Sau bài học này, em sẽ:
• Kể được tên một số vật dụng chủ yếu có liên quan đến đời sống của người dân ở vùng Duyên hải miền Trung.
• Kể được tên một số bãi biển, cảng biển của vùng Duyên hải miền Trung.
• Nêu được một số hoạt động kinh tế biển ở vùng Duyên hải miền Trung (làm muối, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, du lịch biển, giao thông đường biển,...).
KHỞI ĐỘNG
Khi đang học xa nhà, nhà thơ Tế Hanh đã thể hiện nỗi nhớ quê hương Quảng Ngãi – một tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung như sau:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
(Tế Hanh, Quê hương, in trong Hoa Niên,
NXB Hội nhà văn, 1992)
Em hãy cho biết hoạt động kinh tế biển nào được tác giả nhắc đến trong đoạn thơ trên.
KHÁM PHÁ
1. Dân cư
Vùng Duyên hải miền Trung có số dân hơn 20 triệu người (năm 2020). Các dân tộc sinh sống tại đây là Kinh, Chăm, Thái, Mường,...
Hình 1. Người Mường (tỉnh Thanh Hoá)
Hình 2. Người Chăm (tỉnh Ninh Thuận)
Cuộc sống của người dân vùng Duyên hải miền Trung có sự gắn bó mật thiết với biển, nhiều vật dụng đã được tạo ra để phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Đọc thông tin và quan sát các hình từ 3 đến 5, em hãy kể tên một số vật dụng chủ yếu có liên quan đến đời sống của người dân ở vùng Duyên hải miền Trung.
Hình 3. Làm muối
Hình 4. Đánh bắt cá trên biển
Hình 5. Thuyền thúng
Em có biết?
Thuyền thúng được làm từ tre, có hình như chiếc thúng, là phương tiện đánh bắt thuỷ sản của ngư dân vùng ven biển miền Trung nước ta. Hiện nay, thuyền thúng còn được sử dụng trong các hoạt động du lịch.
2. Một số hoạt động kinh tế biển
1. Đọc bảng thông tin và quan sát hình 6, 7, em hãy:
- Kể tên một số hoạt động kinh tế biển ở vùng Duyên hải miền Trung.
- Kể tên một số bãi biển và cảng biển ở vùng.
2. Giải thích vì sao vùng Duyên hải miền Trung lại thuận lợi phát triển kinh tế biển.
Vùng Duyên hải miền Trung có đường bờ biển kéo dài khoảng 1 900 km và vùng biển rộng với nhiều đảo, quần đảo, tạo điều kiện để phát triển nhiều hoạt động kinh tế biển.
BẢNG MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ BIỂN Ở VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
Hoạt động kinh tế biển | Điều kiện thuận lợi | Một số địa danh nổi tiếng |
Làm muối | - Nước biển mặn - Nhiều nắng | Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Ninh Thuận),... |
Đánh bắt và nuôi trồng hải sản | - Vùng biển rộng, nhiều hải sản - Nhiều đầm phá | Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận,... |
Du lịch biển đảo | Nhiều bãi tắm, vịnh biển, đảo có phong cảnh đẹp | Bãi biển: Sầm Sơn (Thanh Hoá), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hoà),...; các đảo: Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi),... |
Giao thông đường biển | - Vùng biển rộng và dài - Nhiều vịnh kín gió | Cảng: Cửa Lò (Nghệ An), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi),... |
Hình 6. Bãi biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà)
Hình 7. Cảng Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng)
LUYỆN TẬP
Vẽ sơ đồ tư duy thể hiện một số hoạt động kinh tế biển ở vùng Duyên hải miền Trung.
VẬN DỤNG
Sưu tầm thông tin về một vật dụng gắn liền với hoạt động kinh tế biển ở vùng Duyên hải miền Trung và trình bày trước lớp.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn