I – HƯỚNG DẪN CHUNG
Để bài viết đạt kết quả tốt, anh (chị) cần thực hiện các công việc chuẩn bị sau :
1. Đọc lại các tác phẩm (đoạn trích) truyện và tuỳ bút đã học ở chương trình Ngữ văn lớp 12 để:
– Nhớ rõ cốt truyện, nhân vật, chi tiết, sự việc chính của mỗi truyện cũng như dòng ý nghĩ, cảm xúc và những lời văn đẹp của mỗi thiên tuỳ bút.
– Tìm hiểu những nội dung cơ bản và đặc sắc nghệ thuật của từng tác phẩm (đoạn trích).
– Ghi lại những ý kiến, đánh giá, những điều muốn bàn luận cùng cảm nghĩ về tác phẩm hoặc về từng mặt, từng khía cạnh của tác phẩm.
2. Học lại để nắm vững hơn cách thức tìm hiểu và phân tích một tác phẩm tự sự.
3. Ôn luyện những kiến thức và kĩ năng về tiếng Việt đã học để có cách diễn đạt chính xác, rành mạch, chặt chẽ, phù hợp với tính chất của bài văn nghị luận văn học.
4. Ôn lại các kiến thức và kĩ năng làm văn nghị luận, nhất là những kĩ năng về lập luận đã học ở lớp 12. Chú ý rèn luyện thêm những mặt còn yếu của bản thân ở các khâu : tìm hiểu đề ; lập dàn ý ; tìm lí lẽ, dẫn chứng và tiến hành lập luận,...
II – GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI
1. Trong truyện Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi có nếu lên quan niệm : Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, “mà biển thì rộng lắm [...], rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”.
Anh (chị) có cho rằng, trong thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước : tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau : chị em Chiến, Việt ?
2. Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tuỳ bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
3. Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích.
III – GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI
1. Cần đọc kĩ đề bài để tránh những hiểu lầm đáng tiếc dẫn đến lạc đề hoặc xa đề (ví dụ : cho rằng đề 1 chỉ yêu cầu nhắc lại những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của truyện Những đứa con trong gia đình, đề 2 đòi hỏi phải đề cập tới cả hai mặt hung bạo và trữ tình của sông Đà, còn để làm đề 3 thì chỉ cần nhắc lại những kiến thức đã học về một tác phẩm tự sự,...).
2. Cần tìm đủ các luận điểm, luận cứ cần thiết, nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đề bài.
3. Xây dựng một dàn ý rõ ràng, mạch lạc. Phần mở bài giới thiệu được vấn đề nghị luận và gây được hứng thú cho người đọc. Phần thân bài trình bày các luận điểm, luận cứ theo một tiến trình lập luận hợp lí, chặt chẽ. Phần kết bài thâu tóm được tinh thần và nội dung cơ bản của bài làm, đồng thời lưu lại những suy ngẫm sâu xa trong người đọc.
4. Trong quá trình trình bày luận điểm, luận cứ, cần vận dụng các thao tác lập luận thích hợp. Các thao tác ấy phải kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn với nhau. Chú ý không để bài làm mắc lỗi về lập luận.
5. Cần cố gắng nâng cao hiệu quả diễn đạt. Lưu ý vận dụng hợp lí, sáng tạo các biện pháp chuyển ý, chuyển đoạn và các phép tu từ để các câu, các đoạn văn thêm chặt chẽ và hấp dẫn, phù hợp với một bài nghị luận văn học.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn