Nội Dung Chính
(Trang 4)
Hãy đắm mình vào vẻ đẹp của cuộc sống.
Hãy ngắm nhìn và bay lên cùng những vì sao.
Ma-cót Au-re-li-ớt (Marcus Aurelius)
GIỚI THIỆU BÀI HỌC
|
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
|
(Trang 5)
Đọc
TRI THỨC NGỮ VĂN
Cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyếns
- Cốt truyện đơn tuyến là kiểu cốt truyện chỉ có một mạch sự kiện. Trong cốt truyện đơn tuyến, hệ thống sự kiện thường tương đối đơn giản, tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của một hoặc một vài nhân vật chính.
- Cốt truyện đa tuyến là kiểu cốt truyện tồn tại đồng thời ít nhất hai mạch sự kiện. Trong cốt truyện đa tuyến, hệ thống sự kiện thường phức tạp, chồng chéo, tái hiện nhiều bình diện của đời sống gắn với số phận các nhân vật chính của tác phẩm.
Trợ từ, thán từ
- Trợ từ là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ nào đó trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó.
- Thán từ là những từ dùng để bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của người nói (người viết) hoặc dùng để gọi – đáp.
VĂN BẢN ĐỌC
VĂN BẢN 1. Mắt sói (trích), Đa-ni-en Pen-nắc (Daniel Pennac) VĂN BẢN 2. Lặng lẽ Sa Pa (trích), Nguyễn Thành Long VĂN BẢN 3. Bếp lửa, Bằng Việt |
VĂN BẢN 1
TRƯỚC KHI ĐỌC
Nêu tên một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim có nội dung nói về sự đồng cảm, gắn bó giữa con người và thế giới tự nhiên (loài vật, cây cỏ, vũ trụ,...). Chia sẻ ngắn gọn cảm nhận của em về tác phẩm văn học hoặc bộ phim đó.
(Trang 6)
ĐỌC VĂN BẢN
Mắt sói(1)
Trích, ĐA-NI-EN PEN-NẮC
Chương 2. Mắt sói
(1)
Một con mắt màu vàng, tròn xoe, chính giữa có một con ngươi màu đen. Một con mắt không chớp bao giờ. Hệt như cậu bé đang nhìn một ngọn đèn trong đêm, cậu chẳng thấy gì ngoài con mắt này: cây cối, vườn thú, khu chuồng, mọi thứ đã biến mất. Chỉ còn lại một điều duy nhất: mắt sói. Con mắt càng lúc như càng to hơn, tròn hơn, như một tuần trăng úa trên bầu trời trống trải, và chính giữa, một con ngươi như càng đen hơn, và trong quầng vàng nâu quanh con ngươi, người ta thấy xuất hiện những điểm màu khác nhau, chỗ này là màu lam (xanh như nước đóng băng dưới bầu trời), chỗ kia là một tia ánh vàng, lấp lánh như trang kim(2).
Nhưng điểm quan trọng nhất chính là con ngươi. Con ngươi màu đen!
- Mi đã muốn nhìn ta thì nhìn đi!
Dường như con ngươi muốn nói. Nó loé lên một tia sáng khủng khiếp. Hệt một ngọn lửa. “Đúng rồi, cậu bé nghĩ: ngọn hắc hoả(3)!"
(1) Mắt sói là tiểu thuyết ngắn gồm bốn chương. Chương 1 kể về cuộc gặp gỡ kì lạ giữa cậu bé tên là Phi Châu và Sói Lam ở vườn bách thú. Sói Lam chỉ còn một mắt. Con mắt kia của nó đã bị mất trong một cuộc giao tranh với con người. Con sói và cậu bé nhìn nhau bằng một mắt trong khu vườn thù vắng vẻ và yên lặng. Chương 2 là mạch truyện về nhân vật Sói Lam. Cậu bé Phi Châu nhìn sâu vào mắt Sói Lam và câu chuyện của gia đình nhà sói đã hiện lên trong con mắt ấy. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba nhưng có lúc được chuyển sang ngôi thứ nhất qua lời của nhân vật Sói Lam. Sói Lam kể về những cuộc trốn chạy các toán đi săn của gia đình nhà sói nơi Bắc Cực xa xôi, lạnh giá. Chương 3 chuyển sang mạch truyện về nhân vật Phi Châu. Sói Lam nhìn sâu vào mắt Phi Châu và câu chuyện của cậu bé đã hiện ra với hành trình mưu sinh nhọc nhằn trên khắp châu Phi. Sau vụ tai nạn xe buýt, cậu bé đã được mẹ Bia, cha Bia cứu sống, chăm sóc và sống cùng họ ở Châu Phi Xanh. Cây cối ở Châu Phi Xanh bị con người tàn phá ngày càng nhiều và hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra. Vì thế, gia đình Phi Châu phải rời bỏ vùng đất này đến "Thế Giới Khác". Chương 4 kể về việc gia đình Phi Châu chuyển đến thành phố và cha Bia được làm việc trong sở thú. Ở vườn thú, Phi Châu đã được gặp lại những người bạn thân thiết của mình, trong đó có lạc đà Hàng Xén, Báo,... Mẹ Bia rất lo lắng vì vài tháng nay một con mắt của Phi Châu đã nhắm lại. Con mắt của sói đã lành từ lâu, song nó nghĩ trong cái vườn bách thú buồn thiu này, chỉ cần nhìn bằng một mắt là quá đủ. Nhưng bây giờ Sói đã có Phi Châu làm bạn. Sói nhìn ra thế giới xung quanh với những người bạn và các loài cây tràn ngập lối đi. Nó nghĩ hình ảnh tươi đẹp này đáng nhìn bằng hai mắt. Vì thế, “nháy một cái", mí mắt của sói mở ra và "nháy một cái", mí mắt của cậu bé mở ra.
(2) Trang kim: phủ lên bề mặt đồ vật nào đó (chỉ, giấy, vải,...) một lớp kim loại mỏng.
(3) Hắc hoả: ngọn lửa màu đen.
(Trang 7)
Và câu trả lời:
- Được rồi, Hắc Hoả, ta nhìn đây. Ta không sợ đâu.
Con ngươi như to hơn, choán hết cả con mắt, cháy lên như một đám lửa thực sự, cậu bé không ngoảnh mặt đi. Và khi mọi thứ trở nên tối sầm, đen thẫm, cậu phát hiện ra một điều mà trước cậu, chưa hề có ai nhìn thấy trong mắt sói: con ngươi có sự sống. Con ngươi màu đen chính là một con sói cái đang nằm cuộn tròn giữa bầy con nhỏ của mình, nó vừa gầm gừ vừa nhìn cậu bé. [...]
Và chẳng thèm để ý tới cậu bé nữa, sói cái lướt nhìn một lượt bảy đứa con nhỏ của mình đang nằm vây quanh. Chúng làm thành một quầng màu hung đỏ.
“Sắc cầu vồng, cậu bé nghĩ, quanh con ngươi có sắc cầu vồng.”
Phải rồi, màu lông của năm sói con hệt quầng hung đỏ của cầu vồng. Bộ lông của con thứ sáu màu xanh lam, xanh như màu nước đóng băng dưới nền trời trong veo. Sói Lam!
Con thứ bảy (một con sói cái màu vàng) trông như tia vàng. Mỗi khi nhìn vào là phải nheo mắt. Mấy cậu sói anh gọi nó là Ánh Vàng. [...]
(2)
Và hẳn vì buồn nên Ánh Vàng muốn được thấy những điều mới mẻ. Cô muốn nhìn thấy con người. Nhìn thật gần cơ. Và chuyện xảy ra vào một đêm. Vẫn toán đi săn mọi khi lùng sục theo gia đình sói. Họ dụng trại ở một vùng trũng đầy cỏ, từ hang sói tới đó mất chừng ba giờ đồng hồ. Ánh Vàng ngửi thấy mùi khói bốc lên từ đám lửa họ đốt. Cô còn nghe thấy cả tiếng củi khô kêu lách tách.
“Ta phải tới đó xem sao”, cô tự nhủ.
“Ta sẽ trở về trước khi trời sáng.”
“Cuối cùng ta cũng sẽ phải được biết họ giống ai chứ."
“Ta sẽ có chuyện kể cho mọi người, và cả nhà sẽ đỡ buồn hơn."
“Và hơn hết là vì họ đang săn lùng ta..."
Cô nghĩ như vậy là đủ lí do để trốn khỏi hang.
Và cô đi tới đó.
Khi Sói Lam tỉnh giấc vào đêm hôm đó (như có linh cảm), cô sói em đã đi cách đó một giờ đồng hồ. Nó đoán ngay chuyện gì đã xảy ra. Cô ấy đã lửa Sói Xám Em Họ gác đêm hôm đó (điều này cô ấy cũng làm được), và cô đã tới chỗ con người.
(Trang 8)
“Ta sẽ đuổi kịp em!"
Sói anh đã không làm được điều này.
Tới chỗ dựng trại của toán đi săn, Sói Lam thấy có nhiều người đứng nhảy múa trong ánh lửa chập chờn, quanh một tấm lưới bị buộc chặt bằng một sợi dây thùng rất to, cột vào một giá đỡ. Ánh Vàng bị nhốt trong lưới đang cắn vào chỗ trống. Bộ lông của nó lấp lánh những ánh chớp vàng trong màn đêm. Bầy chó điên loạn nhảy chồm chồm dưới tấm lưới. Hàm răng lộp cộp. Còn đám người thì vừa nhảy vừa hú. Họ mặc áo lông cáo. “Mẹ Hắc Hoả nói đúng”, Sói Lam nghĩ. Và nó nảy ra một ý: “Nếu ta cắn đút sợi dây, lưới sẽ rơi xuống giữa bầy chó và sẽ mở ra. Con bé quá nhanh so với bọn này, và chúng ta sẽ thoát!".
Phải nhảy qua ngọn lửa. Một việc chẳng hay ho gì với một con sói. Nhưng chỉ có cách làm vậy và phải thật nhanh. Không còn thời gian mà sợ hãi. “Tấn công bất ngờ, đó là cơ may duy nhất của ta!”
Thế là Sói Lam tung người bay trên làn không khí bỏng rát bên trên đám lửa, trên những con người (mặt họ đỏ lừ vì khói lửa), bay trên cả bao lưới!
Nó dùng răng cắn đứt phăng sợi dây và hét:
- Chạy đi, Ánh Vàng!
Đám người và chó còn đang nhìn hết lên trời.
Ánh Vàng chần chừ
- Anh Sói Lam, tha lỗi cho em, tha...
Cả đám náo loạn. Sói Lam hất tung hai con chó vào lửa.
- Chạy đi, Ánh Vàng, chạy đi!
- Không! Em không muốn bỏ anh lại một mình!
Nhưng bầy chó quá đông.
- Chạy đi, anh giao cả nhà cho em đấy!
Sói Lam thấy Ánh Vàng tung người nhả một cú tuyệt hảo. Theo sau đó là những tiếng súng nổ. Tuyết bắn ra những chùm tia quanh người cô.
Thế là xong!
Cô đã mất hút trong màn đêm.
Sói Lam chưa kịp mừng vì em chạy thoát. Bất ngờ một gã to như gấu đứng sựng trước mặt nó, hai tay vung một thân cây đang bốc cháy. Choáng váng. Đầu Sói Lam như nổ tung. Và màn đêm. Nó ngã xuống, ngã xuống, cứ xoay tròn và rơi mãi trong màn đêm đầy tia lửa.
(Trang 9)
(Khi tỉnh lại, Sói Lam chỉ mở được một mắt. Nó đã bị đẩy tới năm hay sáu vườn thú trong suốt mười năm qua. Câu chuyện trở về với hình ảnh cậu bé yên lặng, chăm chú đứng trước chuồng sói. Sói rất vui được gặp lại cậu bé. Cậu bé chính là kỉ niệm cuối cùng của sói. Con người trong mắt sói bùng lên như một ngọn lửa bao quanh cậu bé đầy thắc mắc: “Còn cậu? Cậu ấy? Cậu là ai? Hà? Cậu là ai? Mà tên cậu là gì nhỉ?")
Chương 3. Mắt người
(3)
Đây không phải lần đầu tiên có người hỏi tên cậu bé. Hồi đầu có nhiều đứa trẻ khác hỏi...
- Ê này, cậu mới đến đây hả?
- Cậu từ đâu tới đấy?
- Bố cậu làm gì?
- Cậu mấy tuổi?
- Cậu học lớp mấy?
- Có biết chơi trò chòi cao không?
Toàn những câu hỏi trẻ con.
Nhưng thường mọi người hỏi giống câu Sói Lam vừa nảy ra trong đầu:
- Cậu tên là gì?
Và chưa hề có ai hiểu được câu trả lời của cậu bé.
- Tôi tên là Phi Châu.
- Phi Châu ư? Đấy là tên nước chứ có phải tên người đâu!
Và họ cười.
– Nhưng tên tôi là Phi Châu thật mà. [...]
Song cậu bé biết rõ là một cái tên sẽ chẳng nói lên điều gì nếu không có chuyện của nó. Cũng như một con sói trong vườn thú: Nó sẽ chỉ là một con thú bình thường như bao con khác nếu người ta không biết chuyện về cuộc đời nó.
“Được rồi, Sói Lam ơi, ta sẽ kể cho mi nghe chuyện của ta."
Và đến lượt con mắt của cậu bé chuyển động. Như một ánh sáng vụt tắt. Hoặc cảm giác như một đường hầm bị sập dưới lòng đất. Phải rồi, một đường hầm giống một cái hang cáo mà Sói Lam từng chui vào. Càng vào sâu thì càng mờ mịt.
(Trang 10)
Chẳng mấy chốc thì tối om, không còn giọt nắng nào. Ngay tới đầu ngón chân mình Sói Lam cũng không nhìn thấy. Không biết nó chìm trong con mắt của cậu bé như thế bao lâu rồi nhỉ? Thật khó nói. Nhiều phút trôi qua tưởng chừng như hàng năm trời. Mãi tới lúc, một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên từ sâu trong bóng đêm:
“Đây rồi, Sói Lam ơi, đây là nơi có kỉ niệm đầu tiên của ta đó!”
(Vào một đêm hãi hùng do chiến tranh ở châu Phi, cậu bé Phi Châu mồ côi được một người phụ nữ tốt bụng đưa tiền cho lão Toa lái buôn và nhờ lão đưa đi thật xa. Cậu bé và lạc đà một bướu tên là Hàng Xén đã trở thành đôi bạn thân thiết. Rất nhiều lần, lão Toa lái buôn đã cố tìm cách bỏ rơi cậu bé. Nhưng lạc đà kiên quyết không đi nếu không có cậu. Một buổi sáng, lão Toa đã bán lạc đà Hàng Xén trong thành phố và bán cậu bé Phi Châu cho Vua Dê.)
(4)
Sau khi lão Toa đi rồi, Phi Châu phải mất hàng giờ để tìm Hàng Xén. Nhưng chẳng thấy.
“Nó không thể rời thành phố được, nó không thể đi đâu một bước mà mà không không có có tôi tôi! Nó đã hứa với tôi thế rồi mà!"
Cậu hỏi thăm những người qua đường. Và mọi người trả lời cậu rằng:
- Cậu bé ơi, ở đây ngày nào người ta chẳng bán đến hàng nghìn con lạc đà! Cậu hỏi cả những đứa trẻ trạc tuổi cậu:
- Các bạn có nhìn thấy một con lạc đà một bướu có đôi mắt mơ màng không?
Bọn trẻ cười vang:
- Lạc đà một bướu nào chẳng mơ màng!
Cậu hỏi cả những con lạc đà:
- Một chú lạc đà một bướu to như đồi cát ấy!
Hội lạc đà nhìn chú từ trên cao:
- Cậu bé ơi, chúng tôi toàn nam thanh nữ tú thôi, không có lạc đà một bướu đâu...
(Trang 11)
Và tất nhiên cậu hỏi cả những người mua lạc đà
- Một chú lạc đà một bướu rất đẹp màu cát mà bác lái buôn Toa đã bán đi...
- Bán bao nhiêu? - Mấy người mua hỏi, vì họ chỉ quan tâm vậy thôi.
Cậu cứ đi hỏi suốt cho tới lúc Vua Dê nổi cáu:
- Này, Phi Châu, không phải mày ở đây để tìm con lạc đà nhé, mày ở đây để chăn đàn cừu và dê của tao nghe chưa! [...]
Phi Châu đã ở lại chăn cừu cho Vua Dê được tròn hai năm. Dân trong vùng Châu Phi Xám(1) vô cùng ngạc nhiên, không tin lắm vào chuyện này.
Thường lão giả không giữ người chăn cừu nào quá hai tuần. Cậu có mẹo gì vậy?
Phi Châu không hề có bí mật gì. Cậu là một người chăn cừu tốt, chỉ có vậy thôi. Cậu đã hiểu ra một điều rất đơn giản: Đàn cừu và dê không có kẻ thù. Nếu thi thoảng có sư tử hay báo ăn thịt một con dê cái thì chỉ vì nó đói. Phi Châu đã giải thích điều này với Vua Dê.
Vua Dê này, nếu ông muốn lũ sư tử không tấn công đàn cừu và dê thì ông phải cho chúng ăn.
- Nuôi bọn sư tử ư?
Vua Dê lấy tay vê bộ ria.
Được, Phi Châu ạ, hay đấy.
Và thế là cứ chỗ nào Phi Châu đưa dê tới gặm cỏ là lão cũng để sẵn những miếng thịt to đùng đem từ thành phố về.
- Phần của mày đây nhé Sư Tử, đừng có đụng vào bọn cừu cái của tao đấy.
Lão Sư Tử Già của Châu Phi Xám lượn qua những khu để thịt chẳng cần vội vàng.
- Mày đúng là một thằng chăn cừu buồn cười thật.
Và lão vào bàn ăn.
Với tên Báo thì Phi Châu nói chuyện lâu hơn. Vào buổi tối Báo bò sát gần đàn dê và cừu. Phi Châu đã đề phòng rất chắc và nói:
– Báo này, đừng có bò như rắn thế, tôi nghe thấy tiếng anh rồi đấy.
(1) Trong tác phẩm, nhà văn gọi tên các vùng đất châu Phi bằng màu sắc. Châu Phi Xám là nơi có những cánh đồng mênh mông rặt cỏ khô. Châu Phi Vàng là vùng đất của biến cát sa mạc. Châu Phi Xanh là nơi có nhiều cây cao và rậm rạp như những đám mây.
(Trang 12)
Báo vô cùng ngạc nhiên thò đầu ra khỏi bụi cỏ khô.
Làm sao mà cậu nghe thấy hả chăn cừu? Chưa hề có ai nghe được tiếng ta đâu.
- Tôi từ Châu Phi Vàng tới. Ở đó không gian lặng như tờ, không hề có tiếng động, làm cho tai rất thính. Tôi có thể nói cho anh là có hai con rận đang cãi nhau trên vai anh đấy.
Và Báo ngoạm nhai luôn hai con rận.
- Thấy chưa, Phi Châu nói, tôi cần nói chuyện với anh.
Báo ta rất háo hức nên ngồi xuống ngay và lắng nghe.
- Anh là một tay đi săn tuyệt vời, Báo ạ. Anh chạy nhanh hơn bất kể loài thú nào, lại còn nhìn được xa hơn. Đây cũng là ưu điểm của người chăn cùru.
Im lặng. Có tiếng một con voi rít từ rất xa. Và tiếp sau đó là tiếng súng nổ.
Toán đi săn lạ, Phi Châu thì thầm.
- Đúng rồi, chúng quay trở lại đấy, Báo nói, hôm qua ta vừa thấy chúng
Một phút buồn bã.
- Báo ơi, anh chăn cùng với tôi nhé?
- Ta sẽ làm được gì?
Phi Châu nhìn Báo một hồi lâu. Hai giọt nước mắt khóc từ lúc nào, giờ đã khô lại làm thành hai vệt đen dài tới tận mép.
- Báo này, anh cần có một người bạn, và tôi cũng vậy.
Chuyện xảy ra với Báo như vậy. Phủ Châu và Báo đã trở thành đôi bạn thân thiết, không thể tách rời.
(Đa-ni-en Pen-nắc, Mắt sói, Giắc-cơ Phéc-răng-đê (Jacques Ferrandez) minh hoạ,
Ngân Hà dịch, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2014, tr. 23-103)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn