Nội Dung Chính
ĐỌC
Những hình ảnh dưới đây gợi cho em suy nghĩ gì về trái đất của chúng ta?
BÀI CA TRÁI ĐẤT
Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến
Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển
Cùng bay nào, cho trái đất quay!
Cùng bay nào, cho trái đất quay!
Trái đất trẻ của bạn trẻ năm châu
Vàng, trắng, đen... dù da khác màu
Ta là nụ, là hoa của đất
Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc
Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm!
Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm!
Khói hình nấm là tai hoạ đấy
Bom H, bom A không phải bạn ta
Tiếng hát vui giữ bình yên trái đất
Tiếng cười ran cho trái đất không già
Hành tinh này là của chúng ta!
Hành tinh này là của chúng ta!
(Định Hải)
Từ ngữ
- Năm châu: châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương.
- Khói hình nấm: cột khói giống hình cây nấm khổng lồ, sinh ra sau vụ nổ bom H, bom A.
- Bom H: bom khinh khí, có sức sát thương và phá hoại lớn hơn bom nguyên tử.
- Bom A: tên gọi khác của bom nguyên tử.
1. Những hình ảnh ở khổ thơ đầu giúp chúng ta hình dung về một trái đất như thế nào?
2. Theo em, khổ thơ thứ hai ý nói gì? Em chọn ý nào dưới đây? Vì sao?
A. Trẻ em năm châu là tương lai của thế giới.
B. Trẻ em năm châu là những chủ nhân tương lai của thế giới.
C. Trẻ em trên toàn thế giới đều đáng yêu, đáng quý.
3. Trong bài thơ, những hình ảnh nào có ý nghĩa đối lập với hoà bình? Em có suy nghĩ gì về những hình ảnh ấy?
4. Theo em, hai dòng thơ “Tiếng hát vui giữ bình yên trái đất/ Tiếng cười ran cho trái đất không già" ý nói gì?
* Học thuộc lòng bài thơ.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
CÁCH VIẾT TÊN NGƯỜI VÀ TÊN ĐỊA LÍ NƯỚC NGOÀI
1. Tìm tên người và tên địa lí trong đoạn văn dưới đây và xếp vào nhóm thích hợp.
Hi-ma-lay-a là dãy núi trải dài qua 5 quốc gia: Ấn Độ, Bu-tan, Nê-pan, Pa-ki-xtan, Trung Quốc. Dãy núi này có ngọn Ê-vơ-rét cao nhất thế giới, cao hơn 8 848 mét. Năm 1953, Ét-mun Hi-la-ri (người Niu Di-lân) và Ten-ding No-gay (người Nê-pan) được công nhận là những người đầu tiên chạm tay vào giấc mơ chinh phục nóc nhà thế giới.
(Hoàng Hà Phương)
Tên người nước ngoài | Tên địa lí nước ngoài |
2. Từ kết quả ở bài tập 1, xếp tên người và tên địa lí nước ngoài vào 1 trong 2 nhóm dưới đây:
Nhóm 1 Có cách viết giống tên người và tên địa lí Việt Nam | Nhóm 2 Có cách viết khác tên người và tên địa lí Việt Nam |
3. Đọc các tên riêng nước ngoài trong nhóm 2 (bài tập 2) và trả lời các câu hỏi sau:
- Mỗi tên riêng gồm mấy bộ phận?
G: Chữ cái đầu của mỗi bộ phận được viết hoa.
- Mỗi bộ phận gồm mấy tiếng?
- Nếu một bộ phận gồm nhiều tiếng thì các tiếng được viết như thế nào?
Ghi nhớ
- Tên người, tên địa lí nước ngoài được viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên. Nếu bộ phận gồm nhiều tiếng thì cần có dấu gạch nối giữa các tiếng (ví dụ: Hi-ma-lay-a, Ét-mun Hi-la-ri, Niu Di-lân,...).
- Những tên riêng nước ngoài đọc theo âm Hán Việt thì được viết giống như cách viết tên riêng Việt Nam (ví dụ: Trung Quốc, Ấn Độ, Khổng Tử, Lỗ Tấn,...).
4. Viết lại vào vở cho đúng tên người, tên địa lí nước ngoài trong đoạn văn dưới đây:
Tháp épphen là một công trình kiến trúc bằng thép nổi tiếng nằm ở đại lộ anatôn phrăngxơ của thành phố pari, thủ đô nước pháp. Công trình này do kĩ sư guxtavo épphen cùng các đồng nghiệp xây dựng từ năm 1887 tới năm 1889.
5. Viết 3 – 5 câu giới thiệu về một nhà văn, một câu chuyện hoặc một bộ phim, trong đó có 1-2 tên riêng nước ngoài.
VIẾT
LUYỆN TẬP LẬP DÀN Ý CHO BÀI VĂN TẢ NGƯỜI
Đề bài: Viết bài văn tả thầy giáo (cô giáo) mà em yêu quý.
1. Chuẩn bị.
- Em có thể tả thầy giáo (cô giáo) đang dạy em hoặc thầy giáo (cô giáo) đã dạy em trong những năm học trước.
- Lựa chọn trình tự miêu tả.
- Ghi chép những đặc điểm về ngoại hình, hoạt động,... của thầy (cô) mà em có ấn tượng sâu sắc.
2. Lập dàn ý.
G:
Mở bài
Giới thiệu về thầy giáo (cô giáo) mà em yêu quý theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thân bài
- Xác định trình tự miêu tả.
- Nêu những đặc điểm chính của thầy giáo (cô giáo).
Ví dụ (tả lần lượt ngoại hình, hoạt động,...):
+ Những đặc điểm về ngoại hình của thầy giáo (cô giáo) mà em đã quan sát trong giờ học, giờ ra chơi,...
+ Những hoạt động (việc làm, cử chỉ, lời nói,...) thể hiện sự tận tâm dạy bảo, động viên, giúp đỡ học sinh của thầy (cô)
- 🌸
Kết bài
Nêu cảm nghĩ về thầy (cô) theo cách kết bài mở rộng hoặc không mở rộng.
3. Góp ý và chỉnh sửa dàn ý.
G:
- Dàn ý cần nêu được những nét riêng về ngoại hình, hoạt động,... của thầy giáo (cô giáo).
- Những việc làm, cử chỉ, lời nói,... của thầy giáo (cô giáo) được miêu tả gắn với tình huống cụ thể mà em nhớ nhất.
Tìm đọc sách báo viết về quyền và bổn phận của trẻ em hoặc những hoạt động của thiếu nhi quốc tế.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn