Nội Dung Chính
ĐỌC
Chơi trò chơi: Tiếp sức.
Kể tên những món ăn được làm từ lúa gạo.
HƯƠNG CỐM MÙA THU
Tháng Chín heo may về phố
Dắt theo hương cốm vào thu
Sớm nay xôn xao ô cửa
Gió thơm vừa ghé – ô kìa!
Gió kể: Ngày xưa hạt thóc
Trời đem gieo tặng nhà nông
Sớm khuya mồ hôi đổ xuống
Đợi mùa cây lúa trĩu bông!
Hạt lúa tròn căng hơi sữa
Thảo thơm dâng tặng cho đời
Tay mẹ, tay bà sàng sảy
Cốm mang hồn đất, hồn người.
Em thấy màu vàng của nắng
Em thấy màu xanh của trời
Em thấy màu nâu của đất
Ủ trong hạt cốm xanh ngời!
Tháng Chín bước chân ra phố
Tay lùa từng ngón gió thơm
Hồ Gươm chớp đôi mắt biếc
Nhắc mùa hương cốm vừa lên!
(Bảo Ngọc)
1. Tìm trong khổ thơ thứ nhất những chi tiết nói về khung cảnh thiên nhiên và cảm xúc của con người khi mùa cốm đến.
2. Dựa vào sơ đồ dưới đây, kể lại hành trình làm ra hạt cốm theo lời của gió.
3. Cách tả màu sắc của hạt cốm cho thấy bạn nhỏ cảm nhận thế nào về món quà kì diệu của mùa thu?
4. Chi tiết nào cho thấy cốm là thức quà đặc trưng của Hà Nội?
5. Em cảm nhận được điều gì về tình cảm của tác giả đối với hương cốm trong mùa thu Hà Nội?
* Học thuộc lòng bài thơ.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
LIÊN KẾT CÂU BẰNG TỪ NGỮ NỔI
1. Đọc đoạn văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.
Trên con đường từ nhà đến trường, tôi phải đi qua Hồ Gươm. Lúc có bạn thì chuyện trò tíu tít, có khi đuổi nhau suốt dọc đường. Nhưng khi đi một mình, tôi thích ôm cặp vào ngực, nhìn lên các vòm cây, vừa đi vừa lẩm nhẩm ôn bài. Vì thế, tôi thường là đứa phát hiện ra bông hoa đầu tiên nở trên cây gạo trước đền Ngọc Sơn. Rồi bông nọ gọi bông kia, bông nọ ganh bông kia, chỉ vài hôm sau, cây gạo đã như một cây đuốc lớn cháy rừng rực giữa trời.
(Theo Vân Long)
a. Nhận xét về vị trí của các từ ngữ in đậm trong câu.
b. Nêu tác dụng của những từ ngữ đó trong đoạn văn.
2. Chọn từ ngữ (cuối cùng, tiếp theo, sau đó, đầu tiên) thay cho bông hoa để tạo sự liên kết giữa các câu trong đoạn văn.
(1) Quy trình làm cốm gồm nhiều công đoạn. (2) 🌸, người ta gặt lúa non về để tuốt và lấy hạt. (3) 🌸, họ đãi lúa qua nước để loại bỏ các hạt lép. (4) 🌸, hạt lúa được rang và giã thành cốm. (5) 🌸, người ta sàng sảy cốm thật kĩ và để trong những chiếc thúng nhỏ lót lá sen.
(Theo Ngọc Hà)
Ghi nhớ
Các câu trong một đoạn văn có thể liên kết với nhau bằng một kết từ hoặc từ ngữ có tác dụng nối (gọi chung là từ ngữ nổi) như: rồi, nhưng, vì thế, thứ nhất, thứ hai, trái lại, ngoài ra, bên cạnh đó, đầu tiên, sau đó, tiếp theo, cuối cùng,... Từ ngữ nối thường đứng ở đầu câu.
3. Tìm các từ ngữ nối thay cho bông hoa để tạo sự liên kết giữa các câu.
a. Ở miền Bắc, Tết đến, hoa đào nở rộ. 🌸 ở miền Nam, khi Tết về, hoa mai khoe sắc.
b. Đến Huế, du khách thích được ngắm cảnh trên sông Hương 🌸, mọi người còn mong muốn được thưởng thức ẩm thực Huế.
c. Nhiều người thích cốm làng Vòng vì nhiều lí do. Thứ nhất, cốm ở đây rất ngon. 🌸, cốm còn là hình ảnh gợi liên tưởng đến mùa thu Hà Nội.
d. Đi du lịch ở miền Tây Nam Bộ, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị với nhiều hoạt động hấp dẫn như: chèo xuồng ba lá, đi cầu khỉ, thăm các chợ nổi. 🌸, du khách còn có thể thoả thích hái trái cây khi ghé thăm các miệt vườn.
4. Viết đoạn văn (3 – 5 câu) về một địa điểm du lịch hoặc khu di tích lịch sử mà em biết, trong đó có sử dụng từ ngữ nối để liên kết câu.
Đền Hùng (Phú Thọ)
Đà Lạt (Lâm Đồng)
VIẾT
VIẾT ĐOẠN VĂN THỂ HIỆN TÌNH CẢM, CẢM XÚC VỀ MỘT SỰ VIỆC
Chọn một trong những đề dưới đây:
Đề 1: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một lễ hội của quê hương.
Đề 2: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một buổi hoạt động ngoại khoá của trường hoặc lớp em.
Đề 3: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về hoạt động gói bánh chưng hoặc bánh tét ngày Tết.
1. Dựa vào các ý đã tìm được trong hoạt động Viết ở Bài 10, viết đoạn văn theo yêu cầu của đề bài.
Lưu ý
Nên dựa vào diễn biến của sự việc để thể hiện tình cảm, cảm xúc.
Cách thể hiện tình cảm, cảm xúc:
- Chọn chi tiết nổi bật của sự việc để thể hiện tình cảm, cảm xúc.
- Sử dụng từ ngữ, câu văn thể hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc.
- Kết hợp bộc lộ tình cảm, cảm xúc với kể, tả sự việc.
Đoạn văn cần tập trung thể hiện tình cảm, cảm xúc về sự việc, tránh lạc sang kể chuyện hoặc miêu tả.
2. Đọc soát và chỉnh sửa bài viết.
a. Tự nhận xét bài làm của em theo những yêu cầu dưới đây:
- Giới thiệu được sự việc và nêu ấn tượng chung về sự việc.
- Thể hiện được tình cảm, cảm xúc về khung cảnh, hoạt động, người tham gia,... sự việc.
- Sử dụng từ ngữ phong phú, câu văn đúng và hay.
b. Chỉnh sửa lỗi (nếu có).
Trao đổi với người thân về một hoạt động của lớp hoặc của trường đã để lại cho em nhiều cảm xúc.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn