Sau bài học này, em sẽ:
- Xác định được vị trí địa lý, một số địa danh tiêu biểu (ví dụ: dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan-xi-păng, cao nguyên Mộc Châu,...) của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trên bản đồ hoặc lược đồ.
- Quan sát lược đồ, tranh ảnh, mô tả được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu, sông ngòi,...) của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
- Nêu được một cách đơn giản ảnh hưởng của địa hình, khí hậu, sông ngòi đối với đời sống và sản xuất của người dân ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
- Đưa ra được một số biện phép bảo vệ thiên nhiên và phòng, chống thiên tai ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
KHỞI ĐỘNG
Quan sát hình 1, em hãy trả lời các câu hỏi:
- Cột mốc xác định độ cao của định núi nào?
- Đỉnh núi này nằm ở vùng nào của nước ta? Nêu những hiểu biết của em về vùng đất đó.
Hình 1. Cột mốc trên đỉnh Phan-xi-păng (Fansipan)
KHÁM PHÁ
1. Vị trí địa lý
Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy xác định vị trí của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trên lược đồ.
Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng lãnh thổ nằm ở phía bắc của đất nước.
Vùng này không chỉ có phần đất liền rộng lớn mà còn có cả vùng biển giàu tiềm năng ở phía đông nam.
Hình 2. Lược đồ địa hình và một số khoáng sản vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Em có biết?
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Vân, tỉnh Hà Giang; nằm ở địa đầu Tổ quốc. Trên đỉnh cột là quốc kì Việt Nam rộng 54 m2 , tượng trưng cho 54 dân tộc của nước ta.
Hình 3. Cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang)
2. Đặc điểm thiên nhiên
a) Địa hình
Đọc thông tin và quan sát các hình 2, 4, 5, em hãy:
- Xác định trên lược đồ: dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan-xi-păng và cao nguyên Mộc Châu.
- Mô tả đặc điểm chính của địa hình ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có địa hình chủ yếu là đồi núi. Tại đây có nhiều dãy núi lớn, trong đó Hoàng Liên Sơn là dãy núi cao và đồ sộ nhất nước ta, đỉnh cao nhất là Phan-xi-păng (3 143 m).
Trong vùng còn có một số cao nguyên và vùng đồi thấp. Các đồi có đặc điểm đỉnh tròn, sườn thoải, nằm ở nơi chuyển tiếp giữa vùng núi và đồng bằng, được gọi là vùng trung du.
b) Khí hậu
Đọc thông tin và quan sát hình 6, em hãy nêu đặc điểm nổi bật của khí hậu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa đông lạnh nhất cả nước. Khí hậu của vùng cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi độ cao địa hình. Ở các vùng núi cao nhiệt độ hạ thấp, vào các tháng mùa đông, đôi khi có tuyết rơi (thị xã Sa Pa - tỉnh Lào Cai, đỉnh núi Mẫu Sơn - tỉnh Lạng Sơn,...).
Hình 6. Tuyết rơi ở thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) vào mùa đông năm 2016
c) Sông ngòi
Đọc thông tin và quan sát hình 2, 7, 8, em hãy:
- Xác định trên lược đồ các sông lớn ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
- Nêu đặc điểm chính của sông ngòi ở vùng.
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm,... Các sông trong vùng nhiều thác ghềnh, có khả năng phát triển thủy điện.
d) Khoáng sản
Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy kể tên và xác định trên lược đồ một số khoáng sản chính ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trung du và miền núi Bắc Bộ có tài nguyên khoáng sản phong phú bậc nhất nước ta. Các khoáng sản chính là than, sắt, a-pa-tít (apatite), đá vôi,...
Em có biết?
Loại đất chính của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là đất đỏ vàng, thích hợp trồng nhiều loại cây ăn quả và cây công nghiệp.
Vùng biển ở phía đông nam có nhiều vịnh đẹp, nhiều bãi tôm, bãi cá lớn.
3. Ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên đối với sản xuất và đời sống
Đọc thông tin và quan sát các hình từ 9 đến 14, em hãy cho biết điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống và sản xuất ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Điều kiện tự nhiên của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tạo thuận lợi để phát triển nhiều ngành kinh tế: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; thủy điện; trồng và chế biến cây công nghiệp, cây ăn quả, được liệu;... và du lịch.
Tuy nhiên, người dân trong vùng cũng gặp một số khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất do địa hình bị chia cắt, thiên tai (lũ quét, sạt lở đất, sương muối, rét đậm, rét hại,...)...
4. Biện pháp bảo vệ thiên nhiên và phòng, chóng thiên tai
- Dựa vào kiến thức đã học, em hãy kể tên một số thiên tai thường xảy ra ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
- Đọc thông tin và sơ đồ hình 15, em hãy nêu một số biện pháp góp phần bảo vệ thiên nhiên và phòng, chống thiên tai.
Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của các thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ thiên nhiên và phòng, chống thiên tai.
Hình 15. Sơ đồ một số biện pháp bảo vệ thiên nhiên và phòng, chống thiên tai ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
LUYỆN TẬP
Hãy cho biết trong các câu sau câu nào đúng, câu nào sai.
a) Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp giáp với hai quốc gia là Lào và Cam-pu-chia (Cambodia).
b) Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa đông lạnh nhất cả nước.
c) Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có nhiều sông lớn thuận lợi cho phát triển thủy điện.
d) Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là nơi giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất cả nước.
VẬN DỤNG
Nếu đi du lịch ở thị xã Sa Pa, em sẽ chọn đi vào mùa nào trong năm? Vì sao??
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn