Trang 88
Yêu cầu cần đạt
• Nêu được khái niệm, đặc điểm, vị trí của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
• Thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp bằng những hành vi cụ thể phù hợp với lửa tuổi.
MỞ ĐẦU
Ngày 2 – 9 – 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3 – 9 – 1945, Hồ Chủ tịch đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là xây dựng Hiến pháp. Như vậy, Hiến pháp đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các quốc gia nói chung và với nước Việt Nam nói riêng. Bài học này sẽ giúp các em biết được khái niệm, đặc điểm, vị trí của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ đó thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp bằng những việc làm cụ thể phù hợp với lứa tuổi.
Em hãy nêu một khẩu hiệu về Hiến pháp mà em biết và chia sẻ ý nghĩa của khẩu hiệu đó.
KHÁM PHÁ
1. Khái niệm và vị trí của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Năm 1919, trong Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi đến Hội nghị Véc-xây, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu phải cải cách nền công lị ở Đông Dương theo hướng người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người châu Âu; xoá bỏ hoàn toàn và triệt để các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức
Trang 89
nhân dân Việt Nam; Người yêu cầu phải để cho nhân dân Việt Nam các quyền tự do như: tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do giáo dục và đặc biệt là thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật". Năm 1922, trong bài “Việt Nam yêu cầu ca", Người đã thể hiện nội dung những yêu sách trên để phổ biến rộng rãi:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành,
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
2. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 được thông qua ngày 28 – 11 – 2013 tại kì họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 – 01 – 2014. Đây là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Quốc hội ban hành, gồm 11 chương với 120 Điều, xác định những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của Nhà nước và xã hội Việt Nam như : chủ quyền quốc gia; chế độ chính trị; chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp của thời kì đổi mới đất nước gắn với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
3. Hiến pháp năm 2013 quy định về trẻ em như sau: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em" (khoản 1 Điều 37). Căn cứ vào nội dung của Hiến pháp, Quốc hội ban hành Luật Trẻ em năm 2016 với các quy định cụ thể, phù hợp với nội dung Hiến pháp để bảo vệ các quyền của trẻ em.
❓1/ Em hãy cho biết vì sao Nhà nước cần phải ban hành Hiến pháp. 2/ Theo em, Hiến pháp có vị trí như thế nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam? Hiến pháp hiện hành của Việt Nam là bản hiến pháp nào? 3/ Vì sao khi ban hành Luật Trẻ em năm 2016, Quốc hội phải căn cứ vào nội dung của Hiến pháp năm 2013? |
🌀Hiến pháp là hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí cao nhất quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội, tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lí của con người và công dân. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lí cao nhất, do Quốc hội ban hành để quy định những vấn đề quan trọng của đất nước. |
2. Đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
• Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Hiến pháp là nguồn, là nền tảng cho việc ban hành các văn bản pháp luật khác thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam. Các quy định của Hiến pháp mang tính tuyên ngôn,
Trang 90
cương lĩnh, điều chỉnh chung. Dựa trên nền tảng đó, các luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản dưới luật khác cụ thể hoá, chi tiết hoá để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
2. Trong nhiệm kì khoá XIV, Quốc hội đã ban hành 72 luật, hai pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hoá, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (1)
❓Những chi tiết nào trong các thông tin trên cho thấy Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam? |
• Hiến pháp có hiệu lực pháp lí lâu dài và tương đối ổn định
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Nội dung của Hiến pháp quy định về những nội dung cơ bản, quan trọng của đất nước như: hình thức chính thể, chủ quyền, lãnh thổ, chế độ chính trị, quyền và nghĩa vụ của công dân,... Vì vậy, nội dung của Hiến pháp ít được sửa đổi, bổ sung.
2. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Nhân dân ta đã tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, được sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (2)
❓Theo em, vì sao nói Hiến pháp Việt Nam có hiệu lực pháp lí lâu dài và tương đối ổn định? Hiến pháp được bổ sung, thay đổi khi nào? |
_____________________________________________________________________________
(1) Theo Báo cáo Công tác nhiệm kì khoá XIV của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trình bày sáng ngày 24 – 3 – 2021, tại Kì họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.
(2) Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013.
Trang 91
• Hiến pháp có quy trình làm, sửa đổi đặc biệt được quy định tại Hiến pháp
Quan sát sơ đồ kết hợp đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Bước 1: Yêu cầu làm, sửa đổi Hiến pháp
Bước 2: Quốc hội quyết định làm, sửa đổi Hiến pháp
Bước 3: Quốc hội thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp
Bước 4: Soạn thảo Dự thảo Hiến pháp
Bước 5: Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Hiến pháp
Bước 6: Trình Quốc hội thảo luận Dự thảo Hiến pháp
Bước 7: Quốc hội thông qua Hiến pháp
Bước 8: Chủ tịch nước công bố Hiến pháp
Sơ đồ Quy trình làm và sửa đổi Hiến pháp
Hiến pháp năm 2013 (Điều 120) quy định:
1. Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
2. Quốc hội thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
3. Uỷ ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp
4. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
5. Thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
❓Dựa vào sơ đồ và thông tin trên, em hãy cho biết quy trình làm, sửa đổi Hiến pháp Việt Nam có gì đặc biệt. |
🌀Các đặc điểm cơ bản của Hiến pháp Việt Nam - Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là cơ sở để xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. - Hiến pháp có hiệu lực pháp lí lâu dài, tương đối ổn định. - Hiến pháp có quy trình làm, sửa đổi đặc biệt được quy định tại Hiến pháp. |
LUYỆN TẬP
1. Em hãy cho biết các ý kiến sau đây đúng hay sai. Vì sao?
a. Hiến pháp là luật cơ bản của Quốc hội.
b. Hiến pháp cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và sự phát triển của đất nước.
c. Việc lấy ý kiến của nhân dân khi sửa đổi Hiến pháp là không cần thiết vì Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến.
d. Mọi văn bản quy phạm pháp luật ban hành không phù hợp với Hiến pháp đều bị huỷ bỏ.
2. Em hãy đọc các thông tin sau và cho biết Luật Giáo dục và Luật Bảo vệ môi trường được cụ thể hoá từ những Điều nào trong Hiến pháp năm 2013.
a. Luật Giáo dục năm 2019 được ban hành để quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lí nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.
b. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành để quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.
3. Em hãy cho biết các nội dung sau thể hiện đặc điểm nào của Hiến pháp năm 2013.
a. Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".
b. Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lí xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ".
c. Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019.
d. Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
4. Em hãy liệt kê các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 2013 đã được thực hiện bởi những người xung quanh em.
VẬN DỤNG
1. Em hãy viết một bài luận về vai trò của Hiến pháp đối với cuộc sống con người và chia sẻ sản phẩm với các bạn.
2. Em hãy thiết kế một sản phẩm truyền thông (khẩu hiệu, tranh vẽ,...) giới thiệu về Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thuyết trinh ý nghĩa của sản phẩm đó trước lớp.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn