Nội Dung Chính
Tiết 1 (trang 63)
A. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng
Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, đoạn thơ khoảng 80 tiếng hoặc đọc thuộc lòng một đoạn thơ (bài thơ) đã học.
B. Đọc và làm bài tập
Vườn rau trong nhà
Nếu nhà bạn không có vườn, bạn có thể trồng rau trong nhà. Cách làm như sau:
– Bạn đi chợ và mua những loại cây rau dễ trồng như hành, tỏi, cải thìa, cần tây, rau mùi,...
– Bạn lấy phần gốc cây rau, cho vào li, bình, vỏ hộp hay chậu nhỏ, rồi cho một ít nước vào.
– Khi cây rau mọc rễ hoặc lên chồi non, bạn mang ra trồng trong chậu có đất.
Như vậy, bạn đã có một chậu cây mà không cần phải mua hạt giống.
Theo PHƯỚC MỸ
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Tìm trong bài đọc trên các danh từ:
a) Chỉ các loại rau.
b) Chỉ các bộ phận của cây rau.
c) Chỉ các vật có thể dùng để trồng rau.
2. Trong bài đọc trên, các dấu gạch ngang có tác dụng gì?
3. Viết đoạn văn ngắn về một cây rau (hoặc món ăn) em thích. Gạch dưới một danh từ trong đoạn văn đó.
Tiết 2 (trang 64)
A. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng
B. Đọc và làm bài tập
Làng lụa Vạn Phúc
Làng lụa Vạn Phúc (hay làng lụa Hà Đông), nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 ki-lô-mét. Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính của làng quê xưa như cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại bên cạnh khung dệt cơ khí hiện đại. Làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa thủ công truyền thống. Lụa Hà Đông thường được nhắc đến trong thơ ca xưa. Lụa Hà Đông từng được chọn để may quốc phục cho các đời vua nhà Nguyễn.
Theo VŨ NGỌC KHÁNH
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Tìm các danh từ riêng trong đoạn văn trên.
2. Tìm nghĩa ở bên B phù hợp với mỗi từ ở bên A:
A | B |
a) Truyền thống b) Thủ công c) Quốc phục d) Cổ thụ | 1) lao động sản xuất bằng tay với công cụ đơn giản 2) trang phục truyền thống của một nước 3) cây to, sống lâu năm 4) thói quen hình thành từ lâu đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác |
3. Chép lại câu sau, viết hoa các danh từ riêng:
đà lạt là thành phố thuộc tỉnh lâm đồng, nằm trên cao nguyên lâm viên, thuộc khu vực tây nguyên của việt nam.
Tiết 3 (trang 65)
A. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng
B. Đọc và làm bài tập
Vừa chia tay với “Những mảnh ghép cảm xúc", khán giả nhí lại sắp được thết đãi một bộ phim tuyệt vời khác của xưởng phim hoạt hình Pi-xa có tên là “Chú khủng long tốt bụng". Bộ phim kể về chú khủng long màu xanh lá có tên A-lo không may bị cuốn trôi theo một dòng sông chảy xiết và lạc mất gia đình. Từ đây, chú bắt đầu cuộc hành trình của riêng minh và may mắn tìm được người bạn đồng hành là cậu bé Si-pót, cùng nhau chu du qua những nơi khắc nghiệt và bí ẩn. A-lo dẫn học được cách đối đầu với nỗi sợ của mình và phát hiện ra khả năng tiềm ẩn bấy lâu.
Theo báo Khăn quàng đỏ
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Tìm các dấu ngoặc kép trong đoạn văn trên.
2. Các dấu ngoặc kép trong đoạn văn trên được dùng làm gì?
3. Viết một đoạn văn ngắn kể về những bộ phim hoạt hình mà em đã xem, trong đó có sử dụng dấu ngoặc kép.
Tiết 4 (trang 65)
A. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng
B. Nghe – viết
Nhà bác học Lê Quý Đôn
Lê Quý Đôn quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Lê Quý Đôn đã để lại cho đời nhiều bộ sách quý. Ông là người Việt Nam đầu tiên biết đến lí thuyết Trái Đất tròn gồm bốn châu Á, Âu, Phi, Mỹ và là người sớm nhất lưu ý đến khoa học tự nhiên, khoa học vũ trụ. Ông là nhà bác học lớn nhất của nước ta thời xưa.
Theo VĂN LANG
Lê Qúy Đôn (1726 - 1784)
Tiết 5 (trang 66)
A. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng
B. Luyện tập nghe và nói
1. Nghe và kể lại câu chuyện sau:
Cậu bé trung thực
Truyện dân gian Mê-hi-cô
Gợi ý
a) Nhà vua gặp cậu bé ở đâu? Cậu bé đang làm gì?
b) Vua khuyên cậu bé làm gì? Cậu bé trả lời thế nào?
c) Khi nghe nhà vua than thở củi khô bị bỏ phí, cậu bé đã nói gì?
d) Khi cậu bé được đưa vào hoàng cung, vua khen cậu bé thế nào?
e) Nhà vua đã thay đổi lệnh cấm của mình như thế nào?
2. Trao đổi về câu chuyện:
a) Cậu bé là người như thế nào?
b) Những chi tiết nào thể hiện tính cách tốt đẹp của cậu bé?
c) Việc làm của cậu bé đã ảnh hưởng tới nhà vua như thế nào?
d) Qua câu chuyện, em rút ra được điều gì?
Cách trao đổi: Thực hiện như đã hướng dẫn ở các bài học trước
Tiết 6 (trang 67, 68)
(Bài luyện tập đọc hiểu)
Đi làm nương
Ở làng người Thái và làng người Xá, đến mùa đi làm nương thì trên sàn, dưới đất mọi nhà đều vắng tanh. Cả làng đều đi làm nương; nương xa, nhiều khi lên tận ngọn suối. Con ngựa đeo tất cả đồ đạc và nông cụ trên lưng, có khi nó còn thổ thêm một chú bé ngồi vắt vẻo bên cạnh một cái nồi to. Mấy con chó thì lon ton, loăng quăng, lúc chạy trước, lúc chạy sau.
Trên nương, mỗi người một việc. Người lớn đánh trâu ra cày. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá. Mấy chú bé đi tìm chỗ ven suối để bắc bếp thổi cơm. Chẳng mấy chốc, khói bếp đã um lên. Các bà mẹ cúi lom khom tra ngô. Được mẹ địu ấm, có khi em bé vẫn ngủ khì trên lưng mẹ. Lũ chó nhưng nhăng chạy, sủa om cả rừng.
Những khi đi làm nương xa, chiều không về kịp, mọi người ngủ lại trong lều. Sương xuống mù mịt, lạnh buốt. Những bữa cơm tối, các gia đình quây quần ấm áp quanh đống lửa lớn đương bùng bùng cháy.
TÔ HOÀI
CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA
- Thái, Xá: tên hai dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao.
- Nông cụ: dụng cụ nông nghiệp.
- Thồ: (súc vật) chuyên chở hàng hóa trên lưng (nghĩa trong bài).
- Thổi cơm: nấu cơm.
- Tra: cho từng hạt giống vào chỗ đã cuốc xới để hạt mọc mầm, lên cây.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Từ ngữ, hình ảnh nào trong bài đọc cho biết mọi người trong làng đều đi làm nương? Tìm các ý đúng:
a) Cả làng đều đi làm nương.
b) Trên nương, mỗi người một việc.
c) Trên sàn, dưới đất mọi nhà đều vắng tanh.
d) Con ngựa đeo tất cả đồ đạc và nông cụ trên lưng.
2. Những chi tiết nào trong bài đọc cho thấy cảnh làm nương diễn ra ở miền núi? Tìm các ý đúng:
a) Nương xa, nhiều khi lên tận ngọn suối.
b) Người lớn đánh trâu ra cày.
c) Mấy chú bé tìm chỗ bắc bếp thổi cơm ở ven suối.
d) Các bà mẹ cúi lom khom tra ngô
3. Trên nương, mỗi người làm gì? Hoàn thành bảng sau vào vở
Người | Việc |
Cụ già | ************ |
Người lớn | ************ |
Bà mẹ | ************ |
Trẻ em | ************ |
Em bé | ************ |
4. Tìm danh từ trong các câu sau:
Trên nương, mỗi người một việc. Người lớn đánh trâu ra cày. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá.
5. Qua câu cuối bài đọc, chúng ta thấy được điều gì? Tìm ý đúng:
a) Thời tiết lạnh giá ở rừng núi khi màn đêm buông xuống.
b) Tình cảm gắn bó, thân thiết giữa mọi người trong gia đình, làng xóm.
c) Cảnh lao động hăng say của mọi người trong gia đình, làng xóm.
d) Cảnh vắng vẻ ở bản làng trong mùa đi làm nương.
Tiết 7 (trang 68)
(Bài luyện tập viết)
Chọn 1 trong 2 để sau:
1. Làm đơn xin nghỉ buổi sinh hoạt ngoại khoá vì lí do sức khoẻ.
2. Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Uy-li-am trong câu chuyện “Người thu gió” đã học ở Bài 4.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn