YÊU CẦU CẦN ĐẠT
√ Nêu được một số quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội.
√ Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội.
√ Tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội do nhà trường, địa phương tổ chức.
√ Phê phán, đấu tranh với các tệ nạn xã hội; tuyên truyền, vận động mọi người tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội.
MỞ ĐẦUĐể ngăn chặn tệ nạn xã hội, nhà nước đã ban hành các quy định pháp luật và tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện nghiêm túc những quy định đó. Em hãy chia sẻ những hiểu biết của mình về pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội. Em hãy chia sẻ những hiểu biết của mình về pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội. |
KHÁM PHÁ
1. Quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi
Thông tin 1
Luật Phòng, chống ma túy 2011 Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm (trích) 2. Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. 4. Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật. 5. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy. |
Thông tin 2
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy (trích) 1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (trích) 1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. |
Trường hợp 1
Ông A mở cửa hàng bán cà phê nhưng lợi dụng để bán cả ma túy. Thấy C đang là học sinh trung học cơ sở lại ham chơi, hay bỏ học nên ông A đã dụ dỗ C sử dụng chất ma túy. Sau khi C nghiện, ông A đã ép buộc C phải đi vận chuyển ma túy về cho ông bán.
a) Từ thông tin 1, em hãy chỉ ra các hành vi vi phạm pháp luật của ông A, bạn C và giải thích vì sao?
b) Từ thông tin 2, theo em, hành vi của ông A sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
c) Theo em, pháp luật quy định như thế nào về phòng, chống tệ nạn ma tuý?
Thông tin 3
Pháp Luật phòng, chống mại dâm năm 2003 Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm (trích) 1. Mua dâm; 2. Bán dâm; 3. Chứa mại dâm; 4. Tổ chức hoạt động mại dâm; 5. Cưỡng bức bán dân; 6. Môi giới mại dâm; 7. Bảo kê mại dâm; 8. Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm. |
Trường hợp 2
Qua một thời gian quen nhau thân thiết trên mạng xã hội, anh T đã hẹn em H đi chơi và lừa bán H cho đường dây mua bán mại dâm của bà M.
a) Từ thông tin 3, em hãy liệt kê các hành vi vi phạm pháp luật của anh T và bà M ở trường hợp 2.
b) Em hãy chia sẻ những hiểu biết của mình về pháp luật phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Thông tin 4
Luật Trẻ em năm 2016 Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm (trích) 9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em. 10. Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. |
Trường hợp 3
Thấy Q có nhiều tiền tiêu vặt, anh B đã tìm cách rủ rê, lôi kéo Q chơi trò chơi điện tử. Lúc đầu, anh B cho Q chơi miễn phí, sau khi Q nghiện các trò chơi điện tử thì anh B bắt đầu thu tiền. Thậm chí, anh B còn giới thiệu cho Q chơi các trò chơi có nội dung bạo lực không phù hợp với lứa tuổi của Q.
a) Từ thông tin 4, em chỉ ra các hành vi vi pháp luật của anh B ở trường hợp 3.
b) Em hãy chia sẻ những hiểu biết của mình về pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội qua trường hợp 3.
• Để phòng, chống tệ nạn xã hội, pháp luật nước ta quy định:
- Nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Người nghiện ma túy bắt buộc phải đi cai nghiện.
- Cấm đánh bạc dưới bất cứ hình thức nào; nghiêm cấm tổ chức đánh bạc.
- Nghiêm cấm các hành vi mê tín dị đoan.
- Nghiêm cấm các hành vi mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, tổ chức các hoạt động mại dâm, mô giới mại dâm, cưỡng bức bán dâm và bảo kê mại dâm.
- Trẻ em không được uống rượu, hút thuốc, đánh bạc hay dùng các chất kích thích, Nghiêm cấm lôi kéo trẻ em đánh bạc, uống rượu, hút thuốc, dùng chất kích thích, dụ dỗ và dẫn dắt trẻ em bán dâm hoặc cho trẻ em sử dụng các văn hóa phẩm đồi trụy, đồ chơi hoặc trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em
• Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạ xã hội sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.
2. Công dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy
Đọc tình huống dưới đây và trả lời câu hỏi
X và M chơi thân với nhau. Gần nhà X có một địa điểm đánh bài ăn tiền, do tò mò, X đã rủ M đến chơi thử. Tuy nhiên, M từ chối và khuyên bạn: Cậu biết không, đánh bạn ăn tiền là vi phạm pháp luật đấy.
Em hãy phân tích thái độ và hành vi của M trong tình huống trên.
Em hãy đọc câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi
CHUYỆN CỦA P
Từ một học sinh chăm chỉ học tập, bị bạn bè rủ rê, P dùng thử ma tuý và trở thành con nghiện, phải đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma tuý của tỉnh A chứng kiến những giọt nước mắt buồn bã của mẹ khi đưa con đi cai nghiện, P đã quyết tâm phải cai nghiện thành công. Tại cơ sở cai nghiện, P đã phải chiến đấu với những con nghiện vật vã chết đi sống lại, nhưng nhờ ý chí quyết tâm và giúp đỡ của các bác sĩ, P đã cai nghiện được ma tuý.
Sau khi rời cơ sở cai nghiện, P bắt đầu làm lại cuộc đời bằng việc đăng kí học ngành Quản trị khách sạn và Tiếng Anh để phục vụ cho công việc. Ra trường, P đã được nhận vào làm tại một khách sạn 4 sao. Mẹ P vô cùng vui mừng, còn P thì cảm thấy hạnh phúc vì đã có một quyết định đúng đắn,
a) P đã làm gì để thay đổi cuộc đời của mình?
b) Từ bài học của P, theo em chúng ta cần làm gì để tránh mắc phải tệ nạn xã hội và đấu tranh chống lại các tệ nạn xã hội?
Trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tệ nạn xã hội:
- Thực hiện lối sống lành mạnh, an toàn và tuân thủ pháp luật.
- Tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội do trường, lớp và địa phương tổ chức.
- Đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với lứa tuổi.
LUYỆN TẬP
1. Hành vi nào dưới đây vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội? Vì sao?
A. Ông H nhận lời vận chuyển ma túy đến tỉnh khác cho ông B.
B. Bà K tổ chức dịch vụ bói toán tại nhà.
C. Anh M tố cáo hành vi tổ chức đánh bạc.
D. Cô X dụ dỗ H và P đi bán dâm.
E. Bạn N tuyên truyền cho mọi người xung quanh về hậu quả của ma túy.
G. Chị T đã tổ chức cho mọi người đánh bạc tại nhà.
2. Em sẽ ứng xử như thế nào trong các trường hợp sau?
a) Bạn mời hút heroin.
b) Bạn rủ chơi bài ăn tiền.
c) Người lạ rủ đi chơi.
d) Người khác nhờ mang hộ đồ mà không rõ là gì.
3. K đã từng bị nghiện và đi cai nghiện thành công. Một lần tham gia sinh nhật, K thấy các bạn có ý định thử hút ma túy. Từ những hậu quả mà bản thân trải qua, K đã khuyên ngăn các bạn là không nên thử.
Em hãy nhận xét thái độ và hành vi của K trong trường hợp trên.
4. Qua tìm hiểu, biết D (13 tuổi) là người hiếu thắng và đua đòi nên anh Y đã trực tiếp giới thiệu và cho D hút thử một loại thuốc lá điện tử. Khi thấy D bắt đầu nghiện, anh Y đề nghị D hãy giới thiệu sản phẩm đó đến bạn bè để bán hàng.
Theo em, hành vi của anh Y có vi phạm pháp luật không? Vì sao?
5. Trường của C tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho mọi người. Tuy nhiên, C lại cho rằng việc tuyên truyền phòng, chống ma tuý là trách nhiệm của người lớn, học sinh không cần tham gia.
a) Em có đồng tình với suy nghĩ của C không? Vì sao?
b) Nếu là bạn của C, em sẽ làm thế nào để giúp C hiểu được trách nhiệm của mình trong phòng, chống tệ nạn xã hội?
6. Em hãy chia sẻ các cách sống lành mạnh để phòng, tránh tệ nạn xã hội.
VẬN DỤNG
1. Em hãy vẽ tranh cổ động về phòng, chống tệ nạn xã hội và chia sẻ nội dung, ý nghĩa của bức tranh đó với thầy cô và bạn bè.
2. Em hãy cùng bạn xây dựng một kịch bản với nội dung thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội và đóng vai theo kịch bản đó.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn