BÀI 2: Viết | Ngữ Văn 9 - Tập 1 | Bài 1: Thế giới kì ảo - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

BÀI 2: Viết


(Trang 27)

Viết

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên)

Con người vốn không thể tách rời tự nhiên. Chất lượng cuộc sống của con người phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lí mối quan hệ đó. Tuy nhiên, nhiều người vẫn rất mơ hồ về vấn đề này, dẫn đến những hành vi gây tổn hại cho môi trường tự nhiên, để lại hậu quả đáng tiếc. Trong phần Viết của bài học này, em hãy tập trung bàn luận về mối quan hệ qua lại giữa con người với tự nhiên, nhằm giúp người đọc nhận thức thấu đáo hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề, từ đó xác lập thái độ đúng đắn và biết hành động theo hướng tích cực.

(1) Năm năm dâng nước lên bể: hằng năm dâng nước biển.

(Trang 28)

Yêu cầu: 

  • Nêu được vấn đề thể hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên để bàn luận.
  • Trình bày được mối quan hệ hai chiều giữa con người với tự nhiên (trong phạm vi vấn đề nghị luận), triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ, sử dụng lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực và tiêu biểu.
  • Nêu được quan điểm trái chiều về vấn đề hoặc khía cạnh nào đó của vấn đề và phản bác một cách có cơ sở.
  • Để xuất được giải pháp khả thi để giải quyết những bất ổn trong ứng xử của con người với tự nhiên.

Phân tích bài viết tham khảo

Con người đã làm gì với tự nhiên?

hinh-anh-bai-2-viet-5629-0

“Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi.” - đó là lời khẳng định của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn (Seattle) khi ông thay mặt cộng đồng mình bày tỏ thái độ đối với đất đai của tổ tiên và thế giới tự nhiên trước khi những thứ đó rơi vào tay người da trắng. Xét về ý nghĩa, những lời trên đây của Xi-át-tơn đã chạm tới một vấn đề vô cùng hệ trọng, không chỉ với riêng cộng đồng người da đỏ, mà còn với nhân loại nói chung: mối quan hệ mật thiết giữa con người với tự nhiên.

hinh-anh-bai-2-viet-5629-1

Quả vậy, giữa con người với tự nhiên có mối quan hệ phong phú, đa chiều. Đó là vấn đề muôn thuở. Tuy nhiên không phải bao giờ con người cũng nhận thức được một cách sâu sắc, thấu đáo để biết ứng xử đúng đắn với tự nhiên.

hinh-anh-bai-2-viet-5629-2

Trước hết phải hiểu rằng, về bản chất, con người mang tính tự nhiên và là một phần của tự nhiên. Thể xác của chúng ta là hiện thân của tự nhiên vì nó tuân thủ các quy luật như bất kì hiện tượng tự nhiên nào khác. Để duy trì sự sống, con người cần hít thở không khí, cần ăn uống cũng như trao đổi chất với môi trường. Khi ốm đau, bệnh tật, con người cần được chữa trị để trở lại trạng thái bình ổn tự nhiên. Nhờ những khám phá của sinh học, y học, chúng ta nhận biết rằng thân thể con người là một công trình kì diệu của tự nhiên. Việc hiểu biết bản chất tự nhiên của con người giúp ta có thái độ đúng đắn, biết tự trang bị những tri thức cơ bản để sống phù hợp với quy luật.

(Trang 29)

hinh-anh-bai-2-viet-5629-3

Tự nhiên còn là cả một thế giới bao quanh con người. Cỏ cây, hoa lá, chim muông, sông suối, núi rừng, mây gió, trăng sao, vũ trụ,... tất cả đều thuộc giới tự nhiên. Cái mát mẻ của tiết thu, cái lạnh giá của mùa đông, cái nóng nực của ngày hè; những nắng mưa, sấm chớp, bão tố, lụt lội, sóng thần, động đất,... đều là những hiện tượng tự nhiên. Hiểu như vậy mới thấy, cuộc sống của con người phụ thuộc vào tự nhiên đến mức nào. Tự nhiên cung cấp lương thực, thực phẩm; tự nhiên dạy cho con người biết sáng tạo trong lao động để làm ra những sản vật thiết yếu cho cuộc sống.

hinh-anh-bai-2-viet-5629-4

Không chỉ là nguồn sống về thể chất, tự nhiên còn là nguồn sống của tâm hồn con người, thông qua con đường sáng tạo nghệ thuật. So với muôn loài, sự kì diệu của con người thể hiện ở đời sống tâm hồn. Chỉ con người mới có nhu cầu sáng tạo nghệ thuật để tâm hồn được sống đủ đầy. Mọi hoạt động sáng tạo từ xưa đến nay đều không hề xa rời tự nhiên. Thanh âm của thế giới xung quanh gợi cho người nhạc sĩ những giai điệu lạ lùng; sắc điệu xanh tinh tế của bầu trời, dòng sông, cây cối,... đánh thức ở người hoạ sĩ cảm quan bén nhạy về sắc màu; vạn vật biến ảo theo mùa tác động đến cảm xúc con người luôn vẫy gọi ngòi bút các nhà thơ,... Biết bao tác phẩm văn học, hội hoạ, âm nhạc, điện ảnh,... hấp dẫn bởi đã tái hiện một cách linh diệu vẻ đẹp của các đối tượng trong tự nhiên. Nhà văn Nga Mi-khai-in Pri-sơ-vin (Mikhail Prishvin) tâm sự: “Tôi đã tìm thấy thú vui lúc rảnh rang của mình như thế: tìm kiếm và khám phá trong tự nhiên những nét đẹp của tâm hồn con người” (Đôi mắt của Mẹ Đất). Thử hình dung, nếu loại bỏ tất cả những gì liên quan đến tự nhiên trong các tác phẩm nghệ thuật thì sự thể sẽ ra sao? Chắc chắn kho tàng nghệ thuật của nhân loại sẽ trống đi một mảng vô cùng lớn, không gì có thể bù đắp được.

hinh-anh-bai-2-viet-5629-5

Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng tự nhiên đã phải chịu sự đối sử hết sức tệ bạc của con người. Bao nhiêu sông suối đục ngầu vì chất thải từ các nhà máy. Biển cả ngập ngụa rác rưởi đến mức có những con cá voi khổng lồ chết vì hàng chục ki-lô-gam nhựa trong dạ dày. Khói bụi đầu độc bầu khí quyển bao quanh hành tinh xanh. Đất đai thẩm nhiễm bao nhiêu thứ hoá chất độc hại. Những cánh rừng tự nhiên bị đốn chặt bừa bãi, khiến nhiều vùng đất biến thành sa mạc. Tài nguyên dưới lòng đất bị khai thác đến cạn kiệt... Sự can thiệp thô bạo của con người làm mất cân bằng sinh thái theo chiều hướng đáng sợ như vậy từng được gọi là “chinh phục tự nhiên”. Thái độ ấy ngạo mạn biết bao!

(Trang 30)

hinh-anh-bai-2-viet-5629-6

Con người đã phải trả giá đắt vì sự thiếu sáng suốt đó. Hiện tượng thời tiết bất thường diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trái Đất đang nóng lên, băng ở hai cực tan nhanh khiến nhiều vùng đất màu mỡ sẽ bị nước biển nhấn chìm. Nhiều loài sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tầng ô-dôn bị thủng, đe doạ sức khoẻ của con người... “Hiểm hoạ sinh thái” – lời cảnh báo đáng sợ đó đã vang lên ở nhiều diễn đàn quốc tế, buộc những người có trọng trách phải tìm cách cứu hành tinh xanh. Điều đó đang thu hút nỗ lực của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia có trách nhiệm, nhiều nhà khoa học có lương tri, những phong trào xã hội tiến bộ,... Gần đây, một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện cho thấy những nỗ lực kia không hoàn toàn vô vọng. Rạn san hô dưới đáy một số vùng biển đang dần dần hồi sinh, tầng ô-dôn trên bầu trời với nhiều lỗ thủng phần nào được phục hồi,... là những minh chứng sinh động. Song việc cải thiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên để cuộc sống nhân loại được duy trì và phát triển bền vững là một hành trình dài dằng dặc, đầy thách thức.

hinh-anh-bai-2-viet-5629-7

Như vậy, trả lại cho tự nhiên trạng thái bình thường, hợp quy luật được xem là việc bức thiết của nhân loại hiện nay. Hẳn có người cho rằng, việc lớn lao này là trách nhiệm của một số người có vị trí quan trọng trong xã hội. Nhận thức như thế là chưa đúng. Trên hành trình dài và đầy khó khăn đó, mỗi người trong chúng ta, không ai là người ngoài cuộc. Mọi việc dù lớn dù nhỏ đều có thể góp phần cải thiện tình hình. Trồng thêm một cây xanh, tắt bớt một thiết bị điện khi không cần thiết, hạn chế sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nguồn nước, giữ gìn môi trường sống quanh mình,... những việc tưởng nhỏ nhặt, thực ra rất có ý nghĩa, vì nó giúp ta hình thành một thói quen tốt, từ đó ý thức rõ hơn giá trị của việc mình làm, để có thể lan toả, tác động tích cực đến thái độ của nhiều người. Một khi thành nề nếp của cộng đồng, tác dụng của nó là không hề nhỏ.

hinh-anh-bai-2-viet-5629-8

Tóm lại, tự nhiên luôn gắn bó khăng khít với mọi mặt trong cuộc sống của con người, nhưng chính con người đã tác động thô bạo, gây nhiều tổn hại nghiêm trọng đối với tự nhiên và đã phải gánh chịu hậu quả vì điều đó. Thực tế này đòi hỏi mỗi cá nhân cũng như cộng đồng phải có sự thay đổi. Sống hài hoà với tự nhiên, tôn trọng và bảo vệ tự nhiên bằng những hành động thiết thực,... đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

(Theo Hoàng Vĩnh, Con người đã làm gì với tự nhiên?, tạp chí Văn họcTuổi trẻ, tháng 4/2023)

(Trang 31)

Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài

hinh-anh-bai-2-viet-5629-9

Em cần huy động vốn kiến thức của mình, tham khảo sách báo, theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông và quan sát thế giới xung quanh để chọn đề tài đáp ứng được yêu cầu. Có thể tham khảo một số đề tài sau:

– Vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất ở địa phương em.
– Khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển của nước ta.
– Quan điểm “sống xanh” và ý nghĩa của nó.
– Tình trạng thiếu nguồn nước sạch trong cuộc sống của con người hiện nay.
– Tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của con người.

b. Tìm ý

Để tìm ý cho bài viết, có thể đặt ra và trả lời một số câu hỏi sau:

Vấn đề cần được giải quyết là gì?

Câu hỏi này nhằm giúp người viết xác định rõ luận đề, làm cơ sở cho việc triển khai hệ thống luận điểm. Từ đó, hình thành ý tưởng, lựa chọn thông tin giúp người đọc hiểu tầm quan trọng của vấn đề và sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề. Ví dụ, bài viết tham khảo nêu vấn đề mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; ý nghĩa của mối quan hệ này; sự nhận thức chưa thấu đáo của một số người về điều đó; nhu cầu bàn luận sâu hơn về vấn đề.

Ý kiến của em về vấn đề như thế nào?

Người viết cần trình bày rõ ý kiến của mình qua hệ thống luận điểm. Mỗi luận điểm dựa trên một khía cạnh của vấn đề. Chẳng hạn, ở bài viết tham khảo, người viết đã nêu các luận điểm gắn với những nội dung cụ thể (luận điểm 1: Thể chất của con người mang tính tự nhiên; luận điểm 2: Tự nhiên là thế giới bao quanh con người; luận điểm 3: Tự nhiên còn là nguồn sống của tâm hồn con người;...). Từng luận điểm đều được làm sáng tỏ bằng lí lẽ và bằng chứng.

Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với ý kiến của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác?

Khi bàn về từng khía cạnh của vấn đề, người viết cần hình dung những ý kiến trái chiều để tìm cách phản bác nhằm khẳng định chắc chắn hơn quan điểm của mình. Trong phạm vi các đề tài liên quan đến mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, có thể nảy sinh xu hướng coi đó là vấn đề to lớn, không phù hợp với khả năng giải quyết của từng cá nhân; hoặc đề cao tính cấp thiết của phát triển kinh tế mà coi nhẹ việc

(Trang 32)

bảo vệ môi trường sống,... Bài viết tham khảo đã đề cập một trong những quan niệm vừa nêu để phản bác.

Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề?

Tuỳ vào vấn đề cụ thể và góc nhìn, trải nghiệm của mình mà người viết đề xuất giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, bàn về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, bài viết tham khảo nêu giải pháp có tính đồng bộ: từ nhận thức tới hành động; từ vai trò của cá nhân đến vai trò của cộng đồng;... Các giải pháp gắn với chủ thể hành động và có tính khả thi.

c.  Lập dàn ý

Trả lời các câu hỏi ở mục b, người viết sẽ tìm được các ý. Trên cơ sở đó, phân bổ, sắp xếp từng ý vào các phần của dàn ý; điều chỉnh, thay đổi vị trí của các ý sao cho hợp lí.

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu vấn đề thể hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nêu sự cần thiết của việc bàn luận về vấn đề.

Thân bài:
+ Triển khai các luận điểm thể hiện quan điểm của người viết xét trên từng khía cạnh của vấn đề.

  • Luận điểm 1: Bản chất của vấn đề nghị luận; quan hệ giữa con người với tự nhiên thể hiện ở vấn đề (nêu lí lẽ và bằng chứng).
  • Luận điểm 2: Mặt tích cực của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và lợi ích có thể thu được (nêu lí lẽ và bằng chứng).
  • Luận điểm 3: Mặt tiêu cực của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và hậu quả có thể gánh chịu (nêu lí lẽ và bằng chứng).
  • ...

+ Nêu ý kiến trái chiều và phản bác.
+ Đề xuất giải pháp có tính khả thi để giải quyết vấn đề.

Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả vấn đề nêu ra.

2. VIẾT BÀI

– Bám sát dàn ý, nắm vững yêu cầu về nội dung của từng phần để viết bài.

– Vận dụng kinh nghiệm đã có và đọc lại bài viết tham khảo để viết phần Mở bài cho hấp dẫn; triển khai các luận điểm của phần Thân bài cho chặt chẽ, lô-gíc; viết phần Kết bài gây được ấn tượng.

− Phần Mở bài, Kết bài cũng như từng luận điểm của phần Thân bài nên viết thành một đoạn văn. Căn cứ yêu cầu cụ thể của việc triển khai ý để lựa chọn viết kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song hay phối hợp.

(Trang 33)

– Chú ý sử dụng từ ngữ liên kết để các câu trong đoạn và các đoạn trong bài có quan hệ chặt chẽ, mạch lạc.

– Dù viết ở lớp hay ở nhà, bài viết cũng cần được thực hiện trong thời lượng nhất định. Tuân thủ nghiêm túc điều này, em sẽ có khả năng chủ động về thời gian khi làm bài thi.

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Dựa vào yêu cầu của kiểu bài, đối chiếu với dàn ý, đọc soát từng phần của bài viết để chỉnh sửa, hoàn thiện. Khi chỉnh sửa, cần chú ý các tiêu chí:

– Sự rõ ràng của vấn đề được nêu để bàn luận (ở phần Mở bài).

– Sự đầy đủ của các luận điểm cần triển khai (ở phần Thân bài).

– Sự chặt chẽ trong lập luận (thể hiện ở cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng, sức thuyết phục trong cách nêu ý kiến bác bỏ quan điểm trái chiều,...).

- Mức độ đáp ứng yêu cầu về quy cách trình bày, chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,...).

Tin tức mới


Đánh giá

BÀI 2: Viết | Ngữ Văn 9 - Tập 1 | Bài 1: Thế giới kì ảo - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 9

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.