Bài 6 : Kĩ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng | Công Nghệ 9 (Trồng cây ăn quả) - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Bài 6 : Kĩ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng


(Trang 44)

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-0

Hình 6.1. Cây sầu riêng

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-1Sau bài học này, em sẽ:

  • Phân tích được đặc điểm thực vật học, yêu cầu ngoại cảnh của cây sầu riêng.
  • Nêu được quy trình trồng, chăm sóc, kĩ thuật tỉa cành, tạo tán, điều khiển ra hoa, đậu quả cho cây sầu riêng.

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-2Quan sát Hình 6.1 và nêu đặc điểm thực vật học của cây sầu riêng. Theo em, vì sao sầu riêng lại không được trồng ở các tỉnh miền Bắc nước ta?

I. Đặc điểm thực vật học và yêu cầu ngoại cảnh

1. Đặc điểm thực vật học

Sầu riêng có tên khoa học là Durio zibethinus Murr., có các đặc điểm thực vật học chính như sau:

a) Bộ rễ

Bộ rễ của cây sầu riêng có thể ăn sâu và lan rộng từ 6 m đến 8 m tuỳ vào cây giống được tuyển chọn bằng hình thức nào (chiết cành, ghép cành, trồng bằng hạt,... ). Ngoài ra, mực nước ngầm, tính chất đất, kĩ thuật chăm sóc cũng ảnh hưởng đến bộ rễ của cây sầu riêng.

b) Thân, cành

Sầu riêng là loại cây thân gỗ lớn, cây trưởng thành có thể cao từ 20 m đến 30 m. Cành mọc ngang, phân cành thấp; tán cây phát triển mạnh, rộng nhất ở phần gốc cây và thu hẹp dần lên phần ngọn cây tạo thành dạng hình tháp (Hình 6.2a).

c) Lá

Lá sầu riêng là lá đơn, mọc so le, phiến lá dày hình trứng thuôn dài. Lá có màu đồng khi còn non và chuyển sang màu xanh khi lá trưởng thành.

d) Hoa

Hoa sầu riêng là hoa lưỡng tính, cánh hoa có màu trắng, hoa mọc thành chùm trên những cành lớn và trên thân chính (Hình 6.2b). Hoa nở vào ban đêm, thụ phấn nhờ côn trùng, số lượng hoa trên một chùm thường có sự thay đổi khá lớn tuỳ thuộc vào điều kiện canh tác, đất trồng và khí hậu.

(Trang 45)

e) Quả

Quả sầu riêng có hình bầu dục hoặc tròn, vỏ cứng, có nhiều gai (Hình 6.2c), thịt quả (cơm) thường có màu vàng (Hình 6.2d) và có mùi đặc trưng.

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-3

a) Cây

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-4

b) Hoa

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-5

c) Quả

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-6

d) Thịt quả

Hình 6.2. Một số bộ phận của cây sầu riêng

 2. Yêu cầu ngoại cảnh

a) Nhiệt độ

Cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt ở khoảng nhiệt độ từ 24 °C đến 30°C. Nhiệt độ thấp dưới 22 °C hoặc vượt quá 40 °C làm hạn chế sinh trưởng của cây, vì vậy miền Bắc nước ta không trồng được sầu riêng vì có mùa đông quá lạnh và mùa hè quá nóng.

b) Lượng mưa và độ ẩm

Nhu cầu nước của cây sầu riêng khá lớn nên ở những nơi có lượng mưa từ 1600 mm đến 4 000 mm/năm, độ ẩm không khí từ 75% đến 80% sẽ thích hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất, chất lượng tốt.

c) Ánh sáng

Khi cây sầu riêng còn nhỏ, nhu cầu ánh sáng không cao. Dưới nắng trực xạ, kéo dài trong ngày, lá có thể bị cháy. Vì vậy, thời kì này cần che bớt nắng cho cây. Khi cây đã trưởng thành thì cần tiếp xúc với nhiều ánh sáng để tiến hành quang

(Trang 46)

hợp trao đổi chất, đặc biệt là giúp cho quá trình ra hoa kết quả được thuận lợi nhằm gia tăng sản lượng.

d) Đất trồng

Cây sầu riêng có khả năng thích nghi với nhiều loại đất như thịt pha cát, đất thịt, đất phù sa, đất đỏ bazan,... nhưng thích hợp nhất là đất thịt, thoát nước tốt, độ pH từ 5,0 đến 6,4. Trồng cây ở nơi đất ngập úng, thoát nước kém sẽ gây thối rễ, cây sinh trưởng, phát triển kém.

II. Quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc

1. Kĩ thuật trồng

a) Thời vụ

Cây sầu riêng thường được trồng vào đầu mùa mưa ở miền Nam (cuối tháng 4 đầu tháng 5) để giảm chi phí tưới tiêu cho vườn cây.

b) Khoảng cách

Khoảng cách trồng thích hợp là cây cách cây và hàng cách hàng từ 6 m đến 8 m, tương đương với mật độ từ 125 cây đến 277 cây/ha.

c) Chuẩn bị hố trồng

Đối với những vùng đất cao như ở Tây Nguyên, đào hố tròn với đường kính 80 cm hoặc hố vuông với kích thước mỗi chiều từ 70 cm đến 80 cm, sâu khoảng 50 – 60 cm (Hình 6.3a)

Đối với những vùng trũng thấp như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần đào mương, lên liếp hoặc đắp ụ cao để tránh ngập úng. Kích thước mặt ụ từ 70 cm đến 100 cm; đáy ụ từ 100 cm đến 150 cm (Hình 6.3b). Hằng năm, mở rộng ụ theo tốc độ sinh trưởng của cây.

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-7

a) Hố trồng

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-8

b) Ụ trồng


Hình 6.3. Sơ đồ hố và ụ trồng

Lượng phân bón lót cho một hố hoặc một ụ từ 20 kg đến 30 kg phân hữu cơ, 0,7 kg đến 1,0 kg supe lân; 0,5 kg vôi bột. Toàn bộ lượng phân này được trộn đều với lớp đất đào từ hố lên, sau đó lấp lại xuống hố trồng hoặc trộn với đất trong khi làm ụ trồng.

d) Trồng cây

Tạo một hố nhỏ giữa hố hoặc ụ đất đã chuẩn bị, xé bỏ túi bầu, đặt cây con xuống và lấp đất cao hơn mặt bầu từ 2 cm đến 3 cm. Cắm cọc giữ cây khỏi đổ và che bóng cho cây con. Chú ý không che quá 50% ánh sáng.

(Trang 47)

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-9Một số giống sầu riêng được trồng phổ biến ở Việt Nam

Giống Dona (Monthong): Sinh trưởng nhanh, quả có khối lượng trung bình khoảng 2,5 – 4,5 kg/quả, vỏ quả màu vàng nâu khi chín, thịt quả màu vàng nhạt, vị ngọt béo, tỉ lệ hạt lép nhiều, tỉ lệ thịt quả cao (> 30%). Năng suất khá cao và khá ổn định. Quả chín muộn.

– Giống Ri 6: Sinh trưởng khá nhanh, quả có khối lượng trung bình khoảng 2–2,5kg/quả, vỏ quả có màu vàng khi chín, thịt quả có màu vàng đậm, không xơ, vị béo ngọt, hạt lép. Năng suất khá cao và khá ổn định. Quả chín sớm.

– Giống cơm vàng sữa hạt lép (Chín Hoá): Cây sinh trưởng khá tốt, quả có khối lượng khá to, khoảng 2,6 – 3,1 kg/quả, võ quả màu vàng đồng đều khi chín, thịt quả màu vàng, vị béo ngọt, hạt lép nhiều và tỉ lệ cơm khá cao (khoảng 28,8%). Thịt quả sẽ nhão nếu thu hoạch muộn. Năng suất khá cao và khá ổn định. Quả chín hơi muộn hơn so với Ri 5.

(Nguồn: Sổ tay hướng dẫn kĩ thuật canh tác cây sầu riêng
thích ứng với biến đổi khí hậu
– NXB Nông nghiệp, năm 2021)

2. Kĩ thuật chăm sóc

a) Làm cỏ, vun xới

Làm cỏ, vun xới quanh gốc cây từ 2 đến 3 lần/năm, có thể trồng xen cây họ Đậu để hạn chế cỏ dại và cải tạo đất.

b) Bón phân thúc

* Lượng bón

Lượng phân bón hằng năm cho cây tiến hành theo Bảng 6.1.

Bảng 6.1. Lượng phân bón thúc hằng năm cho cây sầu riêng

Thời kì Lượng phân bón (kg/cây/năm)
Phân hữu cơ Phân đạm Phân lân Phân kali
Thời kì kiến thiết cơ bản 10,0 - 30,0 0,4 - 1,3 0,5 - 2,0 0,2 - 8,5
Thời kì kinh doanh 50,0 - 70,0 1,6 - 2,6 2,5 - 4,0 1,3 - 2,0

(Nguồn: Sổ tay hướng dẫn kĩ thuật canh tác cây sầu riêng
thích ứng với biến đổi khí hậu
– NXB Nông nghiệp, năm 2021)

* Thời điểm và mục đích bón phân

Thời kì kiến thiết cơ bản: Lượng phân bón được chia làm 4 đến 9 lần, bón vào các thời điểm trước và sau khi cây ra lộc để thúc đẩy các đợt lộc.

(Trang 48)

Thời kì kinh doanh: Lượng phân bón được chia làm 4 lần (Bảng 6.2).

Bảng 6.2. Bón phân thúc cho xoài ở thời kì kinh doanh 

Thời điểm bón phân Lượng và loại phân bón Mục đích bón phân
Lần 1
(sau thu hoạch quả)
100% phân hữu cơ + 40% phân đạm 
+ 30% phân lân + 25% phân kali.
Khôi phục sinh trưởng của cây.
Lần 2
(khi cây ra hoa)
20% phân đạm + 40% phân lân + 25% phân kali. Thúc đẩy quá trình ra hoa, đậu quả.
Lần 3
(sau đậu quả 2 tuần)
20% phân đạm + 15% phân lân +
 20% phân kali.
Thúc quả non lớn.
Lần 4
(sau lần 3 một tháng) 
20% phân đạm + 15% phân lân + 30% phân kali. Tăng cường tích luỹ vật chất trongquả, nâng cao chất lượng quả.

* Cách bón

– Thời kì thiết cơ bản: Phân bón có thể pha vào nước để tưới gốc hoặc xới nhẹ xung quanh gốc rồi rắc phân, sau đó tưới nước giữ ẩm.

– Thời kì kinh doanh: Đối với lần bón sau thu hoạch (lần 1), kết hợp bón một phần phân vô cơ và toàn bộ lượng phân hữu cơ bằng cách đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng từ 20 cm đến 30 cm, sâu khoảng 15 – 20 cm, rải phân hữu cơ xuống trước, sau đó đến phân vô cơ, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Các lần bón sau có thể hoà tan phân vào nước để tưới cho cây hoặc rải phân trên mặt đất dưới hình chiếu tán cây, tưới nước để phân tan và ngấm vào đất. Tưới giữ ẩm thường xuyên.

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-10

Tuỳ theo từng khu vực và điều kiện khí hậu khác nhau, mùa thu hoạch sầu riêng ở nước ta sẽ kéo dài trong cả năm: ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, thu vụ từ tháng 3 đến tháng 7, trái vụ từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11.

c) Tưới nước

– Thời kì kiến thiết cơ bản: Cần cung cấp nước đầy đủ quanh năm để cho cây sinh trưởng, tạo bộ khung tán khoẻ mạnh, tạo cơ sở cho việc hình thành năng suất trong giai đoạn sau.

– Thời kì kinh doanh: Sầu riêng cần nhiều nước vào giai đoạn sau thu hoạch, giai đoạn cây ra lộc, khi cây bắt đầu ra hoa và khi quả đang lớn. Giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa, cần hạn chế nước tưới để tạo điều kiện cho cây phân hoá mầm hoa.

Ưu tiên sử dụng các kĩ thuật tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa,...) để bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(Trang 49)

d) Một số sâu, bệnh hại và biện pháp phòng trừ

* Một số loại sâu hại

– Sâu đục hoa, quả (Conogethes punctiferalis Guen): Trưởng thành thường đẻ trứng trên các chùm hoa, quả non. Sâu non nở ra ăn vào bên trong làm cho hoa, quả bị hư hỏng, biến dạng và rụng. Vết sâu ăn còn tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công làm thối quả hoặc làm giảm giá trị thương phẩm (Hình 6.4).

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-11 hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-12

Hình 6.4. Sâu đục hoa (a), quả sầu riêng (b)

– Rầy phấn (Allocaridara malayensis Crawford): Trưởng thành và ấu trùng thường sống ở mặt dưới lá và chích hút các lá non (Hình 6.5). Lá bị hại thường có những chấm màu nâu, khi bị hại nặng lá bị rụng hàng loạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa và đậu quả của cây. Ngoài ra, rầy còn tiết ra mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Rầy phát triển với mật độ và số lượng cao trong các tháng mùa nắng.

– Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis): Bọ trĩ thường tấn công, gây hại chủ yếu trong mùa nắng, trên lộc non, hoa và quả non làm cho lá non rụng, không phát triển được, hoa phát triển không bình thường hoặc rụng (Hình 6.6).

 

 

 

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-13

Hình 6.5. Rầy phấn

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-14

Hình 6.6. Bọ trĩ gây hại trên lá và hoa sầu riêng

– Rệp sáp hại quả (Planococcus sp.): Rệp gây hại trong suốt giai đoạn phát triển của quả, từ khi còn nhỏ cho đến lúc chín. Chúng chích hút làm cho quả bị rụng sớm (Hình 6.7). Trong chất bài tiết của rệp có chất đường sẽ tạo nên môi trường thích

(Trang 50)

hợp cho nấm bồ hóng phát triển, quả bị phủ một lớp bồ hóng màu đen bẩn, làm giảm phẩm chất quả.

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-15


Hình 6.7. Rệp sáp trên quả sầu riêng

– Sâu đục thân (Batocera rufomaculata De Geer): Trưởng thành là con xén tóc (Hình 6.8a). Xén tóc đẻ trứng trong các vết nứt hay vết thương ở trên thân câu. Sâu non sau khi nở sẽ ăn vỏ cây thành những đường ngoằn ngoèo. Sau đó, chúng đục vào phần gỗ làm thành những đường hầm ngoằn ngoèo bên trong thân cây (Hình 6.8b). Cành bị sâu đục có thể bị gẫy hoặc chết.

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-16 hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-17

Hình 6.8. Sâu đục thân, cành 

* Biện pháp phòng, trừ:

– Vệ sinh vườn, cắt tỉa, tạo độ thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ của các loài sâu hại. Ngắt bỏ, thu gom và tiêu huỷ những bộ phận bị nhiễm sâu hại nặng.

– Bảo vệ các loài thiên địch như kiến sư tử, chim sâu, bọ ngựa, bọ rùa,...

– Kiểm tra, phát hiện sớm để bắt sâu bằng biện pháp thủ công như ngắt bỏ ổ trứng, ở sâu non hay bắt trưởng thành. Dùng bẫy để bắt và diệt sâu hại.

– Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

* Một số bệnh hại

– Bệnh xì mủ chảy nhựa: Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra, thường phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, mưa nhiều, mật độ trồng cây quá dày. Bệnh gây hại trên hầu hết bộ phận của cây như rễ, thân (Hình 6.9a) , cành, lá và quả (Hình 6.9b); ban đầu vết bệnh thường có màu nâu đen, về sau có hiện tượng chảy nhựa (trên thân) hay trên quả có thể bị thối.

(Trang 51)

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-18 hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-19

Hình 6.9. Bệnh xì mủ chảy nhựa

– Bệnh thán thư: Bệnh do nấm Colletotrichum zibethinum gây ra chủ yếu trên lá. Vết bệnh có màu nâu đậm, xuất hiện từ mép lá hay chóp lá, sau đó lan dần vào trong phiến lá. Vết bệnh lâu ngày có những vòng đen đồng tâm (Hình 6.10).

– Bệnh thối quả: Bệnh do một số chủng nấm Sclerotium roffsii và Phytophthora sp. gây ra. Vết bệnh khởi đầu là một vài chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó lan rộng và ăn sâu làm quả bị thối (Hình 6.11).

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-20

Hình 6.10. Bệnh thán thư trên lá sầu riêng

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-21

Hình 6.11. Bệnh thôi quả sầu riêng

* Biện pháp phòng, trừ

– Sử dụng giống kháng bệnh.

– Cắt tỉa cho tán cây thông thoáng. Tỉa bỏ và tiêu huỷ những cành bị bệnh nặng. Quét vôi vào phần thân từ độ cao 1,0 m đến 1,5 m xuống tới gốc cây.

– Bón phân cân đối kết hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh vật đối kháng như Trichoderma.

– Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có gốc đồng hay một số thuốc có hoạt chất metalaxyl, mancozeb,... phun phòng khi cây bắt đầu ra các đợt lộc non, khi cây ra hoa, khi đậu quả non. Dừng phun, đảm bảo cách li an toàn trước khi thu hoạch quả.

(Trang 52)

III. Kĩ thuật cắt tỉa, tạo tán

1. Thời kì kiến thiết cơ bản

Tỉa cành, tạo tán ngay từ năm đầu tiên và thực hiện thường xuyên ở những năm sau bằng cách loại bỏ các cành cấp 1 mọc ở những vị trí không hợp lí để tạo cho cây có nhiều tầng tán. Tạo tầng tán đầu tiên ở vị trí cách mặt đất khoảng 1,0 m. Mỗi tầng để từ 3 đến 4 cành cấp 1. Các tầng tán cách nhau khoảng 0,4 – 0,6 m.

2. Thời kì kinh doanh

Đối với cây sầu riêng đã vào giai đoạn cho quả, việc cắt tỉa chủ yếu được thực hiện ở thời điểm sau thu hoạch bằng cách loại bỏ các cành đã già yếu, những cành bị sâu, bệnh, những chồi mọc thẳng đứng hoặc đâm xuống dưới, tỉa bớt cành tạo cho tán cây có độ thông thoáng.

IV. Kĩ thuật điều khiển ra hoa, đậu quả

1. Điều khiển ra hoa

Kích thích tạo mầm hoa: Sau khi bón phân lần 2 từ 30 ngày đến 40 ngày, tiến hành tạo khô hạn kết hợp với phun Paclobutrazol nồng độ từ 0,001% đến 0,0015% lên hai mặt của lá cây.

Kích thích ra hoa: Khi cây ra hoa được 0,5 cm (sau khi kích thích tạo mầm hoa từ 30 ngày đến 40 ngày), tiến hành tưới nước hai ngày một lần để giúp hoa phát triển tốt.

2. Tăng khả năng đậu quả

Sau khi hoa nở, tiến hành phun phân bón lá chứa Ca, Bo, K theo khuyến cáo hoặc và thụ phấn bổ sung cho các chùm hoa ở giữa cành để tăng tỉ lệ đậu quả.
hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-22Cây sầu riêng ra rất nhiều chùm hoa và có thể đậu rất nhiều quả. Nếu cây quá sai quả, quả sẽ nhỏ, nhiều quả méo mó, phẩm cấp kém. Do đó, cần loại bỏ bớt hoa để lượng quả đậu trên cây vừa phải.

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-23LUYỆN TẬP

1. Phân tích đặc điểm thực vật học và yêu cầu ngoại cảnh của cây sầu riêng.

2. Trình bày kĩ thuật trồng, chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán, điều khiển ra hoa, đậu quả cho cây sầu riêng.

hinh-anh-bai-6-ki-thuat-trong-va-cham-soc-cay-sau-rieng-10544-24VẬN DỤNG

Vận dụng kiến thức để thực hiện một số công việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng phù hợp với thực tiễn ở địa phương em.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 6 : Kĩ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng | Công Nghệ 9 (Trồng cây ăn quả) - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 9

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.