Phần 2: Viết Báo Cáo Nghiên Cứu Về Một Vấn Đề Văn Học Dân Gian | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 | Chuyên Đề 1: Tập Nghiên Cứu Và Viết Báo Cáo Về Một Vấn Đề Văn Học Dân Gian - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 - Chuyên Đề 1 - Phần 2: Viết Báo Cáo Nghiên Cứu Về Một Vấn Đề Văn Học Dân Gian


Trang 19

Yêu cầu

• Để viết được báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian, bạn cần huy động các tri thức, kĩ năng đã học, rèn luyện ở Phần 1 của Chuyên đề 1, phối hợp với việc lựa chọn đề tài, vấn đề đích đáng và vận dụng được các thao tác nghiên cứu phù hợp.

• Cần đặc biệt lưu ý những đặc trưng của văn học dân gian như: tính nguyên hợp, tính tập thể, tính truyền miệng, tính diễn xướng, tính dị bản.

• Cần biết tập hợp thông tin từ nhiều nguồn đề phục vụ cho việc viết bài.

• Tuỳ theo điều kiện và sở thích cá nhân, bạn có thể lựa chọn một trong các kiểu bài viết sau:

– Nghiên cứu một tác phẩm văn học dân gian;

– Nghiên cứu một loại hình tượng hoặc một loại chi tiết trong tác phẩm văn học dân gian;

– Nghiên cứu một lễ hội dân gian.

1. CÁCH TRIỂN KHAI BÁO CÁO NGHIÊN CỨU THEO TỪNG LOẠI ĐỀ TÀI

1. Nghiên cứu một tác phẩm văn học dân gian

a. Nghiên cứu một truyện cổ dân gian

Chuẩn bị

– Rà soát hồ sơ tài liệu để kiểm tra lại các văn bản tác phẩm đã tìm được, đánh dấu những phần cần trích dẫn.

– Soát lại từng tài liệu tham khảo cụ thể, đánh dấu vào những đoạn cần phát triển, trao đổi hoặc trích dẫn.

– Diễn đạt thật chính xác tên đề tài (Ví dụ: Giá trị đặc sắc của truyện "Thạch Sanh" hay Sức hấp dẫn của truyện “Thạch Sanh"?).

Trang 20

Tìm ý, lập đề cương

Tìm ý

Để tìm ý cho báo cáo nghiên cứu về một truyện cổ dân gian, bạn cần đặt ra một số câu hỏi sau:

– Vì sao truyện này được chọn để nghiên cứu? Truyện được lấy từ nguồn nào (từ một tuyển tập truyện cổ dân gian đã được in, từ internet, được nghe ai đó kể lại,...)?

– Có thể tìm thấy bao nhiêu bản kể của truyện này (cùng một truyện cổ dân gian có thể có nhiều bản kể khác nhau về chi tiết, lời kề,... ví dụ: truyện Thánh Gióng có bản kể của
Nguyễn Đổng Chi, có bản kể của Lê Trí Viễn,...)? Có gì khác biệt giữa các bản kể? Vì sao bản kể này lại được chọn đề nghiên cứu?

– Truyện thuộc thể loại nào (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích,...)? Những dấu hiệu nào trong truyện thể hiện đặc trưng của thể loại đó?

– Truyện đã được nghiên cứu, đánh giá như thế nào? Có những nhận định gì đáng chú ý?

– Câu chuyện đã diễn biến như thế nào? Những chi tiết, sự kiện nào cần đặc biệt chú ý? (Ví dụ: chi tiết cây đàn thần, niêu cơm ăn hết lại đầy trong truyện Thạch Sanh,...)

– Nhân vật chính trong truyện là ai? Thuộc kiểu nhân vật nào? (Ví dụ: Thánh Gióng là nhân vật anh hùng, Thạch Sanh là nhân vật dũng sĩ, Tấm là nhân vật người con mồ côi,...) Tác giả dân gian muốn nói lên điều gì qua việc kể về hành động, phẩm chất, số phận của nhân vật?

– Các nhân vật khác trong truyện là người như thế nào? Nhân vật nào đáng chú ý? Vì sao?

– Truyện có nét đặc sắc gì về phương diện nghệ thuật?

– Những truyện nào có thể xếp cùng loại với truyện được chọn nghiên cứu? Sự gần gũi và khác biệt giữa các truyện cùng loại này nói lên điều gì?

– Truyện có được "tái sinh" trong sân khấu, phim ảnh, văn học,... hiện nay không? Biểu hiện cụ thể của sự "tái sinh" đó là gì? Hiện tượng truyện được "tái sinh" nói lên điều gì?

Lập đề cương

Dựa vào các tài liệu đã chuẩn bị và các ý đã tìm được ở phần trên, bạn hãy lập đề cương chi tiết cho các phần của bài nghiên cứu về truyện cổ dân gian:

Đặt vấn đề:

– Nêu lí do chọn tác phẩm (Ví dụ: Sơn Tinh, Thuỷ Tinh; Thánh Gióng; Thạch Sanh;...).

– Trình bày xuất xứ của tác phẩm (Ví dụ: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, Truyện cổ nước Nam của Nguyễn Văn Ngọc....).

Giải quyết vấn đề:

– Chọn lọc, sắp xếp và triển khai các ý đã tìm được thành hệ thống luận điểm.

– Tập hợp, so sánh các bản kề.

– Trình bày những nhận định đã có của giới nghiên cứu (nếu có).

– Phân tích tác phẩm.

– Nhận xét, đánh giá sức sống của tác phẩm trong đời sống hiện đại.

Kết luận:

– Khẳng định ý nghĩa của truyện cổ.

– Nêu những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo:

Nêu danh mục những tài liệu đã được tham khảo trong quá trình viết bài nghiên cứu hoặc được trích dẫn (chú ý sắp xếp đúng quy cách, theo yêu cầu của một sản phẩm nghiên cứu khoa học).

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 1), NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Lê Chí Quế (Chủ biên, 1996), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
3. Hoàng Tiến Tựu (1998), Bình giảng truyện dân gian, NXB Giáo dục, Hà Nội.


Viết

– Triển khai các ý đã hình thành ở đề cương thành những đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn theo trình tự hợp lí và liên kết thành bài nghiên cứu hoàn chỉnh. Chú ý sử dụng kết hợp một số bảng biểu, tranh ảnh.

– Khi sử dụng tài liệu tham khảo để trích dẫn (trực tiếp hoặc gián tiếp) phải chú thích nguồn theo đúng quy cách.

– Chọn cách diễn đạt chính xác, phù hợp với văn phong khoa học.

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đối chiếu với đề cương đã xây dựng, tự rà soát bài viết theo các tiêu chí sau:

– Đảm bảo trình bày rõ những ý kiến, phát hiện về truyện cổ dân gian.

– Tuân thủ những quy định về trích dẫn và chú thích nguồn tài liệu.

– Đảm bảo dùng từ, đặt câu chính xác và viết đúng chính tả.

Trang 22

b. Nghiên cứu một bài hoặc một chùm ca dao

Chuẩn bị

– Soát lại hồ sơ tài liệu để hình dung tổng thể về thông tin thu thập được.

– Kiểm tra lại văn bản tác phẩm.

– Xác định những tài liệu cần được trích dẫn, diễn giải hay lược thuật.

Tìm ý, lập đề cương

Tìm ý

Để tìm ý cho báo cáo nghiên cứu về một bài hoặc chùm bài ca dao, có thể đặt một số câu hỏi sau:

– Bài, chùm bài ca dao được chọn nghiên cứu có vị trí như thế nào trong đời sống tinh thần của người bình dân xưa? Có thể xếp chúng vào loại nào (theo các tiêu chí: chủ đề,
đặc điểm hình tượng, kết cấu ngôn từ,...)?

– Đã có những nghiên cứu nào đáng chú ý về bài, chùm bài ca dao ấy? Những phương diện giá trị nào của chúng đã được tìm hiểu sâu, những phương diện giá trị nào cần được
tiếp tục nghiên cứu?

– Có thể hình dung như thế nào về hoàn cảnh diễn xướng của bài, chùm bài ca dao này? Nếu không đặt vào bối cảnh diễn xướng, việc đánh giá về bài, chùm bài ca dao sẽ
gặp những khó khăn gì?

– Nhân vật trữ tình trong bài, chùm bài ca dao là ai? Nội dung tình cảm được thổ lộ là gì?

– Thời gian, không gian trong bài, chùm bài ca dao có gì đặc biệt?

– Những đặc trưng nghệ thuật nào của thể loại ca dao in đậm dấu ấn ở bài, chùm bài ca dao này?

Lập đề cương

Dựa vào các tài liệu đã chuẩn bị và các ý đã tìm được ở phần trên, lập đề cương chi tiết cho các phần của bài nghiên cứu tác phẩm ca dao:

Đặt vấn đề:

– Nêu lí do chọn bài ca dao (Ví dụ: bài đáng chú ý nhất trong chùm bài ca dao về quê hương đất nước, bài có nhiều cách diễn giải, bài hát ru quen thuộc,...).

– Trình bày xuất xứ của bài ca dao (từ cuốn sách, tài liệu nào).

Giải quyết vấn đề:

– Giới thiệu các dị bản, chỉ ra những điểm khác biệt, giải thích lí do.

– Trình bày ý kiến của giới nghiên cứu (những điểm đồng thuận, những điểm chưa nhất trí).

Trang 23

– Trình bày ý kiến của bạn khi phân tích bài ca dao (từ ngữ, hình ảnh, kết cấu, chủ đề,....) để bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ hoặc bổ sung, phản bác,...

– Nhận xét, đánh giá sức sống của bài ca dao trong đời sống hiện nay (diễn xướng ở lễ hội, ở sân khấu ca nhạc, hát ru,...).

Kết luận:

– Khẳng định ý nghĩa của bài ca dao.

– Nêu những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo:

Nêu danh mục những tài liệu đã được tham khảo trong quá trình viết bài nghiên cứu hoặc được trích dẫn (chú ý sắp xếp đúng quy cách, theo yêu cầu của một sản phẩm
nghiên cứu khoa học).

Viết

– Triển khai các ý đã hình thành ở đề cương thành những đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn theo trình tự hợp lí và liên kết thành bài nghiên cứu hoàn chỉnh.

– Chọn cách diễn đạt phù hợp với văn phong khoa học.

– Sắp xếp các sơ đồ, tranh ảnh minh họa đã chuẩn bị vào đúng vị trí, phù hợp với nội dung từng phần viết.

– Liệt kê các tài liệu tham khảo (sắp xếp theo quy chuẩn).

– Đưa các phụ lục vào cuối bài (nếu có).

Chỉnh sửa, hoàn thiện

– Đối chiếu với đề cương đã xây dựng, tự rà soát bài viết theo các tiêu chí sau:

– Đảm bảo trình bày rõ ràng những ý kiến, phát hiện về bài ca dao.

– Tuân thủ những quy định về trích dẫn và chú thích nguồn tài liệu.

– Đảm bảo dùng từ, đặt câu chính xác và viết đúng chính tả.

Trang 24

BÀI THAM KHẢO

Về bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen”hinh-anh-phan-2-viet-bao-cao-nghien-cuu-ve-mot-van-de-van-hoc-dan-gian-13205-0

(Trích)

Hoàng Tiến Tựu

Trình bày và giới thiệu các dị bản.

Không rõ bài ca dao này xuất hiện từ lúc nào và tại đâu, hiện tại chỉ thấy có hai dị bản:

Dị bản 1

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Dị bản 2

Đố ai mà được như sen

Chung quanh cánh đỏ, giữa chen nhị vàng

Nhị vàng, bông thắm, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Có ý kiến cho rằng, dị bản 2 có thể là tiền thân (ra đời trước), cho nên không được gọt giũa, trau chuốt bằng dị bản 1. Điều đó có thể đúng mà cũng có thể sai. Vì sự biến dị của sáng tác dân gian truyền miệng rất phức tạp và có nhiều ngoại lệ. Đa số trường hợp vận động, biến đổi theo chiều hướng tích cực, ngày càng hay hơn, hoàn hảo hơn. Nhưng cũng không ít trường hợp biến dị theo chiều hướng ngược lại.

Có người lại dựa vào hai từ “bông trắng” để đoán rằng dị bản 1 là dị bản của miền Nam, vì miền Nam có nhiều giống sen hoa trắng và nhân dân thường dùng từ "bông" thay cho từ "hoa". Như vậy thì dị bản 2 là của miền nào? (Nam hay Bắc), vì ở dị bản này cũng có từ "bông" nhưng lại là “bông thắm" (tức giống sen hoa đỏ)? Quả thực việc xác định thời điểm và địa điểm ra đời của tuyệt đại bộ phận ca dao thật là nan giải và nói chung, đang là vấn đề tồn đọng chưa thể giải quyết.
_________________________________________

hinh-anh-phan-2-viet-bao-cao-nghien-cuu-ve-mot-van-de-van-hoc-dan-gian-13205-1Nhan đề do người biên soạn sách giáo khoa đặt.

Màu sắc nghiên cứu của bài viết đã được thể hiện như thế nào qua những nhận xét ban đầu này?

Trang 25

Tuy chỉ khác nhau về một số chi tiết cụ thể ở hai câu đầu, nhưng tính hình tượng và giá trị thẩm mĩ của dị bản 1 vượt dị bản 2 rất xa.

Với dị bản 1, bài ca dao đạt đến độ hoàn mĩ hiếm có trong loại ca dao vịnh tả cảnh vật mang tính ngụ ngôn, triết lí.

Cảnh vật ở đây là cây sen ở trong đầm. Hình tượng cây sen trong đầm được giới thiệu, miêu tả cụ thể, chính xác, vừa chân thực, sống động, vừa mang tính tượng trưng và khái quát rất cao. Ở đây, nội dung thẩm mĩ và ý nghĩa triết lí, nhân sinh, gắn liền với nội dung sinh vật học tạo ra sự đa dạng, phong phú và vẻ đẹp tuyệt vời của một bài ca dao ngắn.

Trong nghiên cứu về ca dao, việc so sánh các dị bản có ý nghĩa gì?

Rất nhiều người ca ngợi câu thứ tư: "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Huy Cận đặc biệt nhấn mạnh vào sự diệu kì của câu thứ ba: "Nhị vàng, bông trắng, lá xanh". Thực ra cả bốn câu đều rất hay, nhưng mỗi câu hay một cách.

Câu thứ nhất, tác giả khẳng định và tuyệt đối hoá cao độ vẻ đẹp không gì sánh nổi của cây sen ở trong đầm.

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Khẳng định và tuyệt đối hoá cao độ như vậy nhưng tại sao người nghe, người đọc lại không có cảm giác chối tai, khó chịu về sự cực đoan, khiên cưỡng và võ đoán của tác giả? Vì tác giả bài ca dao đã khéo léo trình bày sự khẳng định dưới hình thức nghi vấn, hình thức thách đố để cho người nghe được suy nghĩ tự do. Và sự tuyệt đối hoá ở đây cũng được trình bày trong một phạm vi có giới hạn cụ thể. Trạng ngữ “trong đầm" đã hạn chế sự tuyệt đối hoá trong câu ca dao, làm cho nó trở thành tương đối và có tính thuyết phục.

Câu thứ hai:

Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng

Tác giả miêu tả vẻ đẹp của từng bộ phận cụ thể trong cây sen để chứng minh cho câu thứ nhất. Từ “lá xanh” qua “bông trắng” đến “nhị vàng”, tức là quan sát từ ngoài vào trong, rất tự nhiên, hợp lí. Từ “lại” được dùng rất đắt, có tác dụng nhấn mạnh sự đa dạng nhiều thành phần và màu sắc đáng chú ý của cây sen. Từ "chen" nói lên sự kết chặt giữa hoa và nhị, chứng tỏ đây là một bông hoa sen vừa mới nở.

Câu thứ ba:

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Có vị trí đặc biệt trong toàn bài. Đó là câu chuyển (chuyển vẫn, chuyển nhịp, chuyển ý) để chuẩn bị cho câu kết.

Trang 26

Từ câu thứ hai sang câu thứ ba, vẫn chuyển đột ngột nhịp nhàng lên khác thường, mà sao vẫn dễ nhớ, dễ đọc, khiến cho nhiều người không để ý. Không để ý vì thấy rất tự nhiên, bình thường và hợp lí. Về điều này, Huy Cận đã phát hiện đúng nhưng sự lí giải của ông chưa thật rõ và có chỗ còn hơi khiên cưỡng, chưa phù hợp lắm. Ông viết: "Tại sao lại đổi vẫn đột ngột? Sau biết bao nhiêu lần đã đọc, chúng ta thử cùng nhau đọc lại một lần nữa xem:

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Đổi vẫn có khác nào như dòng nước đang chảy xuôi ta dựng lên một cái đập hoặc buộc dòng nước đổi chiều. Đổi vẫn để bắt ta phải chú ý chỗ dòng thơ cuộn lên, buộc ta phải quan sát, phải chứng kiến một sự kiện gì đây, nhịp thơ dồn dập khẩn trương:

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Tưởng có gì mới! Té ra tác giả nhắc lại câu thơ thứ hai (tám chữ) "Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng", chỉ có điều là đã lật ngược lại thứ tự các hình tượng: nhị vàng ở cuối câu nay lại để ở đầu câu. Nhưng chính cái mới lại nằm trong chi tiết ấy".

Phát hiện đúng, nhưng phân tích như trên thì chẳng những chưa lí giải được mà còn mâu thuẫn với điều mà Huy Cận đã nhận xét là: "Hầu như bạn (và tôi) không bao giờ để ý bài thơ đã đổi vẫn đột ngột. Người tác giả vô danh đã chấn động sâu mạnh trong cảm xúc của bạn mà bạn cứ tiếp thu hồn nhiên như không".

Nếu nói "Đổi vẫn có khác nào như dòng nước đang chảy xuôi ta dựng lên một cái đập hoặc buộc dòng nước phải đổi chiều [...] để bắt ta phải chú ý chỗ dòng thơ cuộn lên" thì có thể đúng với những trường hợp đổi vẫn trong những bài thơ khác, chứ không đúng và ngược lại với sự đổi vẫn ở đây. Bởi vì ở đây sự đổi vẫn rất độc đáo và tài tình, chẳng những không gây ra điều gì trở ngại đặc biệt để bắt ta phải chú ý mà hơn thế nữa, còn làm cho ta "không bao giờ để ý" và "cứ tiếp thu hồn nhiên như không".

Sở dĩ như vậy là do bài ca dao tuy đã có sự chuyển vẫn và thay đổi trật tự các từ ngữ, hình ảnh (giữa câu thứ hai và câu thứ ba) nhưng tất cả sự chuyển đổi ấy đã được thực hiện một cách khéo léo, tự nhiên, hợp lí, khiến cho bài ca dao cứ phát triển liên tục và ngày càng mạnh mẽ về cả nội dung lẫn hình thức; không có chỗ nào bế tắc, ngưng trệ; tựa hồ như một dòng sông, tuy có chỗ chuyển dòng, đổi hướng uốn lượn quanh co nhưng vẫn chảy thông, chảy mạnh. Nhờ vậy mà trên dòng sông ca dao ấy, con thuyền cảm xúc của người nghe, người đọc đã đi tới đỉnh một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Hai chữ “nhị vàng" ở cuối câu trên và đầu câu dưới, tuy cách xa nhau (khi viết), nhưng lại rất gần nhau và liền nhau (khi nghe, khi đọc), phản ánh rất rõ tính liên tục và sự liền mạch trong tư duy cũng như trong sự diễn đạt, thể hiện bằng lời của tác giả.

Trang 27

Đó chính là cơ sở và nguyên nhân chính yếu khiến cho người nghe, người đọc không có và không thể có cảm giác về sự gián đoạn, thiếu liên tục và thiếu tự nhiên của bài ca dao.

Câu đầu và câu cuối là sự nhận định, đánh giá, suy tưởng về vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của loài sen. Hai câu giữa là sự phản ánh thực thể sống động, hấp dẫn của từng cây sen cụ thể. Đó là phần cốt lõi của bài ca dao. Thiếu nó thì bài ca dao không đúng được. Thiếu câu này thì câu kia cũng sẽ đơn độc, chông chênh, kém hay, kém vững, như người thiếu mất một chân.

Sự sắp đặt thứ tự các hình tượng và từ ngữ trong hai câu thơ trên chẳng những phản ánh được quá trình quan sát, tư duy, cảm xúc và thể hiện, diễn đạt thành lời của tác giả mà còn phản ánh được cả mô hình cấu trúc tổng quát của mỗi cây sen. Hình vẽ đơn giản dưới đây có thể góp phần minh hoạ cho điều đó.

hinh-anh-phan-2-viet-bao-cao-nghien-cuu-ve-mot-van-de-van-hoc-dan-gian-13205-2

(Câu thứ hai)

lá xanh bông trắng nhị vàng

(Câu thứ ba)

nhị vàng bông trắng lá xanh

Câu thứ tư:

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Có thể coi đây là cái nút của toàn bài ca dao. Thiếu hai câu giữa thì bài ca dao không đứng được, thiếu câu này thì hình tượng hoa sen vẫn đúng, vẫn tồn tại, nhưng không có linh hồn, tư tưởng [...]. Cho nên câu thứ tư, mặc dù đứng ở vị trí cuối cùng trong sự diễn đạt, vẫn là cái "đầu" đích thực của toàn bộ bài ca dao này. Nó tựa hồ như một cái của kì diệu đặc biệt, khép nghĩa đen lại và mở nghĩa bóng ra một cách thần tình dẫn người nghe, người đọc đi từ nghĩa đen sang nghĩa bóng, từ hình tượng bông sen của tự nhiên sang hình tượng bông sen trong xã hội một cách thông suốt, nhẹ nhàng, khiến cho không một ai cảm thấy có sự ngăn cách và do đó cũng không biết rõ đâu là giới hạn.

Trang 28

Đọc đến câu này, hầu như không mấy ai dùng lâu để suy nghĩ nhiều về nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của nó. Phần nhiều đều chuyển ngay sang nghĩa bóng, sang hình tượng
con người và ý nghĩa triết lí nhân sinh trong đó. Và thế là "sen" hoá thành người, bùn trong thiên nhiên hoá thành "bùn" trong xã hội, rồi cả cái “đầm" và mùi "hôi tanh" cũng được coi là hình ảnh tượng trưng ẩn dụ và được hiểu theo nghĩa bóng với những mức độ rộng hẹp, xa gần khác nhau. Huy Cận nghĩ đến những nhà nho sống thanh bạch trong xã hội phong kiến: “Ngẫm cho kĩ, cái tiếng nói trong bốn câu ca dao trên có lẽ là tiếng nói của một nhà nho nào đó tự hào đã giữ được bản chất trong trắng của mình giữa cuộc sống đầy rẫy những bùn nhơ của bọn buôn danh bán lợi. Tiếng nói vừa thanh cao vừa có chút gì đáng thương để phân trần với mọi người xung quanh trong một xã hội mà những gì trong trắng không dễ gì được người tin".

Có thể hiểu như vậy, nhưng không vì thế mà coi nhẹ hoặc thu hẹp tính quần chúng nhân dân của bài ca dao. Nói chung, sen trong ca dao trước hết và chủ yếu vẫn là sen của nhân dân. Nhân dân lao động, đặc biệt nông dân là những người gần sen, hiểu sen, yêu sen và giống sen nhiều nhất. Họ đã đưa sen vào ca dao biết bao nhiêu lần, mỗi lần một cách, mà lần nào cũng hay, cũng đẹp, nhất là sen trong ca dao tình yêu.

Ví dụ:

Búp hoa sen lai láng giữa hồ

Đưa tay định hái, sợ trong chùa có sư.

Có sư thì mặc có sư

Mời anh cứ hái, có hư em đến.

Việc đặt bài ca dao vào trong những tương quan khác nhau có thể giúp người viết khám phá được điều thú vị gì ở tác phẩm?

Xét về nội dung và ý nghĩa tượng trưng, ẩn dụ thì hình tượng sen trong nhiều bài ca dao nói chung, cũng như câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" nói riêng nhằm phản ánh trung thực dưới hình thức cách điệu và thi vị hoá sự sống và lẽ sống cao đẹp của con người Việt Nam từ ngàn đời nay.

Về mặt cấu tứ, tác giả của bài ca dao đã sử dụng kết hợp với mức độ khác nhau của hai lối cấu tứ truyền thống của ca dao (thể phú, thể tỉ), trong đó thể phú được sử dụng nhiều nhất, thể tỉ được kết hợp sử dụng ở câu đầu và câu cuối.

Tính chất nghiên cứu của bài viết đã được thể hiện như thế nào qua sự đánh giá tổng hợp về giá trị tác phẩm?

Xét về thủ pháp nghệ thuật, bài ca dao vừa dùng lối tả chân, vừa dùng phép tượng trưng, ẩn dụ. Tính chất ẩn dụ, tượng trưng nổi bật nhất ở câu cuối cùng, nhưng ngay ở câu này trước hết vẫn là sự tả thực về cây sen ở trong đầm. Câu một giới thiệu chung về cây sen trong đầm. Câu hai và câu ba đặc tả cấu trúc hình sắc của các bộ phận trong cây sen. Câu bốn nói đến mùi hương của sen, nhưng lại nói một cách gián tiếp (qua sự

Trang 29

so sánh với mùi bùn), khiến cho tính chất tượng trưng, ẩn dụ nổi lên làm lấn át, lu mờ cả sự tả thực, và do đó mà nghĩa đen cũng lui xuống và khép lại để cho nghĩa bóng mở ra và lan toả, bừng sáng mãi trong tâm trí người nghe, người đọc. Đó cũng chính là lí do khiến cho chúng ta, dù đọc và nghe bài ca dao đến bao nhiêu lần vẫn cảm thấy như chưa hiểu hết cái hay, cái đẹp, cái sâu sắc, cao thượng, chí lí, chí tình trong nó và do nó gợi ra.

(Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng ca dao, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr. 64 - 70)

2. Nghiên cứu một loại hình tượng hoặc một loại chi tiết trong tác phẩm văn học dân gian

a. Nghiên cứu một loại hình tượng nhân vật trong truyện cổ dân gian

Chuẩn bị

Soát lại hồ sơ tài liệu để hình dung tổng thể:

– Loại hình tượng làm bạn chú ý (Ví dụ: hình tượng nhân vật anh hùng, dũng sĩ, người xấu xí, người mồ côi, người em út,...).

– Xác định chính xác tên của đề tài nghiên cứu.

– Các văn bản có loại hình tượng muốn nghiên cứu (Ví dụ: các truyện Thánh Gióng, An Dương Vương,... có nhân vật anh hùng; các truyện Tấm Cám, Thạch Sanh,... có nhân
vật mồ côi;...).

– Các bài nghiên cứu có liên quan, đánh dấu vào những phần cần trích dẫn.

Tìm ý, lập đề cương

Tìm ý

Để có được các ý làm rõ đặc điểm và ý nghĩa của hình tượng nhân vật, bạn cần đặt ra một số câu hỏi sau:

– Có những nhân vật nào thuộc loại hình tượng sẽ được đề cập trong bài nghiên cứu?

– Vì sao có thể xác định tên loại hình tượng nhân vật như vậy?

– Trong các công trình nghiên cứu đã tập hợp được, bạn có thể trích dẫn những ý kiến nào? Ý kiến nào bạn muốn bàn luận thêm?

– Những điểm giống nhau giữa các nhân vật là gì? (hoàn cảnh xuất thân, hình dáng, hành động, số phận....).

– Tuy cùng thuộc một loại hình tượng nhưng ở mỗi tác phẩm cụ thể, các nhân vật có những đặc điểm khác nhau. Đó là những đặc điểm gì?

Trang 30

– Những đặc điểm của loại nhân vật đó thể hiện ý nghĩa gì? (thực tại xã hội, tín ngưỡng, kiểu tư duy nghệ thuật,...).

– Số phận nhân vật thể hiện ý nghĩa gì? (khát vọng hạnh phúc của nhân dân, ước mơ công lí,...).

– Loại hình tượng nhân vật này gợi cho bạn suy nghĩ gì?

– Các hình tượng nhân vật này đã được "tái sinh" trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, văn học như thế nào?

Lập đề cương

Dựa vào các tài liệu đã chuẩn bị và các ý đã tìm được ở phần trên, bạn hãy lập đề cương chi tiết cho các phần của bài nghiên cứu:

Đặt vấn đề:

– Nêu lí do chọn loại nhân vật.

– Giải thích tên gọi (nếu bạn tự đặt tên cho loại nhân vật).

– Kể tên các nhân vật cùng loại (kèm tên tác phẩm).

Giải quyết vấn đề:

– Trình bày ý kiến của giới nghiên cứu (lược thuật, trích dẫn).

– Phân tích đặc điểm của hình tượng nhân vật. (Mỗi kiểu hình tượng nhân vật mang đặc trưng của thể loại. Ví dụ: hình tượng nhân vật anh hùng trong truyền thuyết thường có sự ra đời thần kì, hình dáng đặc biệt, hành động phi thường, chiến công hiển hách, hoá Thánh; hình tượng nhân vật dũng sĩ trong truyện cổ tích thường có xuất thân nghèo khó, bản tính lương thiện, sức khoẻ phi phàm, có tinh thần dũng cảm, vị tha, được thần linh trợ giúp, lập chiến công, hưởng hạnh phúc:...).

– Phân tích ý nghĩa của hình tượng nhân vật (Ví dụ: phản ánh đời sống lao động và chiến đấu, khát vọng hạnh phúc, ước mơ công lí của nhân dân,...).

– Nhận xét, đánh giá sức sống của hình tượng trong đời sống hiện nay (trong lễ hội, tín ngưỡng; trong ngôn ngữ, văn học, phim, kịch;...).

Kết luận:

– Khẳng định giá trị đặc sắc của hình tượng.

– Đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

Nêu danh mục những tài liệu đã được tham khảo trong quá trình viết bài nghiên cứu hoặc được trích dẫn (chú ý sắp xếp đúng quy cách, theo yêu cầu của một sản phẩm nghiên cứu khoa học).

Trang 31

Viết

Triển khai các ý đã hình thành ở đề cương thành những đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn theo trình tự hợp lí và liên kết thành bài nghiên cứu hoàn chỉnh.

– Chọn cách diễn đạt phù hợp với nội dung từng phần.

– Trích dẫn chính xác và chú thích nguồn đúng quy định.

– Sử dụng kết hợp hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu đề minh chứng.

– Lập danh mục tài liệu tham khảo đúng quy định.

– Trình bày phụ lục (nếu có).

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đối chiếu với đề cương đã xây dựng, tự rà soát bài viết theo các tiêu chí sau:

– Đảm bảo trình bày rõ ràng những ý kiến, phát hiện về loại hình tượng trong truyện cổ dân gian đã chọn.

– Tuân thủ những quy định về trích dẫn và chú thích nguồn tài liệu.

– Đảm bảo dùng từ, đặt câu chính xác và viết đúng chính tả.

b. Nghiên cứu một loại hình tượng trong thơ ca dân gian

Chuẩn bị

Đọc lại hồ sơ tài liệu:

– Hình dung tổng thể về những thông tin thu thập được và yêu cầu, cách thức triển khai.

– Kiểm tra tên đề tài và điều chỉnh cho phù hợp với nội dung nghiên cứu sắp triển khai.

– Tập hợp các bài ca dao có chứa hình tượng (hoặc những dị bản gần gũi).

– Soát lại các công trình nghiên cứu có liên quan, đánh dấu những phần có thể trích dẫn hoặc bàn luận.

Tìm ý, lập đề cương

Tìm ý

Để tìm ý cho bài nghiên cứu một loại hình tượng trong thơ ca dân gian, làm rõ được đặc điểm và ý nghĩa của hình tượng, bạn cần đặt ra câu hỏi sau:

– Bạn tìm được bao nhiêu bài có hình tượng đó? Những nhận xét có thể rút ra từ kết quả khảo sát này là gì?

– Hình tượng đó có những nghĩa nào (nghĩa thực, nghĩa tượng trưng....)? Cần lập bảng thống kê về vấn đề này như thế nào? Bạn có nhận xét gì về bảng thống kê đó?

Trang 32

– Hình tượng đó đã được bình luận, diễn giải như thế nào trong các công trình nghiên cứu?

– Hình tượng đó có ý nghĩa như thế nào trong việc diễn tả cảm xúc của từng bài ca dao?

– Bạn có cảm nghĩ gì về hình tượng đó?

– Hình tượng đó có xuất hiện trong văn học viết không? Bạn biết những trường hợp nào? Bạn có cảm nghĩ gì về hiện tượng đó?

Lập đề cương

Dựa vào các tài liệu đã chuẩn bị và những ý đã tìm được ở phần trên, bạn hãy lập đề cương chi tiết cho các phần của bài:

Đặt vấn đề:

– Nêu lí do chọn hình tượng (đặc sắc, xuất hiện nhiều lần, gợi những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau,...).

– Trình bày phạm vi tìm kiếm bài ca dao có hình tượng.

Giải quyết vấn đề:

– Xác định tên gọi hình tượng (Ví dụ: hình tượng con cò, hình tượng cặp đôi bến - thuyền, hình tượng chiếc áo, có thể mở rộng với các biến thể khăn, yếm,...).

– Phân tích ý kiến của các nhà nghiên cứu (ý kiến gợi mở, cần trao đổi).

– Trình bày kết quả khảo sát, thống kê: lập bảng thống kê để phân tích số lượng, nhận diện các loại hình tượng.

– Phân tích các ý nghĩa của hình tượng (Ví dụ: con cò – thiên nhiên đất nước, con cò – người phụ nữ tần tảo, con cò – số phận bất hạnh,...).

– Nhận xét, đánh giá sức sống của hình tượng được tái sinh trong thơ ca hiện đại, chẳng hạn hình tượng con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

Kết luận:

– Khẳng định giá trị đặc sắc của hình tượng.

– Đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

Nêu danh mục những tài liệu đã được tham khảo trong quá trình viết bài nghiên cứu hoặc được trích dẫn (chú ý sắp xếp đúng quy cách, theo yêu cầu của một sản phẩm nghiên cứu khoa học).

Viết

– Triển khai các ý đã hình thành ở đề cương thành những đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn theo trình tự hợp lí và liên kết thành bài nghiên cứu hoàn chỉnh.

– Chọn cách diễn đạt phù hợp với văn phong khoa học.

Trang 33

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đối chiếu với đề cương đã xây dựng, tự rà soát bài viết theo các tiêu chí sau:

– Đảm bảo trình bày rõ ràng những ý kiến, phát hiện về loại hình tượng trong thơ ca dân gian đã chọn nghiên cứu.

– Tuân thủ những quy định về các trích dẫn và chú thích nguồn tài liệu.

– Đảm bảo dùng từ, đặt câu chính xác và viết đúng chính tả.

c. Nghiên cứu một loại chi tiết trong truyện cổ dân gian

Chuẩn bị

– Soát lại hồ sơ tài liệu để hình dung tổng thể.

– Tinh chỉnh tên gọi loại chi tiết mà bạn đã chọn (Ví dụ: Chi tiết vật thiêng hay vật thần kì? Phép thần hay là phép màu? Sự hoá thân hay là phép biến hoá? Trong truyện cổ dân gian nói chung hay trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích nói riêng? Trong truyện của tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam hay truyện của riêng dân tộc Kinh, Thái, Mông, Ê-đê,...?).

– Điều chỉnh phạm vi nghiên cứu cho phù hợp (có thể giới hạn trong 3 – 4 truyện).

– Soát lại các tài liệu tham khảo, đánh dấu vào những phần sẽ trích dẫn.

Tìm ý, lập đề cương

Tìm ý

Bạn có thể tìm ý cho bài phân tích một loại chi tiết trong truyện cổ dân gian bằng việc đặt ra một số câu hỏi sau:

– Vì sao bạn chọn loại chi tiết này?

– Vì sao bạn đặt tên loại chi tiết như vậy?

– Loại chi tiết đó có nhiều dạng không? Lập bảng liệt kê với các thông tin: tên tác phẩm, tên loại chi tiết, bối cảnh xuất hiện, tác dụng, ý nghĩa.

– Sự kiện quen thuộc nào thường xuất hiện cùng với loại chi tiết đó?

– Ý nghĩa của loại chi tiết đó là gì? (Ví dụ: phản ánh thực tế đời sống sinh hoạt; thể hiện dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng; bộc lộ ước mơ về cuộc sống công bằng, hạnh phúc,...).

– Loại chi tiết đó có những biến thể gì trong các tác phẩm khác nhau?

– Loại chi tiết đó có hiện diện trong những loại hình sáng tác nghệ thuật khác không? (trong văn học hiện đại, trong sân khấu, điện ảnh,...). Nếu có, bạn hãy làm rõ những điểm giống nhau và khác nhau.

Trang 34

Lập đề cương

Dựa vào các tài liệu đã chuẩn bị và các ý đã tìm được ở phần trên, bạn hãy lập đề cương chi tiết cho các phần của bài viết:

Đặt vấn đề:

– Nêu lí do chọn chi tiết.

– Trình bày phạm vi truyện cổ có chứa chi tiết.

Giải quyết vấn đề:

– Xác định tên loại chi tiết.

– Phân tích ý kiến của các nhà nghiên cứu.

– Trình bày kết quả khảo sát, thống kê: lập bảng thống kê để phân tích số lượng, nhận diện các loại chi tiết.

– Phân tích ý nghĩa của loại chi tiết.

– Nhận xét, đánh giá sức sống của chi tiết trong những loại hình nghệ thuật khác.

Kết luận:

– Khẳng định giá trị đặc sắc của chi tiết.

– Đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

Nêu danh mục những tài liệu đã được tham khảo trong quá trình viết bài nghiên cứu hoặc được trích dẫn (chú ý sắp xếp đúng quy cách, theo yêu cầu của một sản phẩm nghiên cứu khoa học).

Viết

– Triển khai các ý đã hình thành ở đề cương thành những đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn theo trình tự hợp lí và liên kết thành bài nghiên cứu hoàn chỉnh. Chú ý đưa các bảng
thống kê, sơ đồ, tranh ảnh vào bài.

– Chọn cách diễn đạt phù hợp với văn phong khoa học.

– Hoàn chỉnh danh mục tài liệu tham khảo đúng quy cách.

– Lập phụ lục giới thiệu các tác phẩm truyện đã khảo sát.

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đối chiếu với đề cương đã xây dựng, tự rà soát bài viết theo các tiêu chí sau:

– Đảm bảo trình bày rõ ràng những ý kiến, phát hiện của bạn về loại chi tiết trong truyện cổ dân gian.

– Tuân thủ những quy định về các trích dẫn và chú thích nguồn tài liệu.

– Đảm bảo dùng từ, đặt câu chính xác và viết đúng chính tả.

Trang 35

3. Nghiên cứu một lễ hội dân gian

Chuẩn bị

– Soát lại hồ sơ tài liệu để hình dung tổng thể về đề tài, vấn đề nghiên cứu.

– Kiểm tra tên đề tài và điều chỉnh cho phù hợp với nội dung nghiên cứu sắp triển khai.

– Huy động những trải nghiệm và sự hiểu biết của bạn về lễ hội dân gian và tác phẩm văn học dân gian có liên quan.

– Xem lại các tài liệu có liên quan và đánh dấu vào những phần cần trích dẫn.

Tìm ý, lập đề cương

Tìm ý

Để tìm ý cho bài nghiên cứu về một lễ hội dân gian, bạn cần đặt ra một số câu hỏi sau:

– Vì sao bạn biết lễ hội này?

– Lễ hội này diễn ra vào thời điểm nào? Ở đâu? Có các hoạt động chính gì?

– Nhân vật được phụng thờ trong lễ hội là ai?

– Ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội là gì? (phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động, chiến đấu; gợi nhắc tín ngưỡng cổ xưa, lưu truyền bài học lịch sử,...).

– Để hiểu được ý nghĩa đó, bạn đã phải tìm đọc những sách báo, tài liệu nào?

– Theo bạn, ý kiến nào có thể trích dẫn, lược thuật được? Ý kiến nào còn gây băn khoăn?

– Những chi tiết, hình ảnh, sự việc nào trong tác phẩm văn học dân gian được tái hiện ở lễ hội?

– Loại chi tiết, hình ảnh, sự việc đó có hiện diện trong những loại hình sáng tác nghệ thuật khác không? Nếu có, bạn hãy làm rõ những điểm giống nhau và khác nhau.

Lập đề cương

Dựa vào các tài liệu đã chuẩn bị và các ý đã tìm được ở phần trên, bạn hãy lập đề cương chi tiết cho các phần của bài viết:

Đặt vấn đề:

– Nêu tên, tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống tinh thần cộng đồng.

– Trình bày lí do khiến bạn chọn viết về lễ hội dân gian này.

Giải quyết vấn đề:

– Phân tích về lễ hội trên các phương diện: ý nghĩa của việc chọn thời gian và địa điểm.

– Phân tích lí do tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và vui chơi.

– Làm rõ dấu ấn của các tác phẩm văn học dân gian được thể hiện qua những hoạt động trong lễ hội.

Trang 36

– Nhận xét, đánh giá chiều sâu văn hoá – lịch sử của lễ hội và các giá trị sống của con người Việt Nam được thể hiện qua lễ hội.

– Nêu những khuyến nghị đối với việc tổ chức lễ hội.

Kết luận:

Đánh giá tổng quát về lễ hội, nêu những bài học có được qua nghiên cứu về lễ hội.

Tài liệu tham khảo:

Nêu danh mục những tài liệu đã được tham khảo trong quá trình viết bài nghiên cứu hoặc được trích dẫn (chú ý sắp xếp đúng quy cách, theo yêu cầu của một sản phẩm
nghiên cứu khoa học).

Viết

– Triển khai các ý đã hình thành ở đề cương thành những đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn theo trình tự hợp lí và liên kết thành bài nghiên cứu hoàn chỉnh.

– Chọn cách diễn đạt phù hợp với văn phong khoa học.

– Trích dẫn tài liệu đúng quy cách.

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đối chiếu với đề cương đã xây dựng, tự rà soát bài viết theo các tiêu chí sau:

– Đảm bảo trình bày rõ những ý kiến, phát hiện của bạn về lễ hội dân gian.

– Tuân thủ những quy định về các trích dẫn và chú thích nguồn tài liệu.

– Đảm bảo dùng từ, đặt câu chính xác và viết đúng chính tả.

BÀI THAM KHẢO

Hội Gióng và nghệ thuật diễn xướng anh hùng cahinh-anh-phan-2-viet-bao-cao-nghien-cuu-ve-mot-van-de-van-hoc-dan-gian-13205-3 (Trích)

Cao Huy Đỉnh

[...] Hội Gióng tập trung tất cả những khả năng nghệ thuật của nhân dân thời cổ để diễn tả uy lực của người anh hùng làng Gióng và cuộc chiến đấu thần kì của nhân dân
chống giặc Ân.

Nhận định chung về hội Gióng.

_____________________________________________

hinh-anh-phan-2-viet-bao-cao-nghien-cuu-ve-mot-van-de-van-hoc-dan-gian-13205-4Trong văn bản nguồn, Cao Huy Đình viết là Hội Dóng và nghệ thuật diễn xướng anh hùng ca.

Trang 37

Phân tích tính chất và ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội.

Chiến tranh nhân dân chống xâm lược là chủ đề nổi bật [...] được diễn tả bằng hình thức sinh động, cụ thể, theo đặc trưng của diễn xuất sân khấu vừa có tính chất tự nhiên vừa có tính chất tượng trưng. Tự nhiên ở chỗ: quần chúng, quân đội, chiến trường tả in như thật. Tượng trưng ở chỗ: uy lực của người anh hùng được diễn tả bằng sự phối hợp âm thanh, màu sắc của khí cụ và động tác cách điệu hoá của con người (cờ, chiêng, trống, các cách hoá trang và các điệu múa hổ, múa trống, múa cờ,...). Tượng trưng ở chỗ các lực lượng thù địch của người cổ ở trong tự nhiên như bão, lụt, thú dữ và ở trong xã hội như giặc ngoại xâm được thay bằng những biểu tượng nước, hổ (do người hoá trang) và các vai đóng tướng giặc Ân.

Đề tài chiến đấu là chính, nhưng rõ ràng không phải đơn thuần như thế. Các mặt sản xuất, chinh phục tự nhiên của con người thời cổ đều được kết hợp với đề tài chiến đấu dưới hình thức nghi lễ chuẩn bị (như Rước nước), hay dưới hình thức diễn trò có đối thoại hài hước và múa, hát, nhạc kèm theo (như điệu múa bắt hổ) để làm vui cho ngày hội và để đề cao uy lực của người anh hùng đối với tự nhiên nữa (hổ phải phục tùng cả thánh). Rõ ràng đây là một màn hài kịch và là hình thức sân khấu cổ của chúng ta và phường Ải Lao hay "phường Tùng Choặc" cũng là một tổ chức văn nghệ cố đáng chú ý.

Về nguồn gốc tên phường Ải Lao, có hai thuyết:

1. Do nước Ai Lao cung cấp phường múa hát hằng năm cho nhà Lý trong thời kì vương quyền Ai Lao hàng phục nhà Lý, nên phường múa hát ấy lấy tên là Ải Lao. Sau thời kì đó, nước Ai Lao không cung cấp nữa nên nhân dân tổng Phù Đổng phải tổ chức trai trẻ trong làng Hội Xá chuyên trách.

2. Theo từ Hán thì Ải Lao có nghĩa là buộc trâu bò, nhắc lại chi tiết: đoàn trẻ chăn trâu vội vàng buộc trâu bò, theo Ông Gióng đánh giặc. Sau khi Gióng lên Trời, bà mẹ Gióng buồn, vì không thấy con về nữa, nên đoàn trẻ chăn trâu ấy đến múa hát cho bà vui. Do đó mà có phường múa hát Ải Laohinh-anh-phan-2-viet-bao-cao-nghien-cuu-ve-mot-van-de-van-hoc-dan-gian-13205-5

.

Nêu kết quả khảo sát, tìm hiểu nguồn gốc của một số danh xưng và hoạt động có liên quan đến hội Gióng.

Theo chúng tôi nghĩ thì Ải Lao có thể có nghĩa là buộc trâu bò, nhưng là để làm lễ "tế cờ”, là một loại hiến tế trong chiến tranh bộ lạc. Ngày xưa trước khi xuất quân đánh giặc, các tướng sĩ thường làm lễ ấy. Nếu trước đó họ lùng bắt được tên do thám hay tay sai của giặc thì họ thường buộc tên ấy vào cọc chém đầu để tế cờ và uống máu ăn thể trước ba quân, sau đó mới dóng trống phất cờ tiến quân. Trường hợp không lùng bắt được người bên địch, hoặc đến lúc tục giết tù binh được thay thế bằng việc bắt tù binh làm nô lệ, thì họ giết trâu bò để thay thế và tượng trưng cho việc giết tù binh. Khi thắng trận trở về họ cũng thường làm lễ "tế cờ" như vậy. Và tất nhiên trong lễ “tế cờ”, quân lính tướng sĩ đều có múa nhảy hát xướng chúc thắng lợi (trước khi tiến quân) hoặc mùng thắng lợi (sau khi dẹp giặc trở về). Ở nhiều dân tộc cổ, lễ này còn gọi là lễ "săn đầu giặc".

________________________________________________________

hinh-anh-phan-2-viet-bao-cao-nghien-cuu-ve-mot-van-de-van-hoc-dan-gian-13205-6Vũ Tuân Sán, Sự tích Thánh Gióng qua các truyền thuyết, tạp chí Truyền thống Thủ đô, số 6/1968.

Trang 38

Căn cứ vào những nghi thức và những động tác cách điệu hoá của lễ múa cờ tế Gióng, tiết mục múa kiếm dâng "thủ cấp" tượng trưng lên bàn thờ Gióng ở cuối hội Gióng, chúng ta càng có thể giả định rằng cái tên Ải Lao gợi lại vết tích của những lễ tục cổ ấy thời chiến tranh bộ lạc.

Lễ "tế cờ" còn để lại dấu vết rất lâu trong thời phong kiến. Cho đến thời kì Cần Vương, lễ ấy vẫn còn để khích lệ ba quân, ra oai hàng tướng soái, răn kẻ nịnh thần và cảnh cáo bọn phản bội.

Phường Ải Lao còn được gọi bằng một tên nôm na là phường "Tùng Choặc". Cái tên "Tùng Choặc" lại càng cổ hơn. "Tùng Choặc" bắt chước âm thanh của trống (có nơi dùng từ "tùng cắc") gõ lên mặt (“tùng”) và gõ lên tang ("choặc", hay "cắc"). Gọi là "Tùng Choặc" có lẽ vì người ta dùng trống để múa hát trong lúc làm lễ “tế cờ".

Nêu giả thuyết khoa học dựa vào suy luận logic, tham khảo nhiều nguồn tài liệu liên quan và khảo sát thực địa.

Tướng giặc là "nữ" cũng đặt ra những nghi vấn:

Chế độ xã hội bên phía kẻ thù có lẽ là mẫu hệ chăng? Tướng nữ (là “Thạch Linh Thần Tướng", theo tên Hán trong các thần phả sau này) dùng ngựa đá để cưỡi, như cốt truyện đã nói, là một hình tượng phản ánh thời kì đồ đá và tín ngưỡng đá chăng?

Những hiện tượng trên có giá trị hiện thực lịch sử không? Nó có thể giúp ta xác minh được "giặc Ân" và tìm hiểu quan hệ giữa nước Văn Lang ta với nước “Ân" ấy không?

Tình hình nghiên cứu hiện nay chưa cho phép chúng tôi mở rộng vấn đề. Nhưng rõ ràng không thể giải thích rằng nhân dân Phù Đổng chọn vai nữ đóng giặc Ân trong hội Gióng là ngụ ý bên phía giặc là "tà, âm". "Tướng nữ" phản ánh một chế độ xã hội nào đó cũng như hình tượng Gióng phản ánh quá trình các bộ lạc tập hợp thành bộ tộc, rồi dân tộc ở trên đất nước ta, với công cụ bằng sắt, chế độ phụ quyền và thời đại anh hùng.

Hội Gióng một lần nữa cung cấp thêm cho ta những tài liệu về chiến tranh bộ lạc thời cổ. Đồng thời nó cũng giúp ta xác nhận thêm rằng, cốt truyện Ông Gióng và ý nghĩa của nó đã mở rộng, nâng cao và đi tới tương đối ổn định vào thời nhà Lý, hay đúng hơn là thời phong kiến tự chủ [...]. Điều này cũng dễ nhận thấy qua các hình thỨc diễn xướng (mặc dầu có tính chất tượng trưng) của hội Gióng.

Nêu nhận định về thời điểm định hình cốt truyện Ông Gióng" hoặc "Thánh Gióng".

Việc Gióng phải đánh nhau với giặc hai lần (ván thuận và ván nghịch), mỗi lần ba hiệp (ba đợt múa cờ) chứng tỏ rằng quân ta, nhân dân ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm gay go, ác liệt. Điều đó đã là một sự thực lịch sử từ khi dựng nước cho đến khi giành được độc lập ở thế kỉ X, XI.

Việc chém đầu phanh thây hai tên tướng đầu sỏ của giặc Ân, đồng thời tha chết cho bọn tuỳ tòng; việc truy lùng giặc Ân đến tận cùng không để sót một tên (trong lễ Rước cắm cờ chấm dứt ngày hội) đi đôi với việc cho bọn giặc đã đầu hàng cùng

Trang 39

quân ta dự tiệc khao quân. Các việc đó chứng tỏ nhân dân ta có tinh thần cảnh giác thường xuyên đối với địch, lòng quyết tâm tiêu diệt địch đi liền với thái độ rộng lượng, khoan dung đối với những tên giặc biết cải tà quy chính. Đó cũng là một sự thực lịch sử nữa, một cách xử sự truyền thống của nhân dân ta trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm.

Phát hiện, suy đoán về mối liên hệ giữa những hoạt động trong lễ hội với những sự kiện đã xảy ra trong lịch sử xa xưa của dân tộc.

Việc người câu cá, người săn hổ, đoàn trẻ chăn trâu và các tướng theo Gióng đánh giặc được kể ở trong truyền thuyết dân gian đã trở thành những nhân vật của cuộc diễn xướng anh hùng ca, mà chủ yếu là do quần chúng đóng vai và diễn xuất từ thời Lý càng làm tăng thêm nội dung chính trị, lịch sử của hội Gióng với chủ đề đoàn kết dân tộc, càng khẳng định cốt truyện mở rộng của anh hùng ca và tính cách tập thể của hình tượng Gióng.

Dưới những hình thức tín ngưỡng dân gian, hội Gióng cũng đã thực hiện được sự thống nhất hữu cơ của hai chủ đề sản xuất và chiến đấu vốn có ở trong cốt truyện mà chúng ta đã sơ bộ nêu lên ở các chương trên.

Phát hiện chiều sâu văn hoá, lễ nghi của những hoạt động đời thường ở một vùng đất cổ.

Thần thoại cổ về Ông Gióng tượng trưng cho lực lượng tự nhiên, khổng lồ như dông, bão, sấm chớp đã về hái cà và giẫm chân lên vườn cà của mẹ Gióng và do đó mà Ông Gióng ra đời... Trước và trong ngày

hội Gióng, người ta hồi hộp đón chờ những lực lượng đó “về hái cà”, người ta "cúng cỗ chay" nghĩa là "cơm cà" cho Ông Đồng, người ta cắm "que bông cà” để “giữ lấy cà" kẻo Ông Đồng hái mất,... Cũng trong những ngày đó, những ngày cuối xuân sang hè (tháng Ba và đầu tháng Tư âm lịch), sấm, chớp, mây, mưa, gió phải về cùng Ông Đồng – người ta tin như vậy và quả có thực, vì thời tiết tự nhiên cuối tháng Ba đầu tháng Tư âm lịch là như vậy, qua bao đời đã cho người ta một kinh nghiệm thực tiễn và "Sấm ra cà trổ" đã thành tục ngữ. Nếu những cái đó không “về” tức là "nghịch", dân làm ăn sẽ xúi quẩy. Rõ ràng đây là những nghi lễ có tính chất ma thuật và dính liền với thần thoại Ông Đồng, xuất phát từ niềm hi vọng và kết quả trồng trọt rất thực tiễn của người Việt cổ đã bước sang nền nông nghiệp định cư ở trên đồng bằng Bắc Bộ. Nền nông nghiệp đó đã quy định cả những sinh hoạt văn hoá của người nông dân rất sôi nổi vào các dịp hội mùa, vào những lúc chuyển thời tiết,...

Nhưng đã từ lâu rồi, thần thoại Ông Đổng và chuyện anh hùng đánh giặc, chuyện làm ăn của con người không còn phân biệt được nữa. Việc thờ cúng và truyện kể lẫn lộn với nhau, nghi lễ và diễn xuất pha trộn với nhau, mục đích trần thế đã trở thành mục đích tín ngưỡng và văn nghệ tượng trưng. Đó là một sự hỗn hợp không tránh khỏi trong đời sống văn hoá Việt Nam ở thời cổ và trong xã hội phong kiến.

Đổng và Ông Gióng cũng từ đó mà nhập làm một và có uy lực vạn năng, đặc biệt là đánh giặc và làm mưa như tất cả các thiên thần và nhân thần mà người Việt xưa thờ cúng.

Trang 40

Kỉ niệm anh hùng và lễ đảo vũ thường được kết hợp ở trong nhiều đến, nhiều hội, chứ không riêng gì ở hội Gióng. Điều này suy nghĩ đến cùng xuất phát từ hai yêu cầu thực tiễn nhất và lâu đời nhất của người Việt là chống giặc và điều hoà thuỷ lợi.

Về nguồn gốc nghệ thuật, hội Gióng là một môi trường rất thuận lợi cho ta nghiên cứu. Trống, cờ vừa là công cụ kéo quân và nghi lễ, lại vừa là công cụ nghệ thuật, nhưng trong hội Gióng, chức năng nghệ thuật của nó còn nổi lên rất đậm. Chúng ta có những điệu múa trống, múa cờ rõ ràng, không phải chỉ là hình thức hành lễ, hành quân mà còn là biểu diễn
nghệ thuật.

Đưa ra những nhận định khái quát về văn hoá – lịch sử Việt Nam từ những quan sát mở rộng về hội Gióng.

Người ta tin ở thần lực của ba thứ đó. Nó thoát thai từ sự bắt chước tự nhiên và sự sáng tạo của con người để chinh phục tự nhiên, dù là "trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng" như Mác (Marx) nói. Người Phù Đổng cũng như ở nhiều nơi khác quan niệm “trống" là bắt chước tiếng sấm. Họ tin rằng con người tạo ra được một âm thanh (tiếng trống) giống như tự nhiên (sấm) thì cái hiệu lực của nó cũng giống như hiệu lực của trời vậy. Cho nên người ta gọi là trống sấm và đồn rằng ngày xưa ở Phù Đổng và nhiều nơi ở Bắc Ninh (đình Sấm, đình Chờ,...) có những chiếc trống to bằng gian nhà “vang rền như sấm" dùng trong các buổi lễ cầu đảo. Hiện nay còn câu nói: "Trống Chờ, chiêng Chỗ, mỡ Phù Lưu".

Cái trống và nhất là cái trống đồng xưa rất quan trọng với đời sống bộ lạc. Tiếng trống chỉ dùng để báo hiệu hai sự kiện quan trọng nhất: chống bão lụt hay hạn hán và chống giặc ngoại xâm. Tiếng trống vang lên thúc giục mọi người ra trận chống kẻ thù thiên nhiên hay kẻ thù ngoại xâm. Nó kích động sức mạnh của tập thể, đoàn kết bộ lạc lại để tiêu diệt kẻ thù. Vì vậy, nó không thể thiếu được trong sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Câu chuyện "trống sấm” sẽ rất lí thú đối với các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Việt Nam, nhưng không phải là trọng tâm vấn đề cần bàn ở đây.

Hội Gióng cũng quan niệm cờ là mây gió. “Mây” ấy với “sấm” ấy sẽ làm ra mưa. Nhưng uy lực của thiên nhiên lại chuyển thành uy lực của con người chống thiên nhiên. Điệu múa cờ lệnh tượng trưng cho sức mạnh vượt qua ngàn cây nội cỏ, bạt núi, quét mây của Ông Đổng, đồng thời cho cả ý chí và sức mạnh diệt giặc của Ông Gióng nữa.

Đây là kết quả của một quá trình xã hội hoá thiên nhiên, thông qua kinh nghiệm và nhận thức của người lao động. Nhân dân ta hay nói:

– Đánh trống qua của nhà sấm.

– Cờ mở gió bay.

– Lúa chiêm lấp ló bên bờ

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.

Trang 41

Tiếng "trống sấm" và ngọn "cờ gió" của con người đã thách thức, gọi dậy tiếng sấm trời và ngọn gió trời để làm mưa tưới mát lúa chiêm. Ý chí khắc phục và cải tạo tự nhiên cũng là ý chí chiến thắng kẻ thù của người cổ. Nếu như tính cách Ông Đổng và Ông Gióng đã đồng nhất, thì lễ múa trống, múa cờ lệnh đều mang hai ý nghĩa kết hợp thắng lụt, hạn để cho mùa màng tươi tốt và thắng giặc để cho người bình yên. Trống, cờ đã tạo ra không khí oai nghiêm trong nghi lễ thần thánh, thì trong chiến trận, nó tạo nên hùng khí và sức mạnh chiến đấu cho quần chúng.

Tóm lại, hội Gióng là một nguồn tài liệu phong phú về văn hoá cổ Việt Nam. Nó có tính chất tổng hợp mà cốt lõi là chủ đề anh hùng dân tộc:

a. Phần quan trọng nhất của cốt truyện Gióng là cuộc chiến đấu thần kì chống giặc Ân được diễn lại với một niềm tin vào thắng lợi vĩnh viễn của dân tộc, đồng thời là vương quyền phong kiến. Đây là nội dung lịch sử nổi bật nhất. Đưa ra nhận định tổng hợp về hội Gióng và nêu định hướng chung đối với việc nghiên cứu một lễ hội văn hoá dân gian.

b. Những khả năng nghệ thuật thời cổ của bộ lạc xưa và của dân tộc sau này (múa, hát, nhạc, thơ) đều được vận dụng trong khuôn khổ sân khấu tự nhiên và tượng trưng để thực hiện hai chủ đề lịch sử quan trọng vào bậc nhất và luôn kết hợp với nhau là làm ăn và đánh giặc.

c. Những nghi lễ, tín ngưỡng và tập tục cổ sống lại trong thực hành cụ thể, theo thế giới quan duy tâm, nó càng ngày càng xa rời mục đích thực tiễn, vì sinh hoạt tâm lí và xã hội của người nông dân ta đã bị uy lực của thần thành hoàng địa phương và uy lực của vương quyền quốc gia phong kiến chi phối.

(Cao Huy Đình, Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr. 543-548)

II. THUYẾT TRÌNH VỀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Báo cáo nghiên cứu của bạn có thể được công bố trên các phương tiện truyền thông (trang web của trường, lớp, trang cá nhân của bạn trên mạng xã hội, các tạp chí chuyên ngành,...) hoặc được trình bày trực tiếp tại các diễn đàn (lớp học, câu lạc bộ, hội thảo khoa học,...). Nếu được thuyết trình kết quả nghiên cứu của mình, bạn cần chú ý một số điểm sau:

1. Chuẩn bị

– Đọc lại báo cáo nghiên cứu đã viết, tóm lược nó dưới dạng một đề cương hoặc sơ đồ, chú ý đánh dấu những luận điểm, lí lẽ và bằng chứng không thể không nhắc tới.

– Lập một sơ đồ mô tả các nội dung chính sẽ trình bày, slide trình chiếu,...

– Chuẩn bị các bảng biểu, tranh ảnh, video minh hoạ,...

Trang 42

2. Trình bày

– Thể hiện những nội dung cơ bản sau:

+ Tên báo cáo nghiên cứu đã hoàn thành.

+ Lí do chọn đề tài nghiên cứu.

+ Mục đích, đối tượng nghiên cứu và các phương pháp nghiên cứu đã vận dụng.

+ Quá trình thực hiện báo cáo nghiên cứu theo kế hoạch (sưu tầm, tổng hợp, xử lí tài liệu; viết; chỉnh sửa và hoàn thiện).

+ Những kết quả nghiên cứu chính đã đạt được (các nhận định, đánh giá; các tài liệu mới sưu tầm được....).

+ Những kiến nghị, đề xuất về hướng nghiên cứu tiếp theo.

(Lưu ý: diễn đạt rõ ràng, chính xác, tốc độ nói và âm lượng vừa phải, dễ nghe).

– Phối hợp các phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ một cách hợp lí.

– Lựa chọn tác phong phù hợp (đĩnh đạc, tự tin, thân thiện).

– Để làm tăng sức hấp dẫn của bài báo cáo kết quả nghiên cứu, có thể biểu diễn một phần tác phẩm chính được nghiên cứu trong bài viết (hát dân ca, kề chuyện) hoặc trình chiếu một số đoạn video về lễ hội (nếu báo cáo nghiên cứu viết về lễ hội).

– Chủ động tương tác với người nghe và phản hồi trên tinh thần khách quan, tôn trọng sự khác biệt.

Tin tức mới


Đánh giá

Phần 2: Viết Báo Cáo Nghiên Cứu Về Một Vấn Đề Văn Học Dân Gian | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 | Chuyên Đề 1: Tập Nghiên Cứu Và Viết Báo Cáo Về Một Vấn Đề Văn Học Dân Gian - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Môn Học Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Chuyên đề học tập Toán 10

Chuyên đề học tập Vật lí 10

Chuyên đề học tập Ngữ văn 10

Chuyên đề học tập Hóa học 10

Chuyên đề học tập Sinh học 10

Chuyên đề học tập Lịch sử 10

Chuyên đề học tập Địa lí 10

Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10

Chuyên đề học tập Âm nhạc 10

Chuyên đề học tập Công nghệ 10 (Công nghệ trồng trọt)

Chuyên đề học tập Mĩ thuật 10

Chuyên đề học tập Công nghệ 10 (Thiết kế và Công nghệ)

Chuyên đề học tập Tin học 10 (Định hướng khoa học máy tính)

Chuyên đề học tập Tin học 10 (Định hướng tin học ứng dụng)

Công nghệ trồng trọt 10

Vật Lí 10

Hóa học 10

Sinh học 10

Âm nhạc 10

Giáo Dục Quốc Phòng Và An Ninh 10

Ngữ văn 10 - Tập 1

Ngữ văn 10 - Tập 2

Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10

Giáo dục thể chất cầu lông

Giáo dục thể chất bóng đá

Giáo dục thể chất bóng chuyền

Giáo dục thể chất bóng rổ

Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

Công Nghệ 10

Địa Lí 10

Toán 10 - Tập 1

Toán 10 - Tập 2

Lịch Sử 10

Mĩ thuật_Thiết kế thời trang 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10

Mĩ thuật_Thiết kế công nghiệp 10

Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện 10

Mĩ thuật_Lí luận và lịch sử mĩ thuật 10

Mĩ thuật _Điêu khắc 10

Mĩ thuật_Đồ hoạ (tranh in) 10

Mĩ thuật_Hội hoạ 10

Mĩ thuật_Kiến trúc 10

Tin Học 10

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Hóa học 10

Giải bài tập Vật lý 10

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.