Bài 1: Pháp luật và đời sống | Giáo Dục Công Dân 12 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Nắm được khái niệm, bản chất của pháp luật. Hiểu được vai trò của pháp luật đối với đời sống của mỗi cá nhân, nhà nước và xã hội. Đánh giá được hành vi của bản thân và người xung quanh theo chuẩn mực của pháp luật. Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật.


I - MỞ ĐẦU BÀI HỌC

..."Bảy xin Hiến pháp ban hành,

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền"(1).

Đó là ước vọng của Nguyễn Ái Quốc từ những năm 20 của thế kỷ trước, về một Nhà nước Việt Nam độc lập, dân chủ, điều hành đất nước bằng pháp luật, về một xã hội mà trong đó mọi hoạt động điều thực hiện theo pháp luật. Cũng chính vì lẽ đó mà Người đã không mệt mỏi phấn đấu dựng xây sau khi dẫn dắt nhân dân ta tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công 1945, bởi vì Người hiểu rõ hơn ai hết vai trò, giá trị của pháp luật đối với đời sống và sự phát triển của đất nước cũng như của mỗi người dân.

Học xong bài này, học sinh cần:

- Nêu được khái niệm, bản chất của pháp luật; mối quan hệ của pháp luật đối với kinh tế, chính trị, đạo đức.

- Hiểu được vai trò của pháp luật đối với đời sống của mỗi cá nhân, nhà nước và xã hội.

- Biết đánh giá hành vi xử sự của bản thân và những người xung quanh theo các chuẩn mực của pháp luật.

- Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật; tự giác sống, học tập và làm theo pháp luật.

__________________________

(1) Việt Nam yêu cầu ca (1922) do Nguyễn Ái Quốc chuyển thể từ “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” mà Người viết và gửi tới Hội nghị Véc-xai (Pháp) của những người đứng đầu các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

II - NỘI DUNG BÀI HỌC

1. Khái niệm pháp luật

a) Pháp luật là gì?

Để quản lí xã hội, mỗi nhà nước cần phải xây dựng và ban hành hệ thống quy tắc xử sự chung áp dụng cho mọi tổ chức cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các quan hệ xã hội, làm cho mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức được diễn ra trong vòng trật tự, ổn định. Hệ thống các quy tắc xử sự chung đó được gọi tắc là Pháp luật.

Pháp luật do nhà nước xây dựng, ban hành và bảo đảm thực hiện. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức nào đó vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm minh, kể cả bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Các quy tắc xử sự chung chính là nội dung của pháp luật, là các chuẩn mực về những việc được làm, những việc phải làm và những việc không được làm.

Ví dụ: Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, đồng thời có nghĩa vụ nộp thuế nếu sản xuất, buôn bán hàng hóa.

Nhà nước, với chức năng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy tắc, chuẩn mực xử sự định hướng chung cho sự phát triển của xã hội. Không chỉ ban hành, nhà nước còn có trách nhiệm bảo đảm cho các quy tắc, chuẩn mực chung đó được mọi người thi hành và tuân thủ trong thực tế.

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước.

b) Các đặc trưng của pháp luật

Đặc trưng của pháp luật thể hiện ở tính quy phạm phổ biến, tính quyền lực bắt buộc chung và tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

Trước hết, pháp luật có tính quy phạm phổ biến, bởi lẽ pháp luật là những quy tắc xử sự chung, là khuôn mẫu chung, được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi đối với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây chính là ranh giới để phân biệt pháp luật với các loại quy phạm xã hội khác.

Mỗi quy tắc xử sự thường được thể hiện thành một quy phạm pháp luật. Tính quy phạm phổ biến này làm nên giá trị công bằng, bình đẳng trước pháp luật, vì bất kỳ ai ở trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định cũng phải xử sự theo khuôn mẫu được pháp luật quy định.

Ví dụ:

_Luật Giao thông đường bộ quy định: Chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường,... là quy tắc mà mọi người tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo, dù là người đi bộ, đi xe đạp, xe gắn máy, điều khiển ô tô hay súc vật kéo. Ai không tuân thủ quy tắc này đều là quy phạm pháp luật.

_Luật Hôn và gia đình quy định các điều kiện kết hôn giữa nam và nữ: phải đạt độ tuổi nhất định, phải tự nguyện kết hôn; không vi phạm các trường hợp cấm kết hôn. Các điều kiện áp dụng cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ. Những trường hợp vi phạm, dù chỉ trong một các trường hợp trên, đều là kết hôn trái luật.

Pháp luật mang tính quyền lực, bắt buộc chung, vì pháp luật do nhà nước ban hành và đảm bảo bằng quyền lực nhà nước. Pháp luật có tính bắt buộc chung tức là quy định với tất cả mọi cá nhân và tổ chức, ai cũng phải xử sự theo pháp luật. Đây là đặc diểm phân biệt sự khác nhau giữa pháp luật với quy phạm đạo đức. Những người xử sự không đúng với quy định của pháp luật sẽ bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả cưỡng chế để buộc họ phải tuân theo hoặc để khắc phục hậu quả do việc làm trái pháp luật của họ  gây nên.

Ví dụ: Người không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông thì bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.  

Pháp luật có tính xác định chặt chẽ về hình thức, bởi vì hình thức thể hiện của pháp luật là các văn bản có chứa các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành. Các văn bản được gọi là văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản này đòi hỏi diễn đạt phải chính xác, một nghĩa để một người dân bình thường đọc cũng hiểu được đúng và thực hiện chính xác các quy định của pháp luật; cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành những hình thức văn bản nào đều phải được quy định chặt chẽ trong Hiến phápLuật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung của văn bản do cơ quan cấp dưới ban hành (có hiệu lực pháp lí thấp hơn) không được trái với nội dung của văn bản do cơ quan cấp trên ban hành (có hiệu lực pháp lí cao hơn). Nội dung của tất cả các văn bản đều phải phù hợp, không được trái với Hiến phápHiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất. Yêu cầu này nhằm tạo nên sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ví dụ: Hiến pháp năm 1992 quy định nguyên tắc "Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con (Điều 64). Phù hợp với Hiến pháp và Luật Hôn và gia đình năm 2000 khẳng định quy tắc chung "Cha mẹ không được việc phân biệt đối xử giữa các con" (Điều 34) và nhiều quy định cụ thể để đảm bảo con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con chung và con riêng của vợ hoặc chồng đều được bình đẳng trong việc chăm sóc, được dạy dỗ, đồng thời cũng được bình đẳng trong nghĩa vụ kính yêu, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà,...

2. Bản chất của pháp luật

Nói đến bản chất của pháp luật tức là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Pháp luật là của ai, do ai và vì ai?

Các đặc trưng của pháp luật cho thấy pháp luật vừa mang bản chất giai cấp, vừa mang bản chất xã hội.

a) Bản chất giai cấp của pháp luật

Pháp luật mang bản chất giai cấp sâu sắc, vì pháp luật do nhà nước, đại diện cho giai cấp cầm quyền ban hành và đảm bảo thực hiện.

Các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với ý chí của giai cấp cầm quyền mà nhà nước là đại diện. Nhà nước ban hành các quy định để định hướng cho xã hội, phù hợp với ý chí của giai cấp cầm quyền, nhằm giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước. Vi phạm pháp luật là xâm hại đến lợi ích của nhà nước - lợi ích của giai cấp cầm quyền. Trong những trường hợp đó, nhà nước sẽ sử dụng quyền lực có tính cưỡng chế để buộc người vi phạm phải chấm dứt việc làm trái pháp luật.

Bản chất của giai cấp là biểu hiện chung của bất kỳ kiểu pháp luật nào. Tuy nhiên, mỗi kiểu pháp luật lại có biểu hiện riêng của nó: pháp luật tư sản quy định cho nhân dân được hưởng các quyền tự do, dân chủ, nhưng về cơ bản vẫn thể hiện ý chí phục vụ cho giai cấp tư sản; pháp luật xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân, mà đại diện là nhà nước của nhân dân lao động.

Nhà nước Việt Nam đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra..."(1). Pháp luật do Nhà nước ta xây dựng và ban hành thể hiện ý chí, nhu cầu, lợi ích của đa số nhân dân lao động, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo về quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động..."(2).

__________________________

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.689.

(2) Hồ Chí Minh, Bài nói tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp (1950), trong: Nhà nước và pháp luật, NXB Pháp lí, Hà Nội, 1985, tr.187.

b) Bản chất xã hội của pháp luật

Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ xã hội, do các thành viên của xã hội thực hiện, vì sự phát triển của xã hội.

Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, phản ánh nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp trong xã hội, được các cá nhân, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp khác nhau trong xã hội chấp nhận coi là chuẩn mực, là quy tắc xử sự chung.

Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội vì sự phát triển xã hội. Các hành vi xử sự của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư phù hợp với những quy định của pháp luật làm cho xã hội phát triển trong vòng trật tự, ổn định, quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người đều được tôn trọng.

Ví dụ: "Thuận mua, vừa bán" và giữ chữ "tín" là quy tắc xử sự hợp lí được hình thành trong đời sống dân sự hằng ngày giữa người mua và người bán, được xã hội chấp nhận. Nhà nước đã thừa nhận các quy tắc này và quy định thành những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: tự do, tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, trung thực và ngay thẳng (Bộ luật Dân sự năm 2005). Việc tuân thủ các quy tắc này đảm bảo sự bình đẳng và an toàn của các bên trong quan hệ pháp luật dân sự (mua bán, tặng cho, vai mượn, thừa kế,...), đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích và trật tự công cộng, thúc đẩy sự phát triển của trật tự kinh tế - xã hội.

3. Mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức

Bản chất giai cấp và xã hội của pháp luật được thể hiện sâu sắc trong mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức.

a) Quan hệ giữa pháp luật với kinh tế

Được hình thành trên cơ sở các quan hệ kinh tế, pháp luật do các quan hệ kinh tế quy định. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với kinh tế, pháp luật có tính độc lập tương đối: một mặt, pháp luật phụ thuộc kinh tế, mặt khác, pháp luật tác động trở lại đối với kinh tế.

Sự phụ thuộc của pháp luật vào kinh tế thể hiện ở chỗ, chính các quan hệ kinh tế quyết định nội dung của pháp luật. Sự thay đổi các quan hệ kinh tế sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi nội dung của pháp luật.

Tuy được hình thành trên cơ sở các quan hệ kinh tế, phục thuộc vào các quan hệ kinh tế, nhưng pháp luật lại tác động ngược trở lại đối với kinh tế. Sự tác động này có thể là tích cực hoặc có thể là tiêu cực.

Nếu pháp luật phù hợp, phản ánh khách quan các quy luật phát triển của kinh tế thì nó sẽ tác động tích cực, kích thích kinh tế phát triển.

Ví dụ: Các quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005 được ban hành phản ánh đúng đắn nhu cầu khách quan và lợi ích đa dạng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã tạo cơ sở pháp lí cho sự ra đời và hoạt động của hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Ngược lại nếu pháp luật có nội dung lạc hậu, phản ánh đúng các quan hệ kinh tế hiện hành thì nó sẽ tác động tiêu cực, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

b) Quan hệ giữa pháp luật với chính trị

Pháp luật vừa là phương tiện để thực hiện đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền, vừa là hình thức biểu hiện của chính trị, ghi nhận yêu cầu, quan điểm chính trị của giai cấp cầm quyền. Mối quan hệ giữa pháp luật với chính trị được thể hiện tập trung trong mối quan hệ giữa đường lối chính trị của đảng cầm quyền và pháp luật nhà nước. Đường lối chính trị của đảng cầm quyền có vai trò chỉ đạo trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật. Thông qua pháp luật, ý chí của giai cấp cầm quyền trở thành ý chí của nhà nước. Đồng thời, khi thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, pháp luật còn thể hiện ở mức độ nhất định đường lối chính trị của giai cấp và các tầng lớp khác trong xã hội.

Ở Việt Nam, đường lối của Đảng được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật. Đường lối chính trị một khi đã được thể hiện thành nội dung của pháp luật sẽ được đảm bảo thi hành bằng quyền lực của nhà nước. Như vậy, pháp luật là một công cụ hiệu quả để đảm bảo đường lối của Đảng được thực hiện nghiêm chỉnh trong toàn xã hội.

Ví dụ: Hiến pháp năm 1992 khẳng định Nhà nước thực hiện nhất quán phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân.

c) Quan hệ giữa pháp luật với đạo đức

Ở mỗi nước, ngoài quy phạm pháp luật, còn tồn tại các loại quy phạm xã hội khác, trong đó có quy phạm đạo đức. Hai loại quy phạm này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Đạo đức là những quy tắc xử sự của con người, của tập thể và của cộng đồng, được hình thành trên cơ sở quan niệm về cái thiện, cái ác, về sự công bằng, về nghĩa vụ, lương tâm, danh dự, nhân phẩm về những phạm trù khác thuộc đời sống tinh thần của xã hội. Đạo đức, một khi đã trở thành niềm tin nội tâm thì sẽ được các cá nhân, các nhóm xã hội tuân theo một cách tự giác.

Trong quá trình xây dựng pháp luật, nhà nước luôn cố gắng đưa những quy phạm đạo đức có tính phổ biến, phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội vào trong các quy phạm pháp luật. Như vậy, trong hàng loạt quy phạm pháp luật luôn thể hiện các quan niệm về đạo đức, nhất là pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, văn hóa, xã hội, giáo dục. Khi đã trở thành nội dung của quy phạm pháp luật thì các giá trị đạo đức không chỉ được tuân thủ bằng niềm tin, lương tâm của cá nhân hay do sức ép của dư luận xã hội mà còn được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh quyền lực nhà nước. Do đó, có thể nói, pháp luật là một phương tiện đặc thù để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức.

Sau khi đánh đuổi quân Minh, trước khi lên ngôi, Lê Lợi, tức Lê Thái Tổ đã tuyên bố: Từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên, học tập đời xưa đặt pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều thiện thì làm, điều chẳng làm thì tránh, chớ để đến nỗi phạm pháp.(1)

Pháp luật là khuôn mẫu chung cho cách xử sự của mọi người trong hoàn cảnh, điều kiện như nhau, là thể hiện cụ thể của công lí, công bằng và giới hạn của tự do của mỗi người trong việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính những giá trị cơ bản nhất của pháp luật - công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải, cũng là những giá trị đạo đức cao cả mà con người hướng tới.

__________________________

(1) Đại Việt sử kí toàn thư, t.2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.292.

4. Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội

Trong đời sống xã hội, vai trò của pháp luật được xem xét từ hai gốc độ: Nhà nước và Công dân.

a) Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội

Để quản lí xã hội, cùng với các phương tiện khác, nhà nước sử dụng pháp luật như một phương tiện hữu hiệu nhất mà không một phương tiện nào thay thế được. Không có pháp luật, xã hội sẽ không có trật tự, ổn định, không thể tồn tại và phát triển được.

Vì sao nhà nước phải quản lí xã hội bằng pháp luật?

Tất cả các nhà nước đều quản lí xã hội chủ yếu bằng pháp luật, bên cạnh những phương tiện khác như kế hoạch, tổ chức, giáo dục,... Nhờ có pháp luật, nhà nước phát huy được quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Quản lí bằng pháp luật là phương pháp quản lí dân chủ và hiệu quả nhất , vì:

_Pháp luật là khuôn mẫu có tính phổ biến và bắt buộc chung, nên quản lí bằng pháp luật sẽ đảm bảo dân chủ, công bằng, phù hợp với lợi ích chung của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau, tạo được sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện pháp luật.

_Pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách thống nhất trong toàn quốc và được bảo đảm bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước nên hiệu lực thi hành cao.

Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật như thế nào?

Quản lí xã hội bằng pháp luật nghĩa là nhà nước ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật trên quy mô toàn xã hội, đưa pháp luật vào đời sống của từng người dân và của toàn xã hội. Muốn người dân thực hiện đúng pháp luật thì phải cho dân biết pháp luật, biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Do đó, nhà nước phải công bố công khai, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, tiến hành nhiều biện pháp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện báo, đài, truyền hình; đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường, xây tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, ở các cơ quan, các trường học... để "dân biết" và "dân làm" theo pháp luật.

b) Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình

Ở nước ta, các quyền con người về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa và xã hội được tôn trọng, được thể hiện ở các quyền công dân, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, thuế, đất đai, giáo dục,... cụ thể hóa nội dung, cách thức thực hiện các quyền của công dân trong từng lĩnh vực cụ thể.

Như vậy, thông qua các quy định trong các luật và các văn bản dưới luật, pháp luật xác định quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Căn cứ vào các quy định này, công dân thực hiện quyền của mình.

Ví dụ: Hiến pháp và Luật doanh nghiệp quy định quyền tự do kinh doanh của công dân. Trên cơ sở các quy định này, công dân có thể thực hiện các quyền kinh doanh phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.

Pháp luật là phương tiện để công dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua các luật về hành chính, hình sự, tố tụng,... quy định thẩm quyền, nội dung, hình thức, thủ tục giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và xử lí các vi phạm pháp luật xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Như vậy, pháp luật không những quy định quyền của của công dân trong cuộc sống mà còn quy định rõ cách thức để công dân thực hiện các quyền đó, cũng như trình tự, thủ tục pháp lí để công dân yêu cầu Nhà nước bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Luật thương mại quy định nội dung, cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân tiến hành hoạt động thương mại; quy định các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại (thương lượng, hòa giải, giải quyết tại trọng tài hoặc Tòa án) và quy định chung về các hình thức xử lí vi phạm pháp luật thương mại. 

Nhờ thế, công dân sẽ bảo vệ được cácquyền và lợi ích hợp pháp của mình.

III - TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tại phiên hợp đầu tiên của Chính phủ bàn về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: "Trước, chúng ta đã bị chế độ dân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ, Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ"(1).

Tháng 1 - 1946, Quốc hội do nhân dân ta trực tiếp bầu ra qua Tổng tuyển cử đã bắt tay vào xây dựng bản dự thảo Hiến pháp dân chủ đầu tiên và tháng 11 - 1946 Quốc hội đã thông qua. Từ đó đến nay, bốn bản Hiến pháp ra đời trong từng thời điểm quan trọng của lịch sử đã tạo thành nền tảng pháp lí của hệ thống pháp luật Việt Nam.

_______________

(1) Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, Sđd, Hà Nội, 1985, tr.128.

2. Hiến pháp năm 1992

Điều 12.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân dều bị xử lí theo pháp luật.

3. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

Điều 9. Điều kiện kết hôn

Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;

2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;

3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.

Điều 16. Hủy việc kết hôn trái pháp luật

Theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 15 của Luật này, Toà án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Căn cứ vào quyết định của Toà án, cơ quan đăng ký kết hôn xoá đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.

4. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (trích)

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Nghị định số 34/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô (mục c khoản 5 Điều 8) và phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô (mục d khoản 6 Điều 9) khi xảy ra tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

6. Bài đọc thêm

MAY NHỜ CÓ TỦ SÁCH PHÁP LUẬT (1)

Từ ngày nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, bác Sơn luôn bận bịu với công việc chăm sóc vườn hoa cây cảnh. Sáng nay, bác đang tỉa hoa thì chị Hoa - cháu bác, chạy đến, vừa khóc vừa van xin bác khẩn cấp giúp chị giải quyết việc xô xát với Đại - hàng xóm cửa chị.

Từ năm đời nay, hai hàng xóm liền vách với nhau không có điều tiếng gì. Đột nhiên, anh Đại phá nhà cũ đi, xây nhà mới ba tầng mà chẳng nói một tiếng với nhà chị Hoa. Hậu quả đến bây giờ tường vách nhà chị Hoa nức toác ra, có nguy cơ sụp đổ đến nơi. Anh Đại khăng khăng mình không vi phạm pháp luật gì cả vì chỉ làm nhà trên đất của mình. Móng nhà anh chỉ đào sát vào nhà chị Hoa chứ không lấn sang phân nào...

Bác Sơn đến tận nơi thì thấy mọi việc đúng như chị Hoa mô tả. Nhưng, trên thực tế, giải quyết vấn đề này thì phải cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật Bác Sơn lúng túng... rồi chợt nhớ ra Ủy ban nhân dân xã mới được trang bị một Tủ sách pháp luật. Bác Sơn liền cùng chị Hoa lên trụ sở Ủy ban nhờ anh cán bộ tư pháp tìm giúp tài liệu. Theo yêu cầu của Bác Sơn, anh cán bộ tư pháp đã tìm và chỉ cho bác xem Bộ luật Dân sự, Điều 272 và 273 quy định trách nhiệm của người xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến công trình của người khác, đặc biệt là chủ sở hữu bất động sản liền kề. Anh cán bộ lại tìm giúp cho quy định về xây dựng để biết rõ các khoảng cách khi xây cách mốc giới bất động sản liền kề là bao nhiêu.

Ngày hôm sau, Bác Sơn và chị Hoa cùng đến nhà anh Đại, vừa lấy tình làng nghĩa xóm, vừa lấy những quy định của pháp luật để trao đổi với anh Đại. Khi hiểu rõ vấn đề, hai nhà đã thỏa thuận với nhau mức bồi thường thiệt hại và cách thức bồi thường. Chẳng bao lâu, bức tường nhà chị Hoa được xây lại đàng hoàng hơn, tình làng nghĩa xóm giữa hai nhà có bao đời nay lại được gắn kết. Những lúc tâm sự với bà con làng xóm, chị Hoa vẫn thường nói: May nhờ có Tủ sách pháp luật xã ta...

_______________

(1) Sưu tầm và biên soạn theo báo Pháp luật.

IV - CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Pháp luật là gì? Tại sao cần phải có pháp luật?

2. Em hãy nêu các đặc trưng của pháp luật. Theo em, nội quy nhà trường, Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

3. Hãy phân tích bản chất giai cấp và bản chất xã hội của pháp luật.

4. Em hãy phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa đạo đức và pháp luật bằng cách ghi ý kiến của em vào bảng dưới đây.

  Đạo đức Pháp luật
Nguồn gốc (hình thành từ đâu?)   Các quy tắc xử sự trong đời sống xã hội, được nhà nước ghi nhận thành các quy phạm pháp luật.
Nội dung   Các quy tắc xử sự (việc được làm, việc phải làm, việc không phải làm).
Hình thức thể hiện   Văn bản quy pháp pháp luật
Phương thức tác động   Giáo dục, cưỡng chế bằng quyền lực nhà nước

5. Em hãy sưu tầm 3 – 5 câu ca dao tục ngữ, châm ngôn về đạo đức đã được Nhà nước ghi nhận thành nội dung các quy phạm pháp luật, qua đó phân tích quan hệ giữa pháp luật với đạo đức.

6. Thế nào là quản lí xã hội bằng pháp luật? Muốn quản lí xã hội bằng pháp luật, Nhà nước phải làm gì?

7. Em và gia đình đã bao giờ có những bất đồng, tranh chấp với hàng xóm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình chưa? Nếu có thì em với gia đình đã giải quyết như thế nào?

8. Chọn câu trả lời đúng trong các câu sau:

Người nào tuy có điều kiện mà không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến hậu quả người đó chết, thì:

a) Vi phạm quy tắc đạo đức

b) Vi phạm pháp luật hình sự

c) Vi phạm pháp luật hành chính

d) Bị xử phạt vi phạm hành chính

e) Phải chịu trách nhiệm hình sự

f) Bị dư luận xã hội lên án

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 1: Pháp luật và đời sống | Giáo Dục Công Dân 12 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.