Nội Dung Chính
I - PHONG TRÀO YÊU NƯỚC TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT
Sau khi phong trào Cần vương thất bại, nhiều cuộc đấu tranh yêu nước chống Pháp theo hướng mới lại tiếp tục nổ ra vào những năm đầu thế kỉ XX.
1. Phong trào Đông du (1905 - 1909)
Trong số những người yêu nước đón nhận con đường cứu nước dân chủ tư sản, có một số người muốn dựa vào Nhật Bản. Nhật Bản được xem là nước cùng màu da, cùng văn hoá Hán học, lại đi theo con đường tư bản châu Âu, đã giàu mạnh lên và đánh thắng đế quốc Nga (năm 1905) nên có thể nhờ cậy được.
Đầu năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật nhờ giúp khí giới, tiền bạc để đánh Pháp. Người Nhật chỉ hứa đào tạo cán bộ cho cuộc bạo động vũ trang sau này. Hội Duy tân phát động thành viên tham gia phong trào Đông du(1).
Lúc đầu, phong trào Đông du hoạt động thuận lợi; số học sinh sang Nhật có lúc lên tói 200 người. Đến tháng 9 - 1908, thực dân Pháp câu kết với Nhật và yêu cầu nhà cầm quyền nước này trục xuất những người yêu nước Việt Nam. Tháng 3 - 1909, Phan Bội Châu buộc phải rời Nhật Bản. Phong trào Đông du tan rã. Hội Duy tân ngừng hoạt động.
- Dựa vào đâu Hội Duy tân chủ trương bạo động vũ trang để giành độc lập? Em nghĩ gì về chủ trương này?
(1) Nhật Bản ở phía đông nước ta nên cuộc xuất dương sang học ở Nhật gọi là Đông du.
2. Đông Kinh nghĩa thục (1907)
Cùng thời với phong trào Đông du, ở Bắc Kì có một cuộc vận động cải cách văn hoá xã hội theo lối tư sản.
Tháng 3 - 1907, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành v.v... mở một trường học tại Hà Nội, lấy tên là Đông Kinh nghĩa thục(2).
Chương trình học gồm các bài về Địa lí, Lịch sử, Khoa học thường thức. Bên cạnh hình thức mở trường học, các nhà Nho tiến bộ còn tổ chức các buổi bình văn và xuất bản sách báo. Các hoạt động này nhằm bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, truyền bá nội dung học tập và nếp sống mới.
Lúc đầu, trường hoạt động chủ yếu ở nội thành Hà Nội, sau đó mở rộng ra ngoại thành và các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình... Số học sinh có lúc lên tới 1000 người.
Hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục khiến thực dân Pháp lo ngại. Tháng 11 - 1907, thực dân Pháp ra lệnh giải tán Đông Kinh nghĩa thục, tịch thu sách vở, tài liệu và đồ dùng của nhà trường. Lương Văn Can, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành v.v... bị bắt. Tuy chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng Đông Kinh nghĩa thục đã đạt được kết quả rất lớn, đặc biệt trong việc cổ động cách mạng, phát triển văn hoá, ngôn ngữ dân tộc.
- Đông Kinh nghĩa thục có những hoạt động nào?
- Đông Kinh nghĩa thục có ảnh hưởng gì đến phong trào yêu nước chống Pháp ở nước ta?
(2) Đông Kinh là tên cũ của Hà Nội, nghĩa thục là trường tư làm việc vì lợi ích chung.
3. Cuộc vận động Duy tân và phong trào chống thuế ở Trung Kì (1908)
Cũng trong những năm đầu thế kỉ XX, cuộc vận động Duy tân (theo cái mới) diễn ra sôi nổi tại Trung Kì. Lãnh đạo phong trào là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng v.v... Gần giống như phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Bắc Kì, hình thức hoạt động của phong trào Duy tân rất phong phú: mở trường, diễn thuyết về các đề tài sinh hoạt xã hội, tình hình thế giới, tuyên truyền đả phá các hủ tục phong kiến lạc hậu, đua nhau cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, đả kích quan lại xấu, cổ động việc mở mang công, thương nghiệp... Ảnh hưởng của phong trào rất mạnh. Đến năm 1908, dưới ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Duy tân, một phong trào chống đi phu, chống sưu thuế diễn ra rầm rộ ở Quảng Nam, sau đó là Quảng Ngãi, rồi lan ra một số tỉnh ở Trung Kì. Thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, bắt bớ, tù đày, tuyên án xử tử nhiều nhà yêu nước, trong đó có Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp...
II - PHONG TRÀO YÊU NƯỚC TRONG THỜI KÌ CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1914 - 1918)
1. Chính sách của thực dân Pháp ở Đông Dương trong thời chiến
Ngày 1 - 8 - 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Thực dân Pháp đẩy mạnh việc vơ vét sức người, sức của ở Đông Dương để phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc. Số lính thợ người Đông Dương cung cấp cho chiến tranh chiếm 1/4 tổng số lính thợ trong tất cả các thuộc địa của Pháp. Từ chỗ chuyên canh cây lúa, nay nông dân Việt Nam phải chuyển sang trồng các cây công nghiệp phục vụ chiến tranh, như thầu dầu, đậu, lạc, đặc biệt là cao su. Việc tăng cường bắt nông dân đi lính và thu hẹp diện tích trồng lúa đã làm cho sản xuất ở nông thôn giảm sút, đời sống nông dân càng thêm khốn khổ. Hàng vạn tấn kim loại quý hiếm ở Việt Nam bị thực dân Pháp khai thác. Chúng còn bắt nhân dân mua công trái để chi phí cho chiến tranh.
- Nêu những thay đổi trong các chính sách về kinh tế, xã hội của Pháp ở Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất. Vì sao có sự thay đổi đó?
2. Vụ mưu khởi nghĩa ở Huế (1916). Khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên (1917)
Nhân khi thực dân Pháp thực hiện chiến dịch bắt lính ráo riết để đưa sang chiến trường châu Âu, những người yêu nưóc tiến bộ của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, đã bí mật liên lạc với số binh lính bị tập trung tại thành phố Huế và mời vua Duy Tân (lên ngôi năm 1907) tham gia cuộc khởi nghĩa.
Kế hoạch khởi sự được dự kiến vào đêm mùng 3 rạng sáng 4 - 5 - 1916 tại Huế. Song việc chuẩn bị của những người lãnh đạo có nhiều sơ hở nên kế hoạch bị bại lộ. Các trại lính người Việt đều bị đóng cửa, khí giới bị tước. Thái Phiên, Trần Cao Vân bị bắt và sau đó bị kết án tử hình. Vua Duy Tân bị truất ngôi rồi đưa đi đày ở châu Phi.
Một cuộc khởi nghĩa khác của binh lính cũng nổ ra ở Thái Nguyên vào năm 1917. Nhờ hằng ngày tiếp xúc với tù chính trị, trong đó có Lương Ngọc Quyến(1), một số binh lính do Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) cầm đầu được giác ngộ và đã phối hợp với tù chính trị tiến hành khởi nghĩa.
Nghĩa quân đã giết chết viên Giám binh Pháp, phá nhà lao, thả tù chính trị, chiếm các công sở và làm chủ tỉnh lị Thái Nguyên trong một tuần lễ, nhưng lại không chiếm được trại lính Pháp. Do vậy, khi viện binh Pháp kéo đến, chúng tập trung từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra làm cho nghĩa quân phải rút ra khỏi tỉnh lị. Lương Ngọc Quyến đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu.
Cuộc chiến đấu kéo dài gần 5 tháng ở rừng núi vô cùng gian khổ. Bị thương, Đội Cấn đã tự sát, nêu cao ý chí bất khuất của người chỉ huy và của các nghĩa quân anh hùng.
Ngoài ra, trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng nổ ra cuộc đấu tranh chống Pháp của đồng bào các dân tộc, chủ yếu ở Tây Nguyên, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của đồng bào Mơ-nông do Nơ-trang Lơng (N’Trang Lơng) chỉ huy.
- Trình bày những nét lớn về hai cuộc khởi nghĩa của binh lính ở Huế và Thái Nguyên.
- Hai cuộc khởi nghĩa này có những đặc điểm gì về lực lượng tham gia và phương pháp tiến hành?
(1) Lương Ngọc Quyến là con trai Lương Văn Can - Hiệu trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục.
3. Những hoạt động của Nguyến Tất Thành sau khi ra đi tìm đường cứu nước
Nguyễn Tất Thành(1) sinh ngày 19 - 5 - 1890, trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà bị mất vào tay thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào cách mạng nổ ra liên tục, song không đi đến thắng lợi. Tuy khâm phục Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, nhưng Nguyễn Tất Thành không tán thành đường lối hoạt động của họ nên quyết định tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc.
Giữa năm 1911, tại cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành xuống làm phụ bếp cho tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin - một tàu buôn của Pháp, để có cơ hội tới các nước phương Tây xem họ làm thế nào, rồi sẽ về giúp đồng bào cứu nước. Cuộc hành trình của Người kéo dài 6 năm, qua nhiều nước ở châu Phi, châu Mĩ, châu Âu.
Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, ở đây, Người đã làm rất nhiều nghề, học tập, rèn luyện trong quần chúng lao động và giai cấp công nhân Pháp. Hoạt động trong Hội những người Việt Nam yêu nước, Người hăng hái học tập, tham gia những buổi diễn thuyết ngoài trời của các nhà chính trị, triết học, tham gia đấu tranh đòi cho binh lính và thợ thuyền Việt Nam sớm được hồi hương. Sống và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, tư tưởng của Nguyễn Tất Thành dần có những biến chuyển.
Những hoạt động yêu nước của Người tuy mới chỉ bước đầu, nhưng là điều kiện quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng cho dân tộc Việt Nam.
- Vì sao Nguyễn Tất Thành lại ra đi tìm đường cứu nước mới?
- Hướng đi của Người có gì mới so với những nhà yêu nước chống Pháp trước đó?
(1) Sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Lập bảng thống kê các phong trào yêu nước chủ yếu đầu thế kỉ XX theo mẫu sau:
Phong trào | Mục đích | Hình thức và nội dung hoạt động chủ yếu |
2. Nêu một số điểm giống và khác nhau giữa các phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX với phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX về mục đích, lực lượng tham gia, hình thức đấu tranh.
3. Trình bày đặc điểm nổi bật của phong trào yêu nước trong những năm 1914 - 1918.
4. Sưu tầm các tài liệu (bài viết, tranh ảnh...) về cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn