Bài 14: Bài ca giữ nước | Tiếng Việt 4 - Tập Hai | ĐẤT NƯỚC - Lớp 4 - Cánh Diều

Bài ca giữ nước


CHIA SẺ (trang 48)

Trò chơi: Hái hoa lịch sử

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-0

1. Chuẩn bị một số bông hoa giấy ghi yêu cầu cho người chơi.

M

- Bạn hãy nói tên người thiếu niên yêu nước trong câu chuyện Bóp nát quả cam (đã học ở lớp 2).

- Bạn hãy nói tên một câu chuyện hoặc bài thơ về chủ điểm bảo vệ Tổ quốc.

- Hãy đọc một bài thơ về các chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc.

- Hãy hát một bài hát ca ngợi quê hương, đất nước.

2. Mỗi học sinh hái một bông hoa và tiếp nối nhau thực hiện yêu cầu viết trên bông hoa đó.

BÀI ĐỌC 1 (trang 49, 50)

Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-1

Ngô Quyền là một vị tướng nổi tiếng mưu lược, võ nghệ tinh thông. Ông được Dương Đình Nghệ giao quyền cai quản Ái Châu (thuộc Thanh Hóa ngày nay).

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị con nuôi là Kiều Công Tiễn giết hại. Ngô Quyền kéo quân ra hỏi tội Công Tiễn. Công Tiễn run sợ, cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Vua Nam Hán muốn nhân nước ta có loạn mà đánh chiếm, liền sai thái tử Hoằng Tháo đem chiến thuyền, theo sông Bạch Đằng tiến vào nước ta. Bấy giờ, được sự ủng hộ của mọi người, Ngô Quyền đã diệt được Kiều Công Tiễn.

Nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, Ngô Quyền nói với các tướng:

– Bọn địch từ xa mỏi mệt, lại nghe tin Công Tiễn bị giết, mất kẻ nội ứng thì hồn vía chẳng còn. Quân ta sức đang khoẻ, ắt phá được chúng. Nhưng chúng nhiều chiến thuyền, ta phải có kế.

Ông sai người lấy gỗ tốt vạt nhọn đầu, bịt sắt rồi ngầm đóng xuống hai bên của sông. Thuỷ triều lên, quân ta chèo thuyền nhẹ ra khiêu chiến rồi giả thua dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo trúng kế. Khi chiến thuyền của giặc lọt sâu vào vùng cầm cọc cũng là lúc thuỷ triều xuống, cọc nhô dần lên. Ngô Quyền tung quân ra đánh. Quân giặc rối loạn, nước rút quá nhanh, thuyền vuông cọc, bị lật úp, vỡ và đầm rất nhiều, quân sĩ chết quá nửa. Tướng giặc Hoằng Tháo bị giết trên sông Bạch Đằng. Bọn tàn quân chạy tháo thân về nước.

Chiến thắng Bạch Đằng đã chấm dứt mộng xâm lăng của giặc phương Bắc, mở ra thời kì độc lập lâu dài trong lịch sử nước ta.

Theo NGUYỄN KHẮC THUẦN

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Mưu lược: mưu trí, có tầm nhìn xa.

- Tinh thông: có hiểu biết sâu sắc, vận dụng thành thạo.

- Nội ứng: người trong nội bộ phối hợp hoạt động với lực lượng bên ngoài để đánh phá.

- Thủy triều: hiện tượng nước biển dâng lên, rút xuống một, hai lần trong ngày.

- Khiêu chiến: cố tình gây sự để dụ đối phương ra đánh. 

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vua Nam Hán mượn cớ gì để xâm lược nước ta?

2. Trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng diễn ra như thế nào?

3. Những chi tiết nào cho thấy Ngô Quyền là một vị chỉ huy rất mưu lược?

4. Chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử nước ta?

5. Chủ đề của câu chuyện này là gì?

TỰ ĐỌC SÁCH BÁO (trang 50)

1. Tìm đọc thêm ở nhà:

- 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về lịch sử bảo vệ Tổ quốc

của nhân dân ta.

- 1 bài văn (bài báo) miêu tả hoặc cung cấp thông tin về các nội dung trên.

2. Viết vào phiếu đọc sách:

- Tên bài đọc và một số nội dung chính của bài đọc (sự việc, nhân vật, hình ảnh, câu văn em thích).

- Cảm nghĩ của em về một trong những nội dung trên.

BÀI VIẾT 1 (trang 51)

Luyện tập tả con vật

1. Nhận xét về cách tả ngoại hình của con vật ở các đoạn văn in nghiêng dưới đây:

a) "Meo, meo"!. Đấy, chú bạn mới của tôi lại đến chơi với tôi đấy.

Chà, nó có bộ lông mới đẹp làm sao! Màu lông hung hung có sắc vằn đo đỏ, rất đúng với cái tên mà tôi đã đặt cho nó. Mèo Hung có cái đầu tròn tròn, hai cái tai dong dỏng dựng ban đêm, đôi mắt ấy sáng lên giúp mèo nhìn rõ mọi vật. Bộ ria mép vểnh lên có vẻ oai lắm. Bốn chân thì thon thon, bước đi một cách nhẹ nhàng như lướt trên mặt đất. Cái đuôi dài trông thướt tha duyên dáng. Mèo Hung trông thật đáng yêu!

Hoàng Đức Hải, Con mèo Hung

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-2

b) Những con ngan nhỏ mới nở được ba hôm chỉ to hơn cái trứng một tí.

Chúng có bộ lông vàng óng. Một màu vàng đáng yêu như màu của những con tơ nõn mới guồng. Nhưng đẹp nhất là đôi mắt với cái mỏ. Đôi mắt chỉ bằng hột cườm, đen nhánh hạt huyền, lúc nào cũng long lanh đưa đi đưa lại như có nước, làm hoạt động hai con ngươi bóng mỡ. Một cái mỏ màu nhung hươu, vừa bằng ngón tay đứa bé mới đẻ và có lẽ cũng mềm như thế, mọc ngăn ngắn đằng trước. Cái đầu xinh xinh, vàng nuột và ở dưới bụng, lủn chủn hai cái chân bé tí màu đỏ hồng.

Tô Hoài, Đàn ngan mới nở

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-3

Gợi ý

• Tác giả tả những gì về ngoại hình con vật?

• Các chi tiết nói trên được miêu tả theo trình tự như thế nào?

• Tìm những từ ngữ, chi tiết thể hiện sự quan sát chính xác của tác giả.

• Tìm các hình ảnh so sánh hoặc nhân hóa trong mỗi đoạn văn.

2. Dựa theo dàn ý đã lập ở bài 13, hãy viết đoạn văn tả ngoại hình của con vật mà em yêu thích.

KỂ CHUYỆN (trang 52)

Danh tướng Lý Thường Kiệt

Theo sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh

1. Nghe và kể lại câu chuyện dựa theo các câu hỏi:

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-4

a) Lý Thường Kiệt đã làm gì để chủ động phá âm mưu xâm lược của địch?

b) Lần thức nhất vượt sông, quân địch bị đánh bại như thế nào?

c) Quân địch tiếp tục thảm bại như thế nào trong lần thứ hai vượt sông?

d) "Bài thơ thần" đã khích lệ quân sĩ như thế nào?

e) Lý Thường Kiệt đã làm gì để sớm kết thúc chiến tranh?

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-5

2. Trao đổi về câu chuyện trên:

a) Câu chuyện cho thấy điều gì về tài năng của Lý Thường Kiệt?

b) Chi tiết nào trong câu chuyện gây ấn tượng mạnh nhất đối với em? Vì sao?

BÀI ĐỌC 2 (trang 53, 54)

Mít tinh mừng độc lập

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-6

- Ra coi, mau lên!

Chị tôi vừa gọi vừa kéo tôi chạy ra cửa. Chị chỉ tay về phía bót có: - Thấy gì chưa?

Tôi thấy rồi. Cờ! Cờ đỏ sao vàng trên cột cờ trước bót bay phấp phới. Tôi lặng đi trước màu đỏ rực rỡ với ngôi sao vàng năm cánh trên nền trời xanh mênh mông của buổi sáng.

Như mùa hoa đến ngày nở rộ, cờ đỏ sao vàng mọc dần lên trước của mỗi ngôi nhà. Rồi mỗi người trên tay một lá cờ, lần lượt đổ ra sân chợ. Trên dòng sông mênh mông, những chiếc xuồng với lá cờ mỗi lúc mỗi gần nhau, đổ về bến chợ. Xuồng nối nhau, san sát, kết thành một chiếc bè đầy cờ, bập bềnh trên mặt sông.

Chiều hôm ấy, người từ các nơi đổ về đứng chật cả sân chợ. Đó là buổi mít tinh đầu tiên của toàn dân trong làng mừng ngày Cách mạng tháng Tám thành công. 

Tiếng hô từ trên khán đài vang lên:

- Cách mạng tháng Tám thành công! 

- Chấm dứt một trăm năm nô lệ!

- Việt Nam Độc lập, Tự do, Hạnh phúc muôn năm!

Mọi người như dậy lên. Ai cũng muốn cất tiếng hát, nhưng không biết hát bài gì. Bấy giờ, không có một bài hát nào đủ cho con người được hả hê mừng ngày chấm dứt đời nô lệ. Thế là mạnh ai nấy hét, vừa hét, vừa giơ cao tay vẫy cờ. Rồi tất cả cùng cất tiếng hoà theo. Đó là một bài hát không được soạn trước, một bài hát không lời, phát ra từ sức mạnh trong lồng ngực của mỗi người. Một bài hát không thể hát lại lần thứ hai mà vang mãi với đời người.

Theo NGUYỄN QUANG SÁNG

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Mít tinh: cuộc tập hợp đông người để biểu thị thái độ đối với những việc quan trọng.

- Bót cò: đồn cảnh sát của giặc (nghĩa trong bài).

- San sát: rất nhiều và như liền vào nhau, không còn khe hở.

- Cách mạng tháng Tám: cuộc cách mạng diễn ra vào tháng Tám năm 1945, giành độc lập cho nước ta.

- Dậy lên: bừng bừng khí thế (nghĩa trong bài).

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hình ảnh cờ đỏ sao vàng bay trước bót cỏ nói lên điều gì?

2. Tìm những hình ảnh người dân nô nức về dự cuộc mít tinh.

3. Những chi tiết nào thể hiện niềm vui vô bờ bến của người dân mừng nước nhà độc lập?

4. Tiếng hét vang của mọi người được so sánh với gì?

5. Theo em, vì sao "bài hát" ấy chỉ cất lên một lần mà "vang mãi với đời người?

LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 54, 55) 

Trạng ngữ

I. Nhận xét

1. Bộ phận in đậm trong mỗi câu sau bổ sung cho câu những thông tin gì? Tìm ý đúng:

a) Ở Ea Lâm, nhà nào cũng có cuộc sống đầy đủ, dễ chịu.

1. Thời gian diễn ra sự việc

b) Bây giờ, nhà nào cũng có cuộc sống đầy đủ, dễ chịu.

2. Địa điểm diễn ra sự việc

c) Vì chịu khó lao động, nhà nào cũng có cuộc sống đầy đủ, dễ chịu.

3. Mục đích của hoạt động

d) Bằng hai bàn tay lao động, người dân Ea Lâm đã thay đổi cuộc sống của mình.

4. Nguyên nhân của sự việc

e) Để có cuộc sống đầy đủ, dễ chịu, nhà nào cũng chịu khó lao động.

5. Phương tiện thực hiện hoạt động

2. Mỗi bộ phận nói trên trả lời cho câu hỏi nào?

Ở đâu?                  Bao giờ?                  Vì sao?

Để làm gì?                  Bằng gì?

II. Bài học

Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, bổ sung cho câu những thông tin sau:

a) Thời gian diễn ra sự việc (trả lời cho câu hỏi Khi nào? Bao giờ?)

b) Địa điểm diễn ra sự việc (trả lời cho câu hỏi Ở đâu?)

c) Nguyên nhân của sự việc (trả lời cho câu hỏi Vì sao?)

d) Mục đích của hoạt động (trả lời cho câu hỏi Để làm gì?)

e) Phương tiện thực hiện hoạt động (trả lời cho câu hỏi Bằng gì?)

III. Luyện tập

1. Tìm trạng ngữ trong các câu sau:

a) Tháng 12 năm 1075, Lý Thường Kiệt đem quân phá tan ba thành trì của địch. Vì bị mất lương thảo và vũ khí tích trữ ở đó, hơn một năm sau, nhà Tống mới cử Quách Quỳ chỉ huy đại quân tràn vào Đại Việt.

Danh tướng Lý Thường Kiệt

b) Trên dòng sông mênh mông, những chiếc xuồng với lá cờ mỗi lúc mỗi gần nhau, đổ về bến chợ.

Theo Nguyễn Quang Sáng

2. Đặt một câu nói về hoạt động đền ơn đáp nghĩa hoặc hoạt động kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ở trường em, trong câu có trạng ngữ.

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-7

BÀI VIẾT 2 (trang 56)

Luyện tập tả con vật

(Tả tính tình, hoạt động của con vật)

1. Nhận xét về cách tả tính tình, hoạt động của con vật ở hai đoạn văn dưới đây:

a) Có một hôm, tôi đang ngồi học, bỗng thấy nó rón rén bước từng bước nhẹ nhàng đến bên bồ thóc ngồi rình. A! Con mèo này khôn thật! Chả là ngày thường chuột hay vào bồ ăn vụng thóc nên mèo mới rình ở đây. Bỗng nhiên nó chụm bốn chân lại, dặt dặt cái đuôi lấy đà rồi "phốc" một cái. Thế lò một con chuột đã nằm gọn ngay trong vuốt của nó... Nhiều lúc tôi đang học bài, chú ta đến dụi dụi vào tay, muốn tôi vuốt ve bộ lông mượt như nhung hoặc đùa với chú một tí.

Hoàng Đức Hải, Con mèo Hung

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-8

b) Con mèo hay nằm lim dim ngoài sân để sưởi nắng và cũng để rình bắt lũ thằn lằn. Lần đầu tiên, khi phóng đôi chân nhỏ yếu để vượt qua một độ cao quá sức, nơi con thằn lằn đang nghiêng đầu ngó nó, con mèo trượt ngã một cú nặng, phải nằm thở đốc. Tôi thương quá, vội chạy đến ôm nó vào lòng, Không ngờ nó vùng khỏi tay tôi, kêu lên một tiếng “meo" giận dỗi rồi phóng mình lên cao một lần nữa, lần nữa. Cứ mỗi lần ngã là một lần nó bật kêu một tiếng "meo” đầy tức giận, rồi lại tiếp tục phóng lên. Lần cuối cùng, nó phóng lên được đúng độ cao cần đạt thì con thằn lằn đã rút êm sang chỗ khác. Tuy vậy, nó vẫn ngồi trên gờ tường cửa sổ, nhìn xuống tôi và kêu lên những tiếng "meo, meo,..." đầy hãnh diện.

Bạch Nguyên, Người thầy của tuổi thơ

Gợi ý

• Tác giả tả những hoạt động nào của con mèo?

• Các chi tiết về hoạt động của con mèo được miêu tả theo trình tự như thế nào?

• Hoạt động của con mèo thể hiện điều gì về tính tình của nó?

• Tác giả mỗi đoạn văn thể hiện tình cảm đối với con vật được tả bằng cách nào?

2. Dựa vào dàn ý đã lập ở bài 13, hãy viết đoạn văn về tính tình, hoạt động của con vật mà em yêu thích.

BÀI ĐỌC 3 (trang 57, 58)

Bức ảnh

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-9

Hai cô cháu 1979

Tháng 2 năm 1979, trên đường hành quân bảo vệ biên cương của Tổ quốc, một tổ trinh sát của bộ đội ta nghe tiếng trẻ con khóc, liền chia nhau đi tìm. Họ phát hiện một phụ nữ trúng đạn địch, nằm ngất bên đường mòn. Đứa con gái chúng ba tuổi gào khóc bên mẹ đã lạc cả giọng. Các chiến sĩ thay nhau cõng bà mẹ và cháu bé xuyên đêm luồn rừng, tìm về trạm quân y. Trên suốt chặng đường dài, cháu bé được một nữ chiến sĩ trẻ dỗ dành, chăm sóc.

Hình ảnh cô bộ đội trẻ, vai khoác súng, tay bế cháu bé đã lọt vào ống kính của một phóng viên. Bức ảnh được đăng trên bảo, gây xúc động lớn. Nhưng gần bốn mươi năm sau, nhờ nỗ lực của một nhóm phóng viên, hai người trong tấm ảnh mới gặp lại được nhau. Người nữ chiến sĩ là bà Bùi Thị Mũi, quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Bà Mũi nay đã già yếu. Còn cô bé năm xưa cũng đã ở tuổi bốn mươi. Đó là cô Hoàng Thị Hiền ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Được biết địa chỉ ân nhân, cô Hiển bắt xe đi suốt đêm từ Cao Bằng về Hà Nội rồi ngược lên Phú Thọ. Cả đêm ấy, cô không sao ngủ được. Bước vào căn nhà đơn sơ của bà Mũi, cô trào nước mắt, lao tới bên giường bệnh, chỉ gọi được hai tiếng “Mẹ ơi!" rồi cứ thế, hai mẹ con ôm nhau nức nở, không nói nên lời.

Theo MAI THANH HẢI

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Trinh sát: dò xét, thu thập tình hình để phục vụ chiến đấu hoặc chống tội phạm.

- Ân nhân: người có ơn (nói trong quan hệ với người mang ơn).

• Tra từ điển, tìm nghĩa của một trong các từ sau: hành quân, quân y, phóng viên.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hai mẹ con cô bé được tổ trinh sát phát hiện trong hoàn cảnh nào?

2. Theo em, vì sao bức ảnh cô bộ đội trẻ bế cháu lại gây xúc động lớn?

3. Những ai đã giúp cô bé trong bức ảnh năm xưa tìm lại được ân nhân của mình?

4. Cuộc gặp gỡ của cô Hiền và bà Mùi diễn ra như thế nào?

5. Qua câu chuyện trên, em hiểu các chiến sĩ quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc là vì ai?

BÀI VIẾT 3 (trang 58)

Luyện tập tả con vật

(Viết bài văn)

Dựa vào dàn ý đã lập, viết bài văn tả một con vật mà em yêu thích.

Lưu ý:

- Em viết theo dàn ý đã lập và các đoạn văn đã tập viết ở những tiết học trước nhưng có thể thay đổi, bổ sung một số ý nhỏ hoặc thay đổi cách sắp xếp ý cho phù hợp hơn.

- Chú ý viết câu văn có hình ảnh. Tạo ra các hình ảnh so sánh, nhân hóa để con vật được miêu tả sinh động hơn.

- Viết xong, đọc lại, sửa các lỗi về cấu tạo và nội dung bài văn, lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả,...

TRAO ĐỔI (trang 58, 59)

Tình yêu quê hương, đất nước

Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:

1. Phát biểu cảm nghĩ của em về một câu chuyện đã học ở bài 14.

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-10

Gợi ý về nội dung trao đổi

a) Giới thiệu tên câu chuyện và chủ đề của câu chuyện

M: – Tên câu chuyện: Bức ảnh.

     – Chủ đề của câu chuyện: ca ngợi người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ nhân dân.

M: – Bức ảnh cô bộ đội trẻ bế cháu bé gây xúc động lớn. 

     – Sau gần bốn mươi năm, những người trong ảnh gặp lại nhau.

     – Cuộc gặp gỡ diễn ra rất cảm động.

2. Trình bày ý kiến về biểu hiện của lòng yêu nước.

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-11

Gợi ý về nội dung trao đổi

a) Giới thiệu nội dung sẽ trình bày (theo đề bài)

b) Nêu biểu hiện của lòng yêu nước

M: – Anh dũng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.

     – Tích cực lao động để xây dựng đất nước.

     – Tích cực học tập, rèn luyện để lớn lên xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

     – Yêu quê hương, góp phần bảo vệ môi trường, làm đẹp quê hương.

Cách trình bày, trao đổi: Thực hiện như đã hướng dẫn ở các bài học trước.

BÀI ĐỌC 4 (trang 59, 60) 

Trường Sa

(Trích)

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-12

Biển xanh ôm ấp trời xanh

Rồng Tiên thuở ấy sinh thành Trường Sa 

Trùng khơi nào có ngái xa

Long lanh hạt cát đã là quê hương.

Ở đây chẳng có gì riêng

Lá thư chung đọc, nỗi niềm chung lo 

Đêm vui chung một câu hò

Nhớ thương chung một cánh cò hoàng hôn.

 

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-13

Sơn Ca, Song Tử, Sinh Tồn 

Thuyền Chài, Vĩnh Viễn... gửi hồn cha ông 

Trường Sa nắng nỏ, bão dông 

Cây phong ba với thành đồng lòng ta 

Góc vườn xanh với tiếng gà

Cây súng thép với lời ca ngọt ngào.

NGUYỄN THẾ KỶ

CHÚ THÍCH VÀ GIẢI NGHĨA

- Ngái xa: xa xôi.

- Nắng nỏ: nắng, nắng nôi (có ý nói nắng gay gắt).

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Những từ ngữ, hình ảnh nào cho thấy Trường Sa từ rất lâu đời đã gắn bó với Tổ quốc Việt Nam?

2. Bốn từ chung lặp lại ở khổ thơ thứ 2 nói lên điều gì về tình cảm của các chiến sĩ Trường Sa với đồng đội và với đất liền?

3. Việc nhắc tên một số đảo ở Trường Sa thể hiện tình cảm của tác giả bài thơ như thế nào?

4. Khổ thơ cuối cho em cảm nhận điều gì về cuộc sống của các chiến sĩ ở Trường Sa?

LUYỆN TỪ VÀ CÂU (trang 60, 61)

Luyện tập về trạng ngữ

(Tiếp theo)

I. Nhận xét

1. Tìm trạng ngữ trong mỗi câu dưới đây:

Ngày hôm đó, mầm cỏ đã lấm tấm xanh khắp các ngọn đồi. Đêm ấy, trời mưa phùn. Đêm hôm sau, lại mưa tiếp. Sáng ngày thứ ba, Nhẫn lùa đàn bò ra đi.

Theo Hồ Phương

2. Trạng ngữ đứng ở vị trí nào trong mỗi câu trên.

3. Trạng ngữ được ngăn cách với chủ ngữ và vị ngữ bằng dấu câu nào?

II. Bài học:

Trạng ngữ thường đứng đầu câu, ngăn cách với hai thành phần chính của câu bằng dấu phẩy.

III. Luyện tập

1. Tìm trạng ngữ trong mỗi câu sau:

Thủa xưa, nước ta bị giặc Minh xâm lược. Bấy giờ, có ông Lê Lợi khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn. Trong buổi đầu, vì còn yếu, nghĩa quân nhiều lần bị thua. Để giúp Lê Lợi đánh đuổi ngoại xâm, Đức Long Quân đã cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần. Từ khi có gươm thần, nghĩa quân đánh đâu thắng đó. Sau khi đuổi giặc Minh về nước, Lê Lợi lên ngôi vua. Một năm sau, khi nhà vua cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng, Long Quân sai Rùa Vàng lên lấy lại thanh gươm thần. Từ đó, hồ mang tên Hồ Gươm.

Theo truyện Sự tích Hồ Gươm

2. Dựa vào nội dung bài đọc Trường Sa, viết một đoạn văn ngắn (4 – 5 câu) về các chiến sĩ ở Trường Sa, trong đó ít nhất một câu có trạng ngữ. Chỉ ra trạng ngữ trong câu đó.

GÓC SÁNG TẠO (trang 61)

Những trang sử vàng

1. Chọn 1 trong 2 đề sau:

a) Viết đoạn văn giới thiệu một anh hùng trong lịch sử bảo vệ Tổ Quốc của nhân dân ta.

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-14

b) Viết đoạn văn (hoặc đoạn nhật kí, bài thơ) về hoạt động ở trường em kỉ niệm một sự kiện lịch sử của nước ta.

hinh-anh-bai-14-bai-ca-giu-nuoc-9798-15

2. Giới thiệu và bình chọn bài viết hay, có hình ảnh đẹp.

TỰ ĐÁNH GIÁ (trang 62)

A. Đọc và làm bài tập

Chiếc võng của bố

Hôm ở chiến trường về

Bố cho em chiếc võng 

Võng xanh màu lá cây 

Dập dình như cảnh sống.

 

Em nằm trên chiếc võng 

Em như tay bố nâng 

Đung đưa chiếc võng kể 

Chuyện đêm bố vượt rừng.

Em thấy cả trời sao 

Xuyên qua từng kẽ lá 

Em thấy cơn mưa rào 

Ướt tiếng cười của bố.

 

Trăng treo ngoài cửa sổ 

Có phải trăng Trường Sơn 

Võng mang hơi ấm bố

Ru đời em lớn khôn.

PHAN THẾ CẢI

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bạn nhỏ cảm nhận được những gì khi nằm trên chiếc võng bố cho? Tìm các ý đúng:

a) Cảm thấy chiếc võng dập dình như sóng

b) Cảm thấy chiếc võng cong như vầng trăng

c) Cảm thấy chiếc võng êm như tay bố nâng

d) Cảm thấy chiếc võng mang hơi ấm và những kỉ niệm của bố ở chiến trường.

2. Chiếc võng gắn với những kỉ niệm nào của bố? Tìm các ý đúng:

a) Chiếc võng êm như tay bố nâng

b) Chiếc võng gắn với những đêm bố vượt rừng

c) Chiếc võng gắn với những cơn mưa rào bố trải qua

d) Chiếc võng gắn với những đêm trăng ở Trường Sơn.

3. Theo em, vì sao bạn nhỏ biết được những kỉ niệm ấy? Tìm ý đúng:

a) Vì bạn nhỏ được bố kể cho nghe

b) Vì bạn nhỏ được chiếc võng kể cho nghe

c) Vì bạn nhỏ được những cơn mưa rào kể cho nghe

d) Vì bạn nhỏ được vầng trăng Trường Sơn kể cho nghe.

4. Tìm trạng ngữ trong câu sau:

5. Đóng vai trò bạn nhỏ, viết một đoạn văn nói về cảm xúc của em khi nằm trên chiếc võng của bố cho.

B. Tự nhận xét

1. Em đạt yêu cầu ở mức nào?

2. Em cần cố gắng thêm về mặt nào?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 14: Bài ca giữ nước | Tiếng Việt 4 - Tập Hai | ĐẤT NƯỚC - Lớp 4 - Cánh Diều

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 4

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Cánh Diều

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.