Phần 1: Tập Nghiên Cứu | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 | Chuyên Đề 1: Tập Nghiên Cứu Và Viết Báo Cáo Về Một Vấn Đề Văn Học Dân Gian - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 - Chuyên Đề 1 - Phần 1: Tập Nghiên Cứu - Hướng dẫn cách nghiên cứu văn học dân gian, bao gồm việc xác định đề tài, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và xây dựng dàn ý chi tiết.


Trang 7

Yêu cầu

• Để viết được báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian, bạn cần thực hiện các hoạt động theo một quy trình chặt chẽ, bắt đầu từ việc xác định đề tài, vấn đề nghiên cứu; mục tiêu, nội dung nghiên cứu; lập kế hoạch nghiên cứu; lựa chọn phương pháp phù hợp để thu thập, xử lí và tổng hợp thông tin.

• Trong quá trình thực hành nghiên cứu, bạn cần kết hợp những nội dung được học trong chương trình với những nội dung được mở rộng, đi sâu; sử dụng một phương pháp nghiên cứu phù hợp hoặc kết hợp các phương pháp nghiên cứu một cách hợp lí để đáp ứng được mục tiêu đặt ra.

I. XÁC ĐỊNH ĐỀ TÀI, VẤN ĐỀ, MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ LẬP KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU

1. Xác định đề tài, vấn đề nghiên cứu

Đề tài, vấn đề nghiên cứu được chọn để triển khai cần gắn với một nội dung học tập trong chương trình, có thể tiếp tục mở rộng và khơi sâu. Bạn có thể tham khảo một số nội dung nghiên cứu về văn học dân gian sau đây để lựa chọn đề tài, vấn đề nghiên cứu:

Nghiên cứu một tác phẩm văn học dân gian: giá trị, nét đặc sắc hay sức hấp dẫn của một tác phẩm hoặc một nhóm tác phẩm văn học dân gian.

Nghiên cứu một hình tượng, chi tiết trong các văn bản văn học dân gian: hình tượng con cò (hoặc con thuyền, dòng sông,...) trong ca dao, dân ca; hình tượng người anh hùng (hoặc người dũng sĩ, người mồ côi,...) trong truyện cổ dân gian; chi tiết vật thiêng, sự hoá thân trong truyện cổ tích;...

Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian với đời sống văn hoá dân tộc và văn học nghệ thuật hiện nay: sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hoá truyền thống; sự tái sinh của văn học dân gian trong các loại hình nghệ thuật (điện ảnh, ngôn ngữ, văn học) hiện nay;...

Bạn có thể chọn đề tài, vấn đề nghiên cứu phù hợp với điểm mạnh, hứng thú của cá nhân hoặc của nhóm. Điểm mạnh của cá nhân hoặc nhóm thường thể hiện ở các phương diện sau: có nhiều nguồn tư liệu, thông tin, có chuyên gia để hỏi ý kiến;

Trang 8

đề tài, vấn đề đòi hỏi cách thực hiện phù hợp với phong cách học tập của cá nhân hoặc nhóm: học thiên về trực quan, học thiên về suy luận logic, học thiên về tưởng tượng và
cảm xúc,...

Khi xác định đề tài, vấn đề nghiên cứu, cần nêu rõ lí do lựa chọn. Về lí do khách quan, cần nói rõ: tầm quan trọng và tính cấp thiết của đề tài, vấn đề nghiên cứu; những kết quả nghiên cứu đã có về đề tài, vấn đề, những điều cần được tiếp tục mở rộng, đào sâu theo đòi hỏi của thực tế (trước hết là thực tế dạy học trong nhà trường phổ thông).

Về lí do chủ quan, cần nêu được: ý nghĩa của đề tài, vấn đề đối với việc học tập và cuộc sống của cá nhân; nhu cầu, mong muốn được tìm hiểu về đề tài, vấn đề ở địa phương bạn đang sinh sống; điều kiện thuận lợi mà bạn có được khi triển khai đề tài, vấn đề,...

Tham khảo một số thông tin sau đề lựa chọn đề tài, vấn đề nghiên cứu cho cá nhân:

(1) Giá trị, sức hấp dẫn hay nét đặc sắc của một truyện cổ hay một nhóm truyện cổ, một bài ca dao hay một chùm ca dao

Bạn có thể chọn truyền thuyết Thánh Gióng, truyện Thạch Sanh,... hay chùm ca dao về tình yêu quê hương, về lao động sản xuất,... Việc nghiên cứu theo hướng này giúp bạn có điều kiện tìm hiểu, khám phá toàn diện và sâu sắc về một tác phẩm cụ thể. Ngoài các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam, bạn cũng có thể chọn một tác phẩm văn học dân gian
nước ngoài như: Thần thoại Hy Lạp, Truyện cổ Gờ-rim (Grimm – Đức),... Việc tìm hiểu những tác phẩm dân gian nước ngoài sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về vẻ đẹp, giá trị lịch sử,
văn hoá, tinh thần của mỗi dân tộc.

(2) Hình tượng người anh hùng (hoặc dũng sĩ, mồ côi,...) trong truyện cổ dân gian Việt Nam

Đến với kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, chúng ta sẽ được tiếp xúc với nhiều kiểu nhân vật. Đó là người anh hùng đã lập nên những chiến công hiển hách góp phần quan trọng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc; đó là người dũng sĩ với những hành động phi thường, nghĩa hiệp, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người; đó còn là những con người nhỏ bé, mồ côi, xấu xí,... trải qua nhiều nhọc nhằn, gian truân nhưng cuối cùng vẫn có được kết thúc hạnh phúc, xem như một phần thưởng xứng đáng mà cuộc đời dành cho;... Trong mỗi hình tượng nhân vật của truyện cổ dân gian, ta "đọc thấy" bao gửi gắm, khát vọng của người xưa. Đồng thời, ta cũng nhận được từ đó nhiều bài học cuộc sống có ý nghĩa đối với con người hôm nay.

(3) Hình tượng con cò (hoặc con thuyền, dòng sông,...) trong ca dao, dân ca Việt Nam

Ca dao là một loại hình thơ trữ tình dân gian, thường được truyền miệng dưới dạng những câu hát dân ca với các làn điệu khác nhau. Thể thơ chính làm nên phần lời của ca dao là thể lục bát. Thế giới của ca dao là thế giới đầy hương sắc, chứa đựng các cung bậc tình cảm, cảm xúc rất đa dạng của con người trước thiên nhiên, trời đất và lòng người, được thể hiện bằng hình ảnh bình dị, gần gũi với không gian của làng quê xưa (con cò, con trâu, dòng sông, vầng trăng, cây đa, giếng nước,...) và được cất lên trong những giai điệu gắn bó với không gian lao động, sinh hoạt của mỗi vùng quê.

Trang 9

(4) Sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc

Giữa văn học và văn hoá dân gian có mối quan hệ gắn kết. Rất nhiều lễ hội văn hoá của dân tộc bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, các tích xưa. Bạn sẽ được trải nghiệm không khí của những lễ hội, tìm hiểu về nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa của những câu chuyện, nhân vật, sự kiện trong các truyện truyền thuyết; những giai điệu đã trường tồn trong mạch nguồn lịch sử, văn học và vẫn hiển hiện trong cuộc sống hôm nay.

Một số lễ hội gắn với văn học dân gian có thể kể đến:

- Lễ hội Gióng (gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng).

- Lễ hội đền Dạ Trạch (gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử và Tiên Dung).

- Lễ hội Đền Hùng (gắn với truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ).

- Lễ hội Cổ Loa (gắn với truyền thuyết về An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ).

Bạn sẽ chọn đề tài, vấn đề nào được gợi ý ở trên? Hoặc bạn có thể đề xuất đề tài, vấn đề nào khác?

 

Để xác định vấn đề nghiên cứu, bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:
- Vấn đề bạn lựa chọn có điểm gì hấp dẫn?
- Vấn đề bạn lựa chọn có ý nghĩa gì đối với việc học tập của bạn?
- Bạn có điều kiện thực tế để tìm hiểu vấn đề không?
- Vấn đề bạn lựa chọn có phát huy sở trường học tập của bạn không?

2. Xác định mục tiêu, nội dung nghiên cứu

Một đề tài, vấn đề nghiên cứu bao giờ cũng hướng đến những mục tiêu cụ thể và mục tiêu đó sẽ định hướng những tri thức và kĩ năng mà người thực hiện cần huy động.

Chẳng hạn, mục tiêu nghiên cứu của đề tài, vấn đề (4): Sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hoá truyền thống của dân tộc:

- Phát triển năng lực nghiên cứu một đề tài, vấn đề văn học dân gian qua trải nghiệm thực tiễn tham dự một lễ hội và tìm hiểu tư liệu trong sách báo. Qua đó, mở rộng hiểu biết về sức sống và giá trị của văn học dân gian trong đời sống văn hoá của dân tộc hiện nay.

- Bồi dưỡng tình yêu đối với các giá trị văn hoá của dân tộc.

Cùng với việc xác định mục tiêu, bạn có thể dự kiến những nội dung trọng tâm cần nghiên cứu về vấn đề. Chẳng hạn, với đề tài, vấn đề (4), nội dung nghiên cứu trọng tâm có thể là:

Trang 10

- Những đặc điểm nổi bật của lễ hội.

- Dấu ấn của tác phẩm văn học dân gian thể hiện qua các hoạt động của lễ hội.

- Ý nghĩa, giá trị của lễ hội và tác phẩm văn học dân gian trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Để xác định mục tiêu, nội dung của đề tài, vấn đề nghiên cứu, bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:

- Bạn muốn được rèn luyện thêm điều gì về tư duy và các kĩ năng tìm hiểu, nghiên cứu một vấn đề?

- Việc tìm hiểu đề tài, vấn đề nghiên cứu giúp gì cho bạn trong việc mở rộng, nâng cao hiểu biết về văn học dân gian?

- Bạn dự kiến những nội dung trọng tâm của đề tài, vấn đề cần tìm hiểu là gì?

3. Lập kế hoạch nghiên cứu

Lập kế hoạch là bước quan trọng trong việc thực hiện một nhiệm vụ, qua đó, bạn có thể dự kiến, hình dung và sắp xếp các bước cần tiến hành theo một trình tự thời gian hợp lí để hoàn thành nhiệm vụ. Kế hoạch thường được trình bày dưới dạng bảng, thể hiện nội dung của từng công việc, cách thức tiến hành, thời gian dự kiến và người thực hiện.

Để lập được kế hoạch nghiên cứu, cần chia nhiệm vụ nghiên cứu thành nhiều hoạt động nhỏ, xác định nội dung chi tiết của từng hoạt động và dự kiến kết quả, sản phẩm đạt
được của mỗi hoạt động.

Chẳng hạn, với đề tài, vấn đề (4), bạn có thể lập kế hoạch nghiên cứu theo bảng gợi ý sau:

Các hoạt động     Dự kiến kết quả, sản phẩm  Thời gian thực hiện Người thực hiện hoặc phối hợp
Tìm hiểu về lễ hội dân gian qua tài liệu (sách báo, internet,...) Các tài liệu được sưu tầm về lễ hội và tác phẩm văn học dân gian liên quan đến lễ hội 1 buổi  Cá nhân     
Tham khảo ý kiến chuyên gia Bản ghi chép ý kiến chuyên gia về lễ hội và tác phẩm văn học liên quan đến lễ hội  1 buổi    Nhóm 

 

Trang 11

Tham gia lễ hội Bản ghi chép về không khí, diễn biến của lễ hội và sức sống của lễ hội trong đời sống văn hoá của dân tộc 1 buổi    Nhóm 
Xây dựng hồ sơ tài liệu nghiên cứu về tác phẩm văn học dân gian và lễ hội văn hoá Danh mục tài liệu tham khảo gồm những công trình nghiên cứu (bài viết, sách,...) liên quan đến tác phẩm văn học dân gian và lễ hội văn hoá 1 ngày Nhóm

 

Để lập kế hoạch nghiên cứu cho đề tài, vấn đề đã lựa chọn, bạn có thể dựa vào các câu hỏi gợi ý sau:
– Việc triển khai đề tài, vấn đề bao gồm những hoạt động nào?
– Hoạt động được thực hiện ở đâu?
– Kết quả, sản phẩm của từng hoạt động và kết quả, sản phẩm cuối cùng là gì?
– Khi nào cần hoàn thành từng hoạt động?
– Ai được phân công thực hiện và cần phối hợp với ai?

 

II. THU THẬP THÔNG TIN

Để triển khai đề tài, vấn đề nghiên cứu và thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đã dự kiến, bên cạnh vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã được học trong chương trình, việc thu thập thêm các thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm hiểu sâu rộng đề tài, vấn đề nghiên cứu.

Bạn có thể thu thập thông tin về đề tài, vấn đề đã lựa chọn theo một số hình thức sau:

1. Sưu tầm tài liệu

Tác phẩm văn học dân gian xưa được lưu truyền bằng con đường truyền miệng, nhưng hiện nay hầu hết đã được ghi chép lại trong các cuốn sách, tài liệu; đồng thời có rất nhiều
công trình nghiên cứu về chúng. Do vậy, việc sưu tầm tài liệu là một trong những phương pháp thường dùng khi triển khai nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian, qua đó phát triển kĩ năng đọc, tìm kiếm thông tin trong nghiên cứu.

Việc sưu tầm tài liệu sẽ giúp bạn tìm được nhiều thông tin cần thiết để trả lời các câu hỏi: Vấn đề nghiên cứu liên quan đến những tác phẩm nào? Vấn đề này đã từng được nghiên cứu chưa? Dữ liệu, thông tin nào cần sử dụng để làm sáng tỏ các nội dung liên quan đến vấn đề?

Trang 12

Bạn có thể tìm đọc, sưu tầm tài liệu từ các nguồn sau:

Sách báo

Tìm đọc các tư liệu có liên quan đến đề tài, vấn đề bạn chọn trong thư viện của nhà trường hoặc thư viện ở địa phương: các tác phẩm văn học dân gian; các bài viết, sách nghiên cứu.

Thông tin trên internet

- Truy cập internet để tìm kiếm thông tin bằng các từ khoá liên quan đến đề tài, vấn đề.

- Tra cứu thêm các trang tin khác có liên quan qua những đường dẫn do tác giả bài đăng cung cấp.

- Lưu lại những trang tin có nhiều thông tin tốt để dùng lại hoặc đề giới thiệu cho người khác cùng sử dụng.

Lưu ý: Cần lưu giữ những thông tin về nguồn tài liệu để khi cần sẽ trích dẫn đúng quy định.

GHI CHÉP NHANH
- Tác phẩm văn học dân gian có liên quan đến đề tài lựa chọn.
- Tài liệu nghiên cứu có liên quan.
- Bài viết đề cập tới đề tài, vấn đề nghiên cứu.
- Một số đường dẫn, trang thông tin.

Bạn có thể tham khảo một số tài liệu sau để tìm các thông tin liên quan đến đề tài, vấn đề nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian:

1. Nguyễn Đổng Chi (2011), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, bộ sách 5 tập, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đinh Gia Khánh (Chủ biên, 2009), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3. Đỗ Quang Lưu (2000), Tập nghiên cứu và bình luận chọn lọc về văn học dân gian Việt Nam, NXB Hà Nội.

4. Phan Ngọc (1997), Thần thoại Hy Lạp, NXB Lao động, Hà Nội.

5. Bùi Mạnh Nhị (Chủ biên, 2003), Văn học dân gian – những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, Hà Nội.

6. Bùi Mạnh Nhị (2012), Phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

7. Vũ Ngọc Phan (2000), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội.

Trang 13

2. Phòng vấn, tham khảo ý kiến chuyên gia

Nhiều đề tài, vấn đề nghiên cứu đòi hỏi những tri thức sâu rộng, kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn của người đi trước, do vậy, ngoài sự phối hợp với bạn bè cùng nhóm, việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu nhiều khi cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia. Chuyên gia có thể là nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu văn học dân gian hoặc giáo viên am hiểu về vấn đề bạn đang nghiên cứu,...

Khi phỏng vấn, cần chuẩn bị trước các câu hỏi, đánh dấu những vấn đề muốn được chỉ dẫn cụ thể nhằm khai thác thông tin có chiều sâu từ góc nhìn chuyên gia, giúp bạn có định hướng nghiên cứu phù hợp, đúng đắn. Cũng có thể xin ý kiến chuyên gia về ý tưởng bạn muốn đề xuất để xác nhận sự hợp lí hay chưa hợp lí của ý tưởng.

Việc phỏng vấn có thể được thực hiện qua gặp gỡ trực tiếp hoặc qua điện thoại, mạng internet. Trong quá trình phỏng vấn, bạn cần bộc lộ được kĩ năng tương tác với người được phỏng vấn, tạo nên không khí thân thiện, thoải mái, thể hiện tinh thần cầu thị.

Chẳng hạn, với đề tài, vấn đề (4), bạn có thể phỏng vấn, xin ý kiến của một nhà nghiên cứu văn hoá ở địa phương về một số nội dung sau:

hinh-anh-phan-1-tap-nghien-cuu-13204-0

Nguồn gốc và những hoạt động chính của lễ hội • Tóm tắt về lịch sử hình thành lễ hội.
• Những hoạt động hoặc sự kiện chính của lễ hội.
Nội dung và ý nghĩa của văn bản văn học dân gian • Nội dung văn học dân gian được phản ánh trong lễ hội.
• Ý nghĩa của nhân vật hoặc hình tượng, sự kiện văn học trong lễ hội.
Mối quan hệ giữa văn học và lễ hội • Những điểm kế thừa hoặc điểm mới của lễ hội trong thời hiện đại.
• Giá trị văn hoá của văn học dân gian trong cuộc sống hôm nay.


Để chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn chuyên gia, có thể tham khảo các câu hỏi gợi ý sau:

- Mục đích của cuộc phỏng vấn là gì?

- Đối tượng được phòng vẫn là ai?

- Những câu hỏi nào sẽ được đặt ra trong cuộc phỏng vấn?

- Cuộc phỏng vấn được thực hiện theo cách thức nào (gặp trực tiếp, qua điện thoại, qua email,...)?

Trang 14

BÀI THAM KHẢO

Phỏng vấn nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹhinh-anh-phan-1-tap-nghien-cuu-13204-1 về hò khoan Lệ Thuỷ (Trích)

Diệu Hương

Những nét đẹp của hò khoan Lệ Thuỷ là gì, thưa ông?

- Là một hệ thống dân ca, hò khoan Lệ Thuỷ tập hợp một lúc nhiều giá trị làm nên đặc sắc văn hoá của nó. Tối thiểu là: Sự gắn bó tươi ròng của nó với mọi môi trường thực tiễn và
tình thân nhân dân. Tính trữ tình vô cùng đậm đà trong âm nhạc, lời ca và diễn xướng dù gắn chặt với lao động trực tiếp. Tính phổ biến toàn dân, nhân dân yêu quý, bảo tồn, quảng bá. Khả năng bao dung nhiều phong cách khác trong tiếp biến văn hoá vì hò khoan Lệ Thuỷ có một nội lực mạnh mẽ, cũng giống như quan họ Bắc Ninh đủ sức bao dung xẩm, chèo, tuồng, văn, đúm, lí,... vào hệ thống của mình.

Câu hỏi muốn chuyên gia đưa ra một nhận định khái quát về đối tượng.

Sự đa dạng các mái hò, các phong cách hát ở các nghệ nhân khác nhau. Khả năng tạo sinh mạnh mẽ trên mọi mặt. Đặc biệt là khả năng tạo nên các tổ hợp trình diễn để mở rộng dung lượng, khả năng làm chất liệu cho sáng tác ca khúc mới, khả năng sân khấu hoá trong môi trường hiện đại,... khiến hò khoan Lệ Thuỷ như một hệ thống thẩm mĩ đa dạng, phong phú.

Theo ông, vì sao hò khoan Lệ Thuỷ được bảo tồn và phát triển cho đến hôm nay?

- Thứ nhất là nhân dân yêu quý những sáng tạo tinh thần của mình một cách bền vững. Có những nghệ nhân suốt đời lưu giữ, bảo vệ nó như một tín đồ, ví dụ như Nghệ nhân
Ưu tú Nguyễn Thị Lý (Đại Phong) là con người hiếm hoi tôi từng gặp trong cả nước chứ không riêng Lệ Thuỷ. Thứ hai, cuộc Cách mạng tháng Tám của chúng ta là một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, thiết chế chính trị mới ngay từ đầu đã hướng đến nhân dân.

Câu hỏi muốn chuyên gia cắt nghĩa sâu hơn về lí do khiến hò khoan Lệ Thuỷ có sức sống bền lâu.

________________________________________________

hinh-anh-phan-1-tap-nghien-cuu-13204-2Nguyễn Hùng Vỹ sinh năm 1956, quê ở tỉnh Nghệ An, là nhà nghiên cứu và giảng dạy về văn hoá, văn học dân gian Việt Nam.

Trang 15

Văn hoá là hướng đến dân gian. Đó là điều xuyên suốt chính sách văn hoá với tinh thần dân tộc, đại chúng. Các cấp chính quyền luôn đưa nhiệm vụ bảo tồn văn hoá truyền thống vào chương trình hành động của mình. Không phải quốc gia nào cũng làm được đâu nhé! Thứ ba, cuộc sống đã trở lại thời bình, nhu cầu hát, quyền được hát ngày càng cao, tạo nên một môi trường thuận lợi. Mà bạn biết đấy, những gì sâu rễ, bền gốc, giá trị cao, chấp nhận phát triển,... sẽ tồn tại lâu dài!

(Theo https://baoquangbinh.vn, ngày 17/9/2017)

3. Tìm hiểu, trải nghiệm thực tiễn

Văn học dân gian gắn liền với đời sống lao động của nhân dân và được lưu truyền trong dân gian với nhiều dị bản. Vì thế, các hoạt động trải nghiệm thực tiễn rất quan trọng đối với việc nghiên cứu một vấn đề văn học dân gian.

Khi tìm hiểu, nghiên cứu về các đặc trưng của văn học dân gian, bạn có thể xem các chương trình sân khấu hoá tác phẩm văn học dân gian, các lễ hội văn hoá, hoặc nhớ về những trải nghiệm tuổi thơ khi được nghe hát ru, nghe kể truyện cổ tích,...

Chẳng hạn, với đề tài, vấn đề (4), khi tham gia lễ hội, bạn cần quan sát kĩ không khí, quang cảnh lễ hội; diễn biến và ý nghĩa của lễ hội; những sự kiện, nhân vật trung tâm được vinh danh, tưởng tượng và tái tạo từ tác phẩm văn học dân gian. Có thể kết hợp quan sát và ghi chép; chú ý ghi hình thực tế sinh động để xây dựng được một bộ dữ liệu phong phú phục vụ cho việc nghiên cứu.

Để việc trải nghiệm và quan sát hiệu quả, bạn có thể xây dựng một phiếu ghi chép trải nghiệm theo gợi ý sau:

PHIẾU GHI CHÉP TRẢI NGHIỆM
Mục đích trải nghiệm:
Nội dung cần trải nghiệm:
Địa điểm và thời gian:
Cách ghi chép và thu thập tư liệu:
Kết quả dự kiến:


Trang 16

BÀI THAM KHẢO

Hội Gióng ở đền Phù Đổng (Trải nghiệm lễ hội văn hoá thể hiện qua một ghi chép cụ thể)

Hội Gióng ở đền Phù Đổng gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kì lạ ở làng Phù Đổng.

Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên ba mà vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên giống tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu
gọi của nhà vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, ngài về núi Sóc rồi cuỡi ngựa bay lên trời.

Nhắc gọi về truyền thuyết gắn liền với lễ hội mà người viết có tham gia.

Để tổ chức hội Gióng ở đền Phù Đổng, những gia đình có vinh dự được chọn người đóng những vai quan trọng như các vai Ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung
quân, Hiệu Tiểu cổ), Cô Tướng hay các phường Áo đen, phường Áo đỏ..., tuỳ theo vai vế, khả năng kinh tế mà chuẩn bị những điều kiện vật chất và người được chọn vai sinh hoạt kiêng cữ từ hàng tháng trước ngày lễ hội. Vào chính hội, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đến Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hoà, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đến Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng,... Ngày chính hội mùng 9 tháng Tư, hội Gióng diễn ra trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt thể hiện truyền thống hiếu nghĩa đối với tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc và tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Ghi lại những thông tin cơ bản về thời gian, địa điểm, cách thức tổ chức và diễn biến của lễ hội.

(Theo https://dsvh.gov.vn)

Trang 17

III. XỬ LÍ, TỔNG HỢP THÔNG TIN

Những thông tin đã thu thập qua việc đọc tài liệu, hỏi ý kiến chuyên gia hay qua trải nghiệm thực tiễn cần được xử lí, tổng hợp, để từ đó có thể xác định được khung vấn đề nghiên cứu. Công việc này cũng có thể được thực hiện ngay trong quá trình thu thập thông tin. Sau đây là một số cách xử lí, tổng hợp thông tin.

1. Ghi chú bên lề tài liệu

Là cách ghi lại những thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung của đề tài, vấn đề bạn đang tìm hiểu. Việc ghi chú giúp tóm lược những nội dung cần thiết, nêu những ý nhận xét, cảm nhận hoặc lưu ý, nhấn mạnh những điểm quan trọng có liên quan đến đề tài, vấn đề nghiên cứu ngay trong quá trình đọc tài liệu.

Để việc ghi chú được rõ ràng, dễ tra cứu, bạn có thể sử dụng các băng giấy với những màu sắc khác nhau dán bên lề trang tài liệu bạn đang đọc.

2. Sử dụng sơ đồ tư duy

Là cách xử lí thông tin theo hình thức sơ đồ, thể hiện được tương quan giữa các đối tượng, sự vật, qua đó, bạn có thể nắm bắt được vấn đề một cách bao quát và hệ thống.

Việc xử lí thông tin theo sơ đồ tư duy sẽ giúp bạn:

- Ghi nhớ tốt hơn vì chỉ sử dụng các từ khoá.

- Sáng tạo hơn, vì có thể viết, vẽ tuỳ theo ý bạn.

- Nâng cao khả năng tư duy vì bạn sẽ sử dụng được cả hai bán cầu não cùng một lúc.

- Có thể đưa ra các giải pháp để giải quyết một vấn đề.

- Thấy được “bức tranh tổng thể” của nội dung cần ghi nhớ.

3. Sử dụng phương pháp ghi chú của Co-neo (Cornell)

Là cách xử lí thông tin theo hình thức chia trang giấy thành ba phần:

- Cột bên phải: ghi lại thông tin, kiến thức cụ thể.

- Cột bên trái: ghi lại các câu hỏi, ghi chú, gợi ý hoặc nội dung cần nhấn mạnh.

- Hàng cuối của trang: ghi nội dung tổng kết về kiến thức, kĩ năng.

hinh-anh-phan-1-tap-nghien-cuu-13204-3

Phương pháp Co-neo

Trang 18

Việc tổng hợp thông tin theo phương pháp Co-neo giúp bạn:

- Thấy được mối quan hệ giữa những nội dung cụ thể và nội dung khái quát về vấn đề.

- Có thể dễ dàng điều chỉnh, bổ sung thông tin trong từng cột.

4. Lập hồ sơ tài liệu

Là việc tổng hợp và sắp xếp văn bản, tài liệu có được trong quá trình tìm hiểu đề tài, vấn đề thành hồ sơ theo những nguyên tắc, phương pháp nhất định và mục tiêu nghiên cứu đã xác định.

Hồ sơ có thể là kết quả của hoạt động cá nhân hoặc nhóm. Chẳng hạn, hồ sơ tài liệu nghiên cứu về đề tài, vấn đề (4) có thể bao gồm:

- Các tác phẩm văn học dân gian được sưu tầm có liên quan đến lễ hội;

- Các bài viết có liên quan đến tác phẩm văn học dân gian và lễ hội;

- Sổ tay hoặc phiếu ghi chép các thông tin và nội dung tìm hiểu;

- Tranh ảnh, sản phẩm nghệ thuật liên quan được thực hiện qua hoạt động trải nghiệm thực tiễn.

Sau khi tập hợp các tài liệu, cần lập được hồ sơ về các tài liệu tham khảo. Ví dụ, với một cuốn sách cần có các thông tin như: tên tác giả, tên tác phẩm, nhà xuất bản, nơi xuất
bản, năm xuất bản, nội dung chính, một số chi tiết, hình ảnh đặc sắc, những nhận xét, bình luận mang tính phản hồi cá nhân đối với những văn bản đã đọc,....

Hồ sơ tài liệu về vấn đề bạn đang tìm hiểu, bao gồm:

- Các tác phẩm có liên quan

- Danh mục tài liệu tham khảo

- Các tranh ảnh, số liệu, bảng biểu

- Các nội dung ghi chép

- Các minh chứng khác

 

Tin tức mới


Đánh giá

Phần 1: Tập Nghiên Cứu | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 | Chuyên Đề 1: Tập Nghiên Cứu Và Viết Báo Cáo Về Một Vấn Đề Văn Học Dân Gian - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Môn Học Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Chuyên đề học tập Toán 10

Chuyên đề học tập Vật lí 10

Chuyên đề học tập Ngữ văn 10

Chuyên đề học tập Hóa học 10

Chuyên đề học tập Sinh học 10

Chuyên đề học tập Lịch sử 10

Chuyên đề học tập Địa lí 10

Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10

Chuyên đề học tập Âm nhạc 10

Chuyên đề học tập Công nghệ 10 (Công nghệ trồng trọt)

Chuyên đề học tập Mĩ thuật 10

Chuyên đề học tập Công nghệ 10 (Thiết kế và Công nghệ)

Chuyên đề học tập Tin học 10 (Định hướng khoa học máy tính)

Chuyên đề học tập Tin học 10 (Định hướng tin học ứng dụng)

Công nghệ trồng trọt 10

Vật Lí 10

Hóa học 10

Sinh học 10

Âm nhạc 10

Giáo Dục Quốc Phòng Và An Ninh 10

Ngữ văn 10 - Tập 1

Ngữ văn 10 - Tập 2

Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10

Giáo dục thể chất cầu lông

Giáo dục thể chất bóng đá

Giáo dục thể chất bóng chuyền

Giáo dục thể chất bóng rổ

Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

Công Nghệ 10

Địa Lí 10

Toán 10 - Tập 1

Toán 10 - Tập 2

Lịch Sử 10

Mĩ thuật_Thiết kế thời trang 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10

Mĩ thuật_Thiết kế công nghiệp 10

Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện 10

Mĩ thuật_Lí luận và lịch sử mĩ thuật 10

Mĩ thuật _Điêu khắc 10

Mĩ thuật_Đồ hoạ (tranh in) 10

Mĩ thuật_Hội hoạ 10

Mĩ thuật_Kiến trúc 10

Tin Học 10

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Hóa học 10

Giải bài tập Vật lý 10

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.