Bài 3: Kĩ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi | Công Nghệ 9 (Trồng cây ăn quả) - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Kĩ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi


(Trang 19)

Bài 3: KĨ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC 3 CÂY ĂN QUẢ CÓ MÚI

hinh-anh-bai-3-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-an-qua-co-mui-5996-0

Hình 3.1. Cây bưởi
Sau bài học này, em sẽ:

  • Phân tích được đặc điểm thực vật học, yêu cầu ngoại cảnh của cây ăn quả có múi.
  • Nêu được quy trình trồng, chăm sóc, kĩ thuật tỉa cành, tạo tán, điều khiển ra hoa, đậu quả cho cây ăn quả có múi.

Cây bưởi (Hình 3.1) là một loại cây ăn quả có múi. Hãy kể tên một số loại cây ăn quả có múi khác đang được trồng ở địa phương em (hoặc em biết).

I. Đặc điểm thực vật học và yêu cầu ngoại cảnh

1. Đặc điểm thực vật học

Cây ăn quả có múi gồm nhiều loại như cam, bưởi, quýt,... thuộc họ Cam quýt, có các đặc điểm thực vật học chính như sau:
a) Bộ rễ
Bộ rễ của cây ăn quả có múi gồm rễ cọc và rễ bên. Rễ cọc cắm sâu xuống đất giúp
cây đứng vững; rễ bên phân bố nông và phát triển mạnh ở tầng đất mặt từ 10 cm đến 30 cm, có chức năng chính là hút nước và các chất dinh dưỡng cho cây.

b) Thân, cành
Cây ăn quả có múi là cây thân gỗ nhỏ (cam, bưởi) hoặc cây bụi lớn (chanh), có nhiều cành và phân cành thấp. Vì vậy, trong quá trình trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi cần chú ý việc cắt tỉa để đảm bảo độ thông thoáng của tán cây, hạn chế sự phát triển của sâu, bệnh hại.

c) Lá
Lá của cây ăn quả có múi thường có màu xanh, mọc so le, phiến lá hình trái xoan hoặc thuôn dài.

d) Hoa
Hoa của cây ăn quả có múi thường là hoa lưỡng tính, có thể mọc ở đầu cành (bưởi) hoặc mọc từ nách lá (cam, chanh), hoa đơn hoặc chùm, cánh hoa thường có màu trắng hoặc trắng ngả vàng. Hầu hết cây ăn quả có múi đều tự thụ phấn, tuy nhiên cũng có loại có thể thụ phấn chéo (một số loài quýt). Sự thụ phấn chéo sẽ làm tăng khả năng đậu quả nhưng lại làm cho quả có nhiều hạt.

(Trang 20)

e) Quả
Quả của cây ăn quả có múi thường có hình cầu; vỏ quả dày, thường có màu xanh, khi chín có thể chuyển sang màu vàng, vỏ quả có các túi tinh dầu, có mùi thơm đặc trưng; bên trong gồm nhiều múi mọng nước, có vị ngọt hoặc chua tuỳ loại, hạt có màu trắng ngà.

2. Yêu cầu ngoại cảnh

a) Nhiệt độ
Nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sống của cây cũng như năng suất, chất lượng quả của cây ăn quả có múi. Cây ăn quả có múi có thể trồng ở những vùng có nhiệt độ từ 12 °C đến 39 °C, trong đó nhiệt độ thích hợp nhất là từ 23 °C đến 29 °C. Nếu nhiệt độ thấp hơn 12 °C hoặc cao hơn 39 °C, cây sẽ ngừng sinh trưởng, vì vậy cần quan tâm đến yếu tố nhiệt độ để xác định vùng trồng phù hợp với cây ăn quả có múi.
b) Lượng mưa và độ ẩm
Cây ăn quả có múi là loại cây ưa ẩm nhưng không chịu được ủng, lượng mưa thích hợp từ 900 mm đến 1 200 mm/năm; độ ẩm không khí từ 70% đến 80%. Nếu lượng mưa ít hoặc mưa quá nhiều đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng quả của cây. Vì vậy, cần phải chú ý đến việc tưới và tiêu nước hợp lí cho cây ăn quả có múi.
c) Ánh sáng
Cây ăn quả có múi không ưa ánh sáng mạnh, ưa ánh sáng tán xạ có cường độ từ
10 000 Lux đến 15 000 Lux (tương ứng với ánh sáng lúc 8h00 và từ 16h00 đến 17h00 những ngày quang mây của mùa hè).
d) Đất trồng
Cây ăn quả có múi có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Các loại đất phù hợp để trồng cây ăn quả có mũi là đất phù sa, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất bazan,... có tầng dày trên 1 m, thoát nước tốt, độ pH từ 5,5 đến 6,4.

e) Gió
Tốc độ gió vừa phải có ảnh hưởng tốt tới việc lưu thông không khí, điều hoà độ ẩm, giảm sâu, bệnh hại, cây sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, nếu gió lớn sẽ làm gãy cành, rụng quả, ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất của cây.

II. Quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc

1. Kĩ thuật trồng

a) Thời vụ
Thời vụ tốt nhất là vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 10).

b) Khoảng cách
Tuỳ thuộc vào từng giống và điều kiện thổ nhưỡng để bố trí khoảng cách trồng phù hợp. Ví dụ:

(Trang 21)

- Đối với bưởi, khoảng cách trồng thường là 5 m x 5 m hoặc 5 m x 6 m.

- Đối với cam, khoảng cách trồng thường là 4 m × 4 m hoặc 4 m × 5 m.

- Đối với chanh, quýt, khoảng cách trồng thường là 3 m × 3 m hoặc 3 m × 4 m, cây cách cây và hàng cách hàng từ 5 m đến 6 m.
c) Chuẩn bị hố trồng
Đào hố trồng với kích thước 60 cm × 60 cm × 60 cm (đất xấu cần đào rộng hơn). Bón lót: Lượng phân bón lót cho một hố trồng từ 20 kg đến 30 kg phân hữu cơ + 0,5 – 1,0 kg phân kali + 1,0 – 1,5 kg supe lân; 0,5 – 1,0 kg vôi bột. Toàn bộ lượng phân được trộn đều với lớp đất đào từ hố lên rồi sau đó lấp lại xuống hố trồng.

d) Trồng cây
Tạo một hố nhỏ chính giữa hỗ trồng, xé bỏ túi bầu và đặt cây xuống, lấp đất cao hơn mặt bầu từ 2 cm đến 3 cm, dùng tay nên chặt xung quanh gốc cây. Vun đất mặt vào quanh gốc cây tạo thành ụ hình lòng chảo. Cắm cọc chống và dùng dây mềm buộc cố định cây. Phủ gốc bằng xác thực vật khô và tưới đẫm nước xung quanh gốc cây.

KHÁM PHÁ
Mô tả kĩ thuật trồng một loại cây ăn quả có múi phổ biến ở địa phương em.

2. Kĩ thuật chăm sóc

a) Làm cỏ, vun xới
Làm cỏ, vun xới quanh gốc cây từ 2 lần đến 3 lần/năm để trừ cỏ dại, loại bỏ nơi ẩn nấp của sâu, bệnh hại và làm cho đất tơi xốp.
b) Bón phân thúc
* Lượng bón
Lượng phân bón hằng năm thay đổi theo loại cây và tuổi cây. Ví dụ: Đối với cây cam tiến hành theo Bảng 3.1.

Bảng 3.1. Lượng phân bón thúc hằng năm cho cây cam

Thời kì Lượng phân bóng (kg/cây/năm)
Phân hữu cơ Phân đạm Phân lân Phân kali
Thời kì kiến thiết cơ bản 25,0-30,0 0,3-0,8 0,5-1,0 0,3-0,8
Thời kì kinh doanh 50,0-70,0 1,2-2,0 1,5-2,0 1,2-2,0

(Nguồn: Sổ tay hướng dẫn kĩ thuật canh tác cây ăn quả có múi thích ứng với biến đổi khí hậu - NXB Nông nghiệp, năm 2021)

KẾT NỐI NĂNG LỰC

Sử dụng Internet, sách báo,... tìm hiểu lượng phân bón thúc hằng năm cho một loại cây có múi khác.

* Thời điểm và mục đích bón phân:

- Thời kì kiến thiết cơ bản: Lượng phân bón được chia làm 4 lần, bón vào các tháng 3, 6, 8 và 12 để thúc cho cây sinh trưởng khỏe.

- Thời kì kinh doanh: Lượng phân bón được chia làm 4 lần (Bảng 3.2)

Bảng 3.2. Bón phân thúc cho cây có múi thời kì kinh doanh

Thời điểm bón phân Lượng và loại phân bón Mục đích bón phân

Lần 1

(sau thu hoạch quả khoảng 7-10 ngày)

100% phân hữu cơ +100% phân lân. Khôi phục sinh trưởng của cây, thúc đẩy các đợt lộc mới.

Lần 2

(khi cây bắt đầu ra hoa)

40%  phân đạm + 40% phân kali. Thúc đẩy quá trình ra hoa, nuôi dưỡng hoa và tăng khả năng đậu quả.

Lần 3

(khi cây đậu quả)

30% phân đạm + 30% phân kali. Nuôi dưỡng quả, hạn chế rụng quả và thúc quả lớn.

Lần 4

(sau lần 3 từ 1,5 tháng đến 2 tháng)

30% phân đạm + 30% phân kali Thúc quả lớn và nâng cao chất lượng quả.

* Cách bón

- Thời kì kiến thiết cơ bản: Rạch rãnh xung quanh tán cây, rải phân rồi lấp đất hoặc hoà loãng vào nước để tưới xung quanh gốc cây hoặc rải phân dưới tán cây, sau đó tưới nước làm tan phân. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm sau khi bón phân.
- Thời kì kinh doanh: Sau thu hoạch, đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán rộng từ 20 cm đến 30 cm, sâu từ 15 cm đến 20 cm, rải phân hữu cơ xuống trước, sau đó đến phân vô cơ, lấp đất và tưới nước, giữ ẩm. Các lần bón sau, có thể hoà loãng phân vào nước để tưới cho cây hoặc rải phân trên mặt đất dưới hình chiếu tán cây, tưới nước để phân tan và ngấm vào đất. Tưới nước, giữ ẩm thường xuyên sau khi bón phân để cây có thể hấp thụ được phân bón.

KHÁM PHÁ
Tại sao sau khi bón phân cần thường xuyên tưới nước, giữ ẩm?

c) Tưới nước

- Thời kì kiến thiết cơ bản: Thường xuyên tưới đủ nước, đảm bảo độ ẩm đất từ 65% đến 70% để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, tạo bộ khung tán cho cây.

- Thời kì kinh doanh: Nhu cầu nước của cây tuỳ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Giai đoạn phân hoá mầm hoa cần hạn chế nước tưới. Giai đoạn ra hoa, đậu quả và quả lớn, từ 2 ngày đến 3 ngày tưới một lần, mỗi lần tưới từ 55 lít đến 65 lít/cây. Khi quả đã thành thục (từ 1 tháng đến 1,5 tháng trước khi thu hoạch), từ 15 ngày đến 20 ngày tưới một lần, mỗi lần tưới từ 55 lít đến 65 lít/cây. Giai đoạn sau thu hoạch, từ 10 ngày đến 15 ngày tưới một lần, mỗi lần tưới từ 70 lít đến 80 lít/cây.

(Trang 23)

Ưu tiên sử dụng các kĩ thuật tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa,...) để bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
d) Một số sâu, bệnh hại và biện pháp phòng, trừ
*Một số loại sâu hại
- Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella): Sâu thường gây hại vào thời kì lộc non. Sâu non đục vào biểu bì lá thành các đường ngoằn ngoèo, lá kém phát triển, cong queo (Hình 3.2a), tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh xâm nhập, gây hại.
- Sâu đục thân (Chelidonium argentatum), đục cành (Nadezhdiella cantori): Trưởng thành đẻ trứng trên nách lá, ngọn cành, vết nứt trên thân. Sâu non đục phá thân, cành, làm cho cây bị tổn thương hoặc bị chết.
- Rệp sáp (Planococcus citri): Rệp thường gây hại trên cành, lá non, quả (Hình 3.2b), làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây, có thể gây rụng quả. Phân của một số loại rệp sáp có chất mật thu hút nấm bồ hóng làm đen quanh nơi rệp bám, ảnh hưởng đến quang hợp của cây.

hinh-anh-bai-3-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-an-qua-co-mui-5996-1

a) Sâu vẽ bùa lại lá bưởi

b) Rệp sáp hại bưởi

Hình 3.2. Một số loại sâu hại cây có múi

*Biện pháp phòng, trừ:
- Thường xuyên cắt tỉa, quét vôi gốc cây, vệ sinh vườn để hạn chế nơi trú ẩn của sâu hại.
- Quản lí vườn hợp lí tạo điều kiện thuận lợi cho quần thể thiên địch phát triển đề hạn chế sự phát triển của sâu hại.
- Kịp thời sử dụng các biện pháp phù hợp để tiêu diệt sâu hại (bắt tay, bẫy, thuốc trừ sâu sinh học, hoá học,...). Ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
* Một số bệnh hại
- Bệnh vàng lá Greening: Là bệnh nguy hiểm, gây hại phổ biến nhất trên cây có múi. Bệnh do vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây ra. Bệnh lan truyền nhanh do trung gian truyền bệnh là rầy chổng cánh. Triệu chứng điển hình là lá bị vàng có đốm xanh, gân lá xanh, lưng lá bị sưng và hoa bần (Hình 3.3); quả nhỏ, dễ rụng, rễ bị thối hỏng.

(Trang 24)

hinh-anh-bai-3-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-an-qua-co-mui-5996-2

Hình 3.3. Bệnh vàng lá Greening trên bưởi (a) và trên cam (b)

- Bệnh loét: Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas citri gây ra, bệnh phát triển mạnh vào mùa xuân khi độ ẩm không khí cao. Triệu chứng điển hình là xuất hiện các vết bệnh trên lá, quả và cành; vết bệnh có màu nâu, bề mặt vết bệnh sần sùi, xung quanh vết bệnh có quầng màu vàng sáng (Hình 3.4).

hinh-anh-bai-3-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-an-qua-co-mui-5996-3

Hình 3.4. Bệnh loét cam, quýt trên lá (a) và trên quả (b)
- Bệnh ghẻ lồi: Bệnh do nấm Elsinoe fawcetti gây ra. Bệnh gây hại trên hầu hết các bộ phận của cây như lá, quả và cành. Vết bệnh điển hình là những nốt hình tròn màu vàng đến nâu nhạt lỗi lên và gồ ghề (Hình 3.5). Trên lá, bệnh gây hại chủ yếu ở giai đoạn lá non, làm lá bị biến dạng và thường nhô cao ở một mặt, lõm xuống ở mặt bên kia.

hinh-anh-bai-3-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-an-qua-co-mui-5996-4

Hình 3.5. Bệnh ghẻ lồi trên lá (a) và trên quả (b)

(Trang 25)

* Biện pháp phòng, trừ:
- Sử dụng cây giống sạch bệnh.
- Thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, cành bị bệnh.
- Kiểm tra vườn thường xuyên để loại bỏ sớm những cây bệnh không có khả năng phục hồi, tiến hành xử lí đất trước khi trồng cây mới.
- Sử dụng phân bón hợp lí để nâng cao sức đề kháng của cây, hạn chế bệnh hại phát triển.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng loại bệnh hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

KHÁM PHÁ

Vì sao lại ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong phòng, trị bệnh cho cây ăn quả có múi?

KẾT NỐI NĂNG LỰC

Nêu một số biện pháp đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi.

Bốn nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

  1. Đúng thuốc: Yêu cầu chủ yếu của đúng thuốc là chọn sử dụng loại thuốc có hiệu quả cao với loài dịch hại cần trừ (sau nào, thuốc ấy, bệnh nào thuốc ấy). Sử dụng thuốc ít độc hại và được phép sử dụng.
  2. Đúng thời điểm: Sử dụng thuốc khi sâu, bệnh mới phát sinh có khả năng gây hại, khi sâu đang còn nhỏ tuổi dễ tiêu diệt (đối với côn trùng, phun khi sâu còn non; đối với bệnh, phun khi bệnh mới chớm xuất hiện); tránh phun vào các thời điểm thời tiết không thuận lợi như trời mưa, buổi trưa nắng nóng,...
  3. Đúng nồng độ và liều lượng: Nồng độ là độ pha loãng của thuốc trong nước để tạo dung dịch phun. Liều lượng là lượng thuốc phun cần dùng một lần cho một đơn vị diện tích để đạt hiệu quả cao (Ví dụ: Hướng dẫn sử dụng phun ở nồng độ 0,2% và lượng thuốc 0,5 lit/ha có nghĩa là ngoài việc pha loãng thuốc để có dung dịch 2% còn phải tính toán để pha và phun hết 0,5 lít thuốc cho một ha cây trồng).
  4. Đúng phương pháp: Phun tập trung vào các khu vực cư ngụ, gây hại của sâu, bệnh (rầy nâu thường ở phía dưới gốc lúa, nhện đỏ, bọ trĩ thường ở mặt dưới của lá,...). Thuốc hạt dùng để rắc/rải xuống ruộng, vườn, không pha với nước để phun,...

(Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật)

(Trang 26)

III. Kĩ thuật cắt tỉa, tạo tán

1. Thời kì kiến thiết cơ bản

Cắt tỉa đề tạo bộ khung tán khoẻ, phân bố đều bằng cách:
- Cuối năm thứ nhất: Bấm ngọn ở vị trí cách mặt đất 80 cm để tạo các cành cấp 1.
- Cuối năm thứ hai: Chọn để lại từ 3 đến 5 cành cấp 1 khoẻ, phân bố đều trên thân chính và loại bỏ toàn bộ các cành cấp 2 đã phát sinh, đồng thời bấm ngọn cành cấp 1 cách gốc cành khoảng 50 – 60 cm để tạo các nhánh cấp 2.
- Cuối năm thứ ba: Cắt bỏ bớt cành cấp 2, chỉ đề lại hai cành cấp 2 phía ngoài cùng trên một cành cấp 1 để tạo các cành cấp 3, cấp 4.

2. Thời kì kinh doanh

Loại bỏ các cảnh chết, cành bị tổn thương, cành bị sâu, bệnh, cành mọc chen chúc nhau, cành vô hiệu và loại bỏ bớt những mầm mọc trong thân, cành chính phía trong tán cây. Ngoài cắt tỉa cành, cần tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình; những quả bị nhiễm sâu, bệnh và tỉa thưa quả (nếu cây đậu quá nhiều quả) để cho quả to, đồng đều.

IV. Kĩ thuật điều khiển ra hoa, đậu quả

1. Thúc đẩy khả năng ra hoa

Để thúc đẩy cây có múi ra hoa, sử dụng Paclobutrazol nồng độ từ 0,02% đến 0,04% tươi quanh gốc cây với lượng dùng từ 2,5 g đến 5 g/m đường bán kính tán hoặc sử dụng nồng độ từ 1.000 ppm đến 2.000 ppm xịt lên lá cây. Có thể sử dụng kết hợp biện pháp hạn chế tưới nước để nâng cao hiệu quả.

2. Tăng khả năng đậu quả

Sử dụng hinh-anh-bai-3-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-an-qua-co-mui-5996-5

, với nồng độ từ 20 ppm đến 40 ppm phun cho cây ở thời kì đầu ra hoa và thời kì tạo quả non để tăng tỉ lệ đậu quả, giảm rụng quả. Đối với cây cam, sử dụng Brassinolide với nồng độ 5mg/100L nước đề phun cho cây ở thời kì đầu ra hoa và thời kì tạo quả non sẽ giúp tăng tỉ lệ đậu quả, tăng trọng lượng quả và năng suất.

LUYỆN TẬP

  1. Phân tích đặc điểm thực vật học và yêu cầu ngoại cảnh của cây ăn quả có múi.
  2. Trình bày kĩ thuật trồng, chăm sóc cây có múi. Nêu một số biện pháp kĩ thuật ta cành, tạo tán cây ăn quả có múi.

VẬN DỤNG
Vận dụng kiến thức để thực hiện việc trồng và chăm sóc một loại cây có múi phù hợp với thực tiễn ở địa phương em.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 3: Kĩ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi | Công Nghệ 9 (Trồng cây ăn quả) - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 9

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.