Trang 131
Yêu cầu cần đạt
Nêu được chức năng, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.
• Phê phán, đấu tranh với những hành vi chống phá Nhà nước.
• Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đối với Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ bằng những hành vi phù hợp với quy định của pháp luật.
MỞ ĐẦU
Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ là những cơ quan, thiết chế đóng vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bài học này sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về chức năng, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ để từ đó thực hiện được những việc làm phù hợp, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh. Em hãy kể một số hoạt động của Quốc hội (hoặc Chủ tịch nước, Chính phủ) trong thực tiễn và chia sẻ ý nghĩa của hoạt động đó.
KHÁM PHÁ
1. Quốc hội
a) Chức năng của Quốc hội
• Chức năng lập hiến, lập pháp
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 02 – 01– 2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Ngày 28 – 11 – 2013, sau nhiều ngày thảo luận, thống nhất ý kiến Quốc hội khoá XIII, kỉ họp thứ 6 đã biểu quyết thông qua Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Trong kì họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, Quốc hội chính thức thông qua 10 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều;
Trang 132
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
❓1/ Quốc hội đã thực hiện chức năng lập pháp như thế nào trong kì họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV? 2/ Chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội được biểu hiện như thế nào? |
🌀Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến và quyền lập pháp. Quyền lập hiến là quyền làm Hiến pháp bao gồm có sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hoặc làm Hiến pháp mới. Quyền lập pháp là quyền làm luật, xây dựng luật và ban hành những văn bản luật được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. |
• Chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội được quy định tại Điều 69, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 và một số điều tại Chương I của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Theo đó, Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước;... (Điều 7 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020).
2. Trong nhiệm kì của Quốc hội khoá XIV (2016 – 2021), Quốc hội đã quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước như: dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020; đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030;...(1)
❓1/ Trong nhiệm kì khoá XIV, Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng nào của đất nước? 2/ Theo em, Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề nào để thực hiện chức năng của mình? Nêu ví dụ minh hoạ. |
🌀Quốc hội có quyền quyết định những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; những vấn đề liên quan đến việc xây dựng, phát triển nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân những vấn đề đối nội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh của đất nước. |
_______________________________________________
(1) Theo Báo cáo công tác nhiệm kì khoá XIV của Quốc hội.
Trang 133
• Chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước
Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của Nhà nước được quy định tại Điều 69 và khoản 2 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Theo đó, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Việc giám sát được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: xem báo cáo hoạt động của các cơ quan nhà nước; thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội; thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
❓Theo em, tại sao hoạt động của Nhà nước cần có sự giám sát tối cao của Quốc hội? |
🌀Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan, thiết chế chính trị do Quốc hội thành lập trong bộ máy nhà nước. |
b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội
• Cơ cấu tổ chức của Quốc hội
Em hãy quan sát sơ đồ để trả lời câu hỏi:
QUỐC HỘI | Uỷ ban thường vụ Quốc hội | Chủ tịch Quốc hội |
Các Phó Chủ tịch Quốc hội | ||
Các Uỷ viên | ||
Hội đồng dân tộc | Chủ tịch | |
Các Phó Chủ tịch | ||
Các Uỷ viên thường trực | ||
Các Uỷ viên chuyên trách | ||
Các Uỷ viên khác | ||
Các Uỷ ban của Quốc hội | Chủ nhiệm | |
Các Phó Chủ nhiệm | ||
Các Uỷ viên thường trực | ||
Các Uỷ viên chuyên trách | ||
Các Uỷ viên khác | ||
Đoàn đại biểu Quốc hội | ||
Các cơ quan giúp việc của Quốc hội |
Chú thích:
—> Tổ chức
---> Cơ cấu tổ chức
Sơ đồ 1. Cơ cấu tổ chức Quốc hội
Trang 134
❓Theo em, có thể thay đổi vị trí của các thành phần trong sơ đồ trên được không? Vì sao? |
🌀Cơ cấu tổ chức của Quốc hội gồm: Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan giúp việc của Quốc hội. Mỗi cơ quan có cơ cấu tổ chức riêng và hoạt động để thực hiện những nhiệm vụ theo luật định. |
• Hình thức hoạt động của Quốc hội
Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Hình thức hoạt động của Quốc hội được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo đó: “Nhiệm kì của mỗi khoá Quốc hội là 5 năm. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kì của mình nhưng không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh" (khoản 1, 3 Điều 2), “Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết thì có thể họp kín. Trường hợp Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thi Quốc hội họp bất thường" (khoản 1, 2 Điều 90), “Quốc hội quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng biểu quyết. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết. Quốc hội quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết: biểu quyết công khai; bỏ phiếu kin (khoản 1, 2 Điều 96).
Hình 1. Kì họp thứ mười của Quốc hội khoá XIV nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
❓1/ Em hãy cho biết, kì họp của Quốc hội có phải là hình thức hoạt động của Quốc hội không. Vì sao? 2/ Nêu các hình thức hoạt động của Quốc hội mà em biết. |
🌀Quốc hội tổ chức các kì họp công khai, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định họp kín. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kì. Trường hợp Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. |
Trang 135
2. Chủ tịch nước
a) Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Trong nhiệm kì 2016 – 2021, Chủ tịch nước Việt Nam đã kí Lệnh công bố 72 Luật, 2 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIV thông qua. Chủ tịch nước cũng thường xuyên quan tâm, phối hợp chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước và việc thực hiện chính sách khen thưởng trong cả nước; quyết định tặng thưởng: 343 718 huân, huy chương; 25 146 danh hiệu vinh dự Nhà nước, trong đó phong tặng 314 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 84 danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới; đồng thời Chủ tịch nước dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân; lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước,...
2. Ngày 21 – 10 – 2020, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước đã trao quyết định bổ nhiệm 9 đại sứ Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kì 2020 – 2023 và tiếp các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ.
❓Em hãy cho biết, các thông tin trên đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gì của Chủ tịch nước. |
🌀Để thực hiện vai trò là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 88 Hiến pháp năm 2013 như sau: công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam; thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, kí điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;... |
b) Hình thức hoạt động của Chủ tịch nước
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Theo Điều 91, 92, 93 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của minh. Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước uỷ nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ. Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết
__________________________________________________________
(1) Theo Báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kì 2016 – 2021 của Chủ tịch nước.
(2) Theo Bảo điện tử Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 21 – 10 – 2020.
Trang 136
Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới".
2. Trong suốt nhiệm kì 2016 – 2021, Chủ tịch nước thường xuyên dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân; lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; thăm và tặng quà các cán bộ lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, đồng bào các dân tộc thiểu số; tặng học bổng cho học sinh nghèo,....
❓Dựa vào các thông tin trên, em hãy cho biết hình thức hoạt động của Chủ tịch nước là gì. |
🌀Chủ tịch nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thông qua các hoạt động cá nhân trực tiếp hoặc thông qua việc ban hành lệnh, quyết định. Đồng thời Chủ tịch nước cũng có thể uỷ nhiệm cho Phó Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ thay thế mình. |
3. Chính phủ
a) Chức năng của Chính phủ
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước" (Điều 1). Để thực hiện chức năng của mình, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định cụ thể tại Điều 96 Hiến pháp năm 2013 và trong Chương II của Luật Tổ chức Chính phủ.
2. Ngày 17 – 7 – 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 – 9 – 2017.
3. Sáng ngày 20 – 10−2020, tại phiên khai mạc ki họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020; dự kiến Kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 – 2025.
Trang 137
❓1/ Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP thể hiện chức năng gì? 2/ Vì sao Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội ở phiên họp, kì họp của Quốc hội? 3/ Chức năng hành pháp của Chính phủ là gì? Vì sao Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội? |
Trang 137
🌀Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chức năng hành pháp của Chính phủ được thể hiện ở các mặt sau: đề xuất, xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình dự án trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội; ban hành chính sách, kế hoạch cụ thể theo thẩm quyền, ban hành các văn bản dưới luật để tổ chức thực thi các chủ trương, chính sách, văn bản do Quốc hội ban hành; tổ chức thực hiện pháp luật; thống nhất quản lí về kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thống nhất quản lí nền hành chính quốc gia trên cơ sở quy định của pháp luật,... |
b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ
• Cơ cấu tổ chức
Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ
Các Phó Thủ tướng Chính phủ
Bộ và Cơ quan ngang Bộ
Sơ đồ 2. Cơ cấu tổ chức Chính phủ
❓Dựa vào sơ đồ 2, em hãy trình bày cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Kể tên các bộ và cơ quan ngang bộ của nước ta hiện nay. |
🌀Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm bộ và cơ quan ngang bộ. Đây là những cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lí nhà nước về một số ngành, lĩnh vực và các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. |
Trang 138
• Hình thức hoạt động
Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ được thực hiện kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số" (Điều 43), “Chính phủ họp thường kì mỗi tháng một phiên hoặc họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Chính phủ. Trong trường hợp Chính phủ không họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng văn bản. Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước" (Điều 44).
Hình 2. Một phiên họp của Chính phủ
❓1/ Chính phủ hoạt động theo hình thức nào? 2/ Việc Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số thể hiện nguyên tắc gì trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam? |
🌀Chính phủ hoạt động theo ba hình thức: thông qua các phiên họp của Chính phủ, thông qua hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, thông qua hoạt động của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. |
LUYỆN TẬP
1. Em hãy cho biết các ý kiến sau đây đúng hay sai. Vì sao?
a. Quốc hội có thể thực hiện quyền lập pháp bằng việc xem xét, thảo luận, thông qua các văn bản luật do Chính phủ soạn thảo.
b. Mọi công dân đều được đóng góp ý kiến khi Quốc hội trưng cầu ý dân.
c. Nhân dân là người bầu ra Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
Trang 139
2. Em có nhận xét gì về hành vi của mỗi nhân vật trong các tình huống sau?
a. Thấy một số người trong khu phố lan truyền thông tin không chính xác về quy định quản lí, sử dụng pháo của Chính phủ, B đã lên mạng tìm hiểu các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có nội dung liên quan và gửi tới những người này để họ hiểu và ủng hộ.
b. A chăm chú xem truyền hình tường thuật trực tiếp phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội.
c. Bà N đề nghị mọi người trong gia đình đưa phiếu để mình đi bầu cử hộ.
d. Khi thấy một số anh, chị sinh viên tham gia cùng Chủ tịch nước đón mừng các nguyên thủ quốc gia mỗi khi sang thăm và làm việc tại Việt Nam, K lại cố gắng, phấn đấu học tập và rèn luyện tốt để mong muốn mình sẽ được như vậy.
3. Em hãy xử lí các tình huống sau:
a. Thấy Đ chăm chú xem danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, H liền nói với bạn rằng việc bầu cử đại biểu Quốc hội là chuyện riêng của người lớn, học sinh chưa đủ tuổi được bỏ phiếu nên không cần thiết phải quan tâm.
Nếu là Đ, em sẽ nói gì với H?
b. Buổi tối, V mang trái cây nhà trồng được sang biếu nhà chú H hàng xóm đúng lúc cả gia đình chủ đang ngồi xem chương trình thời sự. Khi con gái có những thắc mắc về vị trí, vai trò của một số lãnh đạo nhà nước, chú H đã nhẹ nhàng giải thích để con hiểu. Tuy nhiên, V phát hiện một số nội dung chủ H giải thích không đúng. V băn khoăn không biết có nên góp ý với chú H hay không.
Nếu là V, em sẽ làm gì?
4. Em hãy tim hiểu và cho biết Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ của nước ta hiện nay là ai?
VẬN DỤNG
1. Em và các bạn hãy liệt kê các việc học sinh có thể làm để góp phần ủng hộ các chính sách của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đối với người dân ở địa phương em.
2. Em hãy viết một bài luận về ý nghĩa của việc Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân khi làm Hiến pháp và chia sẻ sản phẩm với cả lớp.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn