Nội Dung Chính
I - SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC - KĨ THUẬT THẾ GIỚI NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX
Bước vào thế kỉ XX, trên đà tiến của cuộc cách mạng công nghiệp, nhân loại tiếp tục đạt được những thành tựu rực rỡ về khoa học - kĩ thuật.
Trong lĩnh vực Vật lí, sự ra đời của lí thuyết nguyên tử hiện đại, đặc biệt là lí thuyết tương đối của nhà bác học Đức An-be Anh-xtanh, đã mang lại một dấu ấn sâu sắc cho khoa học hiện đại khi xét lại các khái niệm vật lí về không gian và thời gian. Có thể nói, các phát minh lớn về Vật lí học của thế kỉ XX, từ năng lượng nguyên tử đến lade, bán dẫn... đều có liên quan đến lí thuyết này.
Trong các lĩnh vực khác như Hoá học, Sinh học, các khoa học về Trái Đất (Hải dương học, Khí tượng học...) đều đạt được những thành tựu to lớn.
- Hãy kể những phát minh khoa học trong nửa đầu thể kỉ XX mà em biết.
Nhiều phát minh khoa học cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX đã được đưa vào sử dụng như điện tín, điện thoại, rađa, hàng không, điện ảnh với phim có tiếng nói và phim màu...
Sự phát triển của khoa học - kĩ thuật đã mang lại cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp hơn cho con người. Nhưng mặt khác, chính những thành tựu khoa học cũng được sử dụng đề trở thành phương tiện chiến tranh gây thảm hoạ cho nhân loại qua hai cuộc chiến tranh thế giới.
- Nhà khoa học A. Nô-ben nói: "Tôi hi vọng rằng nhân loại sẽ rút ra được từ những phát minh khoa học nhiều điều tốt hơn là điều xấu”. Em hiểu như thế nào vé câu nói đó?
II - NỀN VĂN HOÁ XÔ VIẾT HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở đường cho việc xây dựng một nền văn hoá mới trên cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và kế thừa những tinh hoa của di sản văn hoá nhân loại. Đó là văn hoá Xô viết.
Thành tựu của công cuộc xây dựng nền văn hoá Xô viết được thể hiện trong việc xoá bỏ tình trạng mù chữ và nạn thất học, sáng tạo chữ viết cho các dân tộc trước đây chưa có chữ viết, phát triển hệ thống giáo dục quốc dân, đấu tranh chống các tàn dư tư tưởng của chế độ cũ, phát triển văn học, nghệ thuật...
Trước cách mạng, 3/4 dân số Nga mù chữ; trong ngôn ngữ của một số dân tộc không có động từ “học tập’’. Chỉ trong vòng 20 năm (1921 - 1940), khoảng 60 triệu người đã thoát nạn mù chữ. Đến cuối những năm 30, nạn mù chữ về căn bản được thanh toán, chế độ giáo dục phổ cập bắt buộc 7 năm được thực hiện. Ở các thành phố đã thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục đại học thu được nhiều thành tựu to lớn: đến năm 1932 đã đào tạo được 198 000 người có trình độ đại học và 319 000 ngưòi có trình độ cao đẳng.
Trong vòng chưa đầy 30 năm, nước Nga “đi giày cỏ” xưa kia đã trở thành một đất nước, trong đó đa số người dân có trình độ văn hoá cao, có một đội ngũ trí thức đông đảo, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Vì sao xoá nạn mù chữ được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong việc xây dựng một nền văn hoá mới ở Liên Xô?
Với những cơ sở nghiên cứu khoa học rộng lớn, được trang bị đầy đủ, đội ngũ các nhà khoa học Xô viết đã đạt được những thành tựu rực rỡ và chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao khoa học thế giới.
Cùng với sự phát triển của khoa học - kĩ thuật, nên văn hoá - nghệ thuật Xô viết có những cống hiến to lớn vào kho tàng văn hoá nhân loại.
Các ngành văn học, thi ca, sân khấu, điện ảnh, tạo hình đều đạt được những thành tựu to lớn. Tên tuổi các nhà văn và nghệ sĩ như M.Goóc-ki, M. Sô-lô-khốp, A. Tôn-xtôi, A. Sô-xta-cô-vích, X. Bôn-đa-chúc... đã nổi tiếng khắp thế giới. Về văn học, từ năm 1928 đến năm 1950, đã xuất bản 102 800 đầu sách văn học với tổng số 2,5 tỉ bản.
- Hãy kể tên những tác phẩm văn học Xô viết mà em biết.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Em biết gì về những tiến bộ của khoa học - kĩ thuật thế giới nửa đầu thế kỉ XX?
2. Hãy nêu những thành tựu của nền văn hoá Xô viết.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn