Nội Dung Chính
I - NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CHIẾN TRANH
Sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX đã làm thay đổi sâu sắc so sánh lực lượng giữa các nước đế quốc. Những cuộc chiến tranh đế quốc đầu tiên để tranh giành thuộc địa đã diễn ra.
Chiến tranh Mĩ - Tây Ban Nha (1898): Mĩ chiếm Cu-ba và Phi-líp-pin của Tây Ban Nha.
Chiến tranh Anh - Bô-a (1899 - 1902): Anh thôn tính hai nước của người Bô-ơ, sáp nhập vào Nam Phi.
Chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905).
Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa trở nên gay gắt, dẫn đến sự hình thành hai khối quân sự kình địch nhau: khối Liên minh gồm Đức, Áo-Hung, I-ta-li-a ra đời năm 1882 (1); khối Hiệp ước của ba nước Anh, Pháp, Nga hình thành năm 1907. Hai khối này đều ráo riết chạy đua vũ trang và tích cực chuẩn bị chiến tranh, mong muốn thanh toán địch thủ của mình để chia lại thuộc địa, làm bá chủ thế giói.
Từ năm 1912, tình hình ở bán đảo Ban-căng trở nên căng thẳng. Ngày 28 - 6 - 1914, Thái tử Áo - Hung bị một phần tử khủng bố ở Xéc-bi ám sát. Bọn quân phiệt Đức, Áo - Hung chớp lấy cơ hội này để gây chiến tranh.
- Vì sao các nước đế quốc ráo riết chuẩn bị Chiến tranh thế giới thứ nhất?
(1) Về sau, I-ta-li-a rút khỏi khối Liên minh, gia nhập khối Hiệp ước (1915).
II - NHỮNG DIỄN BIẾN CHÍNH CỦA CHIẾN SỰ
Ngày 28 - 7 - 1914, Áo - Hung tuyên chiến với Xéc-bi, là nước được khối Hiệp ước ủng hộ. Ngày 1 - 8, Đức tuyên chiến với Nga; ngày 3-8, tuyên chiến với Pháp. Ngày 4 - 8, Anh tuyên chiến vổi Đức. Chiến tranh bùng nổ và nhanh chóng trở thành chiến tranh thế giới.
1. Giai đoạn thứ nhất (1914 - 1916)
Quân Đức tập trung lực lượng ở mặt trận phía Tây nhằm đánh bại quân Pháp một cách chớp nhoáng. Pa-ri bị uy hiếp. Quân Pháp đang có nguy cơ bị tiêu diệt, song ở mặt trận phía Đông, quân Nga lại tấn công quân Đức, cứu nguy cho Pháp. Từ năm 1916, chiến tranh chuyển sang giai đoạn cầm cự ở cả hai phe.
Thời kì đầu, chiến tranh chỉ diễn ra giữa các khối nước châu Âu, sau đó lôi kéo nhiều nước ở các châu lục khác cùng tham gia. Nhiều loại vũ khí hiện đại được đưa vào sử dụng. Hàng chục triệu nhân dân lao động bị thương vong vì lợi ích của giai cấp thống trị.
- Nêu những nét chính về diễn biến chiến sự trong giai đoạn thứ nhất.
2. Giai đoạn thứ hai (1917 - 1918)
Từ mùa xuân năm 1917, chiến sự chủ yếu diễn ra ở mặt trận Tây Âu. Phe Hiệp ước phản công, phe Liên minh thất bại và đầu hàng.
Ngày 7 - 11 - 1917, Cách mạng tháng Mười thắng lợi ở Nga, Nhà nước Xô viết rút khỏi chiến tranh.
Tháng 7 - 1918, quân Anh, Pháp bắt đầu phân công và đến tháng 9 - 1918, quân Anh, Pháp, Mĩ tổng tấn công ở khắp các mặt trận. Các đồng minh của Đức lần lượt đầu hàng.
Ngày 9 - 11 - 1918, cách mạng bùng nổ ở Đức, lật đổ nền quân chủ và thành lập chế độ cộng hoà.
Ngày 11 - 11 - 1918, chính phủ mới ở Đức đầu hàng không diều kiện. Chiến tranh thế giới kết thúc với sụ thất bại hoàn toàn của phe Đức, Áo - Hung.
- Lập niên biểu về giai đoạn thứ hai của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.
- Sự chuyển biến chiến sự ở giai đoạn này diễn ra như thế nào?
III - KẾT CỤC CỦA CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT
Chiến tranh đã gây nhiều tai hoạ cho nhân loại: 10 triệu người chết, hơn 20 triệu người bị thương. Nhiều thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy bị phá huỷ. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh lên tới khoảng 85 tỉ đôla.
Chiến tranh kết thúc đem lại lợi ích cho các nước đế quốc thắng trận. Bản đồ thế giới được chia lại: Đức mất hết thuộc địa; Anh, Pháp, Mĩ mở rộng thêm thuộc địa của mình.
Trong quá trình chiến tranh, phong trào cách mạng thế giới vẫn không ngừng phát triển, nổi bật là thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga.
- Từ diễn biến và kết cục của Chiến tranh thế giới thứ nhất, em hãy nêu tính chất của nó.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Nguyên nhân nào dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất?
2. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã gây nên những hậu quả như thế nào?
3. Lập bảng niên biểu những sự kiện chính của Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn