Nội Dung Chính
(Trang 33)
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau:
|
Chiếc lá cuối cùng
Trích, O. HEN-RY(1) (O' HENRY)
(Tóm tắt phần đầu: Xiu (Sue) và Giôn-xi (Johnsy) là hai nữ hoạ sĩ nghèo cùng nhau thuê một căn hộ ở gần công viên Oa-sinh-ton (Washington). Vào mùa đông, Giôn-xi bị mắc chứng viêm phổi rất nặng khiến cô tuyệt vọng muốn buông xuôi tất cả, mặc cho Xiu hết lòng chăm sóc, động viên. Cô đếm ngược từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân ở bức tường gạch của toà nhà đối diện với cửa sổ. Giôn-xi tin rằng khi nào chiếc lá cuối cùng rụng thì cô cũng ra đi. Cụ Bơ-men là một hoạ sĩ nghèo, ngoài sáu mươi tuổi, thuê căn hộ dưới tầng của Xiu và Giôn-xi. Hơn bốn mươi năm qua, cụ luôn mơ ước vẽ một bức tranh kiệt tác nhưng chưa thực hiện được. Cụ kiếm được chút ít tiền bằng cách ngồi làm mẫu vẽ cho các nghệ sĩ trẻ cùng xóm.)
Khi hai người lên tới gác trên thì Giôn-xi đang ngủ. Xiu kéo tấm mành mành xuống che kín của sổ và ra hiệu cho cụ Bơ-men sang buồng bên cạnh. Sang đến nơi, họ ngoái ra ngoài cửa sổ, sợ sệt nhìn cây thường xuân(2). Rồi họ nhin nhau, không nói mất một lúc. Một cơn mưa lạnh lẽo dai dẳng, pha lẫn tuyết đang đổ xuống. Cụ Bơ-men mặc chiếc áo sơ mi cũ màu xanh, ngồi làm một tay thợ mỏ già trên cái ấm đun nước lật úp giả làm một tảng đá(3)
Sáng hôm sau, Xiu tỉnh dậy sau khi chợp mắt được một giờ thì thấy Giôn-xi đang mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành mành màu xanh đã kéo xuống.
– Kéo nó lên, em muốn xem – cô thều thào ra lệnh.
Xiu làm theo một cách chán nản.
Nhưng ô kia, sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài cả một đêm, tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên
(1) O. Hen-ry (1862 – 1910) là nhà văn nổi tiếng người Mỹ, chuyên viết truyện ngắn. Tên ông được lấy làm giải thường văn chương thường niên ở Mỹ dành cho những truyện ngắn xuất sắc nhất. Một số truyện ngắn nổi tiếng của O. Hen-ry: Món quà của các đạo sĩ (1906), Hai mươi năm sau (1906), Chiếc lá cuối cùng (1907),...
(2) Thường xuân: như trường xuân.
(3) Cụ đang ngồi làm mẫu cho Xiu vẽ.
(Trang 34)
bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Tuy ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, tuy vậy, chiếc lá vẫn dũng cảm bám vào cành cách mặt đất chừng sáu thước.
- Đó là chiếc lá cuối cùng – Giôn-xi nói. - Em cứ tưởng là nhất định hôm qua nó sẽ rụng. Em nghe thấy gió thổi. Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết.
- Em thân yêu – Xiu nói, cúi khuôn mặt hốc hác xuống gần gối. – Nếu em không còn muốn nghĩ đến mình nữa thì hãy nghĩ đến chị, chị sẽ làm gì đây?
Nhưng Giôn-xi không trả lời. Trong khắp thế gian, cái cô đơn nhất là một tâm hồn đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi, bí ẩn của mình. Những sợi dây ràng buộc cô với tình bạn, với thế gian này cứ lơi lỏng dần từng cái một thì ý nghĩ kì quặc kia hình như lại càng choán lấy tâm trí cô mạnh mẽ hơn.
Ngày hôm đó trôi qua và ngay cả trong ánh hoàng hôn, họ vẫn trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc bám lấy cái cuống của nó trên tường và rồi, cùng với màn đêm buông xuống, gió bấc lại lồng lộn, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào cửa sổ và từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan mưa rơi lộp độp xuống mặt đất.
Khi trời vừa hững sáng thì Giôn-xi, con người tàn nhẫn, lại ra lệnh kéo mành lên.
Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó.
Giôn-xi nằm nhìn lá hồi lâu. Rồi cô gọi Xiu đang quấy món cháo gà trên lò hơi đốt.
- Em thật là một con bé hư, chị Xiu ạ. Giôn-xi nói. - Có một cái gì đó đã làm cho chiếc lá cuối cùng kia vẫn còn đấy để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào.
(Trang 35)
Muốn chết là một tội. Giờ thì chị có thể cho em xin tí cháo và chút sữa pha ít rượu vang đỏ và, không, mang cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp những chiếc gối lại quanh em, để em ngồi dậy xem chị nấu nướng.
Một giờ sau cô lại nói:
- Xiu ơi, em hi vọng một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na-plơ (Naples)(1).
Buổi chiều, bác sĩ tới và khi ông ta về, Xiu kiếm có theo ông ra ngoài hành lang.
- Được năm phần mười rồi - bác sĩ nói và cầm lấy bàn tay mảnh dẻ run rẩy của Xiu. - Chăm sóc chu đáo thì chị sẽ thắng. Và bây giờ tôi phải xuống dưới nhà thăm một bệnh nhân khác. Tên ông cụ là Bơ-men, hình như là một nghệ sĩ gì đó. Cũng lại chứng sưng phổi, ông cụ già yếu, bệnh tình nguy kịch, chẳng còn hi vọng gì, nhưng hôm nay ông cụ sẽ vào nằm bệnh viện để được chăm sóc chu đáo hơn.
Hôm sau, bác sĩ bảo Xiu:
- Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, chị đã thắng. Giờ, chị chỉ còn bồi dưỡng và chăm nom, có thế thôi.
Và buổi chiều hôm đó, Xiu tới bên giường Giôn-xi đang nằm và đang vui vẻ đan một chiếc khăn choàng len màu xanh thẫm rất vô dụng. Xiu ôm lấy cả người Giôn-xi lẫn những chiếc gối.
- Chị có câu chuyện muốn nói với em, con chuột bạch của chị - cô nói. - Hôm nay cụ Bơ-men đã chết vì sưng phổi ở bệnh viện rồi. Cụ ấy ốm chỉ có hai ngày. Buổi sáng ngày thứ nhất, bác gác cổng thấy cụ ấy ốm nặng trong căn phòng của cụ ở tầng dưới. Giầy và áo quần cụ ướt sũng và lạnh buốt. Mọi người không ai hiểu được cụ ấy đã đi đâu trong một đêm khủng khiếp như thế, nhưng rồi họ tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn cháy sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ để của nó, vài chiếc bút lông rơi vung vãi và một bảng màu xanh vàng pha trộn lẫn lộn và em ạ, hãy nhìn ra ngoài cửa sổ kia, hãy nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng ở trên tường. Em có tự hỏi tại sao chẳng bao giờ nó rung rinh hoặc lay động khi gió thổi không? Ô, em thân yêu, đó chính là tác phẩm kiệt xuất của cụ Bơ-men đấy. Cụ vẽ nó vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng.
(O. Henry, Chiếc lá cuối cùng,
theo Ngô Vĩnh Viễn dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1983, tr. 91-100)
(1) Vịnh Na-plơ: vịnh đẹp nổi tiếng ở I-ta-li-a.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn