Nội Dung Chính
Trang 91
Yêu cầu
• Xác định được mục đích của việc trình bày bài giới thiệu.
• Nêu được các thông tin về tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết: tác giả, tên tác phầm, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản, lần xuất bản/ tái bản,...
• Trình bày được một số khía cạnh cơ bản về nội dung, nghệ thuật của tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết phù hợp với mục đích của việc giới thiệu.
Trong đời sống văn học, việc giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết có thể được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, rất phong phú, đa dạng, tuỳ thuộc quy mô, mục đích, sự sáng tạo của người tổ chức. Trình bày bằng hình thức nói phù hợp với hai hướng: giới thiệu quảng bá và đánh giá, phê bình. Hướng trình bày phải được xác định ngay từ đầu để chuẩn bị nội dung và chọn hình thức thể hiện.
Với điều kiện cụ thể ở trường, lớp, bạn có thể thực hiện theo một trong hai hình thức sau đây:
I. TRÌNH BÀY TRƯỚC LỚP
Hình thức tổ chức này tương tự hình thức tổ chức hoạt động Nói và nghe với mỗi bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10.
1. Chuẩn bị
Chuẩn bị bài nói tiến hành theo hai phương án:
- Phương án 1: Giới thiệu một tập thơ, tập truyện hoặc một cuốn tiểu thuyết chưa được thực hiện ở phần Viết. Đọc kĩ tác phẩm, lập dàn ý cho bài nói.
- Phương án 2: Bài nói thực hiện trên cơ sở bài viết đã có. Tóm tắt bài viết và chuyển bản tóm tắt đó thành dàn ý cho bài nói.
Dàn ý phải có đầy đủ các phần theo bố cục của bài viết. Nội dung của mỗi phần cần tách ý rõ ràng, ý nọ tiếp ý kia theo thứ tự hợp lí, mạch lạc. Để nắm được những thao tác
Trang 92
cơ bản, bạn hãy quan sát cách tóm tắt sau đây về Lời tựa tập truyện Gió đầu mùa của Thạch Lam do nhà văn Khái Hưng viết.
Mở đầu:
– Giới thiệu quan niệm về truyện ngắn của Thạch Lam – tác giả tập truyện Gió đầu mùa.
– Đặc điểm xuyên suốt tập truyện (viết về những chuyện giản dị, những cái xảy ra hằng ngày, không cần đến những tình tiết ngoắt ngoéo).
Triển khai:
– Sự thành thực đến mức trở nên can đảm trong văn Thạch Lam (nêu và phân tích truyện Ngày mới, truyện Một cơn giận để chứng minh).
– Những rung động của ngòi bút Thạch Lam và khả năng tác động của nó đến người đọc (làm rõ bằng truyện Gió lạnh đầu mùa, Trở về, Những ngày mới).
– Thiên về cảm giác – một đặc điểm nổi bật trong bút pháp truyện ngắn Thạch Lam (phân tích sự tinh tế của việc miêu tả cảm giác nhân vật trong truyện Nhà mẹ Lê và Trở về).
Kết thúc:
Nhận định một hướng đi của Thạch Lam trong sáng tác.
Lưu ý:
– Ở mỗi phần, mỗi ý, bên cạnh nêu nội dung cơ bản, dẫn chứng tiêu biểu, cần ghi chú cách trình bày, thời gian dành cho từng phần. Những ghi chú như vậy có tác dụng nhắc người nói chủ động, tránh tình trạng nói lan man hoặc tạo ra sự thiên lệch, bất hợp lí giữa các ý khi trình bày.
– Chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ: Nếu có điều kiện trình chiếu bằng PowerPoint, cần dựa vào dàn ý đề soạn các slide và tập luyện trước. Kiểm tra máy móc trình chiếu, các video, thiết bị âm thanh (nếu có).
2. Trình bày bài giới thiệu
Mở đầu:
– Tìm hiểu trước đối tượng tham dự để có cách chào thưa, xưng hô phù hợp.
– Tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân (tên, học sinh lớp, trường....).
– Nêu mục đích của việc trình bày giới thiệu tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết.
– Nêu các thông tin tổng quát (tên tập sách, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, sự đánh giá của dư luận về tập sách).
Triển khai:
– Bám vào đề cương đã chuẩn bị hoặc trình chiếu slide, lần lượt trình bày từng ý. Nhấn mạnh trọng tâm của vấn đề, thuyết minh rõ ràng, diễn giải, phân tích dẫn chứng ở những chỗ cần làm sáng tỏ. Trong quá trình trình bày, cần chú ý tương tác với người nghe (qua ánh mắt, khả năng biểu cảm, ngôn ngữ).
– Nếu có video chiếu xen kẽ, cần làm rõ sự kết nối giữa bài giới thiệu và hình ảnh.
– Khi trình bày, tuỳ thái độ, sự phản ứng của người nghe đề điều chỉnh, bổ sung thông tin cần thiết.
– Giọng nói to, nhỏ, nhanh, chậm phải phù hợp với thể loại tác phẩm được giới thiệu và nội dung trình bày. Tuyệt đối tránh tình trạng đọc bài viết soạn sẵn.
Kết thúc:
– Khẳng định lại giá trị của tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết và sự cần thiết của việc nắm được các thông tin cơ bản về tập sách đó đối với việc nâng cao chất lượng học
tập môn Ngữ văn.
– Sẵn sàng giải đáp những điều người nghe muốn hiểu rõ thêm.
II. TỔ CHỨC SỰ KIỆN
Đây là hoạt động có tính chất của một sinh hoạt câu lạc bộ, vì thế cần phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự phối hợp giữa các thành viên dưới sự điều hành chung.
Chuẩn bị:
– Xác định mục tiêu của việc tổ chức hoạt động: Thông thường, hoạt động giới thiệu một tập sách thuộc thể loại nào đó (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết) cần hướng tới một mục tiêu nhất định, tuỳ vị trí của tác giả và tác phẩm hoặc mối liên hệ giữa tác phẩm với chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông.
– Thống nhất về việc chọn tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết để giới thiệu. Hoạt động này được xem như một sự kiện. Do đó, việc chọn tập sách nào để giới thiệu phải dựa trên kết quả đọc, trao đổi, đi đến thống nhất giữa các thành viên trong lớp hoặc trong nhóm. Các bạn cũng có thể nhờ thầy cô định hướng, tư vấn nhằm chọn được cuốn sách hữu ích
và thiết thực để giới thiệu.
– Người được giao nhiệm vụ trình bày phải đọc kĩ tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết, trao đổi với nhau đề soạn đề cương cho bài giới thiệu.
– Người được giao dẫn chương trình chuẩn bị kịch bản cho buổi giới thiệu.
– Bộ phận phụ trách việc trang trí làm sân khấu, áp phích và chuẩn bị các thiết bị kĩ thuật (máy chiếu, ánh sáng, âm thanh,....).
Triển khai:
Công việc của người dẫn chương trình:
– Giới thiệu thầy cô, khách mời, thành phần tham gia.
– Nêu lí do và mục đích tổ chức sự kiện giới thiệu tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết.
Trang 94
– Giới thiệu và mời diễn giả (các bạn đã nhận nhiệm vụ chuẩn bị đề cương) lên trình bày bài giới thiệu về tập sách.
Công việc của người trình bày:
– Do hình thức này giống kiều tổ chức sự kiện, nên việc trình bày có thể do một số người đảm trách, mỗi người nói về một khía cạnh của tập thơ, tập truyện hoặc tiểu thuyết.
– Diễn giả dựa vào đề cương và những gì đã chuẩn bị, có thể trình chiếu các slide, kết hợp dùng ngôn ngữ nói đề giới thiệu.
– Bằng sự kết nối của người dẫn chương trình, có thể có cuộc trao đổi ngắn giữa diễn giả với cử toạ về khía cạnh nào đó liên quan đến tập sách được giới thiệu. Người trình bày cần giải đáp nhanh gọn một số câu hỏi do người nghe nêu lên.
Kết thúc:
– Tóm tắt lại một số hoạt động đã diễn ra, khẳng định ý nghĩa của việc giới thiệu tập sách.
– Cảm ơn sự có mặt của các thầy cô, các vị khách và những thành phần tham gia khác.
– Tuyên bố kết thúc sự kiện.
1. Chọn một tập thơ, lập đề cương bài giới thiệu và tập trình bày trước nhóm bạn cùng lớp.
2. Chọn một tập truyện ngắn hoặc một cuốn tiểu thuyết để tổ chức một buổi giới thiệu. Phân công các thành viên trong nhóm đảm nhiệm từng khâu (viết kịch bản dẫn chương trình, thiết kế sân khấu, áp phích, làm đề cương trình bày bài nói). Đưa sản phẩm mà các thành viên đã chuẩn bị ra trước nhóm để cùng trao đổi, thảo luận.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn