Diễn Đạt Trong Văn Nghị Luận (tiếp theo) | Ngữ Văn 12 - Tập Hai | Tuần 29 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 - Tập 2 - Tuần 29


III – XÁC ĐỊNH GIỌNG ĐIỆU PHÙ HỢP TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

1. Tìm hiểu các đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.

(1) Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

(2) Trong tình cảnh ấy, những lời thơ, ý thơ của Hàn Mặc Tử, những bài thơ mà anh thích gọi là “thơ điên, thơ loạn”, thực ra không điên loạn chút nào ! Những bài thơ đọc nghe như là “kinh dị” thực ra không kinh dị chút nào. Trái lại đó là những bài thơ, văn thể hiện một sức sống phi thường, thể hiện một lòng ham sống vô biên, thể hiện một ước mơ rất chi là “con người” : ước mơ được sống khi ý thức được rằng mình sắp chết, đang chết. Hơn nữa vì ý thức được mình sắp chết cho nên phải “sống gấp”, sống... bằng thơ :

[...]“Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
  Mỗi lời thơ đều dính não cân ta."

(Nguyễn Minh Vỹ, Con người Hàn Mặc Tử qua thơ anh,
trong Thơ văn Hàn Mặc Tử (Phê bình và tưởng niệm),
NXB Giáo dục, 1993)

Yêu cầu :

a) Đối tượng nghị luận và nội dung cụ thể của hai đoạn trích trên khác nhau nhưng giọng điệu trong lời văn có điểm gì tương đồng ? Ngoài điểm tương đồng đó, giọng điệu trong từng đoạn trích có những nét gì đặc trưng, riêng biệt ?

b) Cơ sở chủ yếu tạo nên sự khác biệt về giọng điệu của lời văn trong những đoạn trích trên là gì ?

c) Chỉ rõ cách sử dụng từ ngữ hoặc cách sử dụng kết hợp các kiểu câu, các phép tu từ từ vựng hoặc cú pháp có vai trò chủ yếu trong việc biểu hiện giọng điệu của từng đoạn trích.

2. Tìm hiểu các đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.

(1) Hỡi đồng bào toàn quốc !

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa !

Không ! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào !

Chúng ta phải đứng lên !

(Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến)

(2) Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết.

[...] Nhưng xét rộng ra, cái nao nức, cái xôn xao của Xuân Diệu cũng là cái nao nức, cái xôn xao của thanh niên Việt Nam bây giờ. Sự đụng chạm với phương Tây đã làm tan rã bao nhiêu bức thành kiên cố. Người thanh niên Việt Nam được dịp ngó trời cao đất rộng, nhưng cũng nhân đó mà cảm thấy cái thê lương của vũ trụ, cái bi đát của kiếp người.

(Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam,
NXB Văn học, Hà Nội, 1993)

Yêu cầu :

a) Nhận xét về giọng điệu của lời văn nghị luận trong các đoạn trích trên. Chỉ rõ những phương tiện từ ngữ, kiểu câu được dùng để biểu hiện giọng điệu đó.

b) Phân tích ngắn gọn những cơ sở tạo nên sự khác biệt của giọng điệu ấy trong từng trường hợp cụ thể.

3. Từ những nội dung đã tìm hiểu ở các mục 1 và 2, anh (chị) hãy xác định đặc điểm quan trọng nhất của giọng điệu trong văn nghị luận.

GHI NHỚ

Giọng điệu cơ bản của lời văn nghị luận là trang trọng, nghiêm túc nhưng ở mỗi phần trong bài văn có thể thay đổi sao cho phù hợp với nội dung cụ thể.

LUYỆN TẬP

1. Phân tích rõ những đặc điểm trong cách sử dụng từ ngữ, sử dụng kết hợp các kiểu câu, biểu hiện giọng điệu của lời văn trong các đoạn trích sau:

(1) Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

(2) Con người thơ Tú Xương muốn đứng đắn mà đời sống lại thành ra lưu đãng hão huyền. Con nhà nho khái muốn thanh bần với đạo thánh hiền mà cuộc sống đặt cho nhiều mối luỵ. Cái tâm hồn thèm chan hoà ấy lại sa vào cô đơn, con người khái ấy lại sống nhờ vào tình bạn, lần hồi đắp đổi vào sự nhớ thương :

[...] Bạn đàn chưa dễ tìm nhau
Bạn nghiên bạn bút có đâu được nhiều.

[...] Con người tú tài “nổi tiếng tài hoa”, “phong nguyệt tình hoài” chơi ngông ấy, hiên ngang ấy đâm ra phá bĩnh:

    ... Non nước thề bồi thôi xuý xoá
Quỷ thần nào chứng ở hai vai.

Lại xoay ra ba dọi(1) với người ta :

... Ba mươi mấy độ chôn chồng
Còn toan trang điểm má hồng chôn ai.

(Nguyễn Tuân, Thời và thơ Tú Xương, trong Tuyển tập Nguyễn Tuân,
tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1982)

(3) Nhưng nếu Kiều là một người yếu đuối thì Từ Hải là kẻ hùng mạnh, Kiều là người tủi nhục thì Từ là kẻ vinh quang. Ở trong cuộc sống, mỗi bước chân Kiều đều vấp phải một bất trắc thì trên quãng đường ngang dọc Từ không hề gặp khó khăn. Suốt đời Kiều sống chịu đựng, Từ sống bất bình. Kiều quen tiếng khóc, Từ quen tiếng cười. Kiều đội trên đầu nào trung, nào hiếu thì trên đầu Từ chỉ có một khoảng trống không “nào biết trên đầu có ai”. Nếu Kiều lê lết trên mặt đất đầy những éo le trói buộc thì Từ vùng vẫy trên cao phóng túng, tự do. Kiều là hiện thân của mối mặc cảm tự ti, còn Từ là nguyên hình của mối mặc cảm tự tôn.

(Vũ Hạnh, dẫn theo Nguyễn Thị Ngọc Diệu,
Giáo trình Ngữ pháp văn bản, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004)

2. Anh (chị) hãy chọn một trong những đề bài sau và viết một bài văn nghị luận ngắn gọn (khoảng 1 – 2 trang), sử dụng từ ngữ, các kiểu câu và giọng điệu phù hợp.

a) Suy nghĩ của anh (chị) về việc lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên hiện nay.

b) Một số bạn trẻ hiện nay cho rằng : “Trước hết là phải sống cho mình”. Theo anh (chị), trách nhiệm với bản thân khác với tính vị kỉ như thế nào ?

c) “Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở nỗi gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí” (Lét-xinh).

Từ câu nói trên, anh (chị) suy nghĩ gì về những thành công và thất bại trong hành trình tìm kiếm những giá trị cao đẹp của đời sống con người ?

(1) Ba dọi : ỡm ờ, đùa cợt.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Diễn Đạt Trong Văn Nghị Luận (tiếp theo) | Ngữ Văn 12 - Tập Hai | Tuần 29 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

  1. Tuần 19
  2. Tuần 20
  3. Tuần 21
  4. Tuần 22
  5. Tuần 23
  6. Tuần 24
  7. Tuần 25
  8. Tuần 26
  9. Tuần 27
  10. Tuần 28
  11. Tuần 29
  12. Tuần 30
  13. Tuần 31
  14. Tuần 32
  15. Tuần 33
  16. Tuần 34
  17. Tuần 35

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.