Bài 16: Tuổi nhỏ chí lớn | Tiếng Việt 4 - Tập Hai | ĐẤT NƯỚC - Lớp 4 - Cánh Diều

Tuổi nhỏ chí lớn


CHIA SẺ (trang 70)

1. Tìm chữ cái phù hợp với mỗi ô trống để ghi lời giải các câu đố sau:

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-0

Dòng 2:

Hỏi ai ba tuổi thơ ngây

Đáp lời non nước, lớn ngay như thần

Sau khi toàn thắng giặc Ân

Một mình một ngựa hóa thân về trời?

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-1

Dòng 3:

Ai quê Tuần Giáo, Điện Biên

Lưu danh sử sách thiếu niên anh hùng

Vẻ vang dòng họ người Mông

Giữ tròn khí tiết, quyết không chịu hàng?

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-2

Dòng 4:

Thuở nhỏ, cờ lau tập trận

Lớn lên, dẹp loạn sứ quân

Non sông thu về một mối

Xứng danh hoàng đế anh hùng.

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-3

Dòng 6:

Ai quê ở bản Nà Ngần

Tên anh rất đỗi quen thân chúng mình

Vì dân vì nước hi sinh

Đội ta trang sử quang vinh mở đầu?

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-4

2. Đọc từ xuất hiện ở cột dọc tô màu xanh.

BÀI ĐỌC 1 (trang 72, 73)

Chiến công của những du kích nhỏ

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-5

Đêm hôm qua, Lượt được chị Gái báo tin bác Nhã cần gặp em. Lượt thao thức mãi vì cái tin đó. Cũng lâu rồi, em chưa được xuống khu du kích. Em ôn lại tất cả những công việc Đội du kích thiếu niên đã làm để có thể báo cáo với bác Nhã được tỉ mỉ.

Trước khi đi, Lượt vòng ra đầu xóm, nơi có một căn nhà ngói đổ vì đạn đại bác của địch. Nhìn quanh, thấy không có ai, em bèn lật một hòn gạch ở góc bức tường đổ, lấy ra một mảnh giấy cuộn tròn. Em nhét mảnh giấy đó vào trong miếng lá chuối cuốn hình loa kèn và giắt vào cạp quần. Sau một vòng đi khắp các hòm thư bí mật lấy thư xong, Lượt đi ra đồng. Em ngồi thụp xuống một bờ mương rồi giở những mảnh giấy ra đọc.

Tổ Bốn: “Chuyến hàng này cất được 50 cái kẹo.". Đấy là 50 viên đạn.

Tổ Hai: “Cắt được 14 luống dây khoai.”. Đấy là 14 đường dây điện thoại. Lượt nghĩ thầm: “Tổ thằng Hoan khá lắm!”.

Tổ Ba: “Đẵn được 2 cây mía.”. Mắt Lượt sáng lên: “Chà, bọn thằng Húc giỏi quá! Đêm qua, chúng kiếm được những hai khẩu súng. Hai khẩu súng!

Thế là cái kho súng của mình có năm khẩu, phải báo cho các anh ấy về lấy ngay mới được.”.

Lượt nhớ tất cả, rồi nhai nát những mảnh giấy và ấn thật sâu xuống bùn. Men theo bờ mương, Lượt đi xuống khu du kích.

Đến nơi, Lượt gặp bác Nhã. Nghe Lượt báo cáo, bác gật đầu:

– Tuyệt lắm! Các đội viên của cháu thật mưu trí, dũng cảm!

Theo XUÂN SÁCH

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Chiến công: công lao, thành tích trong chiến đấu.

- Thao thức: trằn trọc, không ngủ được vì có điều phải suy nghĩ, không yên lòng.

- Đội du kích thiếu niên: ở đây chỉ Đội thiếu niên du kích làng Đình Bảng (nay thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đội lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống thực dân Pháp, được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Đọc đoạn 1 và trả lời câu hỏi:

a) Bạn Lượt là ai? Trong câu chuyện, Lượt đang sống ở đâu?

b) Bác Nhã là ai? Trong câu chuyện, bác Nhã đang sống ở đâu?

2. Những chi tiết nào cho thấy Lượt rất thông minh và cẩn thận?

3. Tìm những câu thể hiện ý nghĩ của Lượt khi đọc báo cáo của các tổ. Những ý nghĩa đó giúp em hiểu gì về Lượt?

4. Vì sao bác Nhã khen các đội viên của Lượt mưu trí, dũng cảm?

5. Hãy cho biết cảm nghĩ của em về Đội du kích thiếu niên trong bài đọc.

TỰ ĐỌC SÁCH BÁO (trang 72)

1. Tìm đọc thêm ở nhà:

- 2 câu chuyện hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ về các phong trào yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, các công trình măng non và những tấm gương thiếu nhi chiến đấu, học tập, lao động, rèn luyện.

- 1 bài văn (báo cáo) miêu tả hoặc cung cấp thông tin về các nội dung trên.

2. Viết vào phiếu đọc sách:

- Tên bài đọc và một số nội dung chính của bài đọc (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn em thích).

- Cảm nghĩ của em về một trong những nội dung trên.

BÀI VIẾT 1 (trang 73, 74)

Viết báo cáo

(Cách viết)

I. Nhận xét

1. Đọc lại câu chuyện chiến công của những du kích nhỏ và cho biết:

a) Bạn Lượt cần báo cáo công việc với ai?

b) Bạn Lượt báo cáo công việc để làm gì?

c) Bạn Lượt đã làm những việc gì để chuẩn bị báo cáo?

2. Đọc mẫu báo cáo sau và trả lời câu hỏi:

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-6

LIÊN ĐỘI TRƯỜNG .............                                        ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH

CHI ĐỘI ..............

...  ngày ... tháng 3 năm 2024

BÁO CÁO

Kết quả thảo luận "Xây dựng chi đội vững mạnh tháng 4 năm 2024"

Kính gửi: Cô giáo Tổng phụ trách Đội

Chúng em xin báo cáo kết quả thảo luận của Chi đội ... về nội dung phấn đấu để trở thành chi đội vững mạnh trong tháng 4 như sau: 

1. Về kỉ luật: .......................................................................................................................................................

2. Về học tập: ....................................................................................................................................................

3. Về lao động: .................................................................................................................................................

4. Về các hoạt động khác: ............................................................................................................................

Chúng em xin ý kiến Cô.

TM. CHI ĐỘI ...

Chi đội trưởng

(Kí và ghi rõ họ tên)

.................................

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

TM: thay mặt.

a) Báo cáo trên là của ai gửi cho ai?

b) Nội dung báo cáo là gì?

c) Để viết báo cáo trên, cần làm những việc gì?

II. Bài học

1. Báo cáo là bản tổng hợp tình hình hoặc kết quả thảo luận, kết quả công việc,... của một cá nhân hay tập thể.

2. Bản báo cáo cần có ba phần: phần đầu (tên tổ chức hoặc quốc hiệu và tiêu ngữ, địa điểm và thời gian làm báo cáo, tên báo cáo, người báo cáo và người nhận báo cáo), phần nội dung, phần cuối (chữ kí và họ tên người báo cáo).

III. Luyện tập

Em hãy đóng vai phân đội trưởng, tổ chức cho các bạn thảo luận về việc xây dựng chi đội vững mạnh trong tháng và ghi lại kết quả thảo luận để chuẩn bị báo cáo.

KỂ CHUYỆN (trang 74, 75)

Lên đường

NGUYỄN HUY TƯỞNG

1. Nghe và kể lại câu chuyện sau:

1. Vì sao các hào kiệt xin Hoài Văn Hầu gấp rút xuất quân?

2. Khung cảnh của buổi lễ xuất quân có gì đặc biệt?

3. Hoài Văn Hầu và binh sĩ làm gì trong buổi lễ xuất quân?

4. Trước lúc lên đường, Hoài Văn Hầu nói gì với mẹ? Mẹ của Hoài Văn Hầu đáp lời ra sao?

5. Hình ảnh Hoài Văn Hầu ra quân có gì đẹp?

6. Ý chí, sức mạnh của đoàn quân lúc lên đường được thể hiện qua hình ảnh nào?

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-7

2. Thảo luận:

a) Câu chuyện xảy ra vào lúc tình thế đất nước như thế nào?

b) Lời thề của Hoài Văn Hầu và các nghĩa sĩ thể hiện điều gì?

c) Câu chuyện muốn nói lên điều gì?

BÀI ĐỌC 2 (trang 75, 76)

Em bé Bảo Ninh

                                                             Dưới trời lửa khói 

                                                             Em như cảnh tên

                                                             Bay trên cồn cát

                                                             Rẽ gió xông lên.

 

                                                             Cởi khăn quàng đỏ

                                                             Bọc đạn chuyền đi 

                                                             Trận địa bom nổ

                                                             Gót son sá gì.

 

                                                             Tiếp đạn! Tiếp đạn! 

                                                             Chuyền tay chiến hào

                                                             Cho chú dân quân

                                                             Bắn nhão phản lực.

 

                                                             Máy bay bốc cháy

                                                             Đâm xuống biển khơi

                                                             Em reo, em nhảy 

                                                             Em truyền tin vui.

 

                                                             Như cánh hoa nhỏ 

                                                             Nở trên chiến hào

                                                             Như chim đầu ngõ

                                                             Hốt mừng xôn xao.

 

                                                             Em bé Bảo Ninh 

                                                             Bên bờ Nhật Lệ 

                                                             Quay đẹp cuốn phim 

                                                             Làng ta đánh Mỹ.

NGUYỄN VĂN DINH

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Bảo Ninh: một xã nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

- Cồn cát: dải đồi cát.

- Trận địa: khu vực diễn ra trận đánh.

- Dân quân: lực lượng vũ trang được tổ chức ở nông thôn, vừa trực tiếp sản xuất vừa bảo vệ làng xóm.

- Phản lực: máy bay phản lực (nghĩa trong bài).

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bài thơ ca ngợi ai, về việc gì?

2. Tìm những chi tiết cho thấy bạn nhỏ trong bài thơ rất dũng cảm.

3. Những chi tiết nào cho thấy bạn nhỏ rất hồn nhiên?

4. Tác giả đã so sánh bạn nhỏ với những sự vật nào? Các hình ảnh so sánh đó giúp em cảm nhận được điều gì?

LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 76)

Luyện tập về lựa chọn từ ngữ

1. Đọc khổ thơ sau và trả lời câu hỏi:

                                                             Dưới trời lửa khỏi

                                                             Em như cánh tên

                                                             Bay trên cồn cát

                                                             Rẽ gió xông lên.

Nguyễn Văn Dinh

a) Các từ cánh và bay gợi cho em nghĩ đến sự vật nào?

b) Những từ nào có nghĩa giống từ cánh (trong cánh tên)?

mũi (tên)                            bó (tên)                            chiếc (tên)

c) Theo em, vì sao tác giả chọn từ cánh mà không chọn những từ khác?

2. Tìm từ thích hợp trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh đoạn văn sau:

Hồ về thu, nước (trong vắt, trong trẻo), mênh mông. Trăng tỏa sáng rọi vào các gợn sóng (ào ạt, lăn tăn). Thuyền ra khỏi bờ thì hây hẩy gió đông nam, sóng vồ rình. Một lát, thuyền vào gần một đám sen. Bấy giờ, sen trên hồ đã gần tàn nhưng vẫn còn lơ thơ mấy đóa hoa nở muộn. Mùi hương đưa theo chiều gió (ngào ngạt, sực nức). Thuyền theo gió cứ từ từ mà đi ra từ giữa khoảng (vô tận, mênh mông).

Theo Phan Kế Bình

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

Hây hẩy: (gió thổi) nhẹ, thành từng làn ngắn.

3. Viết một đoạn văn ngắn về người thiếu niên dũng cảm trong bài thơ Em bé Bảo Ninh. Chọn một từ em thích trong đoạn văn và cho biết từ đó phản ánh đúng cảm nghĩ của em về nhân vật như thế nào.

BÀI VIẾT 2 (trang 77)

Luyện tập viết báo cáo

(Thực hành viết)

1. Cùng các bạn thảo luận về chương trình hành động tháng 4 Vì một môi trường xanh-sạch-đẹp của chi đội. Ghi lại vắn tắt kết quả thảo luận đó.

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-8

Gợi ý về nội dung trao đổi

a) Tham gia tuyên truyền

M: – Thi viết, vẽ, kể chuyện về môi trường.

     – Tham gia các hoạt động tuyên truyền của liên đội và địa phương.

b) Tham gia bảo vệ môi trường

M: – Dọn dẹp vệ sinh trường lớp, thôn xóm,...

     – Chăm sóc cây, trồng cây,...

     – Hạn chế sử dụng đồ dùng bằng ni lông hoặc các chất khó phân hủy khác.

2. Đóng vai chi đội trưởng, viết báo cáo kết quả thảo luận của chi đội gửi cô giáo (thầy giáo) Tổng phụ trách đội.

Gợi ý

a) Về hình thức trình bày, báo cáo cần viết theo mẫu đã học.

b) Về nội dung, báo cáo cần nêu kết quả thảo luận:

– Nêu ý kiến thống nhất về các hoạt động của chi đội.

– Sắp xếp hoạt động thành các mục rõ ràng để dễ theo dõi.

BÀI ĐỌC 3 (trang 77, 78, 79) 

Phong trào kế hoạch nhỏ

"Kế hoạch nhỏ" là một phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, lôi cuốn sự tham gia tích cực của thiếu nhi cả nước.

Ý NGHĨA

Giáo dục thiếu nhi thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” để góp phần xây dựng đất nước.

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-9

Ảnh thông tấn xã Việt Nam

NGUỒN GỐC

Được phát động từ năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) và thành phố Hải Phòng.

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-10

HÌNH THỨC THỰC HIỆN 

* Nuôi heo đất.

* Thu gom giấy cũ, phế liệu,... 

* Trồng rau, nuôi gà, vịt,...

* Quyên góp đồ dùng, đồ chơi,....

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-11

SỬ DỤNG CÁC NGUỒN THU

* Thực hiện các công trình măng non. 

* Khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong học tập, văn nghệ, thể thao,...

* Giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi vùng bị thiên tai,...

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-12

KẾT QUẢ

* Nhà máy nhựa Tiền Phong. 

* Đoàn tàu Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

* Khách sạn Khăn Quàng Đỏ. 

* Công trình măng non ở các địa phương.

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-13

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Phong trào: hoạt động xã hội lôi cuốn được nhiều người tham gia.

- Công trình măng non: hoạt động, kết quả hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

• Tra từ điển, tìm nghĩa của một trong các từ sau: phát động, phế liệu, quyên góp.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bài đọc viết về điều gì?

2. Câu in đậm dưới tên bài có tác dụng gì?

3. Bài đọc gồm những mục nào? Hình ảnh minh họa ở mỗi mục có tác dụng gì?

4. Mỗi hoạt động trong phòng trào Kế hoạch nhỏ có ý nghĩa như thế nào?

5. Em có suy nghĩ gì về phong trào Kế hoạch nhỏ?

BÀI VIẾT 3 (trang 79, 80)

Viết hướng dẫn thực hiện một số công việc

1. Đọc bản hướng dẫn có hình minh họa dưới đây:

HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY XANH

BƯỚC 1: CHUẨN BỊ

1. Cây giống

2. Phân bón

3. Cuốc, xẻng, cọc, dây, bình tưới

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-14

BƯỚC 2: TRỒNG CÂY

1. Đặt cây thẳng đứng giữa hố

2. Bón phân

3. Lấp đất, nện đất cho chắc

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-15

BƯỚC 3: BẢO VỆ CÂY MỚI TRỒNG

1. Cắm cọc cách gốc cây khoảng 5 xăng-ti-mét

2. Buộc cọc với thân cây

3. Tưới nước

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-16

2. Bạn Lâm dự định viết một bản hướng dẫn trồng cây hoàn toàn bằng lời nhưng mới viết được nội dung bước 2. Dựa vào bản hướng dẫn ở bài tập 1, em hãy giúp bạn hoàn thành bản hướng dẫn.

HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY XANH

Bạn muốn trồng cây xanh, hãy làm theo các bước sau:

1) Chuẩn bị: ⚛⚛⚛⚛⚛

2) Trồng cây: Trước hết, bạn cần đặt cây thẳng đứng giữa hố. Sau đó, bạn dùng xẻng hoặc đeo găng tay, bón phân vào hố và lấp đất. Cuối cùng, bạn dùng xẻng nện đất hoặc dùng chân giẫm đất xung quanh gốc cây cho chắc.

3. Bảo vệ cây mới trồng: ⚛⚛⚛⚛⚛

TRAO ĐỔI (trang 80)

Em đọc sách báo

1. Giới thiệu một câu chuyện (hoặc bài thơ, bài văn, bài báo) em đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước hoặc những tấm gương trong chiến đấu, học tập, rèn luyện,... của thiếu nhi Việt Nam.

2. Trao đổi về câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) mà bạn em giới thiệu:

a) Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn , bài báo) đó? Vì sao?

b) Em học được điều gì qua câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) đó?

Cách giới thiệu, trao đổi: Thực hiện như đã hướng dẫn ở các bài học trước.

BÀI ĐỌC 4 (trang 81, 82)

Mùa xuân em đi trồng cây

Mùa xuân em đi trồng cây 

Nắng lên từ phía bàn tay em trồng 

Đồi hoang sẽ hóa rừng thông 

Núi loang lổ cháy sẽ bùng màu xanh.

 

Này em, này chị, này anh 

Người vun gốc, kẻ nâng cành non tơ 

Dốc nghiêng, mũ nón nhấp nhô 

Đàn chim vui hót líu lo quanh đồi.

 

Gió ngoan chạm giọt mồ hôi 

Để gương mặt nở nụ cười hồn nhiên 

Nắng xuân lấp lánh mọi miền 

Niềm vui háo hức trải trên núi đồi.

 

Từ bàn tay nhỏ đấy thôi

Góp mầm xanh với đất trời yêu thương 

Rồi đây trên khắp quê hương

Màu xuân xanh biếc nẻo đường tương lai.

NGUYỄN LÃM THẮNG

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Loang lổ: có nhiều mảng màu đan xen, lộn xộn.

- Háo hức: phấn khởi và nóng lòng chờ đợi một điều hay, điều vui biết là sắp tới.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Các bạn nhỏ hình dung quang cảnh sẽ thay đổi như thế nào khi tham gia trồng cây cùng mọi người?

2. Tìm trong khổ thơ 2 những hình ảnh thể hiện cảnh nhộn nhịp của buổi trồng cây.

3. Những từ ngữ nào ở khổ thơ 3 thể hiện niềm vui của các bạn nhỏ?

4. Tác giả muốn nói điều gì qua khổ thơ cuối?

LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 82)

Mở rộng vốn từ: Ý chí

1. Xếp các từ ngữ chứa tiếng chí dưới đây vào nhóm thích hợp:

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-17

Chí có nghĩa là ý muốn bền bỉ theo đuổi một mục đích tốt đẹp. M: ý chí, ...

Chí có nghĩa là "rất", "hết sức". M: chí phải, ...

2. Tìm những động từ, tính từ có thể kết hợp với danh từ ý chí.

M: – ý chí kiên cường, ...

     – giữ vững ý chí, ...

3. Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về một nhân vật tuổi nhỏ chí lớn trong các câu chuyện em đã được nghe, được đọc.

GÓC SÁNG TẠO (trang 83)

Lập kế hoạch nhỏ

1. Thảo luận theo tổ về kế hoạch nhỏ của mỗi chi đội em.

Gợi ý

a) Tên của kế hoạch nhỏ: "Ngôi nhà thu gom phế liệu", "Vườn rau của em", "Đàn gà khăn quàng đỏ",...

b) Ý nghĩa của kế hoạch nhỏ: bồi dưỡng ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường,...

c) Thời gian thực hiện: Thời điểm bắt đầu và kết thúc

d) Các hoạt động cụ thể: trồng rau, nuôi gà, bán sản phẩm, sử dụng nguồn thu,...

2. Dựa vào kết quả thảo luận, mỗi tổ viết và trang trí kế hoạch nhỏ của tổ mình.

3. Bình chọn sản phầm có nội dung đầy đủ, thiết thực, dễ thực hiện, trình bày đẹp.

TỰ ĐÁNH GIÁ (trang 83, 84)

A. Đọc và làm bài tập

Đoàn tàu mang tên Đội

hinh-anh-bai-16-tuoi-nho-chi-lon-9812-18

Khánh thành Đoàn tàu

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Ngày 15-5-1977, nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Đội, thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến phát động một phong trào thi đua. Mục đích của phong trào là thu gom 4 triệu tấn giấy loại để bán lấy tiền đóng đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Phong trào được thiếu nhi cả nước hưởng ứng.

Ủng hộ phong trào của thiếu nhi, Tổng cục Đường sắt đã khẩn trương triển khai kế hoạch đóng tàu. Ngày 1-1-1979, đoàn tàu “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh” gồm 15 toa xe, có 3 toa giường nằm, 9 toa ghế ngồi, 1 toa hàng cơm, 1 toa hành lí, 1 toa trưởng tàu đã được khánh thành. Đoàn tàu khởi hành từ Hà Nội đi Bắc Giang trong niềm hân hoan của cán bộ, công nhân ngành đường sắt và thiếu nhi cả nước.

Đoàn tàu mang tên Đội là đóng góp có ý nghĩa của thiếu nhi Việt Nam cho tuyến đường sắt Thống Nhất, đồng thời là kết quả lao động sáng tạo của hàng nghìn kĩ sư, công nhân ngành đường sắt.

Theo KHUẤT MINH TRÍ

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Ngày 15-5-1977 đánh dấu sự kiện gì? Tìm các ý đúng:

a) Kỉ niệm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

b) Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh nêu sáng kiến đóng đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

c,) Khánh thành Đoàn tàu "Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh".

d) Đoàn tàu mang tên Đội khởi hành từ Hà Nội đi Bắc Giang.

2. Đoàn tàu Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là thành quả lao động của những ai? Tìm ý đúng nhất:

a) Thiếu nhi cả nước.

b) Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh.

c) Tập thể kĩ sư công nhân ngành đường sắt.

d) Thiếu nhi cả nước và tập thể kĩ sư, công nhân ngành đường sắt.

3. Tìm và nêu nghĩa của mỗi tiếng trong các từ sau:

a) khởi hành

b) khởi động

4.Tìm từ thích hợp trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh các câu sau:

a) Ngày 15-5-1986, nhân dịp kỉ niệm 45 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử Kim Đồng đã được (khai mạc, khánh thành).

b) Đến giờ (khởi hành, xuất phát), tiếng còi vang lên, cả mười vận động viên lao về phía trước.

5. Chọn 1 trong 2 đề sau:

a) Viết một đoạn văn nêu những điều em thích trong câu chuyện thiếu nhi cả nước làm kế hoạch nhỏ để đóng đoàn tàu mang tên Đội.

b) Viết một đoạn văn về các đội viên Đội du kích thiếu niên trong câu chuyện Chiến công của những du kích nhỏ.

B. Tự nhận xét

1. Em đạt yêu cầu ở mức nào?

2. Em cần cố gắng thêm về mặt nào?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 16: Tuổi nhỏ chí lớn | Tiếng Việt 4 - Tập Hai | ĐẤT NƯỚC - Lớp 4 - Cánh Diều

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 4

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Cánh Diều

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.