Nội Dung Chính
VĂN BẢN
Có người cho rằng: Bài toán dân số đã được đặt ra từ thời cổ đại. Lúc đầu tôi không tin điều này. Bởi vì vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình chỉ mới được đặt ra vài chục năm nay. Còn nói từ thời cổ đại tức là chuyện của dăm bảy ngàn năm về trước. Độ chênh về thời gian ấy, ai mà tin được! Thế mà nghe xong câu chuyện này, qua một thoáng liên tưởng, tôi bỗng “sáng mắt ra”…
Đó là câu chuyện từ một bài toán cổ, kể về việc kén rể của nhà thông thái. Nhà thông thái nọ có một cô con gái rất đẹp. đến tuổi cập kê(1), cô gái cần tuyển một đấng phu quân(2). Rất nhiều chàng trai đến dự thi. Được làm rể nhà thông thái là điều vô cùng hấp dẫn, nhất là đối với con cái của những nhà giàu có. Nhà thông thái đưa ra một bàn cờ tướng gồm 64 ô. Ông yêu cầu các chàng trai thực hiện theo điều kiện sau: đặt 1 hạt thóc vào ô thứ nhất; ô thứ hai đặt 2 hạt thóc; và các ô tiếp theo số thóc cứ thế nhân đôi. Ai đủ số thóc theo yêu cầu của bài toán thì sẽ là chồng cô gái. Ban đầu ai cũng tưởng có gì mà không đủ. Nhưng rồi kết cục… không chàng trai nào đủ thóc để lấy được cô gái. Số thóc được tính ra theo bài toán cấp số nhân(3) ấy, nhiều đến mức có thể phủ khắp bề mặt trái đất này. Một con số kinh khủng biết nhường nào!
Bây giờ nếu ta tạm thời công nhận theo Kinh Thánh(4), khi khai thiên lập địa, trái đất này mới chỉ có hai người: một chàng A-đam và một nàng E-va; thì đến năm 1995 dân số toàn thế giới là 5,63 tỉ người. Theo bài toán cổ kia thì loài người phát triển theo cấp số nhân, công bội là 2, đã đạt đến ô thứ 30. Đó là với điều kiện một gia đình chỉ có hai con, và đã trừ đi tỉ lệ tử vong (kể cả dịch bệnh hoặc chiến tranh không quá 5%)
Trong thực tế, một người phụ nữ có khả năng sinh được rất nhiều con. Theo thống kê của Hội nghị Cai-rô (Ai Cập) họp ngày 5 – 9 – 1994 thì tỉ lệ sinh con của một phụ nữ Ấn Độ là 4,5; Nê-pan: 6,3; Ru-an-đa: 8,1; Tan-da-ni-a: 6,7; Ma-đa-gát-xca: 6,6… Tính chung toàn châu Phi là 5,8. Phụ nữ Việt Nam là 3,7. Như vậy phấn đấu để mỗi gia đình có một đến hai con là một chỉ tiêu rất khó khăn. Với tỉ lệ hàng năm tăng 1,73% như mười lăm năm trước và 1,57% năm 1990 thì dân số hành tinh của chúng ta năm 2015 sẽ là hơn 7 tỉ người. Theo bài toán cổ trên, số dân ấy đã mon men sang ô thứ 31 của bàn cờ.
Đừng để cho mỗi người trên trái đất này chỉ còn diện tích 1 hạt thóc. Muốn thế phải góp phần làm cho chặng đường đi đến ô thứ 64 càng dài lâu hơn, càng tốt. Đó là con đường “tồn tại hay không tồn tại” của chính loài người.
(Theo Thái An, Báo Giáo dục & Thời đại Chủ nhật, số 28, 1995)
Chú thích:
(1) Tuổi cập kê (từ cũ): tuổi búi tóc cài trâm, chỉ người con gái ngày xưa đã đến tuổi có thể gả chồng.
(2) Phu quân: người chồng.
(3) Cấp số nhân: dãy số trong đó từ số thứ hai trở đi, mỗi số bằng số đứng liền trước nó nhân với một hằng số (số không đổi) gọi là công bội. Dãy 1, 2, 4, 8, 16, …. Là một cấp số nhân có công bội là (2). Dãy số này có thể viết thành 1, 2, 22,23, 24,… bàn cờ có 64 ô, vậy số hạt thóc ở ô thứ 64 là 263.
(4) Kinh Thánh: sách giáo lí của đạo Ki-to.
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Nội dung chính: Văn bản đề cập đến tình trạng bùng nổ dân số thế giới quá nhanh. Từ câu chuyện một bài toán cổ về cấp số nhân, tác giả đã đưa ra các con số buộc người đọc phải liên tưởng, suy ngẫm về sự gia tăng dân số đáng lo ngại của thế giới , nhất là ở các nước chậm phát triển
1. Xác định bố cục của văn bản, nêu nội dung chính của mỗi phần. Riêng về phần Thân bài, hãy chỉ ra các ý lớn (luận điểm).
2. Vấn đề chính mà tác giả muốn đặt ra trong văn bản này là gì? Điều gì đã làm tác giả “sáng mắt ra”?
3. Câu chuyện kén rể của nhà thông thái có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong việc làm nổi bật vấn đề chính mà tác giả muốn nói tới?
4. Việc đưa ra những con số về tỉ lệ sinh con của phụ nữ ở một số nước theo thông báo của Hội nghị Cai-rô nhằm mục đích gì? Trong số các nước kể tên trong văn bản, nước nào thuộc châu Phi và nước nào thuộc châu Á? Bằng những hiểu biết của mình về hai châu lục đó, trước những con số tỉ lệ sinh con đã nêu, em có nhận xét gì về sự phát triển dân số ở hai châu lục này? Có thể rút ra kết luận gì về mối quan hệ giữa dân số và sự phát triển xã hội?
5. Văn bản này đem lại cho em những hiểu biết gì?
Ghi nhớĐất đai không sinh thêm, con người lại ngày càng nhiều lên gấp bội. Nếu không hạn chế sự gia tăng dân số thì con người sẽ tự làm hại chính mình. Từ câu chuyện một bài toán cổ về cấp số nhân, tác giả đã đưa ra các con số buộc người đọc phải liên tưởng và suy ngẫm về sự gia tăng dân số đáng lo ngại của thế giới, nhất là những nước chậm phát triển. |
LUYỆN TẬP
1. Liên hệ với phần Đọc thêm để tìm câu trả lời: Con đường nào là con đường tốt nhất để hạn chế sự gia tăng dân số? Vì sao?
2. Hãy nêu các lí do chính để trả lời cho câu hỏi: Vì sao sự gia tăng dân số có tầm quan trọng hết sực to lớn đối với tương lai nhân loại, nhất là đối với các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu?
3. Dựa vào số liệu về sự gia tăng dân số thế giới đã nêu trong phần Đọc thêm, hãy tính từ năm 2000 đến tháng 9 – 2003 xem số người trên thế giới đã tăng bao nhiêu và gấp khoảng bao nhiêu lần dân số của Việt Nam hiện nay.
ĐỌC THÊM
1. Ở khắp mọi nơi, trong mọi bối cảnh xã hội và văn hóa, đẩy mạnh giáo dục cho phụ nữ là hạ thấp tỉ lệ thụ thai cũng như tỉ lệ tử vong và tỉ lệ mắc bệnh. Điều đó cho thấy, sự lựa chọn sinh đẻ là thuộc quyền của phụ nữ. Mà cái quyền này chỉ có thể là kết quả của việc giáo dục tốt hơn. Cần có những cố gắng đặc biệt để hướng tới số đông phụ nữ. Cho tới nay có tới 29% em gái chưa được ghi tên vào trường tiểu học, 65% của 900 triệu người mù chữ trên thế giới là phụ nữ. Việc đó đòi hỏi cả một loạt phương pháp huấn luyện và giảng dạy thay đổi, cũng như những phương tiện học tập thường xuyên có sẵn cho mọi người, ở mọi lứa tuổi mà không đòi hỏi ở họ những điều kiện gì. [..]
Từ quá lâu, cuộc sống của rất nhiều người đã bị lệ thuộc vào quyền lực của kẻ khác, vào cách nhìn nhận của kẻ khác, vào sự ngu dốt và áp bức. Giáo dục tức là giải phóng. Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hoà bình, công bằng và Công lí. Những người nắm giữ chìa khoá của cánh cửa này – các thầy giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ – gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tuỳ thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy.
(Phê-đê-ri-cô May-o(a), Giáo dục - chìa khoá của tương lai,
Tạp chí Người đưa tin UNESCO(b), số 12, 1994)
2. Thống kê và dự báo sự phát triển của dân số thế giới từ năm 1950 tới năm 2050:
Năm | Tổng số dân | Tỉ lệ tăng/năm | Dân số thay đổi/năm |
1950 | 2 555 078 074 | 1,47% | 37 783 610 |
1960 | 3 039 332 401 | 1,33 | 40 781 960 |
1970 | 3 707 610 112 | 2,07 | 77 580 647 |
1980 | 4 456 705 217 | 1,70 | 76 259 715 |
1990 | 5 283 755 345 | 1,56 | 83 182 744 |
2000 | 6 080 141 683 | 1,26 | 77 258 877 |
2010 | 6 823 634 553 | 1,03 | 70 770 206 |
2020 | 7 518 010 600 | 0,88 | 66 371 114 |
2030 | 8 140 344 240 | 0,70 | 57 189 977 |
2040 | 8 668 391 454 | 0,55 | 47 462 555 |
2050 | 9 104 205 830 (9 tỉ, 104 triệu, 205 ngàn, 803 người) |
3. Theo đồng hồ dân số Thế giới (popclockw), tổng số người trên trái đất tính đến 9 giờ, 37 phút, 12 giây (giờ GMT), ngày 30 – 9 – 2003 là 6 320 815 650 người.
(Dẫn theo http://www.censesus.census.gov/popclockw)
(a) Phê-đê-ri-cô May-o (Federico Mayor): nhà sinh học người Tây Ban Nha, được bầu là Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO từ 1987 đến 1999.
(b) UNESCO: viết tắt các chữ cái đầu tên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn