Trang 26
Yêu cầu cần đạt
• Nêu được khái niệm ngân sách nhà nước, đặc điểm và vai trò của ngân sách nhà nước.
• Nêu được quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện pháp luật ngân sách.
• Ủng hộ những hành vi chấp hành và phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về thu, chi ngân sách.
MỞ ĐẦU
Ngân sách nhà nước hình thành và phát triển gắn liền với sự xuất hiện và phát triển của Nhà nước. Đó là quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của một quốc gia, vừa là nguồn lực để duy trì bộ máy nhà nước vừa là công cụ hữu ích để Nhà nước quản lí, điều tiết nền kinh tế quốc dân và giải quyết các vấn đề xã hội. Ngân sách nhà nước có phần đóng góp rất lớn của người dân và được sử dụng vì lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân. Mỗi người dân đều có nghĩa vụ đóng góp, đồng thời được hưởng quyền lợi từ ngân sách qua việc sử dụng hàng hoá, dịch vụ công cộng. Bài học này sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về đặc điểm, vai trò của ngân sách nhà nước cùng những quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện pháp luật ngân sách.
Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Các tỉnh miền núi biên giới có điều kiện địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, trình độ dân trí chưa cao. Nhận được nguồn ngân sách ưu đãi từ Nhà nước, các địa phương này đã sử dụng vào việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông; kéo điện lưới quốc gia về các bản vùng sâu; xây dựng, tu bổ, nâng cấp trường học, cơ sở y tế; ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển mô hình rừng trang trại, vườn rừng,... Nhờ đó, các tỉnh miền núi đã từng bước khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
1/ Ngân sách nhà nước góp phần cho sự phát triển của các tỉnh miền núi như thế nào?
2/ Hãy chia sẻ hiểu biết của em về ngân sách nhà nước.
Trang 27
KHÁM PHÁ
1. Khái niệm, đặc điểm của ngân sách nhà nước
a) Khái niệm ngân sách nhà nước
Em hãy quan sát sơ đồ sau để trả lời câu hỏi:
Tổng thu ngân sách nhà nước - 1 319 200 tỉ đồng
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: 179 000 tỉ đồng
Thu viện trợ: 5000 tỉ đồng
Thu từ dầu thô: 35 900 tỉ đồng
Thu nội địa: 1 099 300 tỉ đồng
Tổng chi ngân sách nhà nước - 1 523 200
Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính: 100 ti đồng
Dự phòng ngân sách nhà nước: 32 097 tỉ đồng
Chi đầu tư phát triển: 399 700 tỉ đồng
Chi trả nợ lãi: 112 518 tỉ đồng
Chi viện trợ: 1.300 tỉ đồng
Chi thường xuyên: 940 748 tỉ đồng
Chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế: 35 767 tỉ đồng
Sơ đồ 1. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018(1)
❓ 1/ Ngân sách nhà nước gồm các khoản thu, chi gì? 2/ Ai được quyền quyết định các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước? |
🌀 Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước (khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015). |
b) Đặc điểm của ngân sách nhà nước
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Ngân sách nhà nước là quỹ tiền tệ lớn nhất, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội của một quốc gia nên phải được đảm bảo về mặt pháp lí.
Ngày 25 – 6 – 2015, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Ngân sách nhà nước.
--------------------------
(1) Nguồn: Bộ Tài chính
Trang 28
2. Sáng ngày 21 – 10−2021, Quốc hội thảo luận về tinh hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương
năm 2022.
3. Ngày 19 – 10 – 2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID – 19; Trong đó có những quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID – 19 trong năm 2021,... Đồng thời, Nhà nước cũng chi ra nhiều gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỉ đồng đến những chủ thể đang gặp khó khăn trong dịch bệnh. Trong ngân sách nhà nước có các quỹ riêng dành cho phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, đảm bảo xã hội, quản trị hành chính, y tế, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ, dự trữ tài chính,... Mỗi quỹ chi cho một lĩnh vực riêng.
❓ 1/ Mục đích của việc thu, chi ngân sách nhà nước là gì? 2/ Kể tên một số quỹ trong ngân sách nhà nước và chia sẻ hiểu biết của em về quỹ đó. 3/ Người dân đóng góp vào ngân sách nhà nước có được hoàn trả trực tiếp không ? Vì sao? |
🌀 Đặc điểm của ngân sách nhà nước. – Ngân sách nhà nước mang tính pháp lí cao. Việc tạo lập và sử dụng ngân sách nhà nước được tiến hành trên cơ sở Luật Ngân sách nhà nước. – Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền sở hữu và quyết định các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước. – Ngân sách nhà nước hướng tới mục tiêu giải quyết các quan hệ lợi ích chung trong xã hội. – Ngân sách nhà nước được chia thành nhiều quỹ nhỏ có tác dụng riêng để chi dùng cho những mục đích đã có trong kế hoạch. – Hoạt động thu, chi của ngân sách nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp. |
2. Vai trò của ngân sách nhà nước
Em hãy quan sát sơ đồ, đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Trang 29
Ước thực hiện năm 2020
Chi đầu tư phát triển
Chi thường xuyên
Đánh giá giai đoạn 2016 – 2020
Các khoản chi còn lại khác
Sơ đồ 2. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước (1)
1. Ngày 25 – 5 – 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về Quản lí, phát triển cụm công nghiệp trong đó có việc đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật, thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế đất, cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.... cho các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp nhằm di dời, sắp xếp, thu hút các chủ thể kinh tế vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu vực tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn.
2. Khi dịch COVID – 19 bùng phát, ở một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội thời gian đầu đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã dùng quỹ dự trữ quốc gia của ngân sách nhà nước với các gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỉ đồng, cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu, trợ cấp tiền cho nhân dân, đặc biệt đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc cho dịch bệnh,...
3. Gia đình anh T thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại một xã miền núi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Anh cho biết, gia đình anh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: các con anh đều được đi học ở trường dân tộc nội trú tỉnh do Nhà nước hỗ trợ kinh phí, mọi người trong gia đình đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí,... Ngoài ra, gia đình anh còn được nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách tạo điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất đề thoát nghèo.
❓1/ Trong sơ đồ 2, khoản chi nào dành cho hoạt động của bộ máy nhà nước? 2/ Thông tin 1 cho biết ngân sách nhà nước góp phần định hướng phát triển sản xuất để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lí như thế nào? 3/ Thông tin 2 cho biết ngân sách nhà nước góp phần điều tiết thị trường, bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát như thế nào? 4/ Thông tin 3 cho biết gia đình anh T đã được hỗ trợ từ quỹ phúc lợi của ngân sách nhà nước như thế nào? |
-----------------------------------------
(1) Nguồn: Bộ Tài chính
Trang 30
🌀 Ngân sách nhà nước có vai trò: - Cung cấp nguồn tài chính để duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước. - Định hướng phát triển sản xuất vào những vùng, lĩnh vực cần thiết để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lí. - Là công cụ điều tiết thị trường, bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát. - Là công cụ điều tiết thu nhập qua thuế và quỹ phúc lợi xã hội. - Tạo lập quỹ dự trữ quốc gia để phòng chống thiên tai, dịch bệnh,... và một số nhiệm vụ đột xuất, cấp thiết. - Là công cụ mở rộng quan hệ đối ngoại, đầy nhanh quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế. |
3. Quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện pháp luật ngân sách nhà nước
Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
1. Điều 34 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định quyền hạn, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến ngân sách nhà nước:
1. Nộp đầy đủ, đúng hạn thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp được Nhà nước trợ cấp, hỗ trợ vốn và kinh phí theo dự toán được giao thì phải quản lí, sử dụng các khoản vốn và kinh phí đó đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả và quyết toán với cơ quan tài chính.
3. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và công khai ngân sách.
4. Được cung cấp thông tin, tham gia giám sát cộng đồng về tài chính – ngân sách theo quy định của pháp latin tham gia giám sát cộng đồng về luật.
2. Ngày 26 – 8 – 2020, Bộ Tài chính đã chính thức vận hành Cổng Công khai ngân sách nhà nước trên trang https://ckns.mof.gov.vn. Cổng Công khai ngân sách nhà nước được xây dựng trên cơ sở tham khảo các mô hình trên thế giới, từng bước hiện thực hoá mục tiêu của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc cam kết thực hiện công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong phân bố, quản lí, sử dụng nguồn lực công. Đối với người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các tổ chức trong và ngoài nước, đây là một kênh truyền thông cung cấp dữ liệu, thông tin cần thiết để giúp họ nắm bắt các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách quốc gia, qua đó thể hiện sự quan tâm và tăng cường sự giám sát của xã hội.
3. Ngư dân xã Q rất phấn khởi vì được vay vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đóng tàu kiên cố vươn khơi đánh cá. Mọi người cùng nghiên cứu kĩ chính sách, xây dựng dự án đóng tàu phù hợp, hiệu quả và phương án trả nợ để được xét duyệt vay tiền, cam kết sử dụng tiền đúng mục đích, thực hiện đúng tiến độ dự án, trả nợ vay và đóng thuế đầy
đủ cho Nhà nước.
Trang 31
❓1/ Thông tin 2 cho biết Nhà nước đã đảm bảo quyền gì của công dân trong việc thực hiện pháp luật ngân sách nhà nước? 2/ Ngư dân xã Q được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước? |
🌀Công dân có quyền: - Được sử dụng hàng hoá, dịch vụ công cộng và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. - Được cung cấp thông tin, tham gia giám sát cộng đồng về tài chính – ngân sách theo quy định của pháp luật. Công dân có nghĩa vụ: - Sử dụng các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả. - Nộp các khoản vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. |
LUYỆN TẬP
1. Em hãy cho biết ý kiến nào sau đây là đúng hoặc không đúng. Vì sao?
a. Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong một năm.
b. Nguồn thu của ngân sách nhà nước là các khoản thu của mỗi người dân trong một quốc gia.
c. Nguồn chi bảo đảm sự hoạt động của bộ máy nhà nước là nguồn chi từ ngân sách nhà nước.
d. Ngân sách nhà nước do Nhà nước sở hữu nên người dân không cần phải kiểm tra, giám sát việc Nhà nước sử dụng ngân sách như thế nào.
2. Theo em, trong các tình huống sau, ai thực hiện đúng, ai vi phạm pháp luật ngân sách nhà nước? Vì sao?
a. Ông M đưa ông N là em trai mình vào danh sách nhận hỗ trợ của Chính phủ cho người dân vùng bão lũ. Tuy nhiên, thấy mình có điều kiện tốt hơn nhiều người khác nên ông N đã tự nguyện xin không nhận sự hỗ trợ này, nhường cho người khắc có hoàn cảnh khó khăn hơn.
b. Do phải nộp nhiều khoản không đúng theo quy định của pháp luật, người dân xã X yêu cầu cán bộ xã phải giải trình công khai các khoản thu chi. Tuy nhiên, cán bộ xã trả lời rằng, họ không có nghĩa vụ phải làm điều đó, trừ khi có yêu cầu từ cấp trên.
c. Các cơ quan nhà nước trong tỉnh A đều hưởng ứng phong trào tiết kiệm chi tiêu công, không sử dụng ô tô của cơ quan đưa nhân viên đi tham quan, du lịch.
3. Em hãy giải đáp thắc mắc giúp các bạn trong những tình huống sau:
a. Gần nhà H có một cụ già sống một mình. Cùng với sự giúp đỡ của mọi người trong thôn xóm, cụ còn được nhận một khoản trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. H băn khoăn “Nhà nước lấy đâu ra tiền để trợ cấp cho các cụ nhỉ?".
b. Gia đình T về thăm quê. Qua trạm thu phí trên đường cao tốc, bố trả tiền cho nhân viên thu phí. T thắc mắc: "Bố ơi, sao mình phải trả tiền cho họ ạ?".
VẬN DỤNG
1. Viết về một công trình sử dụng ngân sách nhà nước ở địa phương em và ý nghĩa của công trình đó.
2. Gia đình em đã thực hiện nghĩa vụ gì và được hưởng những quyền lợi gì từ ngân sách nhà nước? Hãy thống kê theo mẫu sau:
Nghĩa vụ | 1. Nộp thuế.... 2. ... |
Quyền lợi | 1. Sử dụng dịch vụ công ... 2. ... |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn