Nội Dung Chính
(Trang 105)
Học xong bài này, em sẽ:
Chỉ ra được những thành tựu tiêu biểu (trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh,...) của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay.
Những hình dưới đây phản ánh về hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam trước và sau năm 1991. Hãy nêu một số thành tựu của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay mà em biết.
Hình 21.1. Nông dân sử dụng máy tuốt lúa đạp chân trong vụ mùa (1988) | Hình 21.2. Máy gặt đập liên hợp hiện đại được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay |
1 Khái quát công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay
Các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1991 đến nay đã từng bước phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước bằng những mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với bối cảnh lịch sử trong và ngoài nước.
Công cuộc Đổi mới toàn diện của Việt Nam từ năm 1991 đến nay trải qua nhiều giai đoạn với những nội dung cơ bản như sau:
(Trang 106)
1991-1995 | 1996-2011 | 2011-nay |
- Vượt qua khủng hoảng kinh tế – xã hội. - Phá thể bị bao vây, cô lập, mở rộng quan hệ đối ngoại. | - Đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá. - Hội nhập kinh tế quốc tế. | - Đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới. - Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. |
Hình 21.3. Các giai đoạn của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay
Tư liệu 1. Sau 35 năm đổi mới, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay... Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
(Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 10, 44)
Trình bày khái lược các giai đoạn phát triển của công cuộc Đổi mới từ năm 1991 đến nay và nêu nhận xét.
2 Thành tựu của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay
Công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
a) Kinh tế
Đất nước từng bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện.
Tăng trưởng kinh tế khá và tương đối bền vững, do đó tiềm lực cũng như quy mô nền kinh tế được mở rộng. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng hiện đại, thể hiện ở tỉ trọng khá cao của khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Hình 21.4. Biểu đồ GDP của Việt Nam từ năm 1995 đến năm 2021
Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lí của Nhà nước đã có những bước tiến lớn, đặc biệt là sự gia tăng đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế.
(Trang 107)
Trong kinh tế đối ngoại, thị trường xuất nhập khẩu mở rộng và nguồn vốn đầu tư của nước ngoài tăng lên, nhất là từ sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007.
Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, kí kết hơn 90 hiệp định thương mại song phương với các nước.
Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế hiện đại được xây dựng, thu hút đầu tư của các nước phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Em có biết?
Năm 1989, những tấn gạo và dầu thô của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu. Tới năm 2005, Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu; thứ hai về các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều; thứ tư về cao su.
Hình 21.5. Xuất nhập khẩu hàng hoá ở cảng Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh)
Hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng hiện đại phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế cũng như đời sống của người dân.
Hình 21.6. Một đoạn đường dây 500 KV Bắc – Nam | Hình 21.7. Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện (Hải Phòng) — cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam |
Hãy trình bày những thành tựu tiêu biểu về kinh tế mà Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới từ năm 1991 đến nay.
b) Chính trị
Độc lập chủ quyền của đất nước giữ vững, tình hình chính trị ổn định đã tạo ra môi trường hoà bình để phát triển đất nước. Bộ máy chính quyền nhà nước và hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện.
Các bản Hiến pháp mới được ban hành vào các năm 1992 và 2013 thể hiện rõ nét mục tiêu xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tạo cơ sở chính trị – pháp lí quan trọng trong thực hiện công cuộc Đổi mới.
(Trang 108)
Tư liệu 2. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
(Trích Điều 2, Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013)
Về đối ngoại, Việt Nam đã phá thế bị bao vây, cấm vận và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá. Hội nhập quốc tế diễn ra chủ động, tích cực và đạt nhiều kết quả.
Năm 1995, Việt Nam đã bình thường quan hệ ngoại giao với Mỹ và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đến cuối năm 2021, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu.
Hãy trình bày một số thành tựu tiêu biểu về chính trị mà Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới từ năm 1991 đến nay.
c) Văn hoá, xã hội
Tình hình xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công cuộc xoá đói giảm nghèo được thực hiện thành công đưa đất nước bước ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cải thiện và không ngừng được nâng cao.
Em có biết?
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã vinh danh Việt Nam là quốc gia có thành tích nổi bật trong xoá đói giảm nghèo (2013).
Tỉ lệ hộ có thu nhập trung bình và hộ giàu đều tăng, tỉ lệ hộ nghèo giảm tương đối nhanh. Năm 2002, GDP/người là 356 nghìn đồng, đến năm 2011 là 1 387 nghìn đồng và đến năm 2021 đã tăng lên là 4 205 nghìn đồng.
Các chỉ số sức khoẻ cộng đồng và tuổi thọ trung bình của người dân đều được nâng lên. Tỉ lệ tử vong và suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm.
Giáo dục đào tạo đạt được nhiều thành tựu. Cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề ngày càng phát triển về quy mô và loại hình đào tạo, nội dung giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đời sống văn hoá – nghệ thuật được phát triển phong phú và đa dạng, hướng tới mục tiêu: xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hãy trình bày những thành tựu tiêu biểu của đất nước về văn hoá, xã hội, giáo dục từ năm 1991 đến nay.
Hình 21.8. Biểu diễn múa Xoè Thái – loại hình nghệ thuật được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2022)
(Trang 109)
d) Quốc phòng, an ninh
Tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố nhằm góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc và ổn định chính trị. Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo tương đối tốt.
Quân đội Nhân dân Việt Nam được tổ chức chính quy, hiện đại với các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không – Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Tác chiến không gian mạng,..
Nhiều vũ khí, khí tài hiện đại đã được trang bị như: các loại máy bay chiến đấu, tàu ngầm Kilo, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa,...
Hình 21.9. Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam diễu binh kỉ niệm Quốc khánh 2 – 9
Em có biết?
Từ năm 2014, Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc. Quan hệ quốc phòng mở rộng với trên 100 nước, tổ chức và diễn dàn quốc tế.
Việt Nam tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác về quốc phòng. an ninh quốc tế như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị An ninh quốc tế Mát-xcơ-va, Đối thoại Quốc phòng Xơ-un,...
Trình bày những thành tựu chính trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh từ năm 1991 đến nay.
Luyện tập - Vận dụng
Hãy hoàn thành bảng (theo gợi ý dưới đây vào vở) tóm tắt những thành tựu tiêu biểu của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay.
Lĩnh vực | Thành tựu tiêu biểu |
Chính trị | ? |
Kinh tế | ? |
Văn hóa, xã hội, giáo dục | ? |
Quốc phòng, an ninh | ? |
1. Có ý kiến cho rằng: Những thành tựu của công cuộc Đổi mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho công việc học tập và cuộc sống hằng ngày của bản thân em. Em đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?
2. Xây dựng một bài giới thiệu (poster, inforgraphic,...) về sự thay đổi của một trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế ở địa phương em (tỉnh hoặc huyện) từ năm 1991 đến nay.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn