Nội Dung Chính
I – CÁCH SỬ DỤNG TỪ NGỮ TRONG VĂN NGHỊ LUẬN
1. Tìm hiểu các ví dụ sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.
Đề tài : Vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh qua một số bài thơ của tập Nhật kí trong tù : Chiều tối ; Giải đi sớm ; Mới ra tù, tập leo núi.
(1) Chúng ta hẳn ai cũng nghe nói về tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh. Tập thơ gồm những bài được Bác làm trong lúc nhàn rỗi ở nhà lao cực khổ của bọn Tưởng Giới Thạch. Bác vốn chẳng thích làm thơ : “Ngâm thơ ta vốn không ham...”. Nhưng trong hoàn cảnh nhà tù khổ sở, tăm tối, tâm hồn tác giả Hồ Chí Minh vẫn mang một vẻ đẹp lung linh. Vẻ đẹp ấy thể hiện rõ trong các bài thơ : Chiều tối ; Giải đi sớm ; Mới ra tù, tập leo núi.
(2) Nhắc tới sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc tới tập thơ Nhật kí trong tù. Tập thơ được viết trong những thời khắc hiếm hoi – được thanh nhàn bất đắc dĩ của Bác giữa chốn lao tù. Thơ không phải là mục đích cao nhất của người chiến sĩ cách mạng, như Người đã tự bạch một cách thật khiêm tốn :
“Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây ?”
Nhưng những vần thơ vang lên trong cảnh tù đày, “tê tái gông cùm” lại là những “vần thơ thép” “mà vẫn mênh mông bát ngát tình”. Bởi lẽ, với người nghệ sĩ – chiến sĩ ấy, chỉ có “thân thể ở trong lao”, còn tinh thần Người vẫn vượt thoát qua chấn song, qua xiềng xích, qua dây trói của nhà tù. Chiều tối ; Giải đi sớm ; Mới ra tù, tập leo núi,... là những thi phẩm tiêu biểu cho tinh thần đó.
Yêu cầu :
a) Cùng trình bày một nội dung cơ bản giống nhau nhưng cách dùng từ ngữ trong hai ví dụ trên khác nhau như thế nào ? Hãy chỉ rõ ưu điểm hoặc nhược điểm trong cách dùng từ ngữ của mỗi ví dụ.
b) Chỉ rõ những từ ngữ dùng không phù hợp với đối tượng nghị luận trong các ví dụ trên. Theo anh (chị), có thể sửa lại những từ ngữ này như thế nào để việc diễn đạt đảm bảo yêu cầu của văn nghị luận mà vẫn giữ nguyên được ý chính của câu văn, đoạn văn ?
c) Hãy viết một đoạn văn có nội dung cơ bản tương tự như các ví dụ trên nhưng dùng một số từ ngữ khác để thay đổi cách diễn đạt.
2. Tìm hiểu đoạn trích sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.
Ấy là Huy Cận đó – nhưng một thi sĩ “thiên nhiên” như chàng thì ở nơi nào chẳng được, ở thời nay cũng như ở thời xưa ; chàng như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian ; người ta muốn tưởng linh hồn Huy Cận là đám mây kia, là nỗi hắt hiu trong cõi trời, là hơi gió nhớ thương...
Trong thơ Việt Nam, nghe bay dậy một tiếng địch buồn. Không phải sáo Thiên Thai, không phải điệu ái tình, không phải lời li tao(1) kể chuyện một cái “tôi” ; mà ấy là một bản ngậm ngùi dài : có phải tiếng đìu hiu của khóm trúc, bông lau ; có phải niềm than van của bờ sông, bãi cát ; có phải mặt trăng một mình đang cảm thương cùng các vì sao ?
(Xuân Diệu, Lời tựa cho tập Lửa thiêng,
NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995)
Câu hỏi:
a) Những từ ngữ in đậm trong đoạn trích trên có tác dụng biểu hiện cảm xúc của người viết như thế nào và gợi lên điều gì về đối tượng nghị luận?
b) Sắc thái biểu cảm của các từ ngữ đó có phù hợp với đối tượng nghị luận của đoạn trích không ? Tại sao ?
(1) Li tạo : tên một tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Trung Quốc Khuất Nguyên (340 – 278 trước Công nguyên) ; ở đây dùng để chỉ thơ ca, âm nhạc nói chung.
3. Chỉ ra những từ ngữ dùng không phù hợp trong đoạn văn sau, thay thế bằng các từ ngữ thích hợp với yêu cầu của văn nghị luận và vấn đề cần nghị luận. Viết lại đoạn văn sau khi đã sửa lại những từ ngữ không thích hợp.
Đề bài : Trình bày những suy nghĩ của anh (chị) về mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác con người qua đoạn trích cảnh VII của vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).
Lưu Quang Vũ là một kịch tác gia vĩ đại. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt xứng đáng là một kiệt tác trong kho tàng văn học nước nhà. Nhà văn đã nêu lên một vấn đề có ý nghĩa sâu sắc : sự tranh chấp giữa linh hồn và thể xác trong quá trình con người sống và hướng tới sự hoàn thiện. Thực ra, người ta ai mà chẳng phải sống bằng cả linh hồn và thể xác. Linh hồn có cao khiết, đẹp đẽ thế nào cũng chẳng là gì cả khi không có thể xác. Anh chàng Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng thế mà thôi. Anh ta không thể sống chỉ bằng phần hồn. Nhưng phần hồn ấy, vì những trớ trêu, éo le của số phận, lại bị nhập vào xác của tên hàng thịt. Chẳng qua đó chỉ là một cái xác “âm u đui mừ” nếu không có hồn Trương Ba. Nhưng nó cũng không để cho hồn Trương Ba được yên mà lại còn làm anh ta phát bệnh vì những đòi hỏi, ham muốn quá quắt của nó.
4. Qua việc tìm hiểu những ví dụ đã nêu, theo anh (chị), khi sử dụng từ ngữ trong văn nghị luận cần chú ý những yêu cầu gì ?
II – CÁCH SỬ DỤNG KẾT HỢP CÁC KIỂU CÂU TRONG VĂN NGHỊ LUẬN
1. Tìm hiểu các ví dụ sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.
Đề bài : Phân tích nhân vật Trọng Thuỷ trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ.
(1) Ở phần đầu truyền thuyết, khi Trọng Thuỷ tìm cách đánh cắp nỏ thần, những âm mưu và tham vọng tăm tối xâm chiếm con người chàng. Sau khi đạt được âm mưu, phần con người trong chàng mới lên tiếng. Giờ đây, chàng phải đối mặt với những mất mát lớn. Chàng mất Mị Châu, người vợ hiền dịu, ngây thơ, hết lòng vì chồng. Đến lúc này chàng mới nhận ra sự tàn khốc của những âm mưu xâm lược mà chàng là kẻ thừa hành và là thủ phạm. Trọng Thuỷ luôn nhìn thấy hình bóng Mị Châu nơi giếng nước vì chàng không muốn tin và không chấp nhận cái chết của nàng, cũng vì thế chàng không thể tha thứ cho bản thân mình. Tuy đã muộn, nhưng trong nỗi ân hận, Trọng Thuỷ đành lựa chọn cái chết để sám hối và mong chuộc lại lỗi lầm, tự trừng phạt và thanh tẩy tội lỗi.
(2) Nếu như từ đầu truyền thuyết, khi Trọng Thuỷ tìm cách đánh cắp nỏ thần, những âm mưu và tham vọng tăm tối xâm chiếm con người chàng thì sau khi âm mưu hoàn tất, phần con người trong chàng mới lên tiếng. Giờ đây, Trọng Thuỷ phải đối mặt với những mất mát lớn. Mất Mị Châu – người vợ hiền dịu, ngây thơ, hết lòng vì chồng, chàng nhận ra sự tàn khốc của những âm mưu xâm lược mà chàng là kẻ thừa hành, hơn thế, chính là thủ phạm. Vì sao Trọng Thuỷ luôn nhìn thấy hình bóng Mị Châu nơi giếng nước ? Vì chàng không muốn tin và không chấp nhận rằng : “Nàng đã chết !”. Không thể tha thứ cho bản thân mình, chàng đã lựa chọn cái chết. Cái chết sám hối. Cái chết trong ân hận muộn mằn. Cái chết với khao khát được chuộc lại lỗi lầm. Đó chính là cái chết của sự tự trừng phạt. Cái chết ấy có giá trị thanh tẩy những tội lỗi của Trọng Thuỷ.
Yêu cầu :
a) So sánh cách sử dụng kết hợp các kiểu câu của hai đoạn văn và chỉ ra hiệu quả diễn đạt của cách sử dụng này.
b) Vì sao trong một đoạn văn nghị luận nên sử dụng kết hợp nhiều kiểu câu khác nhau?
c) Đoạn văn nào trong hai đoạn văn trên sử dụng phép tu từ cú pháp ? Đó là những phép tu từ nào ? Phân tích ngắn gọn hiệu quả của những phép tu từ đó trong việc trình bày đề tài và biểu hiện cảm xúc của người viết.
d) Vì sao trong bài văn nghị luận nên sử dụng một số phép tu từ cú pháp ? Các phép tu từ cú pháp thường được sử dụng trong văn nghị luận là những phép tu từ nào ? Nêu một số ví dụ và phân tích ngắn gọn.
2. Tìm hiểu ví dụ sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.
Cái làng Thiện Vịnh trong thơ Nguyễn Bính cũng chỉ là một bóng mơ. Làng Thiện Vịnh thật có giữa vùng chiêm khê mùa thối đất Nam Định, Thái Bình, đâu đâu cũng xơ xác nước trắng đồng, gió lùa sóng đồng còn lên, quần lại, lật thuyền mảng, cả đến người ra cứu lúa cũng chết đuối. Mỗi năm, mỗi mùa, biết bao người đã bỏ làng đi tha phương. Nhà thơ bó gối ngồi nhìn vào trong đêm. Chỉ nghĩ lại cũng đã se lòng. Nhà thơ tưởng tượng, trên những khổ cực ấy, phấp phới những lứa tuổi đương tơ, hoa cải vàng tháng chạp, mua dây mua dợ, trăng rằm sáng như ban ngày và những đêm chèo hát...
Thơ là niềm khao khát, là ước nguyện của con người. Khi chưa quen Nguyễn Bính, tôi cũng không thật hiểu được những bài thơ viết về đồng quê của Nguyễn Bính và cũng chưa phân biệt được đâu là chút lòng mộc mạc thiết tha của người làm thơ, đâu là cái hoa hoè hoa sói của chàng trai quê ra tỉnh.
(Tô Hoài, Lời giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Bính,
NXB Văn học, Hà Nội, 1986)
Yêu cầu :
a) Trong đoạn trích trên, người viết chủ yếu sử dụng kiểu câu nào của tiếng Việt ? Kiểu câu đó có hiệu quả thế nào trong việc truyền đạt nội dung thông báo ?
b) So sánh kiểu câu của câu văn “Chỉ nghĩ lại cũng đã se lòng” với những câu khác trong đoạn trích và phân tích ngắn gọn hiệu quả của kiểu câu này trong việc truyền đạt nội dung thông báo và biểu hiện cảm xúc của người viết.
3. Chỉ rõ những nhược điểm trong việc sử dụng kết hợp các kiểu câu của các đoạn văn sau và nêu cách khắc phục những nhược điểm đó để việc diễn đạt nội dung sáng rõ và linh hoạt hơn.
(1) Qua việc xây dựng tình huống, khắc hoạ nhân vật và thể hiện tâm trạng cùng với việc sử dụng hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, gợi những liên tưởng sâu sắc cho người đọc, Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo nên một truyện ngắn hay và đặc sắc. Qua nhân vật Nhĩ trong Bến quê, nhà văn đã nói lên những suy tư, trăn trở của con người trong thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết. Qua nhân vật này, tác giả muốn nhắn nhủ : hãy biết trân trọng những giá trị, những điều bình dị và gần gũi nhất trong cuộc đời.
(2) Kho tàng văn học dân gian Việt Nam rất đồ sộ, gồm những tác phẩm của nhiều dân tộc trên khắp miền đất nước, với nhiều thể loại : thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, ca dao, dân ca,... có giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ to lớn. Kho tàng văn học dân gian Việt Nam là cuốn “bách khoa thư” về cuộc sống, cung cấp cho nhân dân vốn hiểu biết phong phú, toàn diện về thế giới tự nhiên, con người và cuộc sống. Văn học dân gian góp phần bảo tồn và nuôi dưỡng con người : các tác phẩm văn học dân gian thường hướng tới chân, thiện, mĩ ; góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người, giúp con người phân biệt điều hay, điều dở, cái thiện, cái ác. Ngoài ra, văn học dân gian còn bảo tồn, gìn giữ tiếng nói chung, nền văn hoá dân tộc, là cơ sở, nguồn gốc của văn học viết trong suốt quá trình phát triển của nền văn học Việt Nam.
4. Từ những nội dung đã tìm hiểu ở các mục 1, 2, 3, theo anh (chị), khi sử dụng kết hợp các kiểu câu trong văn nghị luận cần chú ý những yêu cầu gì ?
GHI NHỚ Khi viết bài văn nghị luận, cần chú ý : – Về cách dùng từ ngữ : + Lựa chọn từ ngữ chính xác, phù hợp với vấn đề cần nghị luận ; tránh dùng từ lạc phong cách hoặc những từ ngữ sáo rỗng, cầu kì. + Kết hợp sử dụng các phép tu từ từ vựng và một số từ ngữ mang tính biểu cảm, gợi hình tượng để bộc lộ cảm xúc phù hợp. – Về cách sử dụng kết hợp các kiểu câu : + Kết hợp một số kiểu câu trong đoạn, trong bài để tạo nên giọng điệu linh hoạt, biểu hiện cảm xúc. + Sử dụng các phép tu từ cú pháp để tạo nhịp điệu, nhấn mạnh rõ hơn thái độ, cảm xúc. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn