Bài 18: Vì cuộc sống con người | Tiếng Việt 4 - Tập Hai | NGÔI NHÀ CHUNG - Lớp 4 - Cánh Diều

Vì cuộc sống con người


CHIA SẺ (trang 100)

1. Quan sát các hình ảnh dưới đây và nêu nhận xét:

a) Nêu những điều em quan sát được ở mỗi hình ảnh.

b) Qua các hình ảnh, em nhận thấy đời sống của loài người đã thay đổi như thế nào theo thời gian?

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-0

2. Theo em, những ai đã tạo nên sự thay đổi đó?

BÀI ĐỌC 1 (trang 101, 102)

Chuyện cổ tích về loài người

(Trích)

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-1

Trời sinh ra trước nhất 

Chỉ toàn là trẻ con 

Trên Trái Đất trụi trần 

Không dáng cây, ngọn cỏ.

 

Mắt trẻ con sáng lắm 

Nhưng chưa thấy gì đâu 

Mặt Trời mới nhô cao 

Cho trẻ con nhìn rõ.

 

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru 

Cho nên mẹ sinh ra 

Để bế bồng, chăm sóc.

 

Muốn cho trẻ hiểu biết 

Thế là bố sinh ra 

Bố bảo cho biết ngoan 

Bố dạy cho biết nghĩ.

Rộng lắm là mặt bể

Dài là con đường đi 

Núi thì xanh và xa

Hình tròn là Trái Đất.

 

Chữ bắt đầu có trước 

Rồi có ghế, có bàn 

Rồi có lớp, có trường 

Và sinh ra thầy giáo. 

Cái bảng bằng cái chiếu 

Cục phấn từ đã ra

Thầy viết chữ thật to

“Chuyện loài người” trước nhất.

XUÂN QUỲNH

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Đọc khổ thơ 1, em hình dung quang cảnh Trái Đất lúc ban đầu như thế nào?

2. Theo giải thích của tác giả, mọi người, mọi vật sinh ra vì ai?

3. Em thích hình ảnh nào trong bài thơ? Vì sao?

4. Bài thơ muốn nói với em điều gì?

* Học thuộc lòng bốn khổ thơ đầu.

TỰ ĐỌC SÁCH BÁO (trang 102)

1. Tìm đọc thêm ở nhà:

– 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về các phát minh, sáng chế.

– 1 bài văn (báo cáo) miêu tả hoặc cung cấp thông tin về nội dung trên.

2. Viết vào phiếu đọc sách:

– Tên bài đọc và một số nội dung chính của bài đọc (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn em thích)

– Cảm nghĩ của em về 1 trong những nội dung trên.

BÀI VIẾT 1 (trang 102, 103)

Thuật lại một sự việc được chứng kiến hoặc tham gia

(Cấu tạo của bài văn)

I. Nhận xét

1. Bài văn sau đây thuật lại sự việc gì? Tác giả được chứng kiến hay tham gia sự việc?

Ngày hội giao lưu

Chủ nhật vừa qua, huyện em tổ chức "Ngày hội giao lưu câu lạc bộ rô bốt". Buổi giao lưu diễn ra ở ngay gần nhà. Lẽ ra, em có thể tự đến đó nhưng mẹ em cũng thích cuộc thi rô bốt trong ngày hội nên hai mẹ con cùng đi.

Hai mẹ con đến sớm nhưng phòng thi đấu đã chật ních người. Khắp gian phòng rộng vang lên tiếng trống, tiếng kèn, kèm theo những băng rôn cổ vũ. Không khí thật náo nhiệt

Đã đến giờ khai mạc. Theo ban tổ chức, chủ đề cuộc thi là "Hiệp sĩ bảo vệ môi trường”. Nhiệm vụ thi đấu rất hấp dẫn: Trong một lần dạo chơi, hiệp sĩ bảo vệ môi trường lạc vào một công viên có khá nhiều rác mà ít cây xanh. Mỗi đội có năm phút điều khiển rõ bốt gắp ba vật tượng trung cho rác, bỏ vào thùng đựng rác và lấy hai cây để trồng vào vị trí quy định.

Cuộc thi bắt đầu. Hoả ra dọn rác và trồng cây không dễ dàng. Rô bốt nào cũng di chuyển hợp lí. Nhưng có rô bốt trồng cây chậm, có rô bốt gắp rác xong không bỏ được vào thùng rác ngay. Rõ bốt của trường em đây rồi! Tiếng reo hò của các bạn vang lên. Hồi hộp quá! Nhưng đến lúc công bố kết quả, chàng hiệp sĩ của trường em làm chậm hơn trường bạn nửa phút nên chỉ được giải Nhì.

Mẹ bảo: “Con đừng buồn! Các đội hôm nay đều thắng". Ồ, sao mẹ nói đúng thế! Chúng em đều thắng vì cuộc thi rất vui và bổ ích.

NAM TRỰC

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

Băng rôn: dải băng dài lằm bằng vải hoặc nhựa, in nội dung cổ vũ, tuyên truyền, quảng cáo,...

2. Sự việc được thuật lại theo trình tự nào?

3. Tác giả tự xưng là gì?

II. Bài học

1. Thuật lại một sự việc được chứng kiến hoặc tham gia là kể một sự việc có thật mà người thuật chuyện được chứng kiến (nhìn, xem) hoặc trực tiếp tham gia. 

2. Có thể thuật lại sự việc theo trình tự thời gian hoặc không gian.

3. Người thuật chuyện xưng là tôi hoặc em, mình,...

III. Luyện tập

Nói với bạn theo 1 trong 2 đề sau:

1. Thuật lại một tiết học (hoặc một buổi tham quan) của lớp em.

2. Thuật lại một cuộc thi thể thao (hoặc một buổi biểu diễn nghệ thuật) mà em được xem.

Gợi ý

– Đó là tiết học (buổi tham quan, thi thể thao, biểu diễn nghệ thuật) nào?

– Mọi người làm gì trong sự việc đó?

–  Trong sự việc đó, có chuyện gì khiến em nhớ nhất?

–  Cảm nghĩ của em thế nào?

KỂ CHUYỆN (trang 104, 105)

Lửa thần

Truyện dân gian Việt Nam

1. Nghe và kể lại câu chuyện

1. Vì sao Thần Lửa không cho người trần dùng lửa của mình?

2. Người đàn ông thấy gì trong rừng sâu?

3. Người đàn ông làm gì bên bếp lửa?

4. Chuyện gì đã xảy ra khi người ông ngủ say?

5. Người đàn ông làm cách nào để lấy được lửa?

6. Từ khi có lửa, cuộc sống của gia đình người đàn ông thay đổi như thế nào?

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-2

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-3

2. Thảo luận:

a) Qua câu chuyện trên, em hình dung người xưa lấy lửa từ đâu?

b) Theo em, khi không lấy được lửa từ thiên nhiên, người ta làm cách nào để có lửa?

c) Lửa thay đổi cuộc sống của con người như thế nào?

BÀI ĐỌC 2 (trang 105, 106)

Sáng tạo vì cuộc sống

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-4

Chúng ta đang được sống trong một xã hội đầy đủ tiện nghi. Có bao giờ bạn tự hỏi: “Những tiện nghi ấy do đâu mà có?”. Câu trả lời là nhờ những sáng chế lớn nhỏ của biết bao thế hệ trong lịch sử.

Có những sáng chế ra đời từ hàng nghìn năm trước như chữ viết. Có những sáng chế chỉ mới ra đời như chiếc điện thoại thông minh. Có những sáng chế là công trình của các nhà khoa học danh tiếng. Nhưng cũng nhiều sáng chế là của người dân bình thường. Ví dụ, chiếc cần gạt nước là sáng kiến nảy ra từ một chuyến du lịch của bà Ma-ri An-đéc-xơn. Trong chuyến đi này, bà đã chứng kiến cảnh các tài xế phải thường xuyên dừng xe để lau hơi nước và tuyết phủ trên kính trước buồng lái. Về nhà, bà đã thiết kế ra chiếc cần gạt nước rất hữu ích.

Mỗi sáng chế lớn nhỏ đều góp phần viết nên lịch sử văn minh của loài người.

DIỆU ANH

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

Điện thoại thông minh: điện thoại có thể kết nối với mạng In-tơ-nét, được dùng để gọi, nhắn tin, đọc sách báo, nghe nhạc, xem phim,...

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bài đọc trên gồm mấy phần? Mỗi phần có nhiệm vụ gì?

2. Những tiện nghi trong xã hội chúng ta đang sống do đâu mà có?

3. Hãy nói những điều em biết về một sáng chế được nhắc tới trong đoạn 2.

4. Vì sao có thể nói " Mỗi sáng chế nhỏ đều góp phần viết nên lịch sử văn minh của loài người"? Tìm các ý đúng:

a) Vì mỗi sáng chế lớn nhỏ đều góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

b) Vì mỗi sáng chế lớn nhỏ đều góp phần làm cho xã hội tiến bộ hơn.

c) Vì mỗi sáng chế lớn nhỏ đề là kết quả lao động sáng tạo của con người.

d) Vì mỗi sáng chế lớn nhỏ đều là công trình của các nhà khoa học danh tiếng.

5. Theo em, mỗi người có thể làm gì để đóng góp vào sự phát triển của xã hội?

LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 106, 107)

Mở rộng vốn từ: sáng chế, phát minh

1. Tìm nghĩa phù hợp với mỗi từ dưới đây:

TỪ

NGHĨA CỦA TỪ

a) Phát minh

1. chế tạo ra cái trước đó chưa từng có

b) Sáng chế

2. tạo ra cái mới, không bị gò bó vào cái đã có

c) Sáng tạo

3. tìm ra một sự vật, hiện tượng, quy luật có ý nghĩa quan trọng

2. Tìm những từ thích hợp trong ngoặc đơn đề hoàn thành các câu sau:

a) Năm 1878, người lo lổ chức thành công cuộc gọi điện thoại đường dài đầu tên. Hai đầu dây điện thoại cách nhau tới 300 ki-lô-mét. Những người tham dự cuộc thí nghiệm ở hai đầu dây đều nhảy lên hò reo, vui mừng. Báo chí tới tấp đưa tin về (phát minh, sáng chế, phát kiến) tuyệt vời này.

Theo Vũ Bội Tuyển

b) Hằng ngày, em vẫn thấy Mặt Trời mọc từ hướng đông và lặn ở hướng tây. Nhưng nếu em đứng trên Sao Kim, em sẽ (phát minh, phát hiện, phát kiến) Mặt Trời mọc từ hướng tây và lặn ở hướng đông. Hiện tượng này xảy ra là do Sao Kim tự quay từ đông sang tây, còn Trái Đất thì tự quay từ tây sang đông. Nếu em là người đầu tiên nêu ra hiện tượng kì lạ này trên Sao Kim thì đó sẽ là một (phát minh, phát kiến, phát hiện) đóng góp vào kho tàng kiến thức của loài người.

Theo sách Mười vạn câu hỏi “Vì sao?"

3. Viết đoạn văn ngắn (4 - 5 câu) về một phát minh hoặc sáng chế mà em biết qua truyện Lửa thần hoặc bài đọc Sáng tạo vì cuộc sống.

BÀI VIẾT 2 (trang 107)

Luyện tập thuật lại một sự việc được chứng kiến hoặc tham gia

Lập dàn ý cho bài văn theo 1 trong 2 đề sau:

1. Thuật lại một tiết học (hoặc 1 buổi tham quan) của lớp em.

2. Thuật lại một cuộc thi thể thao (hoặc một buổi biểu diễn nghệ thuật) mà em được xem.

Gợi ý

Mở bài

Giới thiệu tiết học (hoặc buổi tham quan, thi thể thao, biểu diễn nghệ thuật).

Thân bài

– Diễn biến của tiết học (buổi tham quan, thi thể thao, biểu diễn nghệ thuật):

+ Kể các hoạt động theo trình tự thời gian.

+ Hoặc kể các hoạt động theo trình tự không gian.

– Kết quả của tiết học (buổi tham quan, thi thể thao, biểu diễn nghệ thuật).

Kết bài

Nêu cảm nghĩ của em.

BÀI ĐỌC 3 (trang 107, 108)

Nhà bác học Niu-tơn

Từ nhỏ, Niu-tơn đã có tài quan sát. Một lần, trên đường đến trường, cậu bé Niu-tơn thấy cái bóng của mình ngả dài ra phía trước; đến trưa thì bóng ngắn lại; chiều, nó lại đổi hướng và dài ra. Cậu bé phát hiện ra rằng: Bóng người là do ảnh Mặt Trời chiếu xuống tạo thành, mà Mặt Trời thì luôn dịch chuyển trên bầu trời nên cái bóng cũng thay đổi theo. Về nhà, cậu làm ngay một chiếc đồng hồ dựa vào bóng nắng. Cậu chỉ vào một vạch trên đồng hồ, nói với bà ngoại: “Khi bóng đổ xuống đây thì bà có thể biết là cháu đã tan học.”.

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-5

Năm 22 tuổi, Niu-tơn trở thành giảng viên đại học. Nhưng một trận dịch hạch lớn xảy ra, trường học phải đóng cửa, ông đành về quê lánh nạn. Một lần, Niu-tơn ngồi đọc sách trong vườn. Bỗng một quả táo rụng xuống đầu ông. Ông băn khoăn tự hỏi: “Tại sao quả táo chín lại rơi xuống mà không bay lên trời? Trái Đất có cái gì hút nó chăng?". Từ đó, ông bắt tay vào nghiên cứu và khám phá ra một định luật nổi tiếng.

Những thành tựu rực rỡ mà Niu-tơn đạt được chủ yếu là do ông say mê nghiên cứu. Khi suy nghĩ về một vấn đề gì, ông thường quên hết mọi thứ xung quanh. Có lần, Niu-tơn mời bạn đến ăn cơm. Người bạn đến giữa lúc ông đang mải mê làm việc. Chờ không được, người bạn đành ăn trước rồi ra về. Mãi lâu sau, Niu-tơn mới bước ra khỏi phòng làm việc. Nhìn thấy bát đĩa đã dùng để trên bàn, ông ngạc nhiên nói: “Chết thật! Vậy mà mình cứ tưởng là chưa ăn.”.

Nhờ thông minh, lại say mê nghiên cứu, Niu-tơn đã có những cống hiến lớn cho nhân loại.

Theo NGUYỄN TRANG HƯƠNG

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Niu-tơn (1643 - 1727): nhà bác học vĩ đại người Anh.

• Tra từ điển, tìm nghĩa của một trong các từ sau: giảng viên, dịch hạch, lánh nạn, định luật.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Chi tiết nào cho thấy cậu bé Niu-tơn rất có tài quan sát?

2. Cậu bé Niu-tơn đã ứng dụng kết quả quan sát của mình vào việc gì?

3. Câu chuyện về quả táo rụng ở đoạn 2 nói lên điều gì về Niu-tơn?

4. Việc Niu-tơn luôn đặt ra và tìm cách trả lời những câu hỏi về các hiện tượng xung quanh đã giúp ông thành công như thế nào trong khoa học?

5. Câu chuyện ở đoạn 3 giúp em hiểu điều gì về nhà bác học Niu-tơn?

BÀI VIẾT 3 (trang 109)

Luyện tập thuật lại một sự việc được chứng kiến hoặc tham gia

(Mở bài, kết bài)

1. Mỗi đoạn mở bài dưới đây là mở bài trực tiếp hay mở bài gián tiếp?

a) Chủ nhật vừa qua, huyện em tổ chức "Ngày hội giao lưu câu lạc bộ rô bốt". Buổi giao lưu diễn ra ở ngay gần nhà. Lẽ ra, em có thể tự đến đó nhưng mẹ em cũng thích cuộc thi rô bốt trong ngày hội nên hai mẹ con cùng đi.

Nam Trực, Ngày hội giao lưu

b) Bác Hồ dạy: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình". Vâng lời Bác, em đã làm nhiều việc giúp đỡ cho mẹ theo thời gian biểu hàng ngày.

Theo Nông Thị Cổ, Thuật lại những việc làm giúp đỡ cha mẹ

c) Sóng Chủ nhật vừa qua, thầy giáo dẫn chúng em đến xem phòng triển lãm “Vở sạch chữ đẹp" của nhà trường.

Theo Trần Đăng Khoa, Thuật lại một buổi xem triển lãm

2. Các đoạn kết bài dưới đây là kết bài mở rộng hay không mở rộng? Cách kết bài như vậy có tác dụng gì?

a) Ngày nào cũng vậy, cũng từng ấy công việc em giúp mẹ cha. Nằm trong màn rồi nhưng em vẫn chưa ngủ được ngay. Một ngày đã qua đi với nhiều việc. Bao nhiêu ý nghĩ đang chập chờn chạy theo nhau cùng với những công việc hằng ngày em đã làm như nhảy múa quanh em. Em ngủ thật ngon và nụ cười sẽ còn đọng mỏi trên môi.

Theo Nông Thị Cổ, Thuật lại những việc làm giúp đỡ cha mẹ

b) Sau hai giờ tham quan phòng triển lãm, chúng em ra về. Mặt Trời đã lên cao, nắng rải vàng trên cánh đồng lúa mênh mông. Lòng em rạo rực, em nhìn các bạn, ai cũng thấy mến hơn, hàng cây đẹp hơn, đồng lúa xanh hơn. Em thấy như các thầy, các cô, các bạn trông chờ ở em những thành tích tốt hơn, đẹp hơn để góp phần cho những cuộc triển lãm của nhà trường.

Theo Trần Đăng Khoa, Thuật lại một buổi xem triển lãm “Vở sạch chữ đẹp"

c) Mẹ bảo: "Con đừng buồn! Các đội hôm nay đều thắng.". Ồ sao mẹ tôi nói đúng thế! Chúng em đều thắng vì cuộc thi rất vui và bổ ích.

Nam Trực, Ngày hội giao lưu

3. Viết đoạn văn mở bài và đoạn kết bài cho bài văn mà em đã lựa chọn đề và lập dàn ý.

TRAO ĐỔI (trang 110) 

Hướng dẫn làm một sản phẩm

1. Đọc hướng dẫn sau:

Làm tên lửa bay

Bạn muốn làm một tên lửa có thể bay vứt đi khoảng 3 mét? Điều đó không khó.

Vật liệu:

- 2 tờ giấy màu.

- 1 ống hút nước nhỏ bằng nhựa.

- Hồ dán.

- Kéo.

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-6

Cách làm:

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-7

Lấy giấy màu, dùng một ống nhựa nhỏ làm lõi, cuộn tròn tờ giấy màu lại làm thân tên lửa. Nhớ rút ống nhựa ra.

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-8

Lấy một tờ giấy màu khác cắt hình tròn và cuốn thành mũi tên lửa.

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-9

Làm cánh tên lửa và dùng keo dán vào thân tên lửa.

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-10

Đặt ống nhựa vào đuôi tên lửa, thổi mạnh.

2. Trình bày lại cách làm chiếc tên lửa.

3. Thực hành làm chiếc tên lửa.

BÀI ĐỌC 4 (trang 111, 112)

Vòng quanh trái đất

Ngày 20-9-1519, từ cảng Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiến thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-11

Ma-gien-lăng (1480 - 1521)

nhà hàng hải người Bồ Đào Nha

Vượt Đại Tây Dương, Ma-gien-lăng cho đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mỹ. Tới gần mỏm cực nam thì phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ. Thức ăn cạn, nước ngọt hết sạch. Thuỷ thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. May sao, gặp một hòn đảo nhỏ, được tiếp tế thức ăn và nước ngọt, đoàn thám hiểm ổn định được tinh thần.

Đoạn đường từ đó có nhiều đảo hơn. Không phải lo thiếu thức ăn, nước uống nhưng lại nảy sinh những khó khăn mới. Trong một trận giao tranh với dân đảo Mác-fan, Ma-gien-lăng đã bỏ mình, không kịp nhìn thấy kết quả công việc mình làm.

Những thuỷ thủ còn lại tiếp tục vượt Ấn Độ Dương tìm đường trở về châu Âu. Ngày 8-9-1522, đoàn thám hiểm chỉ còn một chiếc thuyền với mười tám thuỷ thủ trở về Tây Ban Nha.

Chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới của hạm đội Ma-gien-lăng kéo dài 1083 ngày, mất bốn chiếc thuyền lớn với gần hai trăm người bỏ mạng dọc đường. Nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định Trái Đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

Theo TRẦN DIỆU TẦN và ĐỖ THÁI

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Hạm đội: một đơn vị lớn của hải quân.

- Cực nam: điểm cuối cùng ở hướng nam trên đường đi.

- Eo biển: phần biển dài và hẹp nằm giữa hai khoảng đất, nối liền hai biển với nhau.

- Sứ mạng: nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng được giao nhiệm vụ gì?

2. Đoàn thám hiểm đi qua những đâu? Chuyến đi thám hiểm kéo dài bao nhiêu ngày?

3. Đoàn thám hiểm gặp những khó khăn gì trong chuyến đi?

4. Chuyến đi của đoàn thám hiểm mang lại những nhận thức mới về thế giới như thế nào?

5. Câu chuyện giúp em hiểu gì về các nhà thám hiểm.

LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 112)

Quy tắc viết tên riêng của cơ quan, tổ chức

I. Nhận xét

1. Tìm tên một cơ quan, tổ chức trong câu sau và cho biết tên ấy được viết như thế nào:

Ngày 24-3-1963, trong buổi trồng cây cùng học sinh Trường Trung học cơ sở Tam Sơn tại nhà Lưu niệm Ngô Gia Tự, thầy Nguyễn Đức Thìn, Tổng phụ trách Đội đã khởi xướng phong trào "Thiếu nhi làm nghìn việc tốt".

Theo Nam Dũng

2. Tên cơ quan, tổ chức ở bài tập 1 được viết như thế nào? Tìm ý đúng:

a) Viết hoa chữ cái đầu của tiếng đầu tiên trong tên đó.

b) Viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng trong tên đó.

c) Viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó.

II. Bài học

Khi viết tên riêng của một cơ quan, tổ chức (trường học, đơn vị, doanh nghiệp,…), ta cần viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên đó.

III. Luyện tập

1. Viết tên một câu lạc bộ thể thao hoặc nghệ thuật mà em biết.

2. Viết lại tên của tổ chức Đội trong câu sau cho đúng:

Ngày 15-5-1977, nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Đội, thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến phát động một phong trào thi đua. Mục đích của phong trào là thu gom 4 triệu tấn giấy loại để bán tiền đóng đoàn tàu mang tên Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Phong trào được thiếu nhi cả nước hưởng ứng.

Theo Khuất Minh Trí

3. Viết một đoạn văn ngắn (4 - 5 câu) giới thiệu về gia đình em, trong đó có tên trường mà anh (hoặc chị, em) của em đang học và tên cơ quan, doanh nghiệp mà bố mẹ (hoặc người thân khác) của em đang làm việc.

BÀI VIẾT 4 (trang 113)

Luyện tập thuật lại một sự việc được chứng kiến hoặc tham gia

(Viết đoạn văn ở thân bài)

1. Chọn 1 trong 2 đề:

a) Viết 1 - 2 đoạn văn thuật lại diễn biến một tiết học (hoặc một buổi tham quan) của lớp em.

b) Viết 1 - 2 đoạn văn thuật lại một cuộc thi thể thao (hoặc một buổi biểu diễn nghệ thuật) mà em được xem.

Gợi ý

- Em cần chọn những hoạt động chính hoặc đáng nhớ trong trong tiết học (buổi tham quan, cuộc thi thể thao hoặc biểu diễn nghệ thuật) để thuật lại.

- Có thể thuật lại mỗi hoạt động nói trên bằng 1 hoặc 2 đoạn văn.

- Có thể thuật lại mỗi hoạt động theo trình tự thời gian hoặc không gian.

3. Giới thiệu, bình chọn những đoạn văn có nội dung chân thân (phản ánh đúng thực tế) và cách viết có cảm xúc.

BÀI ĐỌC 5 (trang 113, 114)

Nụ cười Ga-ga-rin

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-12

Báo chí thế giới đưa tin: “Con người đã bay vào vũ trụ."

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-13

Y-u-ri Ga-ga-rin (1934 - 1968)

Ngày 14-4-1961, báo chí tất cả các nước đều đưa tin: “Con người đã bay vào vũ trụ.". Người đầu tiên thực hiện chuyến bay ấy hai ngày trước trên con tàu Phương Đông 1 của Liên Xô là phi công vũ trụ Ga-ga-rin.

Tin tức về chuyến bay chấn động toàn thế giới. Ở Mát-xcơ-va đã diễn ra một cuộc diễu hành tự phát dài 10 ki-lô-mét xuyên thành phố với sự tham gia của hàng triệu người dân mừng sự kiện này.

Ga-ga-rin sinh ra trong một gia đình nông dân ở miền tây nước Nga. Làng quê ông bị phát xít Đức xâm chiếm khi ông mới là cậu bé lên bảy. Gia đình ông bị đuổi khỏi nhà và phải sống trong một túp lều đắp bằng bùn. Chiến tranh kết thúc, Ga-ga-rin vừa đi học vừa làm trong một xưởng đúc. Có một chi tiết thú vị là khi tên lửa chuẩn bị xuất phát, nhà du hành vũ trụ xuất thân thợ đúc đã buông một câu nói mộc mạc không theo nghi thức vào máy bộ đàm: “Đi thôi!”.

Ga-ga-rin là một nhân vật đầy sức cuốn hút, với gương mặt luôn nở nụ cười. Người ta từng nói rằng nụ cười của Ga-ga-rin có thể làm tan chảy những trái tim sắt đá nhất. Sức hút và nụ cười dễ mến của ông đã nhanh chóng chinh phục mọi người. Những lời mời dành cho nhà du hành vũ trụ đầu tiên bay đến từ khắp nơi trên thế giới. Ông đã đến trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Y-oóc (Mỹ) và thăm hàng chục nước.

Ở Anh, có một khoảnh khắc khá nổi tiếng khi ông đến thành phố Man-che-xtơ. Bất chấp trời mưa, ông vẫn đứng trong chiếc xe mui trần để vẫy chào công chúng. Ông giải thích điều đó với lí lẽ thật giản dị: “Mọi người đến đây để nhìn thấy tôi mà.”.

Theo XTI-VÂN-ĐAO-LINH (Thảo Minh dịch)

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Liên Xô: một cường quốc thành lập năm 1922, tách thành nhiều nước từ năm 1991.

- Chấn động: làm kinh ngạc và náo động.

- Diễu hành: (đoàn người) đi thành hàng ngũ diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố nhằm biểu dương ý chí thống nhất sức mạnh.

- Tự phát: nảy sinh một cách tự nhiên, không tự giác hoặc không có lãnh đạo.

- Phát xít Đức: chính quyền của Hít-le ở nước Đức (1933 - 1945), gây ra Chiến tranh thế thứ hai, bị Liên Xô và các nước đồng minh đánh bại. 

• Tra từ điển, tìm nghĩa của một trong các từ sau: vũ trụ, thợ đúc, khoảnh khắc.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Tin tức về chuyến bay của Ga-ga-rin được thế giới đón nhận như thế nào?

2. Cuộc diễu hành của hàng triệu người ở Mát-xcơ-va thể hiện điều gì?

3. Phi công vũ trụ Ga-ga-rin có tuổi thơ sinh ra trong một gia đình nông dân ở miền tây nước Nga, làng quê bị phát xít Đức xâm chiếm khi ông mới là cậu bé lên bảy. Chiến tranh kết thúc ông vừa học vừa làm trong một xưởng đúc.

4. Theo tác giả, điều gì tạo nên sức cuốn hút của Ga-ga-rin?

5. Hình ảnh Ga-ga-rin bất chấp trời mưa, đứng trên xe mui trần vẫy chào công chúng nói lên điều gì về ông?

BÀI VIẾT 5 (trang 115)

Viết hướng dẫn làm một sản phẩm

Dựa theo tranh, viết thêm lời phù hợp với các tranh 1,2,4 để hoàn thành bản hướng dẫn cách làm con voi bằng bìa các tông.

Làm con voi

Vật liệu:

- Bìa các tông.                                        - Bút dạ.

- Kéo.                                                     - Keo dán.

Cách làm:

1. Vẽ ...

2. Cắt ...

3. Vẽ 2 cái vòi, cắt, dán 2 vòi vào nhau.

4. Xẻ mũi, gắn ...

5. Cắt các vòng tròn bằng bìa.

6. Chơi ném vòng vào vòi voi.

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-14

TRAO ĐỔI (trang 115, 116)

Em đọc sách báo

1. Giới thiệu một câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) đã đọc ở nhà về các phát minh, sáng chế.

M:

Từ viên sỏi đến chữ số

Khi chưa có chữ số, người ta đếm như thế nào?

Khoảng 100 năm trước, người Chúc-chi ở Nga vẫn đếm số hươu mà mình có bằng các ngón tay. Khi số hươu nhiều hơn 10 ngón tay thì người chủ gia đinh phải gọi vợ con của mình đến để dùng ngón tay của tất cả mọi người đếm tiếp cho đến khi đếm hết số hươu.

Bên cạnh cách sử dụng ngón tay, một số bộ lạc đếm bằng những viên sỏi, viên đất sét hoặc que,... Để lùa đàn cứu vào chuồng mà không mất một con nào, người chăn cừu luôn giữ bên mình những viên đất sét nhỏ. Khi cần đếm số cừu về chuồng, người ta đổ những viên đất sét ấy ra thành một đồng, rồi chuyển từng viên đất sét sang đồng khác mỗi khi đếm được một con cừu. Nếu dư một viên đất sét thì có nghĩa là một con cứu đã lạc mất và họ phải đi tìm nó. Một số bộ lạc khác lại ghi số lượng bằng cách thắt các nút trên một sợi dây.

Từ chỗ dùng ngón tay, viên sỏi, viên đất sét hoặc thắt nút dây để đếm dẫn dẫn người ta khắc lên gỗ, lên các mảnh xương những vạch thẳng, vạch chéo, hình tròn,... để ghi số lượng sự vật. Dẫn dẫn, chữ số ra đời. Chữ số không chỉ là công cụ để ghi số lượng mà còn giúp con người thực hiện các phép tính phức tạp một cách thuận lợi. Sáng tạo ra chữ số là một bước tiến lớn của nhân loại.

Theo sách Lược sử toán học – từ ý tưởng đến thực hành

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

Bộ lạc: tập hợp những người thời cổ, cùng ngôn ngữ, phong tục và cùng sống trên một vùng đất.

2. Trao đổi về câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) mà bạn em giới thiệu:

a) Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) đó? Vì sao?

b) Em học được điều gì qua câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) đó?

Cách giới thiệu, trao đổi: Thực hiện như đã hướng dẫn ở những bài học trước.

BÀI ĐỌC 6 (trang 116, 117)

Một trí tuệ Việt Nam

Tôn Thất Tùng sinh ra trong một gia đình quan lại nhưng chọn con đường làm bác sĩ. Thời trai trẻ của ông trôi qua trong bốn bức tường bệnh viện. Miệt mài suốt bốn năm trong các phòng mổ xác, Tôn Thất Tùng đã mổ và nghiên cứu hơn 200 lá gan. Kết quả lao động ấy đã giúp ông hoàn thành một công trình về gan, được Trường Đại học Pa-ri tặng Huy chương Bạc. Đến năm 1939, Tôn Thất Tùng đề xuất một phương pháp cắt gan mới. Công trình được gửi sang Viện Hàn lâm Phẫu thuật Pa-ri nhưng không được hoan nghênh vì nó quá mới.

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-15

Tôn Thất Tùng (1912 - 1982)

Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, bác sĩ Tôn Thất Tùng rời Hà Nội lên chiến khu. Những lần bị giặc càn quét, nhà cửa, tài sản của ông bị đốt trụi nhưng bộ đồ mổ thì không suy suyển. Vừa dạy học để đào tạo cán bộ y tế, vừa cầm dao mổ, ông luôn có mặt trong các trạm phẫu thuật tiền phương của nhiều chiến dịch lớn.

Hoà bình lập lại, ông làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn. Năm 1958, ông thực hiện thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. Ông cũng là người đặt nền móng cho khoa mổ sọ não. Năm 1963, ông hoàn thiện và giới thiệu phương pháp cắt gan của mình. Phương pháp này được ghi vào một số từ điển y khoa quốc tế với tên gọi “phương pháp Tôn Thất Tùng”.

Với những cống hiến xuất sắc của mình, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông cũng là một trong mười hai người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Pa-ri tặng Huy chương Phẫu thuật Quốc tế.

Theo LINH QUANG

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Suy suyển: bị mất hoặc thay đổi theo hướng xấu.

- Tiền phương: vùng đang diễn ra những trận chiến đấu.

- Bệnh viện Phủ Doãn: nay là Bệnh viện Việt - Đức ở Hà Nội.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Thời trai trẻ, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã dành trọn tâm huyết cho con đường mình chọn như thế nào?

Trả lời: Thời trai trẻ, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã dành trọn tâm huyết cho con đường mình chọn, thời trai trẻ của ông trôi qua trong 4 bức tường bệnh viện.

2. Những chi tiết ở đoạn 2 nói lên điều gì về bác sĩ Tôn Thất Tùng?

3. Sau khi hòa bình lập lại, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã có những đóng góp gì cho y học?

4. Theo em, điều gì đã giúp bác sĩ Tôn Thất Tùng thành công?

LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 118)

Luyện tập viết tên riêng của cơ quan, tổ chức

1. Tìm tên riêng của cơ quan, tổ chức Việt Nam và nước ngoài được nêu trong bài đọc Một trí tuệ Việt Nam.

2. Viết lại những tên riêng sau cho đúng:

                 - Trường tiểu học Nam Thành Công

                 - trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn

                 - Phòng giáo dục và đào tạo quận Ba Đình

                 - Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nam Định

                 - Hội khuyến học tỉnh Hưng yên

                 - hội Chữ thập đỏ Việt Nam

                 - Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam

                 - quỹ nhi đồng Liên hợp quốc

3. Chọn 1 trong 2 đề sau:

a) Viết đoạn văn ngắn về một bảo tàng ( hoặc một thư viện) mà em biết.

b) Viết đoạn văn ngắn về một đội bóng ( hoặc một đoàn nghệ thuật) mà em yêu thích.

BÀI VIẾT 6 (trang 118)

Luyện tập thuật lại một sự việc được chứng kiến hoặc tham gia

(Viết bài)

Dựa vào dàn ý đã lập, viết bài văn theo 1 trong 2 đề sau:

1. Thuật lại một tiết học ( hoặc một buổi tham quan) của lớp em.

2. Thuật lại một cuộc thi thể thao (hoặc buổi biểu diễn nghệ thuật) mà em được xem.

Lưu ý:

- Em viết theo dàn ý đã lập và các đoạn văn đã tập viết ở những tiết học trước nhưng có thể thay đổi, bổ sung một số ý nhỏ hoặc thay đổi cách sắp xếp ý cho phù hợp hơn.

- Chú ý viết câu văn có hình ảnh, có nội dung đúng thực tế; nêu cảm nghĩ của em về sự việc.

- Viết xong, đọc lại, sửa các lỗi về cấu tạo và nội dung của bài văn, lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả,...

GÓC SÁNG TẠO (trang 119)

Em làm đồ chơi

1. Viết bản hướng dẫn làm một đồ chơi mà em thích (kèm theo một hình vẽ hoặc ảnh sưu tầm được về đồ chơi đó).

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-16

2. Giới thiệu, bình chọn bản hướng dẫn có nội dung rõ ràng, dễ hiểu và trang trí đẹp.

TỰ ĐÁNH GIÁ (trang 119, 120)

A. Đọc và làm bài tập

hinh-anh-bai-18-vi-cuoc-song-con-nguoi-9851-17

Ma-ri-a Gúp-pơ Mai-ơ

(1906 - 1972)

Ma-ri-a sinh ra trong một gia đình sáu đời có người là giáo sư đại học. Cô bé rất thích quan sát. Hồi cô sáu tuổi, có lần, gia đình tổ chức bữa tiệc lớn. Cô bé nhận thấy một điều lạ: Mỗi lần gia nhân bưng trà lên, tách đựng trà thoạt đầu rất dễ trượt trong đĩa. Nhưng khi nước trà rớt ra đĩa thì những tách trà kia bỗng nhiên dừng chuyển động, cứ như bị cái gì đó ngăn lại. Ma-ri-a nghĩ mãi mà vẫn không hiểu vì sao. Thế là cô lặng lẽ lẻn ra khỏi phòng khách.

Cô bé vào bếp, lấy một bộ đồ trà ra và tự mình làm đi làm lại thí nghiệm. Cuối cùng, cô cũng hiểu ra: Khi giữa tách trà và đĩa có một chút nước thì tách trà sẽ đứng yên. Lúc ấy, Ma-ri-a chợt thấy cha đang vào bếp. Cô liền nói với cha phát hiện của mình. Cha cô hết sức vui mừng. Ông nâng bổng cô con gái nhỏ lên vai, đi thẳng ra phòng khách, hỉ hả nói: “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!”.

Về sau, Ma-ri-a trở thành giáo sư của nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Năm 1963, bà vinh dự được tặng Giải thưởng Nô-ben.

Theo sách Gương hiếu học của 100 danh nhân đoạt giải Nô-ben

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Gia nhân: người giúp việc trong nhà.

- Hỉ hả: vui vẻ bộc lộ ra mặt vì được như ý.

- Gia tộc: tập hợp gồm nhiều gia đình cùng chung tổ tiên.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Khi nhận thấy hiện tượng lạ, cô bé Ma-ri-a đã làm gì? Tìm ý đúng:

a) Chỉ ngồi lặng lẽ quan sát.

b) Chỉ tự đặt cho mình câu hỏi.

c) Chỉ ngồi nghĩ cách giải thích.

d) Vào bếp, tự mình làm thí nghiệm.

2. Khi Ma-ri-a nói với cah về phát hiện của mình, thái độ của người cha thế nào? Tìm các ý đúng:

a) Cha cô hết sức vui mừng.

b) Ông nâng bổng cô con gái nhỏ lên vai, đi thẳng ra phía phòng khách.

c) Ông hỉ hả nói: "Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!"

d) Ông tin là Ma-ri-a sẽ được Giải thưởng Nô-ben.

3. Lời tiên đoán của người cha đã thành sự thật như thế nào? Tìm ý đúng:

a) Ma-ri-a biết quan sát và tự đặt cho mình câu hỏi.

b) Ma-ri-a biết làm thí nghiệm để trả lời câu hỏi.

c) Ma-ri-a trở thành giáo sư của nhiều trường đại học.

d) Ma-ri-a được Giải thưởng Nô-ben.

4. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ các từ trong bài đọc chỉ công việc nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của nhà khoa học? Tìm ý đúng:

a) quan sát, thí nghiệm, phát minh, phát hiện

b) giáo sư, gia tộc, đại học, thí nghiệm

c) gia tộc, phát minh, phát hiện, đại học

d) đại học, quan sát, thí nghiệm, giáo sư

5. Dựa theo nội dung bài đọc, hãy viết bản hướng dẫn thực hiện thí nghiệm của cô bé Ma-ri-a theo 4 bước.

M: a) Bước 1: Đặt tách trà lên đĩa, bưng đi.

     b) Bước 2: Rung lắc nhẹ đĩa trà và quan sát.

B. Tự nhận xét

1. Em đạt yêu cầu ở mức nào?

2. Em cần cố gắng thêm về mặt nào?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 18: Vì cuộc sống con người | Tiếng Việt 4 - Tập Hai | NGÔI NHÀ CHUNG - Lớp 4 - Cánh Diều

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 4

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Cánh Diều

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.