Nội Dung Chính
(Trang 53)
Hình 7.1. Cây chuối | Sau bài học này, em sẽ:
Quan sát Hình 7.1 và nêu đặc điểm thực vật học của cây chuối. Theo em, hình này là chuối tiêu hay chuối tây? |
I. Đặc điểm thực vật học và yêu cầu ngoại cảnh
1. Đặc điểm thực vật học
Cây chuối có tên khoa học là Musa sp., là loại cây ăn quả được trồng phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, có các đặc điểm thực vật học chính như sau:
a) Bộ rễ
Rễ chuối thuộc loại rễ chùm, có hai loại: rễ ngang và rễ thẳng. Rễ ngang mọc xung quanh củ chuối và phân bố ở lớp đất mặt, loại rễ này sinh trưởng khoẻ, đảm nhận chức năng hút nước và dinh dưỡng nuôi cây. Rễ thẳng mọc ở phía dưới củ tác dụng chủ yếu giúp cây đứng vững.
b) Thân, cành
Thân chuối là thân củ, nằm dưới mặt đất (thân thật). Phần thân trên mặt đất là thân giả, có hình trụ, được hình thành bởi các bẹ lá xếp chồng lên nhau, cao từ 3 m đến 4 m, đường kính khoảng 20 – 30 cm tuỳ từng loài. Thân giả của cây chuối có đến 90% là nước, vì vậy cây chuối cần rất nhiều nước trong quá trình sinh trưởng, phát triển.
c) Lá
Cây chuối trưởng thành có thể có từ 10 lá đến 15 lá tuỳ từng giống. Lá chuối có diện tích tương đối lớn, phiến lá có thể rộng tới 0,6 m và dài tới 3m. Do có diện tích lá lớn nên cây chuối dễ bị thoát hơi nước qua lá.
d) Hoa
Hoa chuối thuộc loại hoa chùm (Hình 7.2a), gồm ba loại: hoa cái, hoa lưỡng tính và hoa đực. Trong đó, chỉ có hoa cái có khả năng phát triển thành quả.
(Trang 54)
e) Quả
Quả chuối ra thành nải trên trục hoa tạo thành buồng chuối, số quả của mỗi nải và số nải của mỗi buồng tuỳ thuộc vào từng giống. Khi quả chín thường có màu vàng, thịt quả mềm, vị ngọt (Hình 7.2b).
Hình 7.2. Hoa và quả chuối
Mô tả đặc điểm thực vật học của một số giống chuối đang được trồng phổ biến ở gia đình, địa phương em.
2. Yêu cầu ngoại cảnh
a) Nhiệt độ
Trong điều kiện nhiệt độ từ 25 °C đến 35 °C, cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt. Khi nhiệt độ xuống dưới 16 °C, cây chuối sẽ sinh trưởng chậm và ngừng sinh trưởng khi nhiệt độ dưới 12 °C.
b) Lượng mưa và độ ẩm
Cây chuối cần nhiều nước cho quá trình sinh trưởng, phát triển nhưng không chịu được ngập úng. Vùng trồng chuối thích hợp là nơi có lượng mưa khoảng 1 200 – 2 400 mm/năm và phân bố đều trong các tháng.
c) Ánh sáng
Cây chuối có khả năng thích ứng trong phạm vi cường độ ánh sáng rộng. Cường độ ánh sáng thích hợp cho cây chuối sinh trưởng, phát triển từ 1000 Lux đến 10 000 Lux. Để đạt năng suất và chất lượng quả tốt, vào thời kì ra hoa và mang quả, cây cần nhiều ánh sáng.
d) Đất trồng
Chuối là loại cây dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất như đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất phù sa... Tuy nhiên, do bộ rễ chuối khá mềm, dễ bị tổn thương do các điều kiện bất lợi, đặc biệt như ngập úng. Do đó, đất trồng chuối tốt nhất ở những nơi thoát nước tốt, độ pH trong khoảng 6,0 – 7,4.
(Trang 55)
e) Gió
Cây chuối rất dễ bị ảnh hưởng bởi gió. Gió mạnh có thể tạo ra sự thoát hơi nước bất thường, làm rách lá, gãy đổ cây.
II. Quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc
1. Kĩ thuật trồng
a) Thời vụ
Đối với các tỉnh phía nam, thời vụ trồng thích hợp từ đầu đến giữa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8) để cây chuối sau khi trồng được sinh trưởng trong điều kiện mưa nhiều.
Đối với các tỉnh phía bắc, trồng vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 10).
b) Khoảng cách
– Đối với chuối tiêu: cây cách cây 2 m, hàng cách hàng khoảng 2 – 2,5 đương với mật độ khoảng 2 000 – 2 500 cây/ha.
– Đối với chuối tây: cây cách cây 2 m, hàng cách hàng khoảng 2 – 2,8 m, tương đương mật độ khoảng 1 800 – 2 000 cây/ha.
c) Chuẩn bị hố trồng
Đào hố theo kích thước mỗi chiều 40 cm × 40 cm x 40 cm.
Bón phân lót: Lượng phân bón lót cho mỗi hố khoảng 15 kg phân hữu cơ và từ 380 g đến 410 g supe lân.
Trộn đều phần đất đã đào với toàn bộ lượng phân bón lót, sau đó lấp trở lại hố trồng.
d) Trồng cây
Tạo một hố nhỏ chính giữa hố trồng, xé bỏ túi bầu, đặt cây xuống hố trồng, lấp đất và dùng tay chèn chặt đất xung quanh bầu cây đến khi đất cao hơn mặt bầu khoảng 5 cm. Có thể dùng nylon che phủ đất để ngăn cỏ dại và giữ ẩm.
Một số giống chuối được trồng phổ biến ở Việt Nam
Ở Việt Nam, cây chuối là một trong những loại cây trồng chính với các giống khá đa dạng và khác nhau giữa các vùng, miền. Tuy nhiên, các giống chuối trồng phổ biến đều thuộc nhóm chuối tiêu hoặc chuối tây:
– Chuối tiêu (Hình 7.3a) gồm Tiêu hồng, Tiêu vừa Phú Thọ, Già Nam Mĩ, Già Cao Nguyễn, Laba,...
– Chuối tây (Hình 7.3b) còn gọi là chuối xiêm hay chuối sứ gồm Tây phấn vàng, Tây Quảng Trị, GL3-2,...
(Nguồn: Sổ tay hướng dẫn kĩ thuật canh tác cây chuối thích ứng với biến đổi khí hậu – NXB Nông nghiệp, năm 2021)
(Trang 56)
Hình 7.3. Chuối tiêu (a) và chuối tây (b)
2. Kĩ thuật chăm sóc
a) Làm cỏ, vun xới
Tiến hành làm cỏ, vun xới quanh gốc cây để trừ cỏ dại, hạn chế nơi ẩn nấp của sâu, bệnh và làm cho đất tơi xốp.
b) Bón phân thúc
* Lượng bón
Lượng phân bón hằng năm cho cây chuối phụ thuộc vào từng giống chuối và loại đất trồng. Lượng phân bón phổ biến như Bảng 7.1.
Bảng 7.1. Lượng phân bón thúc hằng năm cho cây chuối
Thời kì | Lượng phân bón (kg/cây/năm) | |||
Phân hữu cơ | Phân đạm | Phân lân | Phân kali | |
Chuối vụ 1 | Không bón | 0,5 - 0,6 | 0,4 - 0,5 | 0,8 - 0,9 |
Chuối vụ 2 | 10,0 - 15,0 | 0,4 - 0,5 | 0,5 - 0,8 | 0,8 - 0,9 |
(Nguồn: Sổ tay hướng dẫn kĩ thuật canh tác cây chuối
thích ứng với biến đổi khí hậu – NXB Nông nghiệp, năm 2021)
KHÁM PHÁ
Giải thích tại sao đối với chuối vụ 1 thì không bón phân hữu cơ.
* Thời điểm bón phân
– Vụ 1: Toàn bộ lượng phân được chia làm 7 lần bón, lần 1 sau khi trồng một tháng, các lần tiếp theo cách nhau 1,5 tháng.
– Vụ 2: Lượng phân được chia làm 5 lần bón, lần 1 sau khi thu hoạch vụ 1, các lần tiếp theo cách nhau một tháng.
(Trang 57)
* Cách bón
Khi cây còn nhỏ, bón phân cách gốc từ 25 cm đến 30 cm (Hình 7.4a). Khi cây lớn, bón cách gốc từ 30 cm đến 60 cm (Hình 7.4b). Bón lần 1 và lần 2 bằng cách rạch đất để tạo rãnh nông, rải phân và lấp đất. Lần 3 trở đi chỉ cần rải phân trên mặt đất, sau đó tưới nước.
Lưu ý: Trên đất dốc, bắt buộc phải xới rãnh nông ở phía trên của cây rồi mới rải phân, lấp đất và tưới giữ ẩm (Hình 7.4c).
Hình 7.4. Các cách bón phân cho chuối
c) Tưới nước
Giai đoạn từ sau trồng đến 1 tháng: Hai ngày tưới một lần, mỗi lần từ 4 lít đến 5 lít/cây.
Giai đoạn từ 1 tháng tuổi đến khi trổ hoa: Bảy ngày tưới một lần, mỗi lần từ 5 lít đến 10 lít/cây.
Giai đoạn trổ hoa, hình thành và phát triển quả: Tưới từ 20 lít đến 25 lít/cây, 3 ngày tưới một lần.
Giai đoạn 30 ngày trước khi thu hoạch, hạn chế tưới nước.
Ưu tiên sử dụng các kĩ thuật tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa,...) để bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
d) Một số sâu, bệnh hại và biện pháp phòng, trừ
* Một số loại sâu hại
– Sâu đục thân chuối (Odoiporus longicollis Olivier): Sâu non thường sống trong thân giả, là pha gây hại chính. Khi bị sâu hại, vết đục tiết ra chất nhầy màu vàng đục. Khi chuối bị hại nặng thì thân giả thối, lá chuyển vàng, cây gãy gục ngang thân (Hình 7.5a).
– Bọ nẹt chuối (Thosea sinensis): Trưởng thành đẻ trứng thành từng ổ trên lá, sâu non nở ra có thể ăn hết toàn bộ phiến lá, gây hại nghiêm trọng cho cây (Hình 7.5b).
– Bọ trĩ (Chysannoptera thripidae): Trưởng thành rất nhỏ, có màu nâu hay đen, thường tập trung ở các lá bắc để chích hút quả non, làm quả có những chấm màu nâu đen (ghẻ) (Hình 7.5c).
(Trang 58)
a) | b) |
c) |
Hình 7.5. Một số loại sâu hại trên cây chuối
a) Sâu đục thân gây hại trên cây chuối; b) Bọ nẹt hại chuối; c) Bọ trĩ gây hại trên quả chuối
* Biện pháp phòng, trừ
– Vệ sinh đồng ruộng.
– Bắt bằng tay (nếu ít) hoặc bẫy bả để diệt trưởng thành.
– Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
* Một số bệnh hại
– Bệnh đốm lá Sigatoka: Bệnh do nấm Mycosphaerella musicola và Mycosphaerella fijiensis gây ra. Bệnh gây hại trên lá, tạo ra những vết bệnh hình bầu dục màu nâu với nền vàng ở mặt trên của lá (Hình 7.6a) và vết bệnh màu đen ở mặt dưới của lá. Cây bị bệnh nặng lá non không phát triển được, quả nhỏ, lâu chín, ruột quả màu vàng nhạt, ăn có vị chát.
– Bệnh héo vàng lá chuối: Bệnh do nấm Fusarium oxysporum gây ra. Lá bị bệnh vàng dần từ mép lá trở vào, cuống lá bị gẫy gập xuống (Hình 7.6b). Cây bị bệnh có thể bị chết, không cho buồng hoặc cho buồng nhưng quả nhỏ.
– Bệnh chùn đọt BBTV: Bệnh gây ra bởi Banana Bunchy Top Virus (BBTV). Khi bị bệnh lá chuối hẹp lại, vươn thẳng và bó xít vào nhau, nhìn giống như một bó lá, cuống lá ngắn lại và lá bị giòn, rất dễ bị rách (Hình 7.6c). Nếu bị bệnh nặng sẽ không cho thu hoạch.
(Trang 59)
– Bệnh thán thư trên quả: Bệnh do nấm Colletotrichum musae xâm nhập qua vết thương của quả non. Nấm tồn tại trên vỏ quả và tạo ra đốm trứng cuốc khi quả chín (Hình 7.6d).
a) Bệnh đốm lá Sigatoka trên chuối | b) Bệnh héo vàng lá chuối |
c) Bệnh chùn đọt BBTV | d) Bệnh thán thư |
Hình 7.6. Một số loại bệnh gây hại trên chuối
* Biện pháp phòng trừ:
– Sử dụng giống chống chịu, tiêu thoát nước, bón phân cân đối, vệ sinh vườn, bao buồng quả,....
– Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có gốc đồng hay gốc lưu huỳnh,.... Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phun phòng, trừ
e) Một số kĩ thuật chăm sóc khác trên cây chuối
* Cắt tỉa lá
Cắt tỉa lá già, lá bị sâu, bệnh có diện tích quang hợp dưới 50%. Việc cắt tỉa lá được tiến hành sớm và thường xuyên. Thu gom và chuyển ra khỏi vườn những lá bị bệnh để hạn chế lây nhiễm. Những lá già hoặc lá bị tổn thương cơ giới được giữ lại để che phủ đất.
(Trang 60)
* Chằng chống đổ ngã
Cây chuối dễ đổ ngã. Để hạn chế đổ ngã cây chuối, sử dụng một số biện pháp:
– Phát hiện và dựng lại những cây bị nghiêng và vun gốc càng sớm càng tốt.
– Khi cây ra buồng, dùng một hoặc hai cọc để đỡ lấy cổ buồng chuối (Hình 7.7a).
– Dùng dây nylon, một đầu buộc vào thân giả sát cổ buồng chuối, đầu kia buộc vào gốc cây ở hàng ngược với hướng buồng để giữ cho cây đứng thẳng (Hình 7.7b).
a) | b) |
Hình 7.7. Biện pháp chống đổ ngã cho cây chuối
KHÁM PHÁ
Theo em, vì sao cây chuối lại dễ bị đổ ngã? Nêu một số biện pháp chống đổ ngã cho cây chuối thường được sử dụng ở địa phương em.
III. Kĩ thuật điều khiển ra hoa, đậu quả
Để cây chuối ra hoa, đậu quả, cho năng suất cao và chất lượng quả tốt cần chăm sóc cây chuối đúng kĩ thuật. Khi cây chuối đã đạt kích thước tối đa (sau khi trồng từ 10 tháng đến 12 tháng tuỳ giống), bón bổ sung phân NPK (18-10-14) với lượng từ 250 kg đến 300 kg/ha để kích thích cây chuối trổ buồng. Khi chuối đã trổ buồng, sử dụng cytokinin với liều lượng thích hợp để kích thích quả lớn, giúp quả đồng đều về kích thước và tránh những dị tật của quả.
1. Phân tích đặc điểm thực vật học và yêu cầu ngoại cảnh của cây chuối.
2. Trình bày kĩ thuật trồng và chăm sóc cây chuối. Liên hệ với thực tiễn ở địa phương em.
VẬN DỤNG
Đề xuất quy trình trồng và chăm sóc một giống chuối phổ biến ở địa phương em.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn