Nội Dung Chính
- CHIA SẺ (trang 3)
- BÀI ĐỌC 1 (trang 4, 5)
- TỰ ĐỌC SÁCH BÁO (trang 5)
- BÀI VIẾT 1 (trang 5)
- KỂ CHUYỆN (trang 6)
- BÀI ĐỌC 2 (trang 6, 7)
- LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 7, 8)
- BÀI VIẾT 2 (trang 8)
- BÀI ĐỌC 3 (trang 9, 10)
- BÀI VIẾT 3 (trang 10)
- TRAO ĐỔI (trang 10, 11)
- BÀI ĐỌC 4 (trang 12, 13)
- LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 13, 14)
- GÓC SÁNG TẠO (trang 14)
- TỰ ĐÁNH GIÁ (trang 15, 16)
CHIA SẺ (trang 3)
Em hãy nghe (hoặc đọc lời) bài hát sau đây và cho biết:
1. Hình ảnh quả bầu, quả bí trong bài hát gợi cho em nghĩ đến ai?
2. Em hiểu cái “giàn” trong bài hát có nghĩa là gì?
3. Bài hát khuyên ta điều gì?
Bầu và bí
Nhạc: Phạm Tuyên
Lời: Ca dao cổ
Trái bầu xanh, trái bí xanh, theo gió trong lành cất tiếng hát vui chung. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn!
BÀI ĐỌC 1 (trang 4, 5)
Món quà
Mấy hôm nay, Chi đang rất bối rối. Tuần sau là đến sinh nhật Vy – nhỏ bạn rất thân của Chi rồi. Chi nghĩ mãi mà chẳng biết tặng Vy cái gì. Chợt nhớ hôm trước, trong giờ học tiếng Anh, Chi có nghe Vy tâm sự với Thư: "Vy thích lật từng trang từ điển hơn là tra nghĩa trên máy tính.".
Tan học, Chi ra nhà sách, nhưng khi nhìn bảng giá thì em lè lưỡi: “Eo ôi, hơn trăm ngàn!". Nhưng tặng Vy món quà gì khác thì em cũng không biết. Em xin phép má cho mổ con heo đất. Nhưng mổ heo ra, vẫn còn thiếu mười ngàn. Má đưa cho Chi mười ngàn, cười: "Má cho vay nhé!". Chi thích quá. Vậy là em đã có đủ tiền mua quyển từ điển tặng Vy rồi.
Vậy mà đùng một cái, có tin Thư phải mổ ruột thừa. Nhà Thư nghèo nên khi Thư bị bệnh bất ngờ thế này chắc ba má bạn không xoay xở kịp. Cô chủ nhiệm và cả lớp quyết định mở đợt quyên góp nhanh để đỡ đần một phần viện phí cho Thư. Tự nhiên lúc đó, Chi nhớ tới sinh nhật Vy, nhớ tới quyển từ điển vẫn còn nằm trong nhà sách.
Nhưng Chi lại nghĩ tới Thư đang nằm thiêm thiếp trong bệnh viện. Thế là không một chút đắn đo, Chi đem góp số tiền tiết kiệm, trong đó có mười ngàn đồng sáng nay má vừa cho vay.
Vậy là sinh nhật Vy, Chi không có quyển từ điển để tặng bạn như dự kiến. Nhưng mà không sao, Chi sẽ làm cho bạn cái móc khoá thật đặc biệt, một cái móc khoá có hình quyển từ điển nhỏ xíu thật dễ thương.
Theo TRẦN TÙNG CHINH
CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA
- Bối rối: lúng túng, mất bình tĩnh, không biết nên xử lí thế nào.
- Xoay xở: làm hết cách này đến cách hác để giải quyết cho được khó khăn hoặc để có được thứ mình cần.
- Đắn đo: chưa biết nên hay không nên làm việc nào đó.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Chi định tặng Vy món quà gì trong dịp sinh nhật? Vì sao?
2. Chi đã làm thế nào để có đủ tiền mua món quà Vy yêu thích?
3. Vì sao Chi không thực hiện được dự định tặng Vy món quà đó?
4. Nếu là Vy, khi biết việc làm của Chi và nhận chiếc móc khóa do Chi tặng, em sẽ nói gì với bạn?
5. Nếu được đề nghị nói một câu về Chi, em sẽ nói gì?
TỰ ĐỌC SÁCH BÁO (trang 5)
1. Tìm đọc thêm ở nhà: – 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về lòng nhân ái. – 1 bài văn (bài báo) miêu tả hoặc cung cấp thông tin về nội dung trên. | 2. Viết vào phiếu đọc sách: – Tên bài đọc và một số nội dung chính của bài đọc (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn em thích). – Cảm nghĩ của em về một trong những nội dung trên. |
BÀI VIẾT 1 (trang 5)
Luyện tập viết thư thăm hỏi
(Mở đầu và kết thúc bức thư)
Dựa theo dàn ý bức thư mà em đã lập ở Bài 9, hãy viết:
1. Lời chào và đoạn văn mở đầu bức thư thăm hỏi người thân (thầy cô, bạn bè hoặc người khác)
2. Lời chúc ở phần cuối bức thư thăm hỏi người thân (thầy cô, bạn bè hoặc người khác).
Gợi ý
a) Em xưng hô và chào thế nào cho phù hợp mối quan hệ và tình cảm của mình?
b) Ở đoạn văn mở đầu, em cần viết gì:
- Nếu người nhận thư là người thân (hoặc thầy cô, bạn bè)?
- Nếu người nhận thư là người em muốn làm quen một vận động viên hoặc một bạn nhỏ vừa đạt thành tích xuất sắc, một bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn,...)?
c) Em viết lời chúc thế nào cho phù hợp với mối quan hệ và tình cảm của mình?
KỂ CHUYỆN (trang 6)
Giếng nước của Rai-ân
Theo báo Tuổi Trẻ
1. Nghe và kể lại câu chuyện:
Gợi ý
Đoạn 1: Vì sao Rai-ân quyết tâm tặng các bạn nhỏ châu Phi một giếng nước?
Đoạn 2: Rai-ân dành dụm tiền bằng cách nào?
Đoạn 3: Chi tiết nào cho thấy Rai-ân quyết tâm thực hiện mong muốn của mình?
Đoạn 4: Hành động của Rai-ân đã cuốn hút mọi người tham gia như thế nào?
2. Trao đổi:
a) Hành động của cậu bé Rai-ân có ý nghĩa như thế nào?
b) Em thích điều gì ở tính cách Rai-ân?
BÀI ĐỌC 2 (trang 6, 7)
Buổi học cuối cùng
Buổi học cuối cùng, mai cô giáo về hưu
Cả lớp em bỗng trang nghiêm hơn trước
Bàn con trai không đùa, gõ thước
Bàn con gái lặng yên, bím tóc cũng nơ hồng.
Cô vẫn là cô, mái tóc hoa râm
Bàn tay xương gầy, bám đầy phấn trắng
Giọng nói êm êm, nụ cười như giọt nắng
Sao buổi học này, chúng em mới nhận ra.
Buổi học cuối cùng, mai cô giáo đã xa
Cả lớp em bỗng trang nghiêm hơn trước
Ai cũng cố ngoan hơn mà không bù đắp được
Những phút giây lười, nghịch để cô buồn.
NGUYỄN THỊ MAI
CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA
- Về hưu: nghỉ việc do lớn tuổi hoặc do sức khỏe kếm và đã làm việc đủ số năm theo quy định.
- Hoa râm: (tóc) điểm trắng lốm đốm.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Vì sao lớp học bỗng trở nên trang nghiêm hơn trước?
2. Điều gì ở cô giáo khiến các bạn học sinh xúc động?
3. Em hiểu dòng cuối khổ thơ 2 là một lời tự hỏi hay tự trách?
4. Hai dòng thơ cuối bài muốn nói với em điều gì?
LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 7, 8)
Tra từ điển
1. Quan sát một từ điển tiếng Việt và cho biết: Quyển sách đó được dùng để làm gì?
2. Đọc quy ước sau đây của một quyển từ điển và cho biết: Các từ trong quyển sách được sắp xếp theo thứ tự nào?
Quy ước
Các mục từ được xếp theo thứ tự chữ cái:
a ă â b c d đ e ê g h i k l
m n o ô ơ p q r s t u ư v x y
Các từ cùng vần trong một mục từ được xếp theo thứ tự dấu thanh:
không dấu dấu hỏi dấu sắc
dấu huyền dấu ngã dấu nặng
3. Tìm các từ sau trong từ điển:
ai bù đắp bám nơ
nghịch ngoan nhận biết
4. Nêu ý nghĩa của một trong những từ em vừa tìm được ở bài tập 3.
BÀI VIẾT 2 (trang 8)
Luyện tập viết thư thăm hỏi
(Viết nội dung chính)
Dựa theo dàn ý bức thư mà em đã lập ở Bài 9, hãy viết:
1. Lời thăm hỏi người nhận thư.
2. Một số thông tin vắn tắt về bản thân em.
Gợi ý:
Em viết gì? | Tình huống |
a) Em cần viết nội dung thăm hỏi thế nào? b) Em cần viết những gì về tình hình của bản thân? | 1) Nếu người nhận thư vừa có tin vui, em viết thư để chia vui. |
2) Nếu người nhận thư vừa có tin buồn, em viết thư để chia buồn. | |
3) Nếu em viết thư hỏi thăm tình hình người nhận thư vì đã lâu không gặp. |
BÀI ĐỌC 3 (trang 9, 10)
Những hạt gạo ân tình
Đơn vị của ông Hai Trí hành quân sang Cam-pu-chia giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Suốt từ biên giới vào nước bạn, đi tới đâu, bộ đội cũng bắt gặp những làng mạc bị đốt phá tiêu điều, không một bóng người. Người dân đầu tiên họ gặp là một ông lão gầy da bọc xương nằm thoi thóp ven đường. Ông lão kể mình đã bỏ chạy khi quân Pôn Pốt đuổi, nhưng đói quá nên gục lại đây. Ngồi ăn ngon lành thanh lương khô mà một anh bộ đội đưa, ông nói: “Mấy năm rồi, tôi mới được ăn ngon như thế này.”.
Có lần, đơn vị tìm được một bản hiếm hoi còn có người ở lại. Thấy bộ đội Việt Nam, hơn 200 người cả già, trẻ, gái, trai chạy ra đón. Tất cả đều xơ xác, rách rưới. Họ vừa khóc vừa níu tay các anh, nói: “Bộ đội đừng về! Pôn Pốt sẽ giết hết dân mất. Bộ đội có đi, cho dân đi cùng với!”. Bữa ấy, dân làng gom góp được ba chén gạo để nấu cơm đãi cả đơn vị. Nhìn những hạt gạo đã ngả màu, mốc thếch, ông Hai Trí không sao cầm được nước mắt. Ngay lập tức, ban chỉ huy đơn vị cho lấy gạo và thực phẩm bộ đội mang theo để nấu một bữa no cho dân. Gạo những người lính mang theo từ Việt Nam được đổ vào một cái nồi lớn bắc trên bếp giữa sân. Lửa nổi lên. Cơm sùng sục sôi trong ánh mắt mong chờ của bao nhiêu trẻ nhỏ, cụ già,... Sau đó, bộ đội còn pha trà, chia lương khô và bánh kẹo cho mọi người. Ngôi làng đìu hiu và xơ xác trong phút chốc như trở thành ngày hội.
Theo báo Vietnam+
CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA
- Hai Trí: Đại tá Huỳnh Trí, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
- Chế độ diệt chủng Pôn Pốt: chế độ đã giết hại hàng triệu người dân Cam-pu-chia và cho quân tràn qua biên giới hại đồng bào ta.
- Tiêu điều: (quang cảnh) xơ xác, hoang vắng.
- Chén: bát.
- Đìu hiu: vắng vẻ, buồn bã.
• Tra từ điển, tìm nghĩa của một trong các từ sau: hiếm hoi, xơ xác, gom góp.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Đơn vị của ông Hai Trí hành quân sang nước bạn để làm gì?
2. Đơn vị chứng kiến cảnh người dân nước bạn sống như thế nào?
3. Bộ đội Việt Nam đã làm gì để giúp những người dân mà họ gặp?
4. Tìm những chi tiết cho thấy người dân Cam-pu-chia rất tin tưởng và yêu quý bộ đội Việt Nam.
5. Những chi tiết, hình ảnh nào trong bài khiến em xúc động? Vì sao?
BÀI VIẾT 3 (trang 10)
Luyện tập viết thư thăm hỏi
(Thực hành viết)
Dựa vào dàn ý đã lập ở những tiết học trước, hãy viết một bức thư theo đề bài em đã chọn:
a) Thư gửi người thân.
b) Thư gửi thầy cô.
c) Thư gửi bạn.
d) Thư gửi một người khác
Lưu ý:
– Bức thư cần có đủ các phần cần thiết. – Bức thư cần thể hiện tình cảm chân thành của em. – Viết bức thư đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. |
TRAO ĐỔI (trang 10, 11)
Lòng nhân ái
Chọn 1 trong 2 đề sau:
1. Trình bày ý kiến về lòng nhân ái của nhân vật trong một câu chuyện đã học ở bài 11.
Gợi ý về nội dung trao đổi
a) Giới thiệu tên câu chuyện và các nhân vật trong câu chuyện.
M: - Tên câu chuyện: Món quà.
- Các nhân vật: Chi, má của Chi và những nhân vật khác.
b) Tính cách của các nhân vật
M: - Chi biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh.
- Má của Chi yêu thương con, ủng hộ và tạo điều kiện cho con làm việc tốt.
- Cô giáo và các bạn trong lớp sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.
2. Trình bày ý kiến về biểu hiện của lòng nhân ái trong đời sống.
Gợi ý về nội dung trao đổi:
a) Giới thiệu nội dung sẽ trình bày (theo đề bài)
b) Nêu biểu hiện của lòng nhân ái trong đời sống
- Nêu tình huống.
- Cách ứng xử nhân ái.
- Cách ứng xử không nhân ái.
Gợi ý về cách trao đổi:
Trao đổi trong nhóm, lớp | |
Người nói | Người nghe |
Trình bày nội dung đã chuẩn bị (có thể dùng tranh ảnh, sơ đồ,...). Trả lời câu hỏi của các bạn. | Lắng nghe, ghi chép, chuẩn bị câu hỏi. - Đặt câu hỏi với bạn. - Nêu cảm nghĩ về bài trình bày của bạn. |
BÀI ĐỌC 4 (trang 12, 13)
Con sóng lan xa
Ngay từ sáng sớm, khi cô bé còn ở trong giường ấm, đàn vịt trời đi ăn đêm đã bay về bập bềnh trên hồ nước. Lúc cô bé dạo chơi thơ thẩn ven hồ nắng bắt đầu lên, sương mù tan dần, đứng trong bờ đã nhìn rõ dân vịt đương bơi lại gần nơi người ở.
Cô bé chạy thoát về nhà gọi anh
- Anh ra mà xem, nhanh lên! Hôm nay, vịt bắt đầu về nhiều lắm, rất là đẹp nhá! Cậu bé nhảy phốc từ trên giường xuống. Cả hai cũng phóng như bay xuống ven hồ nước. Cô bé thầm thì:
- Chúng ta không được nói to, để đàn vịt vào sát tận bờ thì thích lắm
Cậu bé buột reo:
- Chúng nó đương bơi vào đấy!
Cô bé lừ mắt
- Nói khe khẽ chứ!
- Em có thấy cái súng cao su của anh, bố giấu chỗ nào không?
Cô bé lắc đầu:
- Có biết em cũng không bảo anh đâu.
- À, nhớ ra rồi
Cậu bé chạy vù về nhà, chỉ một loáng đã bổ nhào xuống, trên tay làm làm khẩu súng cao su:
- Bây giờ cấm nói to nhá. Để dụ chúng vào sát bờ.
Cô bé không đáp lời, nhìn ra mặt hồ xa xa. Mặt hồ lăn tăn gợn nước, óng ánh màu nắng. Những cơn gió lạnh nhẹ nhàng đưa sóng đánh vào bờ. Đàn vịt vẫn nhởn nhơ trôi. Chúng không ngờ một tai hoạ đường rình rập chúng.
Cậu bé cầm súng giương lên.
- Em kêu to lên đây này!
Cô bé bắc loa tay lên miệng:
- Vịt trời... Vịt trời...
Cô bé cất tiếng cười giòn tan. Chuỗi cười lan lan theo sóng nước, vang đi thật xa.
LÊ MINH
CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA
Phốc: từ gợi tả động tác nhanh, gọn, mạnh và đột ngột (thường là của chân).
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Tìm những hình ảnh miêu tả vẻ đẹp và sự yên bình trên hồ nước.
2. Hai anh em đều muốn giữ yên lặng cho đàn vịt bơi vào gần bờ nhưng mục đích khác nhau thế nào?
3. Hãy tưởng tượng cậu bé sẽ nghĩ gì, làm gì sau những lời nói và hành động của em gái.
4. Câu chuyện giúp em hiểu thêm điều gì về lòng nhân ái.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 13, 14)
Vị ngữ
I. Nhận xét
1. Bộ phận in đậm trong mỗi câu sau được dùng để làm gì?
a) Mấy hôm nay, Chi đang rất bối rối.
Trần Tùng Chinh
b) Rai-ân là một cậu bé người Ca-na-đa.
Theo báo Tuổi Trẻ
c) Cô bé chạy thoát về nhà gọi anh.
Lê Minh
Giới thiệu, nhận xét về sự vật được nêu ở chủ ngữ. | Kể hoạt động của sự vật được nêu ở chủ ngữ. | Miêu tả đặc điểm, trạng thái của sự vật được nêu ở chủ ngữ. |
2. Mỗi bộ phận in đậm nói trên trả lời cho câu hỏi nào?
Là gì? Làm gì? Thế nào?
II. Bài học
Vị ngữ là một trong hai thành phần chính của câu, dùng để:
a) Giới thiệu, nhận xét về sự vật được nêu ở chủ ngữ (trả lời câu hỏi Là gì?)
b) Kể hoạt động của sự vật được nêu ở chủ ngữ (trả lời câu hỏi Làm gì?)
c) Miêu tả đặc điểm, trạng thái của sự vật được nêu ở chủ ngữ (trả lời câu hỏi Thế nào?)
III. Luyện tập
1. Tìm vị ngữ của mỗi câu trong đoạn văn sau:
Chàng trai lên xe buýt và ngồi cạnh bà cụ đi chân đất. Cậu nhìn từ chân bà cụ sang chân mình. Đôi giày của cậu mới tinh. Cậu đã tiết kiệm tiền tiêu vặt khá lâu mới mua được. Nhưng rồi cậu cúi xuống, cởi giày và ngồi xuống sàn xe. Cậu nhấc bàn chân lạnh cóng của bà cụ lên, xỏ tất và giày vào chân bà cụ. Bà cụ sững người, khẽ nói lời cảm ơn.
Sách Truyện kể về những trái tim nhân hậu
2. Đặt một câu nói về lòng nhân ái. Xác định vị ngữ của câu đó.
GÓC SÁNG TẠO (trang 14)
Dự án "Trái tim yêu thương"
1. Mỗi nhóm viết một dự án từ thiện.
Ai? Cái gì? Thế nào? Khi nào? Tại sao? Ở đâu?
a) Thảo luận về dự án: - Tên dự án là gì? - Dự án nhằm giúp đỡ ai? - Cần làm những gì? - Thời gian thực hiện dự án. b) Phân công mỗi học sinh trong nhóm viết một nội dung trên. |
2. Giới thiệu, bình chọn dự án có ý nghĩa thiết thực, nội dung phù hợp.
TỰ ĐÁNH GIÁ (trang 15, 16)
A. Đọc và làm bài tập
Tiếng hát buổi sớm mai
Bên bìa rừng có một bông hoa lạ, năm cánh mịn như nhung. Bông hoa tỏa hương thơm ngát. Quanh nó thấp thoáng những cánh bướm dập dờn.
Mặt trời mỉm cười với hoa. Thế là bông hoa cất tiếng hát. Nó hát mãi, hát mãi. Cuối cùng, nó hỏi gió xem thích bài hát đó không.
Gió ngạc nhiên:
- Ơ, chính tôi hát đấy chứ. Tôi đã làm những cánh hoa của bạn đung đưa, tạo thành những tiếng lao xao nên bạn cứ tưởng mình hát.
Hoa lại hỏi sương. Những hạt sương long lanh trả lời:
- Bạn nhầm rồi! Đó chính là tiếng ngân nga thánh thót của chúng tôi.
Tranh cãi mãi, chẳng ai chịu ai. Hoa, gió và sương quyết định hỏi bác gác rừng. Bác gác rừng ôn tồn giải thích:
- Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật, muôn loài đều hân hoan hát ca. Nhưng mỗi loài đều có tiếng hát của riêng mình. Có biết lắng nghe nhau mới hiểu được tiếng hát của nhau, các cháu ạ.
QUỲNH ANH kể
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Nội dung chính của cuộc tranh luận giữa hoa, gió và sương là gì? Tìm ý đúng:
a) Bài hát có hay không?
b) Các bạn có thích bài hát không?
c) Bài hát ấy là của hoa, gió hay sương?
d) Các bạn có biết lắng nghe nhau không?
2. Vì sao gió và sương đều nói là mình hát? Tìm ý đúng:
a) Vì gió và sương hiểu lầm hoa
b) Vì gió và sương muốn trêu đùa hoa
c) Vì gió và sương tranh công với hoa
d) Vì gió và sương chưa biết lắng nghe tiếng hát của hoa
3. Dòng nào dưới đây thể hiện chủ đề của câu chuyện? Tìm ý đúng:
a) Khi Mặt Trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật, muôn loài đều hân hoan hát ca.
b) Có biết lắng nghe nhau mới hiểu được tiếng hát của nhau.
c) Mỗi loài có tiếng hát của riêng mình.
d) Tranh cãi mãi, chẳng ai chịu ai.
4. Xác định vị ngữ của mỗi câu sau:
a) Bông hoa tỏa hương thơm ngát.
b) Mặt Trời mỉm cười với hoa.
5. Chọn 1 trong 2 đề sau:
a) Viết một đoạn văn ngắn chúc mừng bạn vừa đạt được kết quả tốt trong học tập (hoặc hoạt động văn nghệ, thể thao)
b) Tưởng tượng em là một bạn nhỏ trong bài thơ Buổi học cuối cùng, hãy viết một đoạn thư tạm biệt cô giáo.
B. Tự nhận xét
1. Em đạt yêu cầu ở mức độ nào?
2. Em cần cố gắng thêm về mặt nào?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn