Bài 5: Giỏ Hoa Tháng Năm | Tiếng Việt 5 - Tập 2 | Tuần 21 - Lớp 5 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tiếng Việt 5 - Tập 2 - Bài 5


ĐỌC

Kể về kỉ niệm đáng nhớ của em với một người bạn.

GIỎ HOA THÁNG NĂM

hinh-anh-bai-5-gio-hoa-thang-nam-8018-0

Với bọn trẻ chúng tôi, ngày lễ Mừng xuân vào tháng Năm luôn đáng mong chờ, bởi đó là dịp chúng tôi được vui đùa thoả thích. Chúng tôi thường bí mật làm những giỏ hoa rực rỡ, đặt lên bậc thềm nhà người quen hoặc bạn bè, gõ cửa rồi ba chân bốn cẳng chạy trốn thật nhanh. Từ xa, chúng tôi hồi hộp theo dõi chủ nhà mở cửa, cầm món quà lên với vẻ ngạc nhiên, thích thú.

Tôi còn nhớ lễ Mừng xuân năm tôi học lớp Năm. Lúc đó, tôi đang giận Pam, cô bạn thân nhất của mình. Từ nhỏ Pam và tôi đã thân nhau như hình với bóng. Gần đây, một gia đình mới dọn đến thị trấn của chúng tôi và Pam đã kết thân với con gái của họ. Mặc dù chúng tôi vẫn chơi với nhau nhưng thời gian Pam dành cho tôi không còn nhiều như trước. Tôi cảm thấy như bị bỏ rơi. Giận Pam, tôi không chơi với bạn mấy ngày. Khi mẹ hỏi tôi có mang hoa cho Pam không, tôi trả lời: "Không bao giờ, mẹ ạ!". Mẹ dừng tay làm bếp, ôm tôi và an ủi. Cơn tủi thân bỗng dâng lên và tôi oà khóc nức nở. Mẹ dịu dàng vuốt tóc và lau nước mắt cho tôi. Mẹ bảo càng lớn, chúng tôi sẽ càng có nhiều bạn. Những người bạn không thể chỉ chơi với một mình tôi. Và ngay cả tôi cũng không thể chỉ chơi với một người bạn.

Cuối cùng, tôi cũng quyết định tặng Pam một giỏ hoa. Tôi chọn thật nhiều hoa màu vàng mà Pam yêu thích, rồi nhờ chị tôi đem đến nhà bạn. Từ chỗ nấp, tôi thấy Pam nâng giỏ hoa lên, dịu dàng áp mặt vào những bông hoa và nói to như để tôi nghe được: “Cảm ơn Xu-di, hi vọng cậu không còn giận mình!".

Lần ấy tôi học được rằng là bạn bè đích thực, ta sẽ đặt bạn trong tim nhưng không buộc họ luôn ở bên mình.

(Theo Minh Hương)

Từ ngữ

Lễ Mừng xuân: lễ truyền thống ở nhiều nước châu Âu và còn lưu giữ đến ngày nay, diễn ra vào tháng Năm – thời điểm muôn hoa đua nở.

1. Ngày lễ nào trong năm được các bạn nhỏ mong chờ? Việc làm nào trong ngày đó khiến các bạn thấy thú vị?

2. Bạn thân của Xu-di là ai? Vì sao Xu-di lại giận người bạn thân của mình?

3. Việc Xu-di vẫn quyết định tặng bạn giỏ hoa với nhiều bông màu vàng mà bạn yêu thích thể hiện điều gì?

4. Người bạn của Xu-di đón nhận giỏ hoa như thế nào? Theo em, Xu-di có cảm nghĩ gì trước cử chỉ, lời nói của bạn lúc nhận giỏ hoa?

5. Đoạn kết của câu chuyện muốn nói điều gì?

LUYỆN TỪ VÀ CÂU

CÁCH NỐI CÁC VẾ CÂU GHÉP (Tiếp theo)

1. Tìm cặp kết từ nối các vế câu trong mỗi câu ghép dưới đây:

a. Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm.

(Tô Hoài)

b. Mặc dù chúng tôi vẫn chơi với nhau nhưng thời gian Pam dành cho tôi không còn nhiều như trước.

(Theo Minh Hương)

c. Nếu hoa mua có màu tím hồng thì hoa sim tím nhạt, phơn phớt như má con gái.

(Băng Sơn)

2. Chọn cặp từ (đâu ... đó ...; chưa ... đã ...; bao nhiêu ... bấy nhiêu ...) thay cho bông hoa.

a. Ngày 🌸 tắt hẳn, trăng 🌸 lên rồi.

(Theo Thạch Lam)

b. Trăng đi đến 🌸, luỹ tre được tắm đẫm màu sữa đến 🌸.

(Theo Phan Sĩ Châu)

c. Nước dâng lên cao 🌸, Sơn Tinh lại làm cho đồi, núi mọc cao lên 🌸.

(Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh)

Ghi nhớ

Các vế của câu ghép có thể nối với nhau bằng các cặp từ:

- Các cặp kết từ: vì ... nên ..., bởi ... nên ..., nhờ ... nên (mà) ..., nếu ... thì ..., hễ ... thì ..., giá ... thì ..., tuy ... nhưng ..., mặc dù ... nhưng..., dù ... nhưng..., chẳng những ... mà ..., không chỉ ... mà ...,...

- Các cặp từ hô ứng: vừa ... đã ..., chưa ... đã ..., càng ... càng ..., đâu ... đó ..., bao nhiêu ... bấy nhiêu...,... 

3. Tìm vế câu thay cho bông hoa để tạo câu ghép.

a. Vào dịp lễ Mừng xuân, chẳng những trẻ em được vui đùa thoả thích mà 🌸.

b. Mặc dù thiên nhiên khắc nghiệt nhưng 🌸.

c. Nhờ bố kể những câu chuyện cổ tích mà 🌸.

4. Đặt câu ghép theo các yêu cầu sau:

a. Một câu ghép sử dụng một trong các cặp kết từ: vì ... nên ..., bởi ... nên ..., nhờ... nên (mà)...

b. Một câu ghép sử dụng một trong các cặp kết từ: nếu ... thì..., hễ ... thì ..., giá ... thì...

c. Một câu ghép sử dụng một trong các cặp từ hô ứng: vừa ...  đã ..., càng ... càng ...

VIẾT

VIẾT ĐOẠN VĂN TẢ NGƯỜI

1. Đọc các đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi.

a. Ông nội của Nhụ đã tám mươi tuổi, nhưng vóc người vẫn gọn và chắc, dáng đi dứt khoát như một ngọn sóng. Ông có nước da nâu sẫm, ghi dấu ấn của cả một đời chèo thuyền trên mặt biển. Mỗi khi kết thúc một câu nói, ông thường dùng tiếng "hầy”. Đó là tiếng hô chèo thuyền của người dân chài xưa lúc trời sắp có dông. Ông thường ra hiệu bằng mắt và bằng tay. Ở trên biển thì đó là một điều rất bình thường. Nhưng ở nhà, ông cũng “nói” theo cách đó. Dần dần, con cháu cũng quen.

(Theo Trần Nhuận Minh)

b. Mẹ dẫn tôi về thăm ngoại. Nghe tiếng tôi từ ngoài ngõ, ngoại lập cập chạy ra cửa, dang hai tay đón tôi ngả vào. Ngoại mừng vui đến nỗi không ngăn được những giọt nước mắt rơi trên đôi má nhăn nheo. Ngoại ôm chặt tôi vào lòng, rồi ngoại dẫn tôi ra sau vườn, cho tôi tự tay hái những trái bưởi, trái xoài vàng ươm trên những cành chỉ la đà ngang mắt tôi. Tôi biết là ngoại để dành những trái cây sà thấp xuống như thế cho tôi về hái.

(Theo Lê Văn Trường)

hinh-anh-bai-5-gio-hoa-thang-nam-8018-1

c. Chị Hà là một thành viên trong đoàn thanh niên của huyện đến giúp xã tôi chống úng ở cánh đồng chuẩn bị cấy giống lúa mới. Trông chị thật xinh tươi: nước da trắng, môi hồng, tóc mai dài vắt cong lên như một dấu hỏi lộn ngược. Trên má chị có vài nốt tàn nhang. Mỗi khi chị cười, nốt tàn nhang lặn đi trên gò má đỏ ửng. Chị cười nói nhiều, chắc tính chị vốn sôi nổi, cũng có thể là vì hào hứng với chuyến đi giúp bà con xã tôi nên chị vui như thế.

(Theo Bùi Hiển)

- Người được tả trong mỗi đoạn văn là ai?

- Những từ ngữ nào làm nổi bật đặc điểm ngoại hình hoặc hoạt động của người đó?

- Trong mỗi đoạn văn, chi tiết nào gây ấn tượng với em?

2. Dựa vào dàn ý trong hoạt động Viết ở Bài 4, viết đoạn văn tả một người thân trong gia đình em hoặc một người đã để lại cho em những ấn tượng tốt đẹp.

 

1. Làm một sản phẩm (viết thiệp, vẽ tranh,...) tặng người thân hoặc người bạn mà em yêu quý. Chia sẻ với người nhận điều em muốn thể hiện qua sản phẩm đó.

2. Tìm đọc bài thơ thể hiện vẻ đẹp cuộc sống (những việc làm thể hiện sự tận tâm với công việc; tình cảm yêu thương, sự quan tâm trong gia đình, cộng đồng;...).

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 5: Giỏ Hoa Tháng Năm | Tiếng Việt 5 - Tập 2 | Tuần 21 - Lớp 5 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.