Bài 9: Dịch vụ | Lịch sử và Địa lí 9 | Phần Địa lí - Chương 2: Địa lí các ngành kinh tế - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Dịch vụ


(Trang 144)

Học xong bài này, em sẽ:

• Phân tích được vai trò của một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ.

• Xác định được trên bản đồ các tuyến đường bộ huyết mạch, các tuyến đường sắt, các cảng biển lớn và các sân bay quốc tế chính.

• Trình bày được sự phát triển của ngành bưu chính viễn thông.

Mở đầu

Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nước ta và phát triển ngày càng đa dạng. Các nhân tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ? Một số ngành dịch vụ của nước ta phát triển ra sao?

1. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố các ngành dịch vụ

a) Sự phát triển kinh tế

Sự phát triển kinh tế có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của ngành dịch vụ. Kinh tế  phát triển làm tăng quy mô, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ. Sự phát triển của ngành sản xuất sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng các hoạt động dịch vụ như giao thông vận tải, thương mại, ngân hàng, bưu chính viễn thông... Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng là những vùng có kinh tế phát triển năng động nên ngành dịch vụ phát triển đa dạng.

Em có biết?

Dịch vụ là ngành kinh tế tạo ra các sản phẩm phi vật chất nhằm thỏa mãn nhu cầu của sản xuất và đời sống con người.

Ngành dịch vụ bao gồm dịch vụ kinh doanh (tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, thương mại,...), dịch vụ công (dịch vụ hành chính công, thủ tục hành chính,...), dịch vụ tiêu dùng (y tế, giáo dục du lịch,...).

b) Dân cư và nguồn lao động

Số dân nước ta đông là thị trường tiêu thụ lớn. Mức sống của người dân ngày càng cao dẫn đến sức mua tăng lên, góp phần đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Nguồn lao động nước ta dồi dào, chất lượng lao động đang được nâng lên tạo điều kiện để nâng cao chất lượng ngành dịch vụ.

c) Vốn và khoa học công nghệ

Nguồn vốn và việc đổi mới khoa học làm thay đổi toàn diện hoạt động dịch vụ ở nước ta, góp phần nâng cao chất lượng và mở rộng nhiều loại hình dịch vụ mới: giao thông thông minh, truyền thông số, thương mại điện tử,...

(Trang 145)

d) Cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng nước ta đang được hiện đại hoá góp phần thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dịch vụ, như giao thông, thương mại, du lịch,... Một số đô thị trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo ngành dịch vụ và cửa ngõ hợp tác quốc tế như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

e) Chính sách

Hệ thống chính sách có vai trò định hướng và tạo cơ hội phát triển các ngành dịch vụ. Việc kí kết các hiệp định thương mại với nhiều đối tác như EU, Trung Quốc, Nhật Bản,... giúp nước ta mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng có sự chênh lệch nên một số nơi hoạt động dịch vụ còn hạn chế, cơ sở vật chất một số vùng còn thiếu thốn và xuống cấp.

g) Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên

- Vị trí địa lí: Nước ta ở gần trung tâm Đông Nam Á, trong khu vực phát triển kinh tế năng động châu Á – Thái Bình Dương, tạo thuận lợi mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, xây dựng các tuyến du lịch, giao thông với khu vực và thế giới.

- Điều kiện tự nhiên tạo tiền đề cho việc phát triển các ngành dịch vụ.

Khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ diễn ra quanh năm. Các khu vực đồi núi, bãi biển, cảnh quan đẹp thích hợp phát triển du lịch như Sa Pa, Đà Lạt, Hạ Long,... Bờ biển có nhiều vũng vịnh thuận tiện xây dựng cảng như Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa,... Mạng lưới sông ngòi dày đặc có thể phát triển du lịch sông nước và giao thông đường sông.

Tuy nhiên, địa hình nhiều đồi núi, chia cắt mạnh; các thiên tai gây khó khăn cho hoạt động của các ngành dịch vụ.

? Dựa vào thông tin mục 1, hãy phân tích vai trò của một trong các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ ở nước ta.

2. Một số ngành dịch vụ

a) Giao thông vận tải

Nước ta có đầy đủ các loại hình giao thông vận tải: đường ô tô, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không,... Hệ thống đường giao thông đã tạo thành mạng lưới giao thông phủ khắp các địa phương và được nâng cao chất lượng, hiện đại hoá. Các đầu mối giao thông vận tải có vai trò thúc đẩy kinh tế vùng và cả nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,...

(Trang 146)

hinh-anh-bai-9-dich-vu-11858-0

Hình 9.1. Bản đồ mạng lưới giap thông Việt Nam năm 2021

(Trang 147)

- Đường ô tô: Đường ô tô là loại hình giao thông quan trọng nhất. Các tuyến đường huyết mạch kết nối các vùng, miền, trung tâm kinh tế, hành chính; nối liền với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế. Một số tuyến đường ô tô huyết mạch của nước ta theo chiều bắc – nam là quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông,...; theo chiều đông tây là quốc lộ 7, 8, 9, 51,...

hinh-anh-bai-9-dich-vu-11858-1

Hình 9.2. Một đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông

- Đường sắt: Tuyến quan trọng nhất là đường sắt Thống Nhất. Một số tuyến khác là Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai,... Các tuyến đường sắt đô thị đang được xây dựng như đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt xuyên Á.

- Đường biển: Nước ta có 34 cảng biển (năm 2021), trong đó hai cảng đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số tuyến đường biển quốc tế quan trọng của nước ta là Hải Phòng – Tô-ky-ô, Thành phố Hồ Chí Minh – Xin-ga-po,...

- Đường sông: Các tuyến đường sông được phát triển trên một số hệ thống sông lớn là hệ thống sông Hồng, hệ thống sông Cửu Long.

- Đường hàng không: Năm 2021, nước ta có 22 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa. Ba cảng hàng không quốc tế quan trọng của nước ta là Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng (Đà Nẵng) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).

Em có biết?

Theo quyết định số 648/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nước ta có 14 cảng hàng không quốc tế, bao gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.

? Dựa vào thông tin mục a và hình 9.1, hãy xác định trên bản đồ:

- Các tuyến đường ô tô huyết mạch, các tuyến đường sắt: tên đường, hướng đường, điểm bắt đầu, kết thúc

- Vị trí một số cảng biển, cảng hàng không quốc tế chính

(Trang 148)

b) Bưu chính viễn thông

Bưu chính viễn thông là ngành quan trọng, góp phần vào việc nâng cao đời sống người dân, tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế.

Doanh thu ngành bưu chính viễn thông tăng nhanh và liên tục trong giai đoạn 2010 – 2021. Năm 2021, tổng doanh thu đạt 343,2 nghìn tỉ đồng. Mạng lưới bưu chính viễn thông phủ khắp cả nước. Các đô thị là nơi tập trung các dịch vụ bưu chính viễn thông hiện đại.

Em có biết?

- Bưu chính là dịch vụ vận chuyển, phát thư, gói, kiện hàng hóa qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.

- Viễn thông là việc gửi, truyền nhận và xử lí kí hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện tử khác.

- Bưu chính: phát triển đa dạng và hiệu quả hơn. Các dịch vụ truyền thống như: chuyển, nhận thư, bưu kiện,... từng bước chuyển sang dịch vụ số. Bưu chính hợp tác với các ngành sản xuất và dịch vụ khác (tài chính ngân hàng, logistics, vận tải,...) nhằm nâng hiệu quả kinh tế.

- Viễn thông: Phát triển công nghệ tiên tiến, dịch vụ hiện đại và nâng cao chất lượng. Viễn thông tập trung vào chuyển đổi số và phát triển dịch vụ dựa trên các công nghệ 5G, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)... Các dịch vụ mới phát triển nhanh chóng như: cung cấp phòng ảo để dạy học trực tuyến, thanh toán trực tuyến,... Cả nước có hơn 19 triệu thuê bao internet (năm 2021). Đến năm 2021, Việt Nam sở hữu 6 trạm thông tin vệ tinh, trong đó có 2 vệ tinh viễn thông và 7 tuyến cáp quang biển quốc tế góp phần kết nối với mạng lưới viễn thông thế giới.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm bưu chính viễn thông nhất cả nước.

? Dựa vào thông tin mục b, hãy trình bày sự phát triển ngành bưu chính viễn thông ở nước ta.

Luyện tập – Vận dụng

Luyện tập

Hãy lựa chọn một nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ và hoàn thành bảng theo gợi ý sau vào vở.

Nhân tố Ảnh hưởng
? ?

Vận dụng

Hãy tìm hiểu thông tin về hai vệ tinh viễn thông đang hoạt động của Việt Nam.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 9: Dịch vụ | Lịch sử và Địa lí 9 | Phần Địa lí - Chương 2: Địa lí các ngành kinh tế - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch sử và Địa lí 9

  1. Chương 1. Thế giới từ năm 1918 đến năm 1945_ Phần Lịch Sử
  2. Chương 2. Viêt Nam từ năm 1918 đến năm 1945 _ Phần Lịch Sử
  3. Chương 3: Thế giới từ năm 1945 đến năm 1991 _ Phần Lịch Sử
  4. Chương 4: Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1991 _Phần Lịch Sử
  5. Chương 5: Thế giới từ năm 1991 đến nay _ Phần Lịch Sử
  6. Chương 6: Việt Nam từ năm 1991 đến nay _ Phần Lịch Sử
  7. Chương 7: Cách mạng khoa học - Kĩ thuật và xu thế toàn cầu hóa_ Phần Lịch Sử
  8. Phần Địa lí - Chương 1: Địa lí dân cư Việt Nam
  9. Phần Địa lí - Chương 2: Địa lí các ngành kinh tế
  10. Phần Địa lí - Chương 3: Sự phân hóa lãnh thổ
  11. Chủ đề chung

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 9

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.