Nội Dung Chính
Trang 70
Trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống
Trong sinh hoạt, học tập hằng ngày, có nhiều hiện tượng (vấn đề) nảy sinh, chẳng hạn: quan hệ bạn bè, cách chọn sách để đọc, yêu cầu bảo vệ môi trường.... Những hiện tượng (vấn đề) đó tác động đến đời sống của em, đòi hỏi em phải tìm hiểu và phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, trước một hiện tượng (vấn đề), các ý kiến được nêu ra có thể rất khác nhau. Vì thế, trao đổi, thảo luận là điều cần thiết. Khi trao đổi, thảo luận, mỗi người cần biết cách trình bày ý kiến của mình và phản hồi về ý kiến của người khác.
1. TRƯỚC KHI NÓI
a. Chuẩn bị nội dung nói
- Tóm lược nội dung bài viết thành dạng đề cương.
- Chú ý sự khác nhau về cách mở đầu, cách triển khai, cách kết thúc giữa bài viết và bài nói để trình bày các nội dung bằng ngôn ngữ nói phù hợp.
- Đánh dấu những chỗ cần nhấn mạnh, ghi chú thêm các số liệu, các bằng chứng....
Mục đích nói Thuyết phục người nghe về ý kiến của em trước một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống. Người nghe Thầy cô giáo, các bạn học sinh trong lớp và những người quan tâm đến hiện tượng (vấn đề) được trao đổi. |
b. Tập luyện
Đối với bài nói trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống, hình thức tập luyện tốt nhất là theo nhóm. Các thành viên luân phiên nói, nghe và góp ý cho nhau để rút kinh nghiệm.
2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI
a. Mở đầu
Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bàn một cách gọn, rõ. Thu hút sự chú ý của người nghe bằng cách dùng câu chuyện đề giới thiệu hiện tượng (vấn đề).
b. Triển khai
- Lần lượt trình bày các ý theo nội dung đã chuẩn bị. Khi nói, cần sử dụng lí lẽ và bằng chứng.
- Nhấn mạnh ý kiến riêng của bản thân.
Trang 71
c. Kết luận
- Tóm lược nội dung đã trình bày.
- Gợi suy nghĩ và kích thích sự đối thoại của người nghe.
Chú ý:
- Điều chỉnh giọng nói và tốc độ nói phù hợp (không nói to hay nhỏ quá; không nói nhanh hay chậm quá; lên giọng, xuống giọng ở những chỗ cần thiết).
- Giọng nói truyền cảm; cách nói nghiêm túc nhưng vui vẻ.
- Ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp, thể hiện sự tương tác với người nghe.
3. SAU KHI NÓI
Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:
Người nghe | Người nói |
• Trao đổi lại với người nói về hiện tượng (vấn đề) đời sống được bàn luận, về cách trình bày bài nói. • Thảo luận bằng cách nêu thắc mắc, yêu cầu người nói giải đáp thêm. Nhận xét về lí lẽ và bằng chứng mà người nói sử dụng. | • Lắng nghe ý kiến phản hồi của người nghe. • Giải thích thêm những chỗ người nghe thắc mắc. • Bảo vệ ý kiến của mình nếu nhận thấy ý kiến đó đúng. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn