Nội Dung Chính
ĐỌC
Kể tên một số người có đóng góp lớn lao trong lao động và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
ANH HÙNG LAO ĐỘNG TRẦN ĐẠI NGHĨA
Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, quê ở tỉnh Vĩnh Long. Sau khi học xong bậc trung học ở Sài Gòn, năm 1935, ông được cấp học bổng sang Pháp học đại học. Ông đã theo học các ngành kĩ sư cầu cống, kĩ sư điện và kĩ sư hàng không. Ngoài ra, ông còn miệt mài nghiên cứu kĩ thuật chế tạo vũ khí.
Năm 1946, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phạm Quang Lễ đã rời bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở nước ngoài, theo Bác Hồ về nước. Ông được Bác đặt tên mới là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã cùng các đồng nghiệp chế tạo thành công những loại vũ khí có sức công phá lớn như súng ba-dô-ca, súng không giật, bom bay để tiêu diệt xe tăng và lô cốt của giặc. Bên cạnh những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp quốc phòng, Trần Đại Nghĩa còn có công lớn trong việc xây dựng nền khoa học trẻ tuổi của nước nhà.
Trần Đại Nghĩa
(1913-1997)
Những cống hiến của Giáo sư Trần Đại Nghĩa được đánh giá cao. Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1952, ông được tuyên dương Anh hùng Lao động. Ông còn được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý.
(Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam)
Từ ngữ
- Anh hùng Lao động: danh hiệu Nhà nước phong tặng cho đơn vị hoặc cá nhân có thành tích đặc biệt trong lao động.
- Sự nghiệp: công việc lớn, có ích lợi chung cho xã hội.
- Huân chương: vật làm bằng kim loại có cuống để đeo trước ngực, dùng làm dấu hiệu đặc biệt do nhà nước đặt ra để tặng thưởng những người có công lao, thành tích xuất sắc.
1. Dựa vào đoạn mở đầu của bài đọc, em hãy giới thiệu về Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa:
Tên khai sinh | Quê quán | Các ngành học | 🌸 |
2. Việc ông Phạm Quang Lễ quyết định về nước vào năm 1946 nói lên điều gì?
3. Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã có những đóng góp gì cho đất nước?
4. Nhà nước đã đánh giá công lao của Giáo sư Trần Đại Nghĩa như thế nào?
5. Nêu chủ đề của bài đọc.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
LUYỆN TẬP VỀ CÂU GHÉP
1. Tìm câu ghép trong mỗi đoạn văn dưới đây:
a. (1) Bắc Giang để lại cho tôi ấn tượng về cảnh sắc miền trung du đầy thú vị. (2) Những ngọn đồi thoai thoải, ngọn nọ gối lên ngọn kia. (3) Con đường mòn son đỏ quanh co, ẩn hiện trên triền đồi. (4) Những cây khế rừng lúc lỉu chùm quả chát chát chua chua, những cây mâm xôi chi chít quả đỏ chót, ngọt lịm.
(Theo Trần Hoài Dương)
b. (1) Trên đảo, mỗi ngày trẻ em đều nô nức tới trường. (2) Vùng đảo thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió có bao nhiêu điều đặc biệt thì các em cũng có bấy nhiêu trải nghiệm thú vị. (3) Sau những giờ học ở trường, các em cùng thầy giáo đi bơi, đi câu cá,... (4) Hễ trò gặp bài toán nào khó thì chúng lập tức chạy ngay qua nhà thầy. (5) Chúng thường được thầy giảng giải cho rất kĩ lưỡng. (6) Mỗi trường học trên đảo chỉ có hai thầy giáo và các thầy kiêm quản từ lớp Một đến lớp Năm.
(Bùi Tiểu Quyên)
2. Xếp các câu ghép tìm được ở bài tập 1 vào nhóm thích hợp.
Các vế câu ghép được nối trực tiếp với nhau | Các vế câu ghép được nối với nhau bằng kết từ | Các vế câu ghép được nối với nhau bằng cặp từ hô ứng |
3. Đặt 1 – 2 câu ghép nêu ý kiến của em về việc giữ gìn lớp học sạch, đẹp. Xác định các vế trong câu ghép em vừa đặt.
VIẾT
VIẾT ĐOẠN VĂN NÊU Ý KIẾN TÁN THÀNH MỘT SỰ VIỆC, HIỆN TƯỢNG
(Bài viết số 2)
Chọn 1 trong 2 để dưới đây:
Đề 1: Viết đoạn văn nêu ý kiến tán thành hoạt động ủng hộ, giúp đỡ các bạn học sinh vùng thiên tai.
Đề 2: Viết đoạn văn nêu ý kiến tán thành phong trào trồng và bảo vệ cây xanh.
1. Viết.
Lưu ý:
- Nêu rõ ý kiến tán thành.
- Trình bày được lí do vì sao tán thành.
- Chọn được dẫn chứng để tăng sức thuyết phục cho lí do mình đưa ra.
Một số từ ngữ giúp em thể hiện ý kiến tán thành: tán thành, ủng hộ quan điểm, hoàn toàn đồng ý, rất xác đáng, hoàn toàn đồng tình,...
2. Tự nhận xét bài làm của em theo yêu cầu dưới đây:
- Đoạn văn có sử dụng được từ ngữ thể hiện rõ ý kiến tán thành không?
- Lí do tán thành có sức thuyết phục không?
- Dẫn chứng có phù hợp với lí do không?
3. Viết lại những câu văn mà em muốn chỉnh sửa cho hay hơn.
4. Đổi bài cho bạn để học tập cách viết.
Tìm đọc bài ca dao hoặc bài thơ về quê hương, đất nước (ca ngợi những người có công xây dựng, bảo vệ đất nước hoặc bày tỏ tình yêu, niềm tự hào với vẻ đẹp của quê hương).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn