Nội Dung Chính
I - CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP
1. Cách mạng công nghiệp ở Anh
Từ những năm 60 của thế kỉ XVIII, máy móc được phát minh và sử dụng trong sản xuất đầu tiên ở Anh, trước hết ở ngành dệt, với sự ra đời của máy kéo sợi Gien-ni.
Thời bấy giờ, hàng dệt của Anh bán chạy làm cho nghề dệt rất phát đạt, mặc dù có sự mất cân đối giữa khâu kéo sợi và dệt vài - cứ 10 người kéo sợi mới đủ sại cho một thợ dệt. Để khác phục tình trạng "đói sợi”, năm 1764 Giêm Ha-gri-va sáng chế ra máy kéo sợi và lấy tên con gái mình đặt cho máy, gọi là máy Gien-ni. Máy xe được 16 sợi bông một lúc, năng suất tâng 8 lần.
- Quan sát hình 12 và 13, em hãy cho biết việc kéo sợi đã thay đổi như thế nào?
- Theo em, điều gì xảy ra trong ngành dệt của nước Anh khi máy kéo sợi Gien-ni được sử dụng rộng rãi?
Năm 1769, Ác-crai-tơ phát minh ra máy kéo sợi chạy bằng sức nước. Năm 1785, Ét-mơn Các-rai chế tạo ra máy dệt đầu tiên ở Anh, làm cho năng suất dệt tăng gần 40 lần so với dệt bằng tay. Về sau, máy dệt cũng chạy bằng sức nước.
Do máy dệt chạy bằng sức nước nên các nhà máy phải đặt gần những khúc sông chảy xiết, về mùa đông, máy phải ngừng hoạt động vì nước đóng băng.
Năm 1784, Giêm Oát hoàn thành việc phát minh ra máy hơi nước. Từ đó, các nhà máy có thể xây dựng ở bất cứ nơi nào thuận tiện.
Lúc đầu máy móc mới được sử dụng trong ngành dệt vải, về sau được đưa dần vào các ngành kinh tế khác. Nhu cầu vận chuyên nguyên vật liệu đến nhà máy và đưa hàng hoá đi các nơi ngày một tăng. Từ đó, máy móc được sử dụng trong giao thông vận tải. Đầu thế kỉ XIX, tàu thuỷ chạy bằng máy hơi nước thay thế dần thuyền buồm; xe lửa và đường sắt bắt đầu phục vụ đời sống xã hội.
Năm 1825, đoạn đường sắt đầu tiên ở nước Anh được khánh thành. Năm 1830, cả nước Anh chỉ có 108 km đường sắt, đến năm 1850 - tăng lên 10 000km.
Máy móc và đường sắt phát triển đòi hỏi công nghiệp nặng phát triển. Năm 1850, Anh sản xuất được một nửa số gang, thép và than dá của thế giới.
- Vì sao vào giữa thế kỉ XIX, Anh đẩy mạnh sản xuất gang, thép và than đá?
Như vậy, từ năm 1760 đến năm 1840, ở Anh diễn ra quá trình chuyển biến từ sản xuất nhỏ thủ công sang sản xuất lớn hằng máy móc. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp hay công nghiệp hoá việc sản xuất. Cách mạng công nghiệp đã làm cho sản xuất phát triển nhanh chóng, của cải ngày càng dồi dào. Công nghiệp hoá diễn ra đầu tiên ở Anh, sớm hơn các nước khác khoảng 60 đến 100 năm và trở nên phổ biến ở các nước tư bản chủ nghĩa. Anh từ một nước nông nghiệp trở thành nước công nghiệp phát triển nhất thế giới. Thời bấy giờ, nước Anh được gọi là “công xưởng của thế giới”.
- Nêu kết quả của cách mạng công nghiệp ở Anh.
2. Cách mạng công nghiệp ở Pháp, Đức
Ở Pháp, cách mạng công nghiệp bắt đầu từ năm 1830. Trong 20 năm (1830 - 1850), các ngành sản xuất của Pháp tăng lên nhiều.
Sản lượng gang, sắt tăng 3 lần, độ dài đường sắt tăng 100 lần (từ 30 km lên đến 3000 km). Giữa thế kỉ XIX, Pháp có trên 5000 máy hơi nước, đến năm 1870 - khoảng 27 000 chiếc.
Nước Pháp hoàn thành cách mạng công nghiệp, kinh tế phát triển, đứng thứ hai sau Anh, hơn hẳn các nước khác trên lục địa châu Âu.
Ở Đức, tuy đất nước chưa thống nhất nhưng cách mạng công nghiệp vẫn diễn ra vào những năm 40 của thế kỉ XIX. Trong những năm 1850 - 1860, kinh tế phát triển với tốc độ nhanh và đạt được nhiều kết quả.
Sản lượng than, sắt, thép và độ dài đường sắt tăng từ 2 đến 3 lần, số máy hơi nước tăng 6 lần. Nhờ tiếp thu những thành tựu khoa học - kĩ thuật mới, công nghiệp hoá chất, công nghiệp luyện kim phát triển và có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Đức.
Máy móc cũng được sử dụng trong nông nghiệp. Trên đồng ruộng của các nước tiến hành cách mạng công nghiệp đã xuất hiện máy cày, máy bừa, máy gặt đập. Đồng thời, phân bón hoá học được sử dụng rộng rãi, làm tăng năng suất cây trồng.
- Sự phát triển của cách mạng công nghiệp ở Pháp, Đức được thể hiện ở những mặt nào?
3. Hệ quả của cách mạng công nghiệp
Cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt của các nưốc tư bản : nhờ phát minh máy móc, nhiều khu công nghiệp lốn, nhiều thành phô mọc lên, thu hút dòng người từ nông thôn đến tìm việc làm.
- Quan sát hai lược đồ trên, em hãy nêu những biến đối ở nước Anh sau khi hoàn thành cách mạng công nghiệp.
Về mặt xã hội, hệ quả quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp là hình thành hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản : giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
Do nắm được kinh tế, giai cấp tư sản thống trị xã hội. Giai cấp vô sản là những người lao động làm thuê, bị áp bức, bóc lột. Ngay từ đầu họ đã đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản với các hình thức: đập phá máy móc, nêu yêu cầu về quyền lợi, khởi nghĩa vũ trang.
II - CHỦ NGHĨA TƯ BẢN XÁC LẬP TRÊN PHẠM VI THẾ GIỚI
1. Các cuộc cách mạng tư sản thế kỉ XIX
Sang thế kỉ XIX, do sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư bản chủ nghĩa, phong trào dân tộc dân chủ ở các nước châu Âu và châu Mĩ ngày càng dâng cao, tấn công mạnh mẽ vào thành trì của chế độ phong kiến.
Do tác động của Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mĩ và Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, nhân lúc thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang suy yếu, các thuộc địa của hai nước này ở khu vực Mĩ La-tinh đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập, dẫn đến sự ra đời của một loạt quốc gia tư sản mới.
- Quan sát lược đồ, lập bảng thống kê các quốc gia từ sản ở khu vực Mĩ La-tinh theo thứ tự niên đại thành lập.
Ở châu Âu, tháng 7 - 1830 phong trào cách mạng tư sản lại nổ ra ở Pháp, lật đổ nền thống trị của triều đại Buốc-bông (từng bị lật đổ trong cách mạng 1789, được phục hồi từ năm 1815). Sau đó, cách mạng lan nhanh sang các nước Bỉ, Đức, I-ta-li-a, Ba Lan, Hi Lạp ...
Trong những năm 1848 - 1849, cách mạng tư sản diễn ra sôi nổi ở nhiều nước châu Âu. Những cuộc cách mạng này đã củng cố sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ở Pháp, làm rung chuyển chế độ phong kiến ở Đức, I-ta-li-a và đế quốc Áo - Hung.
Ở Đức, l-td-li-a, nhiệm vụ của cách mạng là thống nhất đất nước, mở đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Các dân tộc trong đế quốc Áo - Hung như Hung-ga-ri, Séc, Slô-va-ki-a, Ru-ma-ni, Ba Lan, các dân tộc trên bán đảo Ban-căng,... đấu tranh đòi giải quyết vấn đề dân tộc, thành lập các quốc gia độc lập.
Mười năm sau cách mạng 1848 - 1849, cơn bão táp cách mạng mới lại bùng lên ở châu Âu.
Từ năm 1859 đến năm 1870, dưới sự lãnh đạo của tư sản mà đại diện là Ca-vua - một quý tộc tư sản hoá; 7 quốc gia ở bán đảo I-ta-li-a đã thống nhất thành Vương quốc I-ta-li-a. Trong sự nghiệp thống nhất này, quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ga-ri-ban-đi, đã đóng vai trò quan trọng.
Cùng thời gian đó, từ năm 1864 đến đầu năm 1871, nước Đức được thống nhất từ 38 quốc gia lớn nhỏ bằng các cuộc chiến tranh chinh phục dưới sự lãnh đạo của quý tộc quân phiệt Phổ, đứng đầu là Thủ tướng Bi-xmác.
Ở Nga, dưới áp lực các cuộc bạo động của nông nô, diễn ra dồn dập trong những năm 1858 - 1860, tháng 2 - 1861 Nga hoàng ban bố “Sắc lệnh giải phóng nông nô”. Cuộc cải cách có tính chất tư sản này, dù rất hạn chế, đã mở đường cho nước Nga chuyển nhanh sang chủ nghĩa tư bản.
- Lập niên biểu các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu trong những năm 60 của thế kỉ XIX. Những cuộc cách mạng tư sản này đưa đến những kết qua gì?
2. Sự xâm lược của tư bản phương Tây đối với các nước Á, Phi
Trong thời kì cách mạng công nghiệp, kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Anh và Pháp phát triển nhanh chóng làm tăng nhu cầu tranh giành, thị trường, đẩy mạnh việc xâm lược các nước ở phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Ấn Độ từ lâu là nơi tranh chấp giữa Anh và Pháp. Cuối thế kỉ XVIII, Pháp phải để cho Anh độc chiếm Ấn Độ.
Năm 1840, Anh gây ra cuộc Chiến tranh thuốc phiện với triều đình Mãn Thanh, mở đầu sự xâm chiếm Trung Quốc. Sau đó, các nước khác như Mĩ, Pháp, Đức... đua nhau xâu xé Trung Quốc, biến Trung Quốc thành nước nửa thuộc địa. Đông Nam Á nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp giáp với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có một vị trí chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên, nên sớm bị tư bản phương Tây nhòm ngó. Phi-líp-pin đã là thuộc địa của Tây Ban Nha từ thế kỉ XVI. Quần đảo In-đô-nê-xi-a bị Hà Lan xâm lược từ thế kỉ XVI - XVII. Năm 1824, Anh bắt đầu xâm lược Miến Điện (1); đến cuối thế kỉ XIX, hoàn thành công cuộc chinh phục nước này. Mã Lai (2) cùng rơi vào tay Anh. Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào lần lượt bị Pháp đô hộ. Xiêm (3) trở thành nơi tranh chấp thế lực giữa các nước Anh và Pháp.
Châu Phi vào nửa đầu thế kỉ XIX còn là một lục địa bí hiểm đối với các nước tư bản phương Tây. Các nước này mới đặt được một số căn cứ thương mại ở ven biển. Riêng Anh có thuộc địa Kếp ở Nam Phi, Pháp có thuộc địa An-giê-ri ở Bắc Phi. Đến nửa sau thế kỉ XIX, thực dân phương Tây mới tìm cách đi sâu vào đất liền.
"Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ khắp nơi. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư bản, nếu không sẻ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình ảnh của nó".
(Mác, Ăng-ghen - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản)
Kết quả là, hầu hết các nước châu Á, châu Phi lần lượt trở thành thuộc địa hoặc phụ thuộc của thực dân phương Tây.
- Vì sao các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh việc xâm chiếm thuộc địa?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Những sự kiện nào chứng tỏ đến giữa thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đã thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới?
2. Dùng lược đồ thế giới, đánh dấu các nước ở châu Á, châu Phi đã trở thành thuộc địa (của nước thực dân nào?).
-----------------------
(1) Nay là Mi-an-ma.
(2) Nay là Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po.
(3) Nay là Thái Lan.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn