Trang 98
Yêu cầu cần đạt
• Nêu được một số nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
• Có thái độ đồng tình, ủng hộ đối với các hành vi thực hiện đúng; lên án, phê phán các hành vi vi phạm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
• Thực hiện các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bằng những hành vi cụ thể, phù hợp với độ tuổi.
MỞ ĐẦU
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương II của Hiến pháp năm 2013 với 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49) nhằm khẳng định vai trò quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp. Điều này thể hiện nhất quán với đường lối của Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc công nhận, tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bài học này sẽ giúp các em biết được các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Em cùng các bạn tham gia trò chơi “Tiếp sức”: Kể về các quyền và nghĩa vụ của học sinh.
Theo em, quyền và nghĩa vụ của học sinh có thuộc nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không? Vì sao?
KHÁM PHÁ
1. Một số nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1. Với tinh thần nhân văn sâu sắc, từ khi thành lập đến nay, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện các công ước quốc tế và nghị định thư quan trọng về quyền con người, đồng thời ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng quy định các nội dung liên quan đến vấn đề quyền con người, trong đó có Hiến pháp. Theo Hiến pháp năm 2013, nội dung về quyền con người được quy định như sau: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về
Trang 99
thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý; Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo binh đẳng trước pháp luật; Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá...".
2. Trong lúc dọn dẹp vệ sinh ven đường, cô T phát hiện một em bé sơ sinh bị bỏ rơi. Cô vội vàng đưa em đến bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ, sau đó tiến hành các thủ tục nhận nuôi theo quy định của pháp luật. Nhiều người khi biết chuyện đã rất cảm động và tìm đến nhà để tặng quà cho em bé cũng như nói lời cảm ơn với cô T. Nếu không có cô rất có thể sức khoẻ, tính mạng em bé sẽ bị ảnh hưởng, quyền sống còn của em sẽ không được đảm bảo.
3. Phát hiện H đang đi trên đường sau nhiều ngày trốn tránh mình về khoản nợ, N đã dùng vũ lực bắt H về nhà minh nhất lại và yêu cầu gọi người nhà mang tiền đến trả. Sau khi nhận được tin báo, gia đình H đã tới cơ quan công an trình báo sự việc và yêu cầu cơ quan công an can thiệp xử lí N vì đã xâm phạm các quyền con người của H.
❓1/ Theo em, con người có những quyền gì? Nêu biểu hiện cụ thể của các quyền đó trong trường hợp 2 và 3. 2/ Quyền con người được quy định trong Hiến pháp có ý nghĩa như thế nào? |
🌀Hiến pháp năm 2013 quy định rõ quyền con người như sau: Mọi người đều binh đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội (Điều 16); Mọi người đều có quyền sống (Điều 19); Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm; Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật (Điều 20); Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; Mọi người có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác (Điều 21);... |
2. Một số nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
a) Các quyền về chính trị, dân sự
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1. Bên cạnh việc bảo đảm và phát huy các quyền con người, Hiến pháp năm 2013 còn quy định công dân Việt Nam có những quyền về dân sự, chính trị như: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp; Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ
Trang 100
nước ngoài về nước theo luật định; Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo luật định; Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo luật định; Công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trung cầu ý dân.
2. Năm đủ 18 tuổi, anh V lần đầu được cầm trên tay lá phiếu tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Anh rất hãnh diện và tự nhủ sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt đề sau này có thể ứng cử tham gia vào Hội đồng nhân dân xã, đóng góp công sức phát triển quê hương thêm giàu đẹp.
Năm học vừa qua, M đạt thành tích cao trong học tập nên nghỉ hè được bố mẹ thưởng một chuyến du lịch dài ngày. Cả nhà đã cùng đi tham quan nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh trên đất nước Việt Nam. Kết thúc chuyến đi, M còn viết bài chia sẻ về những trải nghiệm của gia đình minh trên các trang báo mạng và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người đọc.
❓1/ Theo em, trường hợp 2 và 3 đề cập đến những quyền chính trị, dân sự gì của công dân? 2/ Việc quy định các quyền về chính trị, dân sự của công dân trong Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa như thế nào? |
🌀Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có các quyền về chính trị, dân sự như: quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22); quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo luật định (Điều 23); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tỉnh theo luật định (Điều 25); quyền bầu cử khi đủ mười tám tuổi trở lên và quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân khi đủ hai mươi mốt tuổi trở lên (Điều 27); quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28); quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trung cầu ý dân khi đủ mười tám tuổi trở lên (Điều 29),... |
b) Các quyền về kinh tế, văn hoá, xã hội
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1. Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân nam, nữ có quyền bình đẳng về kinh tế, văn hoá, xã hội; Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội; Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; Công dân có quyền học tập Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm quyền học tập cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học được Nhà nước bảo đảm chi phí ăn, ở, học tập. Ví dụ, theo Nghị định số 116/2016/
Trang 101
NĐ-CP của Chính phủ thì học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ gạo 9 tháng/năm. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số đáp ứng được các điều kiện thụ hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, hưởng 9 tháng/năm, được hỗ trợ tiền nhà ở. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở, 9 tháng/năm.
3. Dịch bệnh COVID – 19 đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống nhân dân Việt Nam, cuộc sống của một bộ phận người lao động trở nên vô cùng khốn khó. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực đẩy mạnh các chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giúp người dân giải quyết phần nào khó khăn trước mắt.
❓1/ Theo em, trường hợp 2 và 3 đề cập đến các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội gì của công dân? Các quyền đó được biểu hiện như thế nào trong mỗi trường hợp? 2/ Những quyền về kinh tế, văn hoá, xã hội của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa như thế nào? |
🌀Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có các quyền về kinh tế, văn hoá, xã hội như: công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt (Điều 26); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (Điều 35); quyền học tập (Điều 39); quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42);... |
c) Nghĩa vụ cơ bản của công dân
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau đề trả lời câu hỏi:
Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Hiến pháp năm 2013 có quy định cụ thể: Công dân có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; trung thành với Tổ quốc; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nghĩa vụ quân sự; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ môi trường; có nghĩa vụ học tập và nộp thuế theo luật định.
2. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Q lên đường nhập ngũ. Khi được khoác lên minh chiếc áo lính màu xanh và đội chiếc mũ có ngôi sao vàng năm cánh, anh Q xúc động và tự hứa sẽ cố gắng rèn luyện, nghiêm túc chấp hành nhiệm vụ, thực hiện tốt nghĩa vụ trung thành và bảo vệ Tổ quốc.
3. Là một cán bộ đoàn gương mẫu, anh N luôn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Anh cũng dành nhiều thời gian đề tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp và pháp luật cho các em học sinh trên địa bàn, nhắc nhở các em thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.
❓1/ Theo em, trường hợp 2 và 3 đề cập đến những nghĩa vụ gì của công dân? Các nghĩa vụ đó được biểu hiện như thế nào trong mỗi trường hợp? 2/ Theo em, tại sao công dân phải thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình? |
Trang 102
🌀Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có các nghĩa vụ cơ bản như: nghĩa vụ học tập (Điều 39); nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43); nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc (Điều 44); nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân (Điều 45); nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46); nghĩa vụ nộp thuế theo luật định (Điều 47). |
LUYỆN TẬP
1. Em hãy cho biết các ý kiến sau đây đúng hay sai. Vì sao?
a. Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc chỉ cần thực hiện khi đất nước xảy ra chiến tranh và đó là trách nhiệm của lực lượng quân đội, công an và người lớn.
b. Tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được hưởng các quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
c. Học sinh cũng được hưởng các quyền con người, quyền công dân quy định tại Hiến pháp năm 2013.
d. Học sinh còn ít tuổi nên không phải thực hiện các nghĩa vụ cơ bản của công dân.
2. Em có nhận xét gì về hành vi của mỗi nhân vật trong các tình huống sau đây?
a. H lén đọc tin nhắn trong điện thoại của chị gái.
b. A ngăn cản các bạn trong lớp đọc trộm nhật kí của M.
c. D khuyên M nên tích cực tham gia các buổi tổng vệ sinh làm sạch đường làng ở thôn xóm vào các ngày cuối tuần.
d. N chủ động đề nghị bố mẹ cho phép mình tự lựa chọn ngành nghề khi đăng kí thi đại học.
3. Em hãy xử lí các tình huống sau:
a. Thôn của B sắp tổ chức một cuộc họp để bàn bạc phương án xây dựng sân vui chơi cho trẻ em. B có nhiều ý tưởng hay và rất muốn tham gia cuộc họp để bày tỏ ý kiến của mình nhưng lại ngại vì cho rằng mọi người sẽ không muốn lắng nghe ý kiến của một người nhỏ tuổi.
Dựa vào quy định của Hiến pháp năm 2013, em hãy đưa ra lời khuyên để giúp B có những ứng xử phù hợp và đúng pháp luật.
b. Vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ muốn N sau khi học xong lớp 9 sẽ phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. N rất buồn, muốn đi học tiếp nhưng không biết phải làm gì để thuyết phục bố mẹ thay đổi ý kiến.
Dựa vào quy định của Hiến pháp năm 2013, em hãy đưa ra lời khuyên để giúp N.
VẬN DỤNG
1. Em hãy liệt kê những hành vi học sinh nên làm và không nên làm để góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013.
2. Em hãy cùng các bạn tìm hiểu việc thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại địa phương em. Viết báo cáo kết quả và chia sẻ lại với cả lớp.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn