Sau bài học này, em sẽ:
• Xác định được trên bản đồ hoặc lược đồ vị trí địa lí, một số địa danh tiêu biểu (ví dụ: dãy núi Trường Sơn, dãy núi Bạch Mã, đèo Hải Vân, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng,...) của vùng Duyên hải miền Trung.
• Quan sát lược đồ hoặc bản đồ, tranh ảnh, trình bày được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu, sông ngòi,...) của vùng Duyên hải miền Trung.
• Nêu được một số tác động của môi trường thiên nhiên đối với đời sống và hoạt động sản xuất trong vùng.
• Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp phòng, chống thiên tai ở vùng Duyên hải miền Trung.
• Thể hiện được thái độ cảm thông và sẵn sàng có hành động chia sẻ với người dân gặp thiên tai.
KHỞI ĐỘNG
Trường Sơn là dãy núi dài nhất Việt Nam, nơi có con đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta và đã đi vào thơ ca, âm nhạc như một niềm tự hào dân tộc.
Em hãy trình bày một câu thơ, câu hát về dãy Trường Sơn mà em biết.
Hình 1. Một phần dãy Trường Sơn (tỉnh Quảng Bình)
KHÁM PHÁ
1. Vị trí địa lí
Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy:
- Xác định vị trí của vùng Duyên hải miền Trung trên lược đồ.
- Đọc tên các vùng, quốc gia tiếp giáp với vùng Duyên hải miền Trung.
Vùng Duyên hải miền Trung là dải đất hẹp ngang, kéo dài từ tỉnh Thanh Hoá đến tỉnh Bình Thuận. Đây là cầu nối giữa vùng lãnh thổ phía bắc và phía nam đất nước.
Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều đảo, quần đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế và quốc phòng của đất nước.
Hình 2. Lược đồ địa hình vùng Duyên hải miền Trung
2. Đặc điểm thiên nhiên
a) Địa hình
Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy:
- Xác định trên lược đồ: dãy núi Trường Sơn, dãy núi Bạch Mã, đèo Hải Vân, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
- Nêu đặc điểm của đồng bằng ở vùng Duyên hải miền Trung.
Địa hình vùng Duyên hải miền Trung có sự khác biệt từ tây sang đông. Phía tây là địa hình đồi núi; phía đông là dải đồng bằng nhỏ, hẹp. Ven biển thường có các cồn cát và đầm phá.
Em có biết?
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai dài khoảng 70 km, diện tích 216 km², thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với các loài thực vật, động vật rất phong phú và đa dạng.
Hình 3. Một góc phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế)
b) Khí hậu
Đọc thông tin, em hãy cho biết những đặc điểm chính về khí hậu của vùng Duyên hải miền Trung.
Khu vực phía bắc và phía nam dãy núi Bạch Mã có sự khác nhau về nhiệt độ. Phần phía bắc dãy Bạch Mã trong năm thường có một đến hai tháng nhiệt độ dưới 20°C do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Phần phía nam dãy Bạch Mã ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên nhiệt độ cao quanh năm.
Em có biết?
Dãy núi Bạch Mã có hướng tây đông, kéo dài ra đến biển. Dãy núi này tạo thành bức tường tự nhiên chắn gió mùa Đông Bắc thổi từ phía bắc xuống phía nam.
Vào mùa thu – đông, vùng Duyên hải miền Trung thường có mưa lớn và bão. Mùa hạ của vùng ít mưa, ở phía bắc chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng, ở phía nam thường xảy ra hiện tượng hạn hán.
c) Sông ngòi
Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy:
- Kể tên và chỉ trên lược đồ một số sông ở vùng Duyên hải miền Trung.
- Nêu những đặc điểm chính của sông ngòi ở vùng Duyên hải miền Trung.
Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều sông nhưng phần lớn là sông ngắn và dốc. Vào mùa mưa lũ, nước ở các sông lên nhanh thường gây ra lũ quét, sạt lở đất.
3. Tác động của môi trường thiên nhiên đối với sản xuất và đời sống
Đọc thông tin và quan sát các hình từ 4 đến 7, em hãy:
- Nêu tác động tích cực và tiêu cực của môi trường thiên nhiên đến đời sống và sản xuất của người dân vùng Duyên hải miền Trung.
- Đề xuất một số biện pháp phòng, chống thiên tai ở vùng Duyên hải miền Trung.
Vùng biển rộng, bờ biển kéo dài là điều kiện thuận lợi để vùng Duyên hải miền Trung phát triển hoạt động đánh bắt và nuôi trồng hải sản, giao thông đường biển, du lịch biển, sản xuất muối,...
Các đồng bằng ven biển thích hợp trồng lúa và cây công nghiệp hàng năm (lạc, mía,...), vùng đồi núi phía tây phát triển trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm (cà phê, chè,...) và chăn nuôi gia súc.
Trong vùng có nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời.
Hình 4. Bờ biển đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam)
Hình 5. Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An)
Vào mùa mưa, vùng Duyên hải miền Trung có mưa lớn và bão, gây ra ngập lụt ở khu vực đồng bằng; lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi,... gây thiệt hại về người và tài sản.
Mùa khô, vùng có hiện tượng hạn hán, nhiều nơi thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Ngoài ra, khu vực ven biển còn có hiện tượng cát bay ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Để phòng, chống thiên tai trong vùng, cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp: đẩy mạnh việc trồng và bảo vệ rừng, dự báo thiên tai kịp thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi,...
Hình 6. Cánh đồng khô hạn do thiếu nước (tỉnh Ninh Thuận)
Hình 7. Trồng rừng chắn cát bay (tỉnh Quảng Bình)
LUYỆN TẬP
Chọn ý ở cột A sao cho phù hợp với ý ở cột B và ghi kết quả vào vở.
A | B |
1. Địa hình | a) Đường bờ biển dài và vùng biển rộng mang lại nhiều giá trị kinh tế. |
2. Khí hậu | b) Phía tây là vùng đồi núi; phía đông là dải đồng bằng nhỏ, hẹp bị chia cắt bởi các dãy núi lan ra sát biển. |
3. Sông ngòi | c) Có sự khác biệt giữa khu vực phía bắc và phía nam dãy Bạch Mã. |
4. Biển | d) Có khá nhiều sông ngòi, chủ yếu là sông nhỏ, ngắn và dốc. |
VẬN DỤNG
Hãy nêu những việc em có thể làm để chia sẻ khó khăn với các bạn ở vùng Duyên hải miền Trung khi có thiên tai xảy ra.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn