại của nó để thực hiện những so sánh, đánh giá cần thiết.

(Trang 91)

Biến đổi và mở rộng cấu trúc câu

   Khi tạo lập văn bản, để đạt được hiệu quả tối đa trong việc truyền đạt thông tin (thông tin khách quan hay thông tin tình thái, thông tin thẩm mĩ), người ta thường điều chỉnh những câu định viết hoặc đã viết bằng cách làm biến đổi cấu trúc hoặc mở rộng cấu trúc của chúng. Trong việc làm biến đổi cấu trúc câu, vấn đề thay đổi trật tự các từ ngữ, chuyển cụm chủ ngữ – vị ngữ thành cụm danh từ, chuyển kiểu câu chủ động thành câu bị động hoặc ngược lại thường được đặc biệt chú ý. Trong việc mở rộng cấu trúc câu, vấn đề bổ sung hay mở rộng một thành phần câu nào đó lại là những điều thường được quan tâm đầu tiên.

VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Yên Tử, núi thiêng, Thi Sảnh

VĂN BẢN 2. Văn hoá hoa – cây cảnh, Trần Quốc Vượng

VĂN BẢN 3. Tình sông núi, Trần Mai Ninh

 

VĂN BẢN 1.

TRƯỚC KHI ĐỌC

   1. Khi đi tham quan hay du lịch, em có thường tìm hiểu trước về nơi sắp đến không? Nếu có, loại tài liệu em quan tâm tìm đọc, xem, nghe là gì?

   2. Kể tên một số danh lam thắng cảnh có di tích lịch sử mà em đã đến hoặc đã biết.

ĐỌC VĂN BẢN

Yên Tử, núi thiêng

-----------
THI SẢNHhinh-anh-bai-1-doc-10185-0


-----------

Theo dõi
Tác giả nêu cảm nhận và đánh giá khái quát về đối tượng được giới thiệu như thế nào?

   Giữa những cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, Yên Tử cao 1 068 m, vút lên chon von tựa một vọng gác. Từ xưa cảnh núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là một nơi ngoạn mục. Các triều đại phong kiến ở nước ta đều liệt Yên Tử

------------------------------------------
hinh-anh-bai-1-doc-10185-1Thi Sảnh (1941 – 2020) quê ở Quảng Trị, là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử – văn hoá, đã viết nhiều tác phẩm, công trình về lịch sử, thắng cảnh, di tích của vùng đất mỏ Quảng Ninh – nơi ông có quá trình công tác và gắn bó lâu dài. Tác phẩm chính: Lịch sử phong trào công nhân Quảng Ninh (tập 1, 1974; tập 2, 1984); Cõi thiêng Yên Tử (2002); Thức với dòng sông (2004); Quảng Ninh, miền đất những kì tích (2004); Hình bóng xưa (2005); Vịnh Hạ Long – hành trình một kì quan (2012).

(Trang 92)


vào loại “danh sơn” (núi đẹp). Sau khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời và đi liền với nó, hệ thống chùa tháp uy nghi mọc lên chi chít, thì Yên Tử càng thêm quyến rũ du khách bốn phương.

   Yên Tử ngày nay thuộc thành phố Uông Bí, cách trung tâm thành phố 14 km về phía tây bắc. Từ Hòn Gai, ngược trục đường 18A 40 km, ta sẽ đến Uông Bí. Tại đây ta nghỉ ngơi chốc lát, chuẩn bị thêm lương thực, thực phẩm cho chuyến hành hương tới “Núi vua hoá Phật” và ngắm cảnh vật thành phố.

Theo dõi
Người viết cho biết điều gì về toạ độ
không gian của núi thiêng Yên Tử?

   Từ cổng nhà máy điện Uông Bí, ta theo đường vào mỏ Vàng Danh đến Lán Tháp, đến đây ta rẽ phía tây theo con đường qua xã Thượng Yên Công và đi tiếp 4 km nữa thì đến Yên Tử. Đoạn đường từ Lán Tháp vào Yên Tử dài 9 km, đi giữa lòng thung lũng dài và hẹp, giới hạn bởi dãy núi Cánh Gà ở phía nam, Bảo Đài ở phía bắc, thoạt trông như những thành quách cổ xưa. Những khu vườn xum xuê cây ăn quả vải, nhãn, mận, đào, mùa nào thức ấy, những mảnh ruộng mía thân tím thẳng tắp, nối tiếp hai bên đường. Suối Giải Oan trong veo, chảy ngoằn ngoèo trong thung lũng, trên nền đá cuội và sỏi trắng, cắt con đường từ Lán Tháp vào Yên Tử 9 đoạn, khiến du khách ngỡ là 9 con suối khác nhau. Hai bên bờ suối, hoa dành và hoa bướm rộm.Đây đó có những khóm hoa hải đường chen với hoa thuỷ tiên đang nở bung những cánh mỏng phớt tím.

Hình dung
Vẻ đẹp của lối vào Yên Tử đã được miêu tả bằng những chi tiết hình ảnh nào?

   Vào mùa xuân, sau Tết âm lịch, khi tiết trời dịu mát, rừng Yên Tử nở lộc đơm hoa. Khách thập phương rộn ràng đổ về Yên Tử trẩy hội. Khách tham quan thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều nghề nghiệp, kể cả trong nước và ngoài nước, hăm hở, nhằm đỉnh núi mờ sương bước vội, mong chóng đến nơi mà mình mơ ước.

   Tên xa xưa của Yên Tử là Núi Voi, bởi dáng núi giống hình con voi quay đầu về phía biển. Trong sử sách, Yên Tử còn có tên là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng), bởi quanh năm đỉnh núi chìm trong mây trắng. Từ xưa, nhiều tín đồ đạo Phật ở nước ta đã say đắm cảnh vật Yên Tử “Lối đi có trúc, khe suối có hoa” (thơ Phạm Sư Mạnh), cũng là nơi thâm nghiêm, u tịch. Họ đã đến dựng chùa mái tranh vách nứa dưới chân núi Yên Tử, ngày ngày cầu kinh niệm Phật. Theo Hải Dương phong vật chí, đã nổi danh là “Phúc địa thứ tư của Giao Châu”, là ngọn núi thiêng tuyệt đỉnh của những người mộ đạo như dân gian truyền tụng:

(Trang 93)

Nào ai quyết chí tu hành

     Có về Yên Tử mới đành lòng tu.

Liên hệ
Trong một văn bản giới thiệu về danh lam thắng cảnh, việc cung cấp những thông tin về lịch sử có ý nghĩa gì?

   Theo Hán thư, vào đầu Công nguyên, một người nước Tề là An Kỳ Sinh đã lặn lội tìm đường đến Yên Tử tu tiên luyện đan để tìm ra thuốc trường sinh bất tử cho vua nhà Hán. An Kỳ Sinh từng là bạn thân của Khoái Thông, người bày mưu tính kế cho Hạng Vũ. Đến Yên Tử, An Kỳ Sinh ở hån trong núi, vừa tu đạo, vừa luyện thuốc. Ông lập ra Am Dược, Am Hoa, Am Thung, sắm cối và chày giã thuốc bằng đá. Thuốc trường sinh chắc chắn ông không tìm thấy nhưng tục truyền, ông đã tu hành đắc đạo ở Yên Tử. Ông đã hoá Phật vào ngọn núi và ngọn núi mang hình hài ông được người đời sau gọi là tượng An Kỳ Sinh. Sau khi An Kỳ Sinh đắc đạo, chư tăng của An Kỳ Sinh gọi ngôi chùa ông đã tu hành và đắc đạo là “chùa ông Yên”, tên chữ là Yên Tự (tự là chùa), về sau gọi chệch thành Yên Tử như ngày nay.

   Đạo Phật phát triển cực thịnh trong thời Lý. Ngôi chùa sớm nhất dựng trong thời kì này ở Yên Tử là chùa Phù Vân. Theo sách Thiền uyển tập anh, Thông Thiền cư sĩ, đệ tử của Thường Chiếu thuộc thế hệ 13 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông đã tu hành ở chùa này vào cuối thời Lý. Ông mất ở đây năm 1228. Đến thời Trần, vị cao tăng trụ trì ở Yên Tử có uy tín lớn thời bấy giờ, được Trần Thái Tông khi lên ngôi vua, phong tặng là Phù Vân quốc sư.

   Năm Bính Thân (tức năm 1236), ngày 3 tháng 4, vào lúc 10 giờ đêm, mang nỗi u uất trong lòng không giãi bày được cùng ai, vua Trần Thái Tông đã vượt thành, trốn khỏi Thăng Long, ruổi ngựa theo hướng núi Yên Tử. Đến 2 giờ chiều ngày 5 tháng 4, Thái Tông đến chân núi. Sáng ngày 6, ông trèo lên núi, gặp nhà sư Phù Vân, một người bạn cũ, để đưa một lời thỉnh cầu. [...] Nhà sư Phù Vân trả lời: “Núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm. Tâm lặng lẽ mà biết, ấy là chân Phật. Nay bệ hạ giác ngộ được cái tâm ấy, thì lập tức thành Phật. Không phải khốn khổ đi tìm ở bên ngoài”.

Suy luận
Những thông tin mở rộng về đạo Phật và các vị chân tu cần thiết như thế nào đối với một văn bản giới thiệu núi thiêng Yên Tử?

   Câu trả lời của Phù Vân quốc sư thể hiện một quan điểm mới về Thiền. Chính Thái Tông khi nhắc lại câu nói của Phù Vân quốc sư, đã gọi ông là Trúc Lâm đạo sĩ.

(Trang 94)

Phải chăng người đặt nền móng cho phái Thiền Trúc Lâm, một Thiền phái Phật giáo đặc trưng Việt Nam [...], mà sau này Trần Nhân Tông là ông tổ thứ nhất, chính là Phù Vân quốc sư ?

   Nhưng Yên Tử thật sự trở thành nơi trung tâm náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm chỉ từ khi vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành. Từ đó, cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục hoàquyện với chùa, am, tháp cổ kính của Yên Tử,vừa như chốn thần tiên, vừa lại gần gũi, gắn bó với con người. [...]

 

 (Theo Thi Sảnh, Cõi thiêng Yên Tử, Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Ninh, 2002, tr.11-15)

 

 

 

 

 

 

 

 

hinh-anh-bai-1-doc-10185-2

Sơ đồ khu di tích Yên Tử,
in trong Cõi thiêng Yên Tử

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI 

1. Yên Tử, núi thiêng thuộc loại văn bản gì? Em căn cứ vào đâu để xác định như vậy?

2. Văn bản có bố cục như thế nào? Nếu nội dung cụ thể của từng phần trong bố cục và chỉ ra mạch kết nối các nội dung đó.

3. Căn cứ vào nội dung văn bản, cho biết những lí do chính khiến Yên Tử được nhìn nhận là “núi thiêng”.

4. Nhận xét về tỉ lệ của các đoạn miêu tả và dẫn tư liệu lịch sử trong văn bản (tỉ lệ như thế nào, có hợp lí không và thể hiện ý tưởng gì của tác giả).

5. Liệt kê những chi tiết thể hiện cách giải thích tên gọi của một số vị trí và di tích trong quần thể du lịch tâm linh Yên Tử. Việc giải thích đó đáp ứng yêu cầu gì của loại văn bản giới thiệu một cảnh quan?

6. Yếu tố biểu cảm đã được tác giả sử dụng như thế nào? Yếu tố đó đóng vai trò gì trong việc làm tăng tính hấp dẫn của văn bản?

7. Nêu tác dụng của việc đưa sơ đồ khu di tích Yên Tử vào văn bản. Theo em, vì sao những sơ đồ thuộc loại này thường được hiệu chỉnh qua các lần công bố khác nhau?

(Trang 95)

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

   Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) đánh giá về khả năng gợi lên niềm đam mê khám phá thắng cảnh, di tích Yên Tử của văn bản Yên Tử, núi thiêng.

Thực hành tiếng Việt

BIẾN ĐỔI CẤU TRÚC CÂU

1. Xếp đặt các từ ngữ theo trật tự khác hoặc chuyển cụm chủ ngữ – vị ngữ thành cụm danh từ trong những câu dưới đây và nhận xét về sự biến đổi nghĩa có thể có ở từng câu sau việc làm đó.

a. Các bạn tán thưởng bài thuyết minh của em về danh lam thắng cảnh.

b. Con người đã phá vỡ sự toàn vẹn của cảnh quan vì tiến hành một số hoạt động vô ý thức.

c. Tác phẩm ấy ra đời đã đánh dấu một thành tựu mới của truyện ngắn Việt Nam hiện đại.

2. Xác định cấu trúc bị động trong câu sau, biến đổi cấu trúc đó thành cấu trúc chủ động và cho biết nghĩa của câu đã thay đổi như thế nào sau sự biến đổi này.

   Ông đã hoá Phật vào ngọn núi và ngọn núi mang hình hài ông được người đời sau gọi là tượng An Kỳ Sinh.

( Theo Thi Sảnh, Yên Tử, núi thiêng)

3. Đọc câu sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

   Sau khi An Kỳ Sinh đắc đạo, chư tăng của An Kỳ Sinh gọi ngôi chùa ông đã tu hành và đắc đạo là "chùa ông yên".

(Theo Thi Sảnh, Yên Tử, núi thiêng)

a. Xác định căn cứ để xếp câu trên vào kiểu câu chủ động.

 

Nhận biết một số hình thức
biến đổi cấu trúc câu

Việc biến đổi cấu trúc câu thường được thực hiện theo những hình thức sau:

• Thay đổi trật tự của các từ ngữ trong câu. So sánh hai câu sau:

(1) Xin cảm ơn quý vị đã ủng hộ chúng tôi trong việc triển khai dự án này.

(2) Xin cảm ơn quý vị đã ủng hộ việc triển khai dự án này của chúng tôi.

Câu (1) thể hiện sự ủng hộ hướng vào chủ thể (chúng tôi – người thực hiện dự án), còn câu (2) thể hiện sự ủng hộ hướng vào đối tượng (dự án).

Chuyển cụm chủ ngữ – vị ngữ thành cụm danh từ. So sánh hai câu sau:

(1) Chúng tôi tiến bộ về kĩ năng viết nhờ luyện viết thường xuyên.

(2) Sự tiến bộ về kĩ năng viết của chúng tôi là kết quả của việc luyện viết thường xuyên.

Câu (1), do chú ý đưa thông tin đơn giản về chủ thể (chúng tôi) và hoạt động hay thành tích của chủ thể (tiến bộ về kĩ năng viết) nên đã sử dụng một cách hợp lí cụm chủ ngữ – vị ngữ làm chủ ngữ. Câu (2), vì muốn nhấn mạnh kết quả của hoạt động do chủ thể thực hiện mà không cần nói về quá trình thực hiện hoạt động đó nên đã dùng cụm danh từ để " gói" lại cụm chủ ngữ - vị ngữ, theo đó, làm nổi bật hơn ý muốn biểu đạt ở sau.

Chuyển câu chủ động (có chủ ngữ thể hiện chủ thể của hoạt động) thành câu bị động (có chủ ngữ thể hiện đối tượng của

(Trang 96)

b. Biến đổi cấu trúc của câu từ chủ động thành bị động theo hai hướng:

– Hoán đổi vị trí của các cụm từ chỉ đối tượng của hoạt động và chủ thể của hoạt động, có sử dụng từ được.

– Sử dụng từ được nhưng lược bỏ cụm từ chỉ chủ thể của hoạt động.

4. Chuyển đổi mỗi câu chủ động dưới đây thành một câu bị động theo cách làm tương tự đã thực hiện ở bài tập 3:

a. Hậu thế đánh giá bia Vĩnh Lăng là một trong những tấm bia đẹp nhất Việt Nam về mặt mĩ thuật và kĩ thuật.

b. Nhiều du khách nước ngoài gọi Việt Nam là “thiên đường của ẩm thực đường phố".

hoạt động) hoặc ngược lại nhằm thể hiện ý: Câu tập trung vào chủ thể của hoạt động (câu chủ động) hay đối tượng của hoạt động (câu bị động). Việc chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động hoặc ngược lại nhằm đảm bảo tính mạch lạc, liên kết giữa các câu, các đoạn trong văn bản. Quan sát hai câu sau đây:

(1) Câu chủ động: Tác giả đã thể hiện một cách đầy ấn tượng vẻ đẹp thân thương, diễm lệ của đất nước trong bài thơ.

(2) Câu bị động : Vẻ đẹp thân thương và diễm lệ của đất nước đã được tác giả thể hiện đầy ấn tượng trong bài thơ.

Câu (1) nói về “tác giả”, còn câu (2) nói về “vẻ đẹp thân thương và diễm lệ của đất nước”. Cần dựa vào lô-gíc của mạch viết, sự liên kết với câu trước đó mới biết câu nào nên được lựa chọn.

 

VĂN BẢN 2

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Yêu thiên nhiên là một tình cảm tự nhiên và đặc biệt của con người. Theo em, tình yêu đó có những biểu hiện nổi bật nào?

2. Trong bối cảnh đời sống hiện đại, việc tạo ra một không gian cư trú gần gũi, thân thiện với thiên nhiên có thể gặp phải những thách thức gì? 

ĐỌC VĂN BẢN

Văn hoá hoa – cây cảnh

-----------------------
TRẦN QUỐC VƯỢNGhinh-anh-bai-1-doc-10185-3
------------------------ 

Theo dõi
Tác giả đang khơi gợi sự chú ý về vấn đề gì?

   Thiên nhiên, về bản chất là phong phú và đa dạng, mãi mãi còn tiềm ẩn nhiều kì thú và kì vĩ, kì bí,... không hẳn là “bất khả trihinh-anh-bai-1-doc-10185-4” nhưng cho dù con người, qua lịch sử, đã thu thập được một kho

------------------------------------
hinh-anh-bai-1-doc-10185-5

Trần Quốc Vượng (1934 – 2005) quê ở Hà Nam, là học giả có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một số ngành nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, văn hoá ở Việt Nam, đi đầu trong việc thực hiện lối tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học. Các tác phẩm chính của ông: Sơ yếu khảo cổ học nguyên thuỷ ở Việt Nam (1960), Theo dòng lịch sử (1996), Cơ sở văn hoá Việt Nam (1996), Việt Nam – cái nhìn địa văn hoá (1998), Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm (2000)....
hinh-anh-bai-1-doc-10185-6Bất khả tri: không thể biết.

(Trang 97)

tri thức về tự nhiên song chưa bao giờ đã hiểu biết hết tự nhiên. Luôn luôn, tự nhiên, cũng như người đàn bà xinh đẹp, duyên dáng, đằm thắm và sâu sắc, lưu giữ một chất “huyền” nào đó, vẫy gọi, kích thích con người tiếp cận... nhưng bao giờ cũng là cảnh tình “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa...”.
Thiên nhiên Đông Nam Á và Việt Nam – xứ sở châu Á gió mùa nhiệt ẩm – lại càng phong phú và đa dạng hơn bất cứ nơi đâu, vừa gắn với đại lục, vừa thông với đại dương, đủ dạng địa hình, hệ thực vật có trên 7.000 loài có hạt, xếp vào 267 họ, xấp xỉ 2 000 chi... Nhà bác học Lê Quý Đôn của xứ Sơn Nam Hạhinh-anh-bai-1-doc-10185-7 nói giản dị: Cây cỏ miền nhiệt đới hương nồng thắm hơn, sắc nhiều màu hơn cây cỏ xứ lạnh...

   Con người – loài người là một sản phẩm của tự nhiên trên diễn trìnhhinh-anh-bai-1-doc-10185-8 lịch sử vũ trụ và là một thành phần của tự nhiên từ hàng triệu năm về trước đến ngày nay. Thoạt kì thuỷhinh-anh-bai-1-doc-10185-9, con người lệ thuộc gần như hoàn toàn và nặng nề vào môi sinh tự nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên; nhưng về bản thểhinh-anh-bai-1-doc-10185-10

, con người là một sinh vật có tư duy, có ý thức, có mô hình hành động được lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, do vậy mà con người không thích nghi thụ động với hoàn cảnh tự nhiên, mà là ứng biến – thích ứng và biến đổi nó – xây dựng các hệ sinh thái – nhân văn mà nhiều người gọi là thiên nhiên thứ hai, xây dựng các nền văn hoá với những ứng xử khác nhau, với tự nhiên, với xã hội và với bản thân mình... [...]

Chú ý
Đâu là điều kiện then chốt dẫn đến sự xuất hiện của “thiên nhiên thứ hai”?

   Phương Đông – trong đó có Việt Nam – trên đại thể có truyền thống sống hài hoà với tự nhiên. Người Việt Nam dựa vào tự nhiên mà làm ăn và đánh giặc. “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm...”. Theo thuyết tính linhhinh-anh-bai-1-doc-10185-11, vạn vật đều có hồn: Hồ Gươm – Hồ Tây, núi Nùng, sông Nhị, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” (Nguyễn Đình Thi); “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du); vui “tình cá nước”, “hoa cười”, cây “ngả nghiêng chào”; ứng xử tế nhị “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”; thậm chí tín mê “thần cây đa, ma cây gạo...” với tục thờ cây cối... [...]

Theo dõi
Thông tin về “truyền thống sống hài hoà với tự nhiên” của người Việt Nam đáng tin cậy như thế nào?

   Văn minh lớn Trung Hoa, đến thời Hán, vài thế kỉ trước sau Công nguyên thì nghề xây dựng hoa viên, trồng hoa, cây cảnh đã trở thành một ngành nghệ thuật lớn và tinh tế, một nghệ thuật cung đình và quý tộc, tất nhiên: thượng uyển, thượng lâm...

------------------------------------------
hinh-anh-bai-1-doc-10185-12Sơn Nam Hạ: tên gọi của một lộ (đơn vị hành chính có từ thời Hậu Lê) bao gồm các tỉnh Nam Định, Thái Bình và một phần của tỉnh Ninh Bình ngày nay.
hinh-anh-bai-1-doc-10185-13Diễn trình: quá trình diễn biến.
hinh-anh-bai-1-doc-10185-14Thoạt kỳ thuỷ: như thoạt tiên hay thoạt đầu, chỉ tình trạng lúc ban đầu của một đối tượng, sự việc nào đó.
hinh-anh-bai-1-doc-10185-15

Bản thể : bản chất (theo cái nhìn của triết học).
hinh-anh-bai-1-doc-10185-16Thuyết tính linh: một lí thuyết về sáng tạo văn học đề cao yếu tố thiên bẩm và sự tự nhiên, chân tình của cảm xúc, cho rằng giữa con người với vạn vật có mối liên hệ bí ẩn.

(Trang 98)

Bon-sai (nguyên nghĩa: cây trồng trong chậu cạn), với thế kỉ XII, gắn liền với Zen (Thiền) và Sin-tô (Thần đạo), đã trở thành một nghệ thuật tuyệt vời của người Nhật Bản: Như tự nhiên ư? Vậy mà không phải vậy...

   Văn học Trung Hoa Đường – Tổng có tư duy duy mĩ với thiên nhiên:

Cổ thi thiên ái thiên nhiên mĩ.

(Thơ xưa nghiêng chuộng thiên nhiên đẹp.)

                                         (Hồ Chí Minh)

   Người Việt Nam mang chở “tính người” phổ quát, biết ngưỡng mộ cái Đẹp của thiên nhiên thứ nhất, [...] biết chọn non nước “sơn thuỷ hữu tình” (Dục Thuý Sơn – Ninh Bình, Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng, Hương Sơn – Hà Tĩnh, Hà Tây,...) mà dựng xây đền – chùa – tháp – miếu...

   Từ nơi dân dã: “cây gạo đầu làng”, “cây đa bến nước”... đến chốn thị thành:

Khen ai khéo vẽ dư đồ

        Trước sông Nhị Thuỷ, sau hồ Hoàn Gươm.

                                                   (Ca dao Hà Nội cổ)

   Mà người Việt Nam cũng biết tạo dựng một thiên nhiên thứ hai hài hoà với thiên nhiên thứ nhất, từ làng quê với “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” với “Trúc xinh trúc mọc bờ ao”, với “ngõ trúc quanh co” (Yên Đổ), với “bóng cau với con thuyền một dòng sông” (Văn Cao)... đến cửa nhà quan:

Hé cửa đêm chờ hương quế lọt

Quét hiện ngày lệ bóng hoa tan.

                                                                                (Nguyễn Trãi)

đến nơi ở của Chủ tịch nước:

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa...

                                                                                 (Hồ Chí Minh)

Suy luận
Bề rộng của những thông tin được trình bày trong văn bản có mối liên hệ như thế nào với khái niệm “văn hoá” xuất hiện ở nhan đề?

   Nếu nước Việt phương Nam truyền thống là “tổng” của các làng, thì có làng ruộng, làng vườn, làng nghề, làng buôn... mà cũng có làng hoa: “đất Ngọc Hà, hoa Hữu Tiệp”, làng đảo Nhật Tân, “đồng Bông” làng quất Nghi Tàm của Kẻ Chợ – Thăng Long, Vị Khê, Trình Xuyên, Phụ Long của Nam Định, Kim Long của Huế, làng hoa Đà Lạt của Lâm Đồng...

   (Trang 99)

Thăng Long Lý – Trần – Lê, ngoài Hoàng thành và Tử Cấm thành, có 36 phố phường buôn bán – thủ công, có thập tam trạihinh-anh-bai-1-doc-10185-17 rau – hoa – quả, trong đó có trại Hàng Hoa và chợ Hoàng Hoa, được sử biên niên ghi lại từ đầu thế kỉ XVI:

   –                                      Con gái ở trại Hàng Hoa

Ăn cơm nửa bữa, ngủ nhà nửa đêm...

  –                                Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh

        Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh.

   [...] Ở xứ Bắchinh-anh-bai-1-doc-10185-18, thời Lý có Hoa Lâm (rừng hoa) bên bờ sông Thiên Đức (Đuống). Ở Thành Namhinh-anh-bai-1-doc-10185-19, quê hương Tức Mặc nhà Trần, với hành cung Thiên Trường rồi với biệt cung Trùng Quang của các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông thì cũng mọc dựng những Hoa Nha, Liễu Nha... vườn Hoa, bến Liễu, rặng Quất vàng! [...]

   Đến thăm quê cũ nhà Trần, ngoài tháp chùa Phổ Minh, đền Trần, đền Bảo Lộc,... ta còn bắt gặp các địa danh Hoa Nha, Liễu Nha vang bóng một thời “hảo khí Đông A”. Song nơi đó giờ đây không còn bến liễu, vườn hoa... và dòng sông xưa nay đã hoá nên đồng. Song văn hoá hoa – cây cảnh vẫn được bảo tồn ở Vị Khê – Nam Điển, ở Trình Xuyên (vốn là Trần Xuyên – dòng sông nhà Trần), ở Phụ Long bên bờ Đại Hoàng giang nay mang chung sông Cái – Nhị Hà – Hồng Hà. Đấy là những làng vườn hoa – cây cảnh cổ truyền nay được phục hồi một phần ở đầu xóm thôn Tức Mặc, vừa mang giá trị cổ truyền, vừa mang bản sắc mới văn hoá kinh doanh trong cơ chế thị trường...

***

   Thú chơi hoa – cây cảnh cần có sự thung dung thong dong của con người không vướng bụi trần [...]. Cần ngày càng nhiều lên một tầng lớp trung lưu, với mức sống có “bát ăn bát để”, nếp sống trung lưu và lối sống đan xen lao động căng tràn và thư giãn buông xả...

Kết nối
Vấn đề “mức sống” được đề cập ở đây gợi cho em nghĩ tới thực tế nào?

   Ngày xưa, những nếp nhà ở Kẻ Chợ – Thăng Long, ở phố Hiến Nam, ở Vị Xuyên – Vị Hoàng... có hình ống: Nhà thị thành là kết quả xoay dọc đầu hồi ra ngoài đường phố của các nếp nhà thôn dã. Lớp nhà trên cách nếp nhà dưới một khoảng sân con. Ở đó, trong ngôi nhà trung lưu nho nhã thường có non bộ, một vài chậu cây cảnh, một gốc đinh lăng, một khóm sói, khóm hồng hay một gốc chi mai... Nhà ông nội, ông ngoại tôi – những cụ tú, cụ cử quê gốc xứ Nam – thường là vậy: Một ngôi nhà 3 – 5 gian, hàng hiên có tường hoa đặt vài chậu địa lan, trước cửa giữa nhà là đôi sấu, bên cạnh đó là gốc ngâu, gốc mộc. Sân vây “tường hoa”, quanh sân đào các hốc trồng đào, mai, tường vi, lửa lựu... và xếp nhiều chậu bồn cây cảnh đỗ quyên, quất, hồng,... vườn hoa nhỏ trước sân là vạn tuế, tùng, bách, mẫu đơn, trạng nguyên, quân tử,...

-------------------------------------
hinh-anh-bai-1-doc-10185-20

Thập tam trại: mười ba trại.
hinh-anh-bai-1-doc-10185-21Xứ Bắc: vùng Kinh Bắc thuộc Bắc Kì (nghĩa trong văn bản).
hinh-anh-bai-1-doc-10185-22Thành Nam: tức Nam Định ngày nay.

(Trang 100)

   Nay thì cây cảnh – cây hoa phả vào bao lơnhinh-anh-bai-1-doc-10185-23 các nhà tầng và ngự trị cả ở phòng khách cơ quan cùng vài góc phòng văn của nhà văn hoá...

(Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm,
NXB Văn hoá Dân tộc – tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, tr. 578 – 584)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nêu nhận xét về việc sách giáo khoa đặt văn bản Văn hoá hoa – cây cảnh bên cạnh văn bản Yên Tử, núi thiêng.

2. Tìm hiểu bố cục của văn bản, qua đó, đánh giá cách tác giả triển khai ý tưởng và trình bày thông tin.

3. Xác định tính đa dạng của các thông tin được tác giả nêu lên xoay quanh việc làm sáng tỏ vấn đề: Người Việt thực sự có một văn hoá ứng xử riêng với thiên nhiên.

4. Tại sao nói về một vấn đề của văn hoá, tác giả lại hết sức quan tâm tìm hiểu, tập hợp các cứ liệu văn học và ngôn ngữ?

5. Nêu nhận xét của em về mạch liên kết giữa các thông tin trong văn bản.

6. Việc tác giả huy động kiến thức đa lĩnh vực (văn hoá, văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lí) khi đưa thông tin về vấn đề đã tạo nên đặc điểm gì của văn bản?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

   Từ những điều được văn bản Văn hoá hoa – cây cảnh gợi lên, viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) nêu ấn tượng, suy nghĩ của em về hiện tượng “đưa thiên nhiên vào nhà” rất phổ biến trong đời sống hiện nay.

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

MỞ RỘNG CẤU TRÚC CÂU

1. Cho biết tác dụng của việc dùng trạng ngữ trong những câu sau:

a. Giữa những cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, Yên Tử cao 1 068 m, vút lên chon von tựa một vọng gác.

(Theo Thi Sảnh,
Yên Tử,
núi thiêng)

b. Sau khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời và đi liền với nó, hệ thống chùa tháp

-----------------------------------------
hinh-anh-bai-1-doc-10185-24Bao lơn: phần nhô ra ngoài hiên hoặc ngoài sân gác, xung quanh có lan can.

 Nhân biết một số hình thức mở rộng cấu trúc câu

Mở rộng cấu trúc câu là bổ sung hoặc mở rộng một thành phần câu nhằm tăng lượng thông tin cho câu. Việc mở rộng cấu trúc câu thường được thể hiện qua một số hình thức sau:

• Bổ sung thành phần câu, thường là trạng ngữ hoặc thành phần biệt lập. Ví dụ:
(1) Từ câu “Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi về tư duy đối với vùng đất quan trọng này, từ “sống chung với lũ” mang nặng hàm ý chấp nhận và chịu đựng sang “chào đón” lũ” (Lê Anh Tuấn, Miễn châu thổ sông Cửu Long cần chuyển đổi từ sống chung sang chào đón lũ)

(Trang 101)

uy nghi mọc lên chi chít, thì Yên Tử càng thêm quyến rũ du khách bốn phương.

(Theo Thi Sảnh,
Yên Tử, núi thiêng)

2. So sánh hai câu sau và cho biết câu b (câu mở rộng thành phần) được bổ sung thông tin gì so với câu a:

a. Sáng tác của ông, dù được viết theo thể loại nào, cũng đều giàu chất suy tưởng, trí tuệ.

b. Sáng tác của ông, dù là thơ cách luật (lục bát, bảy chữ, năm chữ, tứ tuyệt,...) hay thơ tự do, tất cả đều giàu chất suy tưởng, trí tuệ.

3. Mở rộng cấu trúc các câu sau bằng trạng ngữ hoặc thành phần biệt lập phù hợp và cho biết tác dụng của việc mở rộng này:

a. Yên Tử thật sự trở thành nơi trung tâm náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm chỉ từ khi vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành.

(Theo Thi Sảnh,
Yên Tử, núi thiêng)

b. Nhiều ngôn ngữ trên thế giới có nguy cơ biến mất.

c. Các nền giáo dục trên thế giới cần phải thay đổi nội dung và phương pháp giáo dục.

4. Dùng cụm chủ ngữ – vị ngữ để mở rộng một thành phần câu trong mỗi câu sau:
a. Cuốn truyện trinh thám có nhiều tình huống nghẹt thở.

b. Tương truyền, dãy Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi.

c. Nhiều người mong ước được một lần đến thăm Yên Tử.

 

 

 

 

 

 

 

 

có thể mở rộng thành câu: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi về tư duy đối với vùng đất quan trọng này, từ “sống chung với lũ” mang nặng hàm ý chấp nhận và chịu đựng sang “chào đón” lũ”.

Câu mở rộng đã bổ sung thành phần trạng ngữ vào câu gốc để làm rõ hơn lí do cần phải “thay đổi về tư duy” đối với vấn đề.

(2) Từ câu “Để viết được một truyện như vậy, ngoài tình cảm yêu mến dành cho các bạn trẻ, tác giả còn phải thực sự am hiểu tâm lí tuổi mới lớn.” có thể mở rộng thành câu: “Để viết được một truyện như vậy, ngoài tình cảm yêu mến dành cho các bạn trẻ, tác giả còn phải thực sự am hiểu tâm lí tuổi mới lớn — lứa tuổi đã bắt đầu bớt hồn nhiên bởi sự xuất hiện những rắc rối rất cần được quan tâm giải quyết.”

Câu mở rộng đã bổ sung thành phần biệt lập (phụ chú) để làm rõ thêm “tâm lí tuổi mới lớn”.

• Mở rộng thành phần câu

Ngoài những hình thức mở rộng thành phần câu bằng cụm từ chính phụ (cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ) đã được thực hành ở lớp 7, thành phần câu có thể được mở rộng bằng cụm chủ ngữ – vị ngữ. So sánh các câu trong mỗi cặp câu sau :

(1) a. Cuốn sách rất hay.

    b. Cuốn sách mà anh cho tôi mượn rất hay.

(2) a. Hôm qua, tôi rất vui vì được gặp lại một người bạn cũ.

    b. Hôm qua, tôi rất vui vì được gặp lại một người bạn cũ mà tôi đã có nhiều năm gắn bó.

Câu (b) trong ví dụ (1) có chủ ngữ (cuốn sách) được mở rộng bằng cụm chủ ngữ – vị ngữ (anh cho tôi mượn), còn câu (b) trong ví dụ (2) có bổ ngữ (một người bạn cũ) được mở rộng bằng cụm chủ ngữ – vị ngữ (tôi đã có nhiều năm gắn bó). Việc mở rộng thành phần câu như vậy giúp câu cung cấp được thông tin cụ thể hơn. Câu (b) trong ví dụ (1) cho biết cuốn sách nào được nói đến. Câu (b) trong ví dụ (2) cho biết người bạn cũ đó có mối quan hệ đặc biệt như thế nào đối với nhân vật "tôi".

(Trang 102)

VĂN BẢN 3

ĐỌC VĂN BẢN

Tình sông núi

------------------
TRẦN MAI NINH(hinh-anh-bai-1-doc-10185-25


------------------

Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc...

Mây lồng và nước reo

Nắng bột chen dừa Tam Quan

Gió buồn uốn éo

Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ

Mờ soi Bình Định trăng mờ

Phú Phong rộng

Phù Cát lì

An Khê cao vun vút,

Gió lạnh – rừng buồn,

Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây

Gặp sông Cầu khó rời tay!

Sông Cầu của đất, nước này là duyên.

Vũng Lấm dăm lá thuyền;

Nhiều dừa che ít mái tranh

Vừa đẹp – vừa lành,

Tuy Hoà ngay dọc ngõ

Dậy sáng, – dịu màu tươi

Nha Trang cười

Nha Trang đẹp

Diên Khánh xanh um.


...Tôi lim dim cặp mắt

Không thấy nơi nào không đẹp

Không giàu

-----------------------------------------------
hinh-anh-bai-1-doc-10185-26Trần Mai Ninh (1917 – 1948) quê ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Thanh Hoá. Thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã viết những bài thơ tự do giàu tính cách tân, nóng bỏng tinh thần chiến đấu, tràn đầy niềm tin vào cách mạng và tương lai tươi sáng của đất nước, dân tộc. Tác phẩm chính: Thơ văn Trần Mai Ninh (1980).

(Trang 103)

Lúa xanh như biển rộng

Mì vươn cao khắp các sườn đèo

Rẫy đè lên rẫy

Bắp và khoai tiếp bắp và khoai...

Mấy sông là mấy vạn chài

Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang

Gầu nước gieo vàng

Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng

Dân tộc rót mồ hôi thấm đất

Bắp căng như đồng

Tay ghì cán cuốc

Tay ghì tay xe

Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao...

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Ăn sâu lòng đất, thấm lòng người

Đượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi

Khi vui non nước cùng cười

Khi căm non nước với người đứng lên!

Có mối tình nào hơn thế nữa,

Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền

Có mối tình nào hơn thế nữa

Trộn hoà lao động với giang sơn

Có mối tình nào hơn

Tổ quốc?

(Thơ Việt Nam 1945 – 1975,
NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1976, tr. 264 – 265)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nhan đề Tình sông núi có thể cho biết điều gì về cảm hứng sáng tác bài thơ của tác giả Trần Mai Ninh?

2. Nêu nội dung cụ thể của từng đoạn trong bài thơ và khái quát mạch cảm xúc xuyên suốt tác phẩm.

(Trang 104)

3. Các địa danh xuất hiện ở đoạn đầu bài thơ gắn với vùng miền nào của đất nước? Phát biểu suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa tình yêu dành cho một miền đất cụ thể với tình yêu Tổ quốc nói chung qua những gì được bài thơ gợi lên.

4. Trong bài thơ, tác giả đã chú ý làm nổi bật những đặc điểm gì của sông núi quê hương? Những đặc điểm đó được phát hiện từ góc nhìn nào?

5. Phân tích cách tác giả tự bộc lộ mình trong bài thơ. Tác giả đã xác lập chỗ đứng của mình như thế nào giữa cộng đồng dân tộc?

6. Khi nói về những người con của đất nước, đối tượng nào được tác giả đặt vào vị trí trung tâm? Điều này có ý nghĩa gì?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 1 : Đọc | Ngữ Văn 9 - Tập 2 | Bài 9 : Đi và suy ngẫm - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 9

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.