Viết | Ngữ Văn 6 - Tập 2 | Bài 8: Khác biệt và gần gũi - Lớp 6 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Viết

Nội Dung Chính


Trang 66

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm

Xem người ta kìa! và Hai loại khác biệt là những văn bản nghị luận em đã đọc. Vấn đề được nêu và bàn luận trong đó rất gần gũi với đời sống của mỗi người. Hằng ngày, xung quanh chúng ta còn có bao nhiêu điều đáng suy nghĩ. Nắm được đặc điểm của văn bản nghị luận qua các bài đã đọc, em hãy viết một bài văn bàn về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm.

Trang 67

Yêu cầu đối với bài văn nghị luận trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề):

• Nêu được hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận.

• Thể hiện được ý kiến của người viết.

• Dùng lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người đọc.

Phân tích bài viết tham khảo

Câu chuyện đồng phục

Lên lớp 6, trong buổi tập trung đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm lớp tôi đã dặn: “Bắt đầu từ ngày khai giảng, trừ những lúc lao động hoặc tham gia các hoạt động ngoài giờ, mỗi khi đi học, các em đều cần phải mặc đồng phục. Điều này thuộc nội quy của nhà trường, không em nào được vi phạm đấy nhé”. Một cậu thốt lên: “Tưởng đồng phục là chuyện của tiểu học, nào ngờ...”. Một vài người hưởng ứng cậu ấy. Tôi không tán thành thái độ đó của các bạn, bởi vì, theo suy nghĩ của tôi, mặc đồng phục khi đến trường là điều cần thiết.

Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận: quy định mặc đồng phục đối với học sinh khi đến trường.

 

Thể hiện ý kiến của người viết: tán thành quy định mặc đồng phục đối với học sinh.

Đồng phục có đẹp không? Không biết các bạn khác nghĩ thế nào, riêng tôi, tôi thấy đồng phục toát lên cái đẹp chung của cả tập thể. Buổi sáng, các bạn tôi đều mặc đồng phục đến trường, sát cánh bên nhau, vừa hài hoà vừa đẹp mắt. Mỗi khi tập trung toàn trường, hàng trăm học sinh xếp hàng ngay ngắn, mọi người đều mặc đồng phục, từ trên cao nhìn xuống, giống như những mảng màu lớn trong một bức tranh khổng lồ.

Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường. Cậu này là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, bạn ấy thuộc Trường THCS Lương Thế Vinh, còn cô bé kia học ở Trường THCS Đặng Thai Mai,... tất cả đều được nhận ra nhờ bộ đồng phục mà họ mặc. Trong cuộc thi “Nhóm bạn lí tưởng” ở huyện, “màu cờ sắc áo" không chỉ thể hiện ở tài trí của năm bạn trong đội hình thi đấu trên sân khấu, mà còn ở các nhóm cổ động viên tưng bừng, nổi bật trong bộ đồng phục của trường mình trên khán đài.

Trang 68

Dùng li lễ và bằng chứng để thuyết phục người đọc.

Trong lớp tôi, hoàn cảnh của từng bạn rất khác nhau. Đây là Hoàn, bố mẹ làm kinh doanh, gia đình khá giả. Kia là Lê, bố mẹ làm công nhân, kinh tế gia đình bình thường. Còn Phương, bố mất sớm, mẹ làm việc ở một xưởng sản xuất nhỏ, cuộc sống hằng ngày còn nhiều khó khăn,... Vì các bạn đều mặc đồng phục nên khoảng cách giàu nghèo giữa người này với người kia không còn nhận thấy nữa, mọi người trở nên bình đẳng, gần gũi nhau hơn.

Đồng phục có làm cho tính cách, suy nghĩ của mọi người giống hệt nhau? Hẳn có người sợ điều đó xảy ra, nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Ở lớp tôi, mỗi bạn có tính cách riêng, không ai giống ai. Bích Hiển trầm lặng, ít nói; Cẩm Vân thì như sáo sậu, ca hát luôn miệng; Văn Hoạt khéo léo, nhẹ nhàng;... Trí thông minh, tính cách riêng của những bạn ấy không hề bị xoá nhoà bởi bộ đồng phục.

Như vậy, các trường quy định học sinh mặc đồng phục là một việc cần thiết. Qua một số chương trình ti vi, tôi thấy các trường học ở nước ngoài, học sinh cũng mặc đồng phục. Bộ đồng phục còn nhắc nhở tôi về tính ngăn nắp, ý thức kỉ luật. Mỗi buổi tối, học bài xong, trước khi đi ngủ, bao giờ tôi cũng chuẩn bị sẵn bộ đồng phục để sáng mai mặc đến trường. Tôi cho rằng đó là một thói quen tốt. Còn bạn, bạn nghĩ sao?

(Bài làm của học sinh)

Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài

Đề tài có thể được ấn định (đề kiểm tra, đề thi) hoặc do người viết lựa chọn. Nếu được tự chọn đề tài, em hãy suy nghĩ xem trong cuộc sống hằng ngày, có hiện tượng (vấn đề) nào khiến em quan tâm và muốn trình bày ý kiến.

Tham khảo một số đề tài sau:

- Tôn trọng người khác và mong muốn được người khác tôn trọng

- Thái độ đối với người khuyết tật

- Noi gương những người thành công

- Đánh giá khả năng của bản thân

- Hiện tượng bắt nạt trong trường học hiện nay.

Mục đích viết

Thuyết phục người đọc về ý kiến của em trước một hiện tượng (vấn đề) gần gũi trong đời sống.

Người đọc

Thầy cô, bạn bè và những người quan tâm đến hiện tượng (vấn đề) đời sống được bàn luận.

Trang 69

Ngoài những đề tài nêu trên, em cũng có thể tự tìm một đề tài mà mình am hiểu và cảm thấy thú vị để thực hiện bài viết.

b. Tìm ý

- Cần hiểu như thế nào về hiện tượng (vấn đề) này?

- Những khía cạnh cần bàn bạc.

- Bài học rút ra từ vấn đề bản luận.

c. Lập dàn ý

Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý.

Dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận.

- Thân bài: Đưa ra ý kiến bàn luận.

+ Nêu ý 1 (lí lẽ, bằng chứng)

+ Nêu ý 2 (lí lẽ, bằng chứng)

+ Nêu ý 3 (lí lẽ, bằng chứng)

+ ...

- Kết bài: Khẳng định lại ý kiến của bản thân.

2. VIẾT BÀI

Bám sát dàn ý đề viết bài. Khi viết cần chú ý:

- Có thể mở bài trực tiếp: nêu thẳng hiện tượng (vẫn đề), hoặc mở bài gián tiếp bằng cách kể một câu chuyện ngắn để giới thiệu hiện tượng (vẫn đề).

- Mỗi ý trong bài phải trình bày thành một đoạn văn, có lí lẽ và bằng chứng cụ thể.

3. CHÍNH SỬA BÀI VIẾT

Đọc lại bài viết, rà soát từng phần, từng đoạn để chỉnh sửa theo gợi ý sau đây:

Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
Nêu được hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận. Đọc lại phần mở bài, nếu chưa thấy hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận thì phải nêu cho rõ.
Thể hiện được ý kiến (tình cảm, thái độ, cách đánh giá,...) của người viết về hiện tượng (vấn đề). Bổ sung những câu thể hiện tình cảm, thái độ, cách đánh giá về hiện tượng (vấn đề) nếu thấy còn thiểu.
Đưa ra được các li lẽ và bằng chứng để bài viết có sức thuyết phục. Kiểm tra lại các lí lẽ và bằng chứng, nếu lí lẽ chưa chắc chắn, bằng chứng chưa tiêu biểu hoặc còn thiếu thì phải chỉnh sửa, thay thế, bổ sung.
Bảo đảm các yêu cầu về chính tả và diễn đạt. Tự phát hiện các lỗi về chính tả và diễn đạt đề sửa lại cho phù hợp.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Viết | Ngữ Văn 6 - Tập 2 | Bài 8: Khác biệt và gần gũi - Lớp 6 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 6

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.