Viết | Ngữ văn 10 - Tập 2 | Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Ngữ văn 10 - Tập 2 - Viết - Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học - Yêu cầu viết được đặt ra thật đa dạng, cho phép bạn phát biểu cảm nhận chung về tác phẩm hay đi vào phân tích một số yếu tố nổi bật nào đó của nó.


(Trang 61)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học

(Chủ đề và nhân vật trong tác phẩm truyện)

Bạn đã từng viết bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học, trong đó có tác phẩm truyện. Yêu cầu viết được đặt ra thật đa dạng, cho phép bạn phát biểu cảm nhận chung về tác phẩm hay đi vào phân tích một số yếu tố nổi bật nào đó của nó. Bạn cũng có thể trình bày nhận xét, đánh giá về giá trị của tác phẩm khi xem xét nó trong những tương quan khác nhau. Với bài học này, bạn sẽ tập trung tìm hiểu chủ đề của một tác phẩm truyện và mối quan hệ giữa chủ đề đó với các nhân vật được xây dựng trong tác phẩm.

Yêu cầu

• Giới thiệu được những thông tin khái quát về tác giả, tác phẩm.

• Nêu được nhận xét khái quát về giá trị của tác phẩm.

• Nêu được nét riêng về chủ đề của tác phẩm.

• Phân tích được mối quan hệ gắn kết giữa chủ đề và các nhân vật trong tác phẩm (chủ đề đã chi phối sự lựa chọn, miêu tả nhân vật như thế nào; nhân vật đã phát triển và khơi sâu chủ đề ra sao,...).

• Đánh giá khái quát về thành công hay hạn chế của tác phẩm nhìn từ mối quan hệ giữa chủ đề và nhân vật.

• Phát biểu được tác động của chủ đề tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm đối với bản thân.

(Trang 62)

 

Bài viết tham khảo

Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

----------------------

Nguyễn Đăng Mạnh

----------------------

Giới thiệu khái quát về thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân.

Những nhà văn có phong cách đều tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riêng. Thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân,nói chung, gồm hai loại người đối lập với nhau loại người tài hoa nghệ sĩ, có nhân cách, có “thiên lương”, tự đặt mình lên trên; hạng người thứ hai gồm những kẻ tiểu nhân phàm tục bằng thái độ ngạo đời, khinh bạc. Loại người thứ nhất, theo Nguyễn Tuân, thường là những linh hồn đẹp còn sót lại của một thời đã qua, nay chỉ còn “vang bóng”. Loại người ấy cố nhiên là hiếm hoi. Còn kẻ tiểu nhân phàm tục thì đầy rẫy trong thiên hạ.

Định hướng nhìn nhận vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề.

Chữ người tử tù dựng lên một thế giới tăm tối, tù ngục, trong đó, kẻ tiểu nhân, bọn độc ác, bất lương làm chủ. Trên cái tăm tối ấy, hiện lên ba đốm sáng lẻ loi, cô đơn: Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại – những con người có tài và biết trọng tài, có nghĩa khí và biết trọng nghĩa khí. Họ tình cờ gặp nhau trong một tình thế oái oăm, từ chỗ ngờ vực nhau, đối địch nhau, dần dần đi đến hiểu nhau và trở thành tri kỉ.

Ba đốm sáng cô đơn ấy cuối cùng tụ lại, tạo thành ngọn lửa ngùn ngụt rực sáng giữa chốn ngục tù – “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Cái đẹp, cái tài, sự trong sạch của tâm hồn đã tập hợp họ lại giữa cái nơi xưa nay chỉ có gian ác, thô bỉ và hôi hám: “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi trên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ".

Khái quát chủ đề của truyện.

Đấy là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái tài, cái đẹp đối với cái nhem nhuốc, tục tằn, của thiên lương đối với tội ác.

Lâu nay, nói về những nhân cách cao thượng, người ta thường nhấn mạnh đến tinh thần gang thép, đến cái “vô uý”, cái không biết sợ trước những lực lượng thù địch. Thiên hướng ấy thực ra cũng dễ hiểu đối với một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với bọn xâm lược, với bạo lực hung hãn nhất.

Nhân vật Huấn Cao, quản ngục và viên thơ lại đều có cái “vô uý” ấy. Ở Huấn Cao, con người “chọc trời khuấy nước” đến “chết chém ông còn chẳng sợ”, ta không cần nói cũng rõ. Nhưng người quản ngục và viên thơ lại cũng gan góc, ngang tàng lắm chứ! Đó là những con người dám thách thức với những đòn trừng phạt ghê gớm có thể giáng xuống đầu, nếu “âm mưu” của họ – bí mật biệt đãi “tên phiến loạn nguy hiểm” – bị cáo giác.

(Trang 63)

Nhưng thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng “vô uý”, cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đấy là loài quỷ sứ chứ đâu phải là người! Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng: muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp, cái thiên tính tốt đẹp của con người (thiên lương). Vậy kẻ nào không biết sợ cái gì hết, đó là loài quỷ sứ. Loại người này, thực ra, rất hiếm hoi, hay nói đúng hơn, không thể có được. Nhưng loại người sau đây thì chắc không ít: sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thì không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ, giày xéo. Đấy là hạng người hèn hạ nhất, thô bỉ nhất, đồi bại nhất.

Phân tích Chữ người tử tù, không những cần đề cao thái độ không biết sợ của Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại, mà còn phải ca ngợi cái “biết sợ của những nhân vật này nữa.

Khi ông Huấn còn coi viên quản ngục chỉ là viên quản ngục, ông đã có thái độ cố tình khinh bạc đến mức tàn nhẫn: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi dừng đặt chân vào đây”. Nhưng khi hiểu rằng quản ngục chỉ là cái áo khoác, đấy thực chất là một tấm lòng biết quý cái tài, cái đẹp, biết trọng cái tốt lành, trong sạch, thì ông Huấn đâu có cứng rắn, lạnh lùng nữa: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.

Nhìn nhận sự chi phối mạnh mẽ của chủ đề đối với đặc điểm nhân vật.

Còn viên quản ngục? Cái cử chỉ đẹp nhất, cảm động nhất của nhân vật này lại chính là cái cử chỉ khúm núm trước người tử tù ở cái đêm Huấn Cao cho chữ trong nhà ngục. Sau khi cúi đầu nghe mấy lời khuyên răn của người tù: “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Khẳng định ý nghĩa của chủ đề.

Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.

(Nguyễn Đăng Mạnh, Tuyển tập phê bình văn học, NXB Đà Nẵng, 2008, tr. 240 – 242)

1. Chủ đề của Chữ người tử tù đã được tác giả bài viết khái quát qua những câu nào?

2. Để tô đậm ý tưởng của bài viết, tác giả đã chọn cách dẫn dắt như thế nào?

3. Ý nghĩa của chủ đề và nhân vật được khẳng định như thế nào qua bài viết?

(Trang 64)

Thực hành viết

Chuẩn bị viết

Để thực hiện bài viết, cần soát lại trong trí nhớ, lựa chọn truyện có chủ đề nổi bật và các nhân vật gây được ấn tượng mạnh, để lại những bài học sâu sắc về thái độ sống.

Gợi ý: Bạn có thể viết về truyện Con khướu sổ lồng của Nguyễn Quang Sáng hoặc về một truyện trong các tập truyện ngắn sau:

Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2014.

Gió đầu mùa, Thạch Lam, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2014.

Ngọn đèn không tắt, Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Tìm hiểu bài viết tham khảo để học hỏi kinh nghiệm lập ý và triển khai ý. Dựa vào định hướng viết của bài học, đọc kĩ truyện đã chọn, nêu một số câu hỏi sau để tìm ý:

– Chủ đề của truyện là gì? Chủ đề đó có điểm đặc biệt nào không?

Bài viết cần khái quát được chủ đề của truyện. Có thể nêu chủ đề trước hoặc sau khi phân tích nhân vật. Ví dụ, ở bài viết tham khảo, sau khi giới thiệu chung về các nhân vật, người viết đã khái quát chủ đề: Chữ người tử tù là "sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái tài, cái đẹp đối với cái nhem nhuốc, tục tằn, của thiên lương đối với tội ác". Qua chủ đề, bài viết cho thấy Nguyễn Tuân đã biểu dương sức mạnh của cái đẹp, cái tài ở những con người đầy khí phách và thiên lương.

– Các nhân vật trong truyện có đặc điểm gì nổi bật? Ngoại hình, lời nói, hành động, nội tâm của nhân vật hướng tới việc thể hiện chủ đề như thế nào?

Bài viết cần tập trung phân tích nét độc đáo của các nhân vật trong truyện cũng như mối quan hệ giữa các nhân vật, qua đó làm nổi bật chủ đề. Ví dụ, bài viết tham khảo có nêu một ý: Uy lực của cái đẹp, cái tài thể hiện rõ qua thái độ “vô uý" (không biết sợ) của những người gan góc, cứng cỏi. Ý này được làm sáng tỏ qua việc phân tích cái " không biết sợ" của Huấn Cao, quản ngục, viên thơ lại.

– Nhìn từ chủ đề và nhân vật, tác phẩm có gì đặc sắc?

Bài viết cần tập trung phân tích những nét đặc sắc của chủ đề, cách thể hiện chủ đề qua các nhân vật, vì những điều đó tạo nên giá trị của truyện. Chẳng hạn, bài viết tham khảo đã nêu một ý có tính chất phát hiện: “Phân tích Chữ người tử tù, không những cần đề cao

(Trang 65)

thái độ không biết sợ của Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại, mà còn phải ca ngợi cái “biết sợ” của những nhân vật này nữa". Để làm rõ ý này, bài viết đã phân tích thái độ nể trọng của Huấn Cao trước thiên lương của quản ngục, đặc biệt chi tiết quản ngục cảm động vái người tử tù một vái để nhận lời khuyên.

Lập dàn ý

Sắp xếp lại các ý theo trật tự hợp lí. Dàn ý cần phản ánh bố cục và nội dung chính của bài viết.

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

Thân bài:

– Khái quát chủ đề của truyện.

– Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật.

– Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề của truyện.

– Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra ý nghĩa đối với cuộc sống.

Lưu ý: Việc khái quát chủ đề và phân tích nhân vật có thể thay đổi trật tự, tuy nhiên cần đảm bảo tính chặt chẽ, hợp lí trong lập luận và bố cục bài viết.

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận.

Viết

Bám sát dàn ý đã lập đề viết bài. Khi viết từng phần, cần chú ý:

– Lựa chọn những thông tin cơ bản để giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, nhân vật bằng việc trả lời các câu hỏi: Tác giả là ai? Có những tác phẩm nào tiêu biểu? Tác phẩm được chọn phân tích ở đây có gì đặc sắc? Nhân vật nào đáng chú ý?

– Lựa chọn các khía cạnh nổi bật của nhân vật trong truyện để phân tích. Mỗi ý phải được trình bày sáng rõ trong một đoạn văn, các đoạn phải liên kết chặt chẽ với nhau. Qua phân tích nhân vật, phải nêu bật được chủ đề của tác phẩm.

– Khái quát được ý nghĩa của nhân vật, giá trị của tác phẩm và bài học về thái độ sống mà bản thân rút ra được.

(Trang 66)

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý để thực hiện việc chỉnh sửa, hoàn thiện.

Lưu ý:

– Bổ sung những phân tích cụ thể đối với các chi tiết, hình ảnh, sự việc trong truyện, tránh tình trạng nêu những nhận định chung chung, thiếu chứng cứ về nhân vật.

– Kiểm tra những ý phân tích về mối quan hệ giữa chủ đề truyện với hệ thống nhân vật, lược bớt những câu, đoạn phân tích không dẫn tới việc hiểu thấu đáo về chủ đề.

– Kiểm tra tính logic giữa các câu, đoạn; bổ sung bằng các phương tiện liên kết phù hợp hay đảo trật tự của các câu, đoạn ấy nếu thấy chưa đảm bảo.

– Rà soát, phát hiện các lỗi chính tả, lỗi về từ ngữ, ngữ pháp để chỉnh sửa.

Tin tức mới


Đánh giá

Viết | Ngữ văn 10 - Tập 2 | Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Môn Học Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Ngữ văn 10 - Tập 1

Ngữ văn 10 - Tập 2

Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10

Giáo dục thể chất cầu lông

Giáo dục thể chất bóng đá

Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

Công Nghệ 10

Địa Lí 10

Toán 10 - Tập 1

Toán 10 - Tập 2

Lịch Sử 10

Mĩ thuật_Thiết kế thời trang 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10

Mĩ thuật_Thiết kế công nghiệp 10

Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện 10

Mĩ thuật_Lí luận và lịch sử mĩ thuật 10

Mĩ thuật _Điêu khắc 10

Mĩ thuật_Đồ hoạ (tranh in) 10

Mĩ thuật_Hội hoạ 10

Mĩ thuật_Kiến trúc 10

Tin Học 10

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Hóa học 10

Giải bài tập Vật lý 10

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.