Nội Dung Chính
I - SỰ BIẾN ĐỔI VỀ KINH TẾ, XÃ HỘI TÂY ÂU TRONG CÁC THẾ KỈ XV - XVII. CÁCH MẠNG HÀ LAN THẾ KỈ XVI
1. Một nền sản xuất mới ra đời
Vào thế kỉ XV, trên cơ sở nền sản xuất công trường thủ công, ở Tây Âu bắt đầu xuất hiện các xưởng dệt vải, luyện kim, nấu đường... có thuê mướn nhân công. Nhiều thành thị trở thành trung tâm sản xuất và buôn bán. Các ngân hàng được thành lập và ngày càng có vai trò to lớn.
Đó là nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với sự hình thành hai giai cấp mới: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
Trong nền sản xuất mới, giai cấp tư sản có thế lực về kinh tế, nhưng không có quyền lực chính trị, bị nhà nước phong kiến kìm hãm. Nhân dân lao động (chủ yếu là nông dân, thợ thủ công, công nhân) bị áp bức, bóc lột nặng nề.
Mâu thuẫn giữa chế độ phong kiến với giai cấp tư sản và các tầng lớp nhân dân ngày càng gay gắt; đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các cuộc đấu tranh.
- Hãy nêu những biểu hiện mới về kinh tế, xã hội ở Tây Âu trong các thế kỉ XV - XVII.
2. Cách mạng Hà Lan thế kỉ XVI
Vào đầu thế kỉ XVI, vùng đất Nê-đéc-lan (thuộc hai nước Hà Lan và Bỉ hiện nay) có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển nhất ở Tây Âu, song sự thống trị của Vương quốc Tây Ban Nha đã ngăn cản sự phát triển này. Nhân dân Nê-đéc-lan nhiều lần nổi dậy chống sự đô hộ của Vương quốc Tây Ban Nha, mạnh mẽ nhất là cuộc đấu tranh tháng 8 - 1566. Cuộc đấu tranh bị đàn áp đẫm máu. Đến năm 1581, các tỉnh miền Bắc Nê-đéc-lan thành lập nước cộng hoà với tên gọi chính thức là Các tỉnh liên hiệp (về sau gọi là Hà Lan). Cuộc chiến tranh còn tiếp diễn, mãi đến năm 1648 nền độc lập của Hà Lan mới được chính thức công nhận. Hà Lan được giải phóng, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản ở nước này phát triển.
Cách mạng Hà Lan thế kỉ XVI được xem là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới.
- Trình bày diễn biến và kết quả của Cách mạng Hà Lan.
II - CÁCH MẠNG TƯ SẢN ANH THẾ KỈ XVII
1. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Anh
Trong sự phát triển chung của châu Âu, quan hệ tư bản chủ nghĩa ở Anh lớn mạnh hơn cả, trước hết là ở miền Đông - Nam. Nhiều công trường thủ công: luyện kim, cơ khí, làm đồ sứ, dệt len dạ... ra đời, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Hà Lan, Pháp, Đức, I-ta-li-a...
Nhiều trung tâm lớn về công nghiệp, thương mại, tài chính được hình thành, tiêu biểu là Luân Đôn.
Những phát minh mới về kĩ thuật, các hình thức tổ chức lao động hợp lí làm cho năng suất lao động tăng nhanh.
Từ năm 1551 đến năm 1651, số lượng than được khai thác tăng 14 lần. Vào đầu thế kỉ XVII, ở Anh có 800 lò nấu sắt, mỗi tuần sản xuất 3 - 4 tấn. Một số xưởng dệt len dạ thuê hàng nghìn công nhân. Nhiều công ti thương mại hoạt động mạnh ở nhiều nước, nổi tiếng nhất là Công ti Đông Ấn Độ.
Số đông địa chủ là quý tộc vừa và nhỏ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản. Họ đuổi tá điền, rào đất, biến ruộng thành đồng cỏ, thuê nhân công nuôi cừu, lấy lông cừu cung cấp cho thị trường. Họ trở thành tầng lớp quý tộc mới, có thế lực lớn về kinh tế. Nông dân trở nên nghèo khổ, kéo ra thành thị làm thuê, hay di cư ra nước ngoài.
Sự thay đổi về kinh tế, những mâu thuẫn gay gắt giữa tư sản, quý tộc mới với chế độ quân chủ chuyên chế (bên cạnh mâu thuẫn cũ giữa nông dân với địa chủ, quý tộc) dẫn tới cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
- Trình bày sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Anh và những hệ quả của nó.
2. Tiến trình cách mạng
a) Giai đoạn 1 (1642 - 1648)
Năm 1640, Quốc hội (được thành lập từ thế kỉ XIII) - gồm phần lớn là quý tộc mới, được triệu tập. Các đại biểu đã tố cáo chính sách cai trị độc đoán của vua Sác-lơ I và đề ra một số yêu cầu: vua không được tự tiện đặt thuế mới, không được bắt người mà không đưa ra toà án xét xử.
Nhân dân ủng hộ Quốc hội, lên án nhà vua. Sác-lơ I chạy lên phía bắc Luân Đôn, chuẩn bị lực lượng chống lại Quốc hội và nhân dân.
Tháng 8 - 1642, cuộc nội chiến bùng nổ. Quân đội của Quốc hội, do Ô-li-vơ Crôm-oen (1599 - 1658) chỉ huy, đánh bại quân đội nhà vua. Giai đoạn 1 của cuộc nội chiến chấm dứt vào năm 1648.
b) Giai đoạn 2 (1649 - 1688)
Trước sức ép của quân đội và nhân dân, Crôm-oen đưa vua ra xét xử.
Ngày 30 - 1 - 1649, Sác-lơ I bị xử tử trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng. Nước Anh trở thành nước cộng hoà. Mọi quyền hành thuộc về quý tộc mới và tư sản. Nông dân, binh lính không được hưởng một chút quyền lợi gì. Vì vậy, họ tiếp tục nổi dậy đấu tranh. Crôm-oen thiết lập chế độ độc tài quân sự.
Sự bất mãn của quần chúng ngày càng tăng. Vì vậy, quý tộc mối và tư sản khôi phục lại chế độ quân chủ nhưng vẫn giữ những thành quả của cách mạng. Tháng 12 - 1688, Quốc hội tiến hành một cuộc đảo chính, phế truất vua Giêm II (lên ngôi năm 1685) và đưa Vin-hem O-ran-giơ (Quốc trưởng Hà Lan, con rể Giêm II) lên làm vua. Chế độ quân chủ lập hiến ra đời. Nhà vua không nắm thực quyền, mọi quyền lực quốc gia thuộc về tư sản và quý tộc mới.
- Trình bày những nét chính về cuộc nội chiến ở Anh.
- Vì sao chế độ cộng hoà ở Anh lại được thay bằng chế độ quân chủ lập hiến?
3. Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII
Cuộc Cách mạng tư sản Anh đã thành công, chủ yếu vì được quần chúng ủng hộ và tham gia đấu tranh. Cách mạng mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ hơn, đem lại thắng lợi cho giai cấp tư sản và quý tộc mới. Nhưng quyền lợi của nhân dân lao động lại không được đáp ứng.
Về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII, Các Mác viết: "Thắng lợi của giai cấp tư sản có nghĩa là thắng lợi của chế độ xã hội mới, thắng lợi của chế độ tư hữu tư bàn chủ nghĩa đối vói chế độ phong kiến".
- Em hiểu như thế nào về câu nói trên của Mác?
- Nêu kết quả của Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII.
III - CHIẾN TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP CỦA CÁC THUỘC ĐỊA ANH Ở BẮC MĨ
1. Tình hình các thuộc địa. Nguyên nhân của chiến tranh
Sau khi Cô-lôm-bô tìm ra châu Mĩ, nhiều nước châu Âu lần lượt chiếm và chia nhau châu lục mới này làm thuộc địa. Từ đầu thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XVIII, thực dân Anh đã thành lập 13 thuộc địa của mình ở Bắc Mĩ.
Đây là vùng đất phì nhiêu, giàu tài nguyên, quê hương lâu dài của người In-đi-an (thổ dân da đỏ). Trong hai thế kỉ XVII - XVIII, thực dân Anh đã tiêu diệt hoặc dồn người In-đi-an vào vùng đất phía tây xa xôi. Họ bắt người da đen ở châu Phi đưa sang làm nô lệ để khai khẩn đất hoang, lập đồn điền.
- Nêu một vài nét về sự xâm nhập và thành lập các thuộc địa của thực dân Anh ở Bắc Mĩ.
Kinh tế ở 13 thuộc địa này sớm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Thực dân Anh tìm mọi cách ngăn cản sự phát triển công, thương nghiệp của các thuộc địa ở Bắc Mĩ (cướp đoạt tài nguyên, thuế má nặng nề, độc quyền buôn bán trong và ngoài nước). Cư dân ở các thuộc địa Bắc Mĩ, gồm phần lớn là con cháu người Anh di cư sang, mâu thuẫn gay gắt với chính quốc. Các tầng lớp nhân dân thuộc địa, bao gồm tư sản, chủ đồn điền, công nhân, nô lệ đều đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Anh.
- Vì sao nhân dân các thuộc địa ở Bắc Mĩ đấu tranh chống thực dân Anh ?
2. Diễn biến cuộc chiến tranh
Tháng 12 - 1773, nhân dân cảng Bô-xtơn tấn công ba tàu chở chè của Anh và ném các thùng chè xuống biển để phản đối chế độ thuế của thực dân Anh ở các thuộc địa Bắc Mĩ.
Từ 5-9 đến 26 - 10 - 1774, đại biểu các thuộc địa Bắc Mĩ đã họp Hội nghị lục địa ở Phi-la-đen-phi-a, đòi vua Anh xoá bỏ các luật cấm vô lí. Nhà vua không chấp nhận.
Tháng 4 - 1775, chiến tranh bùng nổ giữa chính quốc và các thuộc địa Bắc Mĩ. Nghĩa quân do Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn chỉ huy.
G. Oa-sinh-tơn là một chủ nô giàu, có tài quân sụ và tổ chức, được cử làm Tổng chỉ huy nghĩa quân.
Ngày 4 - 7 - 1776, Tuyên ngôn Độc lập được công bố, xác định quyền của con người và quyền độc lập của các thuộc địa.
Tuyên ngôn đã khẳng định: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá ban cho họ những quyền không thể tước bỏ. Trong số những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
- Theo em, tính chất tiến bộ của "Tuyên ngôn Độc lập" của Mĩ thể hiện ở những điểm nào?
Chiến tranh vẫn tiếp diễn. Do số lượng ít, trang bị nghèo nàn nên lúc đầu quân khởi nghĩa đã thất bại ở một số nơi. Tuy nhiên, nghĩa quân vẫn giữ được lực lượng và đánh thắng các đợt tấn công lớn của quân Anh.
Ngày 17 - 10 - 1777, quân khởi nghĩa thắng một trận lớn ở Xa-ra-tô-ga.
5000 quân Anh bị bắt làm tù binh, viên tướng chỉ huy phải đầu hàng. Chiến thống của quân khởi nghĩa làm suy sụp tinh thần quân Anh, củng cố lòng tin vào thắng lợi của nhân dân các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ. Tiếp đó, nghĩa quân thắng nhiều trận khác, buộc Anh phải kí Hiệp ước Véc-xai 1783.
- Cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ diễn ra như thế nào?
3. Kết quả và ý nghĩa cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ
Theo Hiệp ước Véc-xai 1783, Anh thừa nhận nền độc lập của các thuộc địa Bắc Mĩ. Chiến tranh kết thúc thắng lợi với sự ra đời một quốc gia mới - Hợp chủng quốc Mĩ (viết tắt theo tiếng Anh là USA, thường gọi là nước Mĩ hay Hoa Kì).
Năm 1787, Hiến pháp được ban hành. Theo Hiến pháp, Mĩ là nước cộng hoà liên bang. Chính quyền trung ương được tăng cường, nhưng các bang được quyền tự trị rộng rãi. Tổng thống nắm quyền hành pháp. Quốc hội gồm hai viện - Thượng viện và Hạ viện, nắm quyền lập pháp. Quyền dân chủ bị hạn chế.
Chỉ những người da trắng có tài sản, đóng thuế theo quy định mới có quyền ứng cử, bầu cử. Phụ nữ không có quyền bâu cử. Những người nô lệ da đen và người In-đi-an không có quyền chính trị.
- Những điểm nào thể hiện sự hạn chế của Hiến pháp 1787 của Mĩ?
Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ đã giải phóng nhân dân Bắc Mĩ khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, làm cho nền kinh tế tư bản Mĩ phát triển. Do đó, cuộc chiến tranh giành độc lập này đồng thời cũng là một cuộc cách mạng tư sản, có ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh giành độc lập của nhiều nước vào cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX.
- Những kết quả lớn của Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ là gì?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Lập niên biểu về Cách mạng tư sản Anh và Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.
2. Nêu ý nghĩa lịch sử của các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn