Bài 1 : Đọc | Ngữ Văn 9 - Tập 1 | Bài 4 : Khám phá vẻ đẹp văn chương - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Bài 1 : Đọc


(Trang 88)

       Người đọc phải tự mình khám phá bộ mã nằm ngay trong văn bản và hoạt động này tương đương với việc họ đem lại ý nghĩa cho văn bản.

Uốp-phờ-gang l-dơ (Wolfgang Iser)  

GIỚI THIỆU BÀI HỌC

• Tác phẩm văn học là thế giới của cái đẹp, vẫy gọi người đọc khám phá. Cái đẹp đó thường được thể hiện kín đáo trong ngôn từ, hình tượng, trong các thủ pháp nghệ thuật.... Để chạm tới được vẻ đẹp của văn chương, người đọc có thể tiếp cận bằng những con đường khác nhau, sử dụng những phương thức khác nhau.

• Trong bài học này, hai văn bản nghị luận văn học góp phần giúp em hiểu được con đường, cách thức khám phá về đẹp văn chương của nhà nghiên cứu, phê bình văn học; văn bản thơ kết nối về chủ đề cho thấy một tác phẩm văn chương có thể được tiếp nhận khác nhau bởi những đối tượng có hiểu biết, vốn sống, trải nghiệm khác nhau.

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

• Nhận biết và phân tích được luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản.

• Nhận biết được vai trò của người đọc và bối cảnh tiếp nhận đối với việc đọc hiểu tác phẩm văn học; hiểu được cùng một vấn đề đặt ra trong văn bản, người đọc có thể tiếp nhận khác nhau.

• Nhận biết được sự khác nhau giữa cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp; biết cách dùng dấu câu khi dẫn trực tiếp và gián tiếp; biết cách tham khảo, trích dẫn tài liệu để tránh đạo văn.

• Viết được một văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả thẩm mĩ của nó; có hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, biết cách trích dẫn văn bản của người khác.

• Biết thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi.

• Yêu thích việc khám phá vẻ đẹp văn chương, trận trọng lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

(Trang 89)

ĐỌC

TRI THỨC NGỮ VĂN

Văn bản nghị luận viết về tác phẩm văn học

    Văn bản nghị luận văn học có thể bàn luận về nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có tác phẩm văn học – trung tâm của hoạt động sáng tạo, kết nối tác giả với người đọc. Văn bản nghị luận viết về tác phẩm văn học là loại văn bản nhằm làm sáng tỏ các phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm, thể hiện quan điểm, thái độ, cách đánh giá và kiến giải của người viết về tác phẩm. Vì vậy, nó cần được triển khai theo một hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, dựa trên lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Những văn bản như thế không nhất thiết phải bàn luận một cách toàn diện về tác phẩm mà có thể đi sâu vào một hoặc một số khía cạnh nổi bật trong tác phẩm.

Vai trò của người đọc và bối cảnh tiếp nhận đối với việc đọc hiểu văn bản

•  Hoạt động đọc hiểu văn bản không thể thiếu nhân tố người đọc. Bằng sự tiếp nhận của mình, người đọc góp phần làm phong phú thêm ý nghĩa của tác phẩm văn học; tạo nên lịch sử tiếp nhận tác phẩm; tác động trở lại đối với hoạt động sáng tạo của nhà văn. •  Bối cảnh tiếp nhận tác phẩm bao gồm: bối cảnh thời đại, xã hội và hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân. Bối cảnh tiếp nhận có vai trò quan trọng, chi phối hoạt động tiếp nhận tác phẩm văn học, góp phần ảnh hưởng đến định hướng giá trị, trình độ tiếp nhận của người đọc. Mỗi thời đại hay mỗi xã hội đều có định hướng giá trị riêng, có mặt bằng trình độ tiếp nhận nhất định, những điều đó có ảnh hưởng đến từng cá nhân. Bối cảnh của cá nhân cũng chi phối sự tiếp nhận của người đọc, trong đó, hoàn cảnh sống, học tập của cá nhân và cả bối cảnh cụ thể tại thời điểm đọc đều ảnh hưởng đến tâm thể tiếp nhận.

Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

•  Cách dẫn trực tiếp là sử dụng nguyên văn từ ngữ, câu, đoạn... của một văn bản gốc vào bài viết, bài nói. Trong bài viết, phần dẫn trực tiếp cần được đặt trong dấu ngoặc kép.

• Cách dẫn gián tiếp là sử dụng ý tưởng của người khác và diễn đạt lại theo cách của mình. Tuy được diễn đạt lại nhưng ý tưởng trong văn bản gốc cần được thể hiện một cách trung thành. Trong bài viết, phần dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép.

Một số lưu ý về cách tham khảo, trích dẫn tài liệu

   Khi viết, chúng ta cần tìm kiếm ý tưởng, thông tin từ nhiều nguồn và đưa những ý tưởng, thông tin phù hợp vào bài viết theo cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp. Ghi chú nguồn đúng quy cách là yêu cầu bắt buộc để tránh bị coi là đạo văn. Nguồn của tài liệu tham khảo thường bao gồm thông tin về tác giả và xuất xứ văn bản gốc. Mức độ cụ thể của thông tin về nguồn trích dẫn tuỳ thuộc vào tính chất của văn bản, chẳng hạn, bài nghiên cứu khoa học chuyên sâu thì thông tin về nguồn trích dẫn cần đâỳ đủ hơn bài viết của học sinh.

(Trang 90)

VĂN BẢN ĐỌC

 

VĂN BẢN 1. “Người con gái Nam Xương" - một bi kịch của con người, Nguyễn Đăng Na

VĂN BẢN 2. Từ "Thằng quỷ nhỏ" của Nguyễn Nhật Ánh nghĩ về những phẩm chất của một tác phẩm viết cho thiếu nhi, Trần Văn Toàn

VĂN BẢN 3. Ngày xưa, Vũ Cao

VĂN BẢN 1

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Kể tên một vài tác phẩm văn học Việt Nam viết về số phận bi kịch của con người.

2. Trong bài 1, em đã được học tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Hãy chia sẻ cảm nhận về một chi tiết mà em ấn tượng nhất trong tác phẩm.

ĐỌC VĂN BẢN

Người con gái Nam Xươnghinh-anh-bai-1-doc-9665-0
– một bi kịch
của con người

NGUYỄN ĐĂNG NAhinh-anh-bai-1-doc-9665-1

Theo dõi
Cách đặt vấn đề của tác giả.

   (1) Người con gái Nam Xương (Nam Xương nữ tử truyện) là một trong 11 truyện viết về đề tài phụ nữ của Nguyễn Dữ. Vũ Thị Thiết là nhân vật hoàn toàn có thật. Ngày nay tại Lý Nhân, Hà Nam còn đền thờ nàng. Kể từ khi nàng mất tới nay đã gần 5 thế kỉ, biết bao thế hệ, từ Lê Thánh Tông (1442 – 1497) – vị vua anh minh văn võ kiêm toàn đến các nhà khoa bảng “cưỡi đầu thiên hạ đã ba phen” như Nguyễn Khuyến (1835 – 1909)... đều đã phải rơi lệ xót thương cho thân phận nàng và gửi gắm niềm thương cảm của mình vào những bài thơ đề vịnh Miếu vợ chàng Trương.

Theo dõi
Nhận xét của tác giả về cuộc đời nhân vật Vũ Nương.

   (2) Cuộc đời Vũ Nương tuy ngắn ngủi, nhưng nàng đã kịp làm trọn nghĩa vụ của một kiếp đàn bà làm con, làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Mọi nỗi gian lao vất vả, nào khi sinh nở chẳng ai đỡ đầu,

-------------------------------------------------

hinh-anh-bai-1-doc-9665-2Người con gái Nam Xương: một cách dịch tên tác phẩm Nam Xương nữ từ truyện của Nguyễn Dữ (bản dùng ở bài 1 dịch là Chuyện người con gái Nam Xương)                                               hinh-anh-bai-1-doc-9665-3Nguyễn Đăng Na (1942 – 2014) quê ở Đồng Tháp, là nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Một số công trình tiêu biểu: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (tập 1, 1997; tập |, 2001; tập ||, 2000), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam (2006)....

(Trang 91)

nào một thân vừa nuôi con thơ, vừa chăm sóc thuốc thang cho mẹ chồng già yếu..., rồi khi mẹ chồng nằm xuống, lại một mình lo việc ma chay tế lễ, chôn cất... Tất cả những việc ấy, đối với nàng nào đáng kể chi, miễn sao có ngày hội ngộ, chồng sẽ trở về! Ngay như công danh, nàng cũng chẳng màng. Khi chồng ra đi, nàng giải bày nỗi niềm của mình: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu [...] chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Mong mỏi bao trùm cả cuộc đời nàng là “cái thú vui nghi gia nghi thất”, vợ chồng sum họp, con cái đề huề, được làm vợ, làm mẹ!

   Sau ba năm đợi chờ, Trương Sinh trở về với hai chữ bình yên đúng như sở nguyện. Hạnh phúc đã mỉm cười, ước mơ đang đi vào hiện thực... Nhưng, oái oăm thay cho cuộc đời: Ngày sum họp cùng chồng, cũng là ngày nàng phải vĩnh viễn lìa xa tổ ấm. Và đau đớn hơn, kẻ đẩy nàng vào cái chết bi thảm không phải ai xa lạ, mà là chính người chồng nàng hằng “ba năm giữ gìn một tiết" đợi chờ và đứa con trai duy nhất mà nàng suốt ba năm nâng niu bú mớm. Hai người thân thương nhất, gần gũi nhất lại là kẻ gây ra oan trái cho đời nàng! Mà họ đâu phải là kẻ độc ác và nàng đâu có phải là kẻ phản bội chồng con! Đứa trẻ thì ngây thơ, chỉ kể lại những điều mà đêm đêm mẹ thường dạy khi cha vắng nhà; nó không thể phân biệt được giữa đùa với thật vì mới có ba tuổi đầu và tin lời mẹ. Còn người chồng thì cả ghen, hàm hồ và mù quáng.

Theo dõi
Nét tính cách của nhân vật Trương Sinh được tác giả tập trung phân tích.

   (3) Là người cùng làng, chàng thừa biết đức hạnh của vợ. Chính vì “mến vì dung hạnh” của nàng, chàng mới “xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Nhưng, ghen tuông là ghen tuông! Cái tâm lí ghen tuông rất lạ. Dù mới cưới nhau mà Trương Sinh “phòng ngừa quá sức”. Song, khi đó hai người còn ở bên nhau và “nàng cũng giữ gìn khuôn phép” nên chưa xảy ra chuyện gì. Nay đã có khoảng trống về thời gian và không gian: ba năm xa cách. Chàng không thể kiểm soát được tất cả mọi hành vi của vợ. Ghen tuông thường đa nghi, mà đa nghi dễ dẫn đến định kiến. Do đó chỉ cần một cớ rất nhỏ, có khi hết sức mơ hồ, thậm chí chẳng cần một cớ gì cũng có thể tưởng tượng ra thành sự việc nghiêm trọng, một sự phản bội ô nhục làm bại hoại gia phong... Cái hàm hồ của tính ghen tuông thường dẫn đến tan cửa nát nhà và oan khiên giáng xuống.

Chú ý
Lí lẽ và bằng chứng được tác giả sử dụng để bày tỏ suy nghĩ về nhân vật Trương Sinh.

   Ở đây ta cũng nên có một chút cảm thông với Trương Sinh. Ba năm đời lính làm chàng mệt mỏi chán chường. Về tới nhà, lại gặp cảnh đau lòng “Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi”. Nỗi buồn tê tái đè nặng lên trái tim anh lính Trương Sinh. Nếu như đối với Vũ Nương, chỗ dựa để có thể tồn tại là con và chồng, thì đối với Trương Sinh, chỗ dựa để sống được là con và vợ. Thế mà, hình như có một người đàn ông thứ hai nào đó không rõ mặt mũi, họ tên đã len lỏi vào gia đình chàng, đã chiếm mất tình cha con của chàng: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”. Đứa bé đã có hai người cha: một người xuất hiện khi chàng vắng nhà và một người là chàng. Chỗ dựa thứ nhất không còn.

(Trang 92)

   Tuy nhiên, sự sụp đổ ấy chưa quan trọng đối với chàng. Chỉ đến lúc đứa bé kia khẳng định: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến” thì cơn ghen mới thực sự bùng lên. Chỗ dựa thứ hai hoàn toàn sụp đổ! Sự nghi ngờ vợ “không có gì gỡ ra được”. Đứa bé không biết nói dối. Chàng tin con. Mọi chi tiết đứa bé cung cấp đều chứng tỏ người đàn ông kia hành tung hết sức mờ ám, bí hiểm: đêm nào cũng đến, chỉ nín thin thít, chẳng bao giờ bế Đản... Đã thế, họ lại xoắn xuýt bên nhau: “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”. Sự bí ẩn về người đàn ông đó như những mũi dao xoáy vào tâm can và khơi vào đúng chỗ yếu nhất của chàng: tính đa nghi và cả ghen. Đã ghen, cần gì chứng cớ. Huống chi, nay chứng cứ đã rành rành ra đấy. Cái li kì trong “vụ án” đầy mẫu thuẫn gia đình Trương Sinh đến cực điểm và châm ngòi cho quả bom ghen tuông bùng nổ.

   Tuy căng thẳng như vậy, song cái án “ngoại tình” sẽ được giải quyết ngay lập tức chỉ cần một điều kiện cực kì giản đơn: Trường Sinh cho biết ai đã cung cấp nguồn tin kia. Nhưng, điều kiện ấy như một thách thức trái tim ghen tuông của chàng. Chàng không nói! Cũng chẳng cần nói và không đủ can đảm nói. Cái định kiến về việc vợ hư đã đóng đinh vào đầu rồi. Chàng chẳng còn đủ tỉnh táo để suy xét lời đứa con nói. Ngay những lời van xin đến rớm máu của vợ, chàng cũng chẳng để lọt vào tai: “Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Cơn ghen ở anh lính nông dân vốn không được học hành bùng ra thành những lời “la um lên cho hả giận”, rồi chuyển sang ngấm ngầm dấm dứt “lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”. Vũ Nương không thể chứng minh cho nỗi oan của mình. Họ hàng làng xóm “bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua”. Cuối cùng, Vũ Nương chỉ còn biết bày tỏ tấm lòng trong trắng bằng cách “gieo mình xuống sông mà chết”.

Chú ý
Cách tác giả phân tích chi tiết chiếc bóng trên vách chi tiết mang tính thắt nút – mở nút.

   Nỗi oan của Vũ Nương sẽ còn đeo đẳng mãi lấy nàng, nếu như không có một đêm tình cờ đứa bé nói: “Cha Đản lại đến kia kìa!”. Người cha thứ hai của bé Đản – nguyên nhân gây ra cái chết bi thảm cho Vũ Nương lại xuất hiện. “Chàng hỏi đâu. Nó chỉ bóng chàng ở trên vách:

 – Đây này!

   Thì ra, ngày thường, ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản”.

   Té ra chỉ là một trò đùa! Một trò đùa trong thương nhớ nhưng đem tới cái chết oan khiên vì lòng ghen mù quáng. Vợ chồng yêu nhau quyến luyến không rời như hình với bóng. Nàng là hình, chàng là bóng. Bóng với hình quấn quýt không rời: “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”. Nàng chết, hình đã mất, bóng đâu còn! Sự lẻ loi đơn chiếc và nỗi ân hận sẽ là một hình phạt giày vò Trương Sinh mãi mãi.

   Lấy hình tượng cái bóng người và lời nói ngây thơ của đứa con để đẩy câu chuyện tới đỉnh điểm là nét độc đáo riêng của Nguyễn Dữ, không thể tìm thấy trong bất cứ truyện truyền kì nào của Việt Nam cũng như của các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

(Trang 93)

Chú ý
Vì sao tác giả cho rằng "bi kịch của Vũ Thị Thiết một phần là do nàng"?

   Tuy nhiên, công bằng mà xét, cái bi kịch của Vũ Thị Thiết một phần là do nàng. Từ trước, nàng đã biết chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Vậy mà, lúc chồng vắng nhà, đặc biệt vào ban đêm, nàng lại trỏ bóng mình mà bảo con rằng, đấy là cha nó. Bé Đản tin mẹ, nên tưởng cái bóng kia là cha mình thật. Nào ngờ, có một người khác . Trương Sinh, cũng xưng là cha. Nó ngạc nhiên là phải, vì điều người bố thật vừa xưng cha với nó, mẹ chưa từng bảo. Đầu óc ngây thơ của đứa bé vẫn đinh ninh rằng, mình có hai người cha một người do mẹ trỏ cho và một người tự nhận. Nó cảm thấy hai người cha của mình rất khác nhau, nên đã đem ra so sánh. Giá như Vũ Nương biết tâm lí chồng, tránh đi những gì có thể khiến Trương Sinh ghen tuông ngờ vực thì đâu đến nỗi. Vợ chồng mà chẳng biết tính của nhau, dù có thương yêu nhau, chẳng trước thì sau, bi kịch ắt xảy đến. Đấy cũng là một khía cạnh Nguyễn Dữ muốn nói với người đời.

Chú ý
Nhận định của người viết về nét độc đảo ở truyện truyền kì Nguyễn Dữ.

   (4) Là nhà văn nhân đạo, Nguyễn Dữ không muốn những người đức hạnh, nết na như Vũ Nương bị chết. Song, hiện thực là hiện thực. Vũ Nương đã chết! Để minh oan và bù đắp cho lòng ngay thẳng, hiếu thảo, thuỷ chung của nàng, tác giả đã tưởng tượng ra [...] cảnh Vũ Nương hội ngộ với Trường Sinh. [...] Tái hợp là nguyện vọng của mọi người. Cái tài của Nguyễn Dữ là ông đã dung hoà được hiện thực với ước mơ, giữa cái tồn tại với cái ảo ảnh. Vũ Nương trở về dương thế, nhưng chỉ hiện ra “ở giữa dòng mà nói vọng vào: – [....] thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Ảo ảnh chập chờn và mau chóng tan biến. Chia li là vĩnh viễn. Người chết chẳng thể nào sống lại: “trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất”. Hiện thực trở về. Đấy chính là nét đặc sắc trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ mà các tác giả sau chẳng thể vượt qua. Ảo ảnh đoàn tụ mau chóng tan biến để lại một hiện thực đắng cay chẳng ai muốn nhưng không thể đảo ngược lại được. Trương Sinh sống trong cảnh “phòng không vắng vẻ, chàng ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya”. Đứa trẻ mồ côi, người chồng cô đơn, người vợ bị chết... Đấy là bi kịch gia đình.

Chú ý
Cách tác giả kết thúc vấn đề.

   (5) Có thể nói, với Người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã vượt khỏi những công thức thông lệ về hình tượng người phụ nữ trong thể truyền kì. Vũ Nương không phải là hình tượng một trang liệt nữ, nàng chỉ là một người đàn bà bình thường như bao người vợ, người mẹ trong đời thực. Phản ánh số phận Vũ Thị Thiết, Nguyễn Dữ đã đề cập tới cái bi kịch muôn thuở của con người. Có lẽ vì vậy mà Người con gái Nam Xương vẫn còn sức hấp dẫn đối với người đọc ngày nay.

(Nguyễn Đăng Na, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam,
NXB Giáo dục, 2007, tr. 217 – 221)

(Trang 94)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Xác định vấn đề được bàn luận và bố cục của bài nghị luận.

2. Từ luận đề, tác giả đã triển khai các luận điểm theo trình tự nào?

3. Đọc phần (2) và cho biết, theo tác giả, bi kịch của nhân vật Vũ Nương là gì. Tác giả đã làm sáng tỏ bi kịch ấy qua những lí lẽ và bằng chứng nào?

4. Đọc phần (3) và cho biết, theo tác giả, điều gì đã khiến Vũ Nương nhảy xuống sông tự tử. Em có suy nghĩ gì về cách lí giải của tác giả?

5. Những nét đặc sắc nào trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ được làm rõ ở phần (4)?

6. Đọc phần (3) và phần (5), cho biết tác giả đã làm nổi bật nét độc đáo trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ bằng cách nào. Những câu văn nào giúp em hiểu rõ về nét độc đáo của truyện truyền kì Nguyễn Dữ?

7. Phần (5) có vai trò gì trong bài nghị luận? Câu văn nào giúp em xác định được vai trò ấy?

8. Một số chi tiết và nhân vật trong tác phẩm Người con gái Nam Xương không được tác giả bài nghị luận phân tích, chẳng hạn như chi tiết người mẹ dặn dò trước khi Trường Sinh ra trận, các nhân vật Linh Phi, Phan Lang.... Từ đó, em có suy nghĩ gì về việc sử dụng lí lẽ và dẫn chứng trong văn bản nghị luận văn học?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

  Em có đồng tình với những phân tích của tác giả bài viết "Người con gái Nam Xương” -  một bi kịch của con người về chi tiết chiếc bóng trên vách không?

  Viết đoạn văn  (khoảng 7 – 9 câu) để trả lời câu hỏi trên.

Thực hành tiếng Việt

 

CÁCH DẪN TRỰC TIẾP VÀ CÁCH DẪN GIÁN TIẾP

1. Xác định phần dẫn trong các câu sau, cho biết phần đó được dẫn theo cách trực tiếp hay gián tiếp. Những dấu hiệu nào giúp em nhận ra điều đó?

a. Khi chồng ra đi, nàng giải bày nỗi niềm của mình: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu [...], chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.

(Nguyễn Đăng Na, “Người con gái Nam Xương" — một bi kịch của con người)

Nhận biết cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp
• Đọc ví dụ sau:
Hoài Thanh nói rõ quan niệm của ông về phê bình: “Điều tôi ngại nhất là mang tên nhà phê bình. Hai chữ phê bình sao nghe nó khó chịu quá".

(Đỗ Đức Hiểu, 14 tháng Bảy 1789 và “Thi nhân Việt Nam")

(Trang 95)

b. Theo như lời thầy giáo của tôi bảo, người La Mã xưa kia nuôi ong trong những cái tổ bằng đồng hình chiếc vại, có đục thủng nhiều hàng lỗ con vòng quanh miệng, quanh đáy.

(Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam)

2.  Hãy chuyển cách dẫn trực tiếp trong các câu dưới đây sang cách dẫn gián tiếp:

a. Thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn đã khẳng định: “Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi.".

(Theo Hoàng Vĩnh, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ,
tháng 4/2023)

b. Nỗi oan của Vũ Nương sẽ còn đeo đẳng mãi lấy nàng, nếu như không có một đêm tình cờ đứa bé nói : " Cha Đản laị đến kia kìa!"

(Nguyễn Đăng Na, "Người con gái Nam xương"-
một bi kịch của con người)

 c. Trong “Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh đã bộc lộ thành thực một tâm trạng:

   “Dẫu có ưa thơ người này người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hàng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hoà theo tiếng thổn thức của lòng ta".

(Lê Quang Hưng, “Nắng mới” –
sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng)

 

 

 

Trong ví dụ trên, người viết đã dùng cách dẫn trực tiếp, đánh dấu phần dẫn bằng dấu hai chấm và dấu ngoặc kép.

• Đọc ví dụ sau:

M. Go-rơ-ki đã kể chuyện ông đọc nhiều như thế nào trước khi thành nhà văn lớn. Muốn học giỏi văn phải bắt đầu bằng đọc văn.

(Trần Đình Sử, Đọc Văn – cuộc chơi tìm ý nghĩa)

Trong ví dụ trên, bộ phận in đậm là phần dẫn gián tiếp lời kể của nhà văn M. Go-rơ-ki, phần dẫn này không được đặt trong dấu ngoặc kép.

Chuyển đổi từ cách dẫn trực tiếp sang cách dẫn gián tiếp

• Phân tích ví dụ sau:

Hoài Thanh nói rõ quan niệm của ông về phê bình: “Điều tôi ngại nhất là mang tên nhà phê bình. Hai chữ phê bình sao nghe nó khó chịu quá”

(Đỗ Đức Hiểu, 14 tháng Bảy 1789 và “Thi nhân Việt Nam")

 Có thể chuyển từ cách dẫn trực tiếp trong ví dụ trên sang cách dẫn gián tiếp như sau:

Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh bày tỏ sự ngại ngùng, khó chịu khi được gọi là nhà phê bình.

• Từ việc phân tích ví dụ trên, có thể thấy, khi chuyển từ cách dẫn trực tiếp sang cách dẫn gián tiếp, cần:

- Lược bỏ dấu ngoặc kép, dấu hai chấm đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp.

- Diễn đạt lại nội dung phần dẫn trực tiếp.

3 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 5 – 7 câu) có nội dung liên quan đến ý kiến dưới đây, trích dẫn ý kiến đó theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp:

Có thể nói, với “Người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã vượt khỏi những công thức thông lệ về hình tượng người phụ nữ trong thể truyền kì.

(Nguyễn Đăng Na,
Người con gái Nam Xương” – một bi kịch của con người)

(Trang 96)

VĂN BẢN 2

TRƯỚC KHI ĐỌC

Em đã đọc tác phẩm văn học nào viết về những con người có ngoại hình khác lạ? Chia sẻ ngắn gọn cảm nhận của em về tác phẩm ấy.

ĐỌC VĂN BẢN

Từ "Thằng quỷ nhỏhinh-anh-bai-1-doc-9665-4" của Nguyễn Nhật Ánh
nghĩ về những phẩm chất của một tác phẩm
viết cho thiếu nhi

TRẦN VĂN TOÀNhinh-anh-bai-1-doc-9665-5


   (1) Theo tôi, Thằng quỷ nhỏ (xuất bản lần đầu năm 1990) của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ hàm chứa những thông điệp sâu sắc mà còn gọi mở nhiều suy ngẫm về phẩm chất của một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi.

   Trước tiên là nhan đề của tác phẩm: Thằng quỷ nhỏ. Chữ “quỷ” mà Nguyễn Nhật Ánh sử dụng ở đây để chỉ sự kì dị trong nhân dạng. Quỳnh -  người mang biệt danh thằng quỷ nhỏ được miêu tả với những đặc điểm: hai vành tai to, mỗi khi Quỳnh có tâm trạng nó lại ve vẩy như cánh bướm; thêm vào đó, là chiếc mũi to, đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi. Những nét kì dị ấy vì gắn với gương mặt của nhân vật nên trở thành những khiếm khuyết không thể che giấu và nó trở thành dấu hiệu thường trực để nhận biết về nhân vật.

Theo dõi
Cách giải thích của tác giả bài nghị luận về nhan đề của tác phẩm văn học được bàn luận.

------------------------------------------------

hinh-anh-bai-1-doc-9665-6 Thằng quỷ nhỏ là truyện dài tiêu biểu của Nguyễn Nhật Ánh. Truyện gồm 21 chương, nhân vật chính là Quỳnh cậu bé có biệt danh “thằng quỷ nhỏ” bởi ngoại hình khác thường. Câu chuyện xoay quanh các nhân vật trong lớp học của Quỳnh như Nga, Khải, Hạnh, Luận,... Nếu các bạn trong lớp chỉ lấy Quỳnh làm trò tiêu khiển thì Nga, học sinh mới của lớp, được xếp ngồi cạnh Quỳnh, lại coi cậu như một người bạn. Sự thân thiết của họ thường xuyên bị Luận, một học sinh nghịch ngợm trêu đùa ác ý. Về sau, Luận bớt trêu chọc khi vô tình biết được hoàn cảnh khó khăn của Quỳnh. Khải, lớp phó của lớp có tình cảm với Nga, nhưng Khải càng bộc lộ thi Nga càng giữ khoảng cách. Quỳnh cũng nảy sinh tình cảm với Nga, nhưng cậu giấu kín trong lòng, chỉ trong một lần Nga đến nhà Quỳnh khi cậu không ở nhà, vô tình phát hiện ra cuốn vở ghi chép những vần thơ của Quỳnh, cô mới biết Quỳnh có tình cảm với mình. Điều này khiến Nga tránh mặt và xa cách cậu, bởi cô chỉ coi Quỳnh là bạn. Biến cố xảy ra với gia đình Quỳnh khi mẹ cậu bị ngã, sau đó bị liệt, Quỳnh phải đưa mẹ về quê chăm sóc, không thể từ biệt Nga. Trong một lần tình cờ gặp Luận, Nga mới biết về hoàn cảnh tội nghiệp của Quỳnh. Quỳnh gửi lại cho Nga cuốn sách về nghệ thuật cắm hoa (với lời đề tặng: “Mến tặng Nga – Khải”) và chùm hoa thạch thảo – loài hoa tượng trưng cho sự lưu luyến lúc chia tay. Nga nhận quà và ngẩn ngơ nhìn ra sản nắng. Cô nghĩ minh sẽ trồng trước nhà một bụi thạch thảo.                                    hinh-anh-bai-1-doc-9665-7 Trần Văn Toàn sinh năm 1973, quê ở Nam Định, là giảng viên, nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Một số công trình tiêu biểu: Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 (viết chung, 2016), Lược sử văn học Việt Nam (viết chung, 2022),...

(Trang 97)

   Cái nhân dạng tưởng như hoàn toàn bề ngoài ấy, trên thực tế, đã quyết định toàn bộ nhân cách và vị thế tồn tại của Quỳnh. Nhân dạng lạ lẫm với chúng bạn đã khiến cậu bé ấy phải chịu thân phận một kẻ lạc loài. Trong mắt mọi người, Quỳnh chỉ là một thằng hề, để tiêu khiển, để mua vui cho đám đông hồn nhiên, vô tâm: “Họ lấy anh làm trò tiêu khiển. Anh giúp họ giải buồn hoặc thoả mãn tính hiếu kì hoặc lấp đầy những phút giây nhàn rỗi.”. Ngay cả với Hạnh, cô lớp trưởng luôn đúng mực, người luôn đứng ra trấn áp những kẻ bày trò tai quái với Quỳnh thì giữa họ vẫn có một khoảng cách mênh mông: “Bàn có hai người, nhưng mỗi người ngồi tít một đầu, chừa khoảng trống ở giữa”. Các lớp học của Nguyễn Nhật Ánh, được viết từ những kí ức xưa cũ, luôn chật chội. Anh có riêng một câu chuyện dài với nhan đề: Bàn có năm chỗ ngồi. Vậy nên, cái bàn học chỉ với hai chỗ ngồi và khoảng trống ở giữa là một ngoại lệ. Cái ngoại lệ ấy, hẳn có nguyên nhân từ sự dị thường trong ngoại hình của Quỳnh. Cái khoảng trống ấy là khoảng chân không ngăn cách Quỳnh với thế giới còn lại. Quỳnh như thuộc về một thế giới khác. Lạc lõng và lạc loài. Sự lạc loài giới còn lại. Quỳnh như thuộc về một thế giới khác. Lạc lõng và lạc loài. Sự lạc loài ấy, cái khoảng cách ấy đã che khuất tất cả tồn tại đích thực của Quỳnh. Sự bất hạnh trong cuộc sống của Quỳnh là một bí mật với cả lớp. Và cả những phẩm chất đẹp để của Quỳnh dù vẫn hiện diện nhưng chẳng ai nhận thấy giá trị đích thực của nó. Mấy chiếc chân bản lung lay trong lớp đã được đóng lại nhưng không ai đánh giá đúng ý nghĩa đôi bàn tay khéo léo của Quỳnh. Trái tim nhân hậu của chú bé ấy mãi mãi chỉ là những bí mật của riêng Nga – người duy nhất, vì những ngẫu nhiên, đã nhận và chứng kiến những gì Quỳnh làm cho bạn bè, cho những đứa trẻ nghèo quanh nhà mình. Không ai muốn biết. Tất cả đều dừng lại trước một kẻ có ngoại hình lạ lẫm, kì dị.

Theo dõi
Những lí lẽ và bằng chứng tác giả sử dụng để phân tích thái độ của các nhân vật trong truyện đối với Quỳnh.

   Chẳng những thế, sự lạc loài khiến mọi tình cảm của một con người bình thường, nếu xuất hiện ở Quỳnh, thì trong mắt bạn bè đều là một cái gì khác thường, kệch cỡm. Tình cảm bạn bè của Quỳnh và Nga là đề tài cho mấy câu vẻ quái ác của Luận. Không ai tin được bên trong cái dung mạo dị thường của Quỳnh lại tồn tại những tình cảm của một con người bình thường. Ngay cả Nga, dù đã xem Quỳnh là bạn, nhưng khi thấy Quỳnh chép một số bài thơ tình trong sổ tay thì một phản xạ tự nhiên của cô là: “Nga mỉm cười nhủ bụng: hoá ra anh chàng này cũng mơ mộng gớm, thế mà mình cứ tưởng!”. Và khi, một cách tình cờ, biết được tình cảm đặc biệt mà Quỳnh dành cho mình thì Nga đã thật sự hoảng sợ: “Cứ hình dung đến cảnh phải đi chơi bên cạnh một con người có cái mũi to tướng và hai vành tai cũng to tướng không kém, lại không ngừng ve vẩy, Nga bất giác rùng mình”.

   Những cảm giác của Nga trước Quỳnh là rất chân thực. Đó là cảm giác khi tiếp xúc một cách quá gần gũi trước một tồn tại khác mình, lạc loài với mình. Để tô đậm cái thân phận lạc loài của Quỳnh trong mắt Nga, Nguyễn Nhật Ánh đưa ra chân dung của Khải: một cậu học sinh đẹp trai, chững chạc, là học sinh tiên tiến. Cũng như Quỳnh,

(Trang 98)

Khải thích Nga. Nhưng Khải không mặc cảm như Quỳnh. Ngoại hình dễ ưa và những lợi thế khác khiến Khải tự tin để đến nhà Nga. Và đây là phản ứng của Nga trước hai cách thức bày tỏ tình cảm của hai người bạn trai: “Khi Khải lì lợm “tiến tới” thêm một bước, Nga càng ghét Khải. Với Quỳnh, mọi chuyện không giống như vậy. Tình yêu của Quỳnh là một tình yêu cháy bỏng nhưng lặng lẽ. Nga biết được hoàn toàn do tình cờ. Và Nga chẳng cảm thấy ghét Quỳnh. Nga chỉ sợ”. Rất rõ ràng: với Khải, Nga ghét. Với Quỳnh, Nga sợ. “Ghét” là sự xa cách với đồng loại. Nhưng “sợ” lại là sự xa cách với kẻ khác loại với mình. Nhưng đừng trách cô bé ấy. Sự sợ hãi trước một tồn tại khác loài với mình dường như là một đặc điểm phổ biến của nhân tính?

Chú ý
Quan điểm của tác giả về nhân vật trong tác phẩm văn học thiếu nhi.

   (2) Vậy là, mọi nông nỗi của Quỳnh đều bắt đầu từ ngoại hình dị thường, lạc loài của chú bé ấy. Chứng kiến câu chuyện của Quỳnh, người đọc nhận thấy một sự thật: nhân dạng hoá ra không phải là bề ngoài, một thứ “nước sơn” như lời khẳng định của một câu tục ngữ. Nhân dạng cũng được nhào nặn và xét đoán theo các chuẩn mực giá trị. Nhân dạng là của riêng một cá nhân nhưng nó lại được định giá bởi cộng đồng. Nó không phải chỉ là những cơ quan để thực hiện các chức năng sinh học mà còn được nhào trộn và định giá theo chuẩn mực, quy tắc thẩm mĩ của một cộng đồng. Một kẻ có nhân dạng dị thường, lạc loài khó có thể được chấp nhận có một tâm hồn bình thường trong mắt người khác.

   Những nghiên cứu về nhân học cho thấy: trong bất kì một xã hội nào, luôn tồn tại các quy chuẩn. Các quy chuẩn này trong khi thiết lập những giới hạn được xem là hợp thức bao giờ cũng hàm ẩn trong nó sự bãi trừ, gạt bỏ những gì đi chệch ra ngoài giới hạn đã được định ra. Từ đây mà hình thành cặp nhị phân: bình thường và bất bình thường. Bình thường và bất bình thường trong trí tuệ, trong giới tính, trong hành vi,... và cả trong nhân dạng nữa. Trong trường hợp của chú bé Quỳnh, thì sự bất bình thường trong nhân dạng đã mặc nhiên ấn định cho sinh thể bé nhỏ ấy vị thế của một kẻ lạc loài trong mắt đồng loại. Một mặt, bạn bè dành cho Quỳnh một ứng xử đầy khoảng cách và trịch thượng nhưng mặt khác, bản thân Quỳnh cũng thấy ứng xử ấy của cộng đồng là tự nhiên, chú chấp nhận nó, dù trong lặng lẽ, trong buồn tủi nhưng không hề có ý định bất bình và phản kháng. Chuẩn mực, như thế, mang trong nó quyền lực và sức mạnh áp đặt. Nó bắt những cá nhân phải tuân thủ mà không có quyền được phản biện.

Theo dõi
Lí giải của tác giả về cách ứng xử và phản ứng của chúng ta trước một chân dung khác lạ.

   Những tiêu chuẩn về nhân dạng tưởng như có tính thẩm mĩ, tưởng như khách quan và đầy nhân tính của chúng ta kì thực là một quyền lực mang trong nó hoạt động loại trừ với những gì còn lại, những gì thuộc về số ít, những gì lệch chuẩn,

(Trang 99)

những gì dị thường. Điều này giải thích tại sao trong truyện cổ tích, sự kì dị trong nhân hình chỉ là vỏ bọc nhất thời của nhân vật chính diện. Sớm muộn gì thì nhân vật đó cũng trút bỏ lốt ngoài kì dị để tìm được sự hài hoà giữa nhân hình và nhân tính. Lí do: ở thể loại tuy huyễn tưởng trong thế giới hình tượng nhưng lại mang đậm những quy chuẩn của cộng đồng như truyện cổ tích thì một sự lệch pha giữa nhân hình và nhân tính là không được phép tồn tại. Có thể thấy: không chỉ nhân tính mà ngay cả nhân hình cũng đều được phân loại, điều chỉnh bởi những quy chuẩn, đều là những tạo tác mang tính văn hoá.

   (3) Từ Thằng quỷ nhỏ, tôi muốn đi đến một vài thảo luận về những phẩm chất cần có ở một tác phẩm viết cho thiếu nhi.

Chú ý
Quan điểm của tác giả về phẩm chất của một tác phẩm văn học thiếu nhi.

   Trước tiên, chúng ta vẫn thường nghĩ, một tác phẩm văn học thiếu nhi phải góp phần hình thành những chuẩn mực văn hoá của một cộng đồng trong tâm hồn của trẻ thơ. Điều này không sai, nhưng có lẽ là chưa đủ. Bởi lẽ, cũng cần nhận diện đầy đủ về những gì đã bị đặt ra ngoài chuẩn mực ấy. Không nên đối xử với những ngoại lệ, những bất thường như những gì sai lạc, như những tồn tại thứ cấp mà có lẽ cần hình dung về chúng như những tồn tại khác. Hiểu đó là một tồn tại khác sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng những khác biệt chứ không miệt thị và xa lánh. Không hiểu điều đó, thì ngay một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ nhất cũng có thể có những hành vi thật tàn nhẫn (hãy nhớ lại những chế nhạo tai quái mà Luận dành cho Quỳnh). Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hoá là một tình thế tồn tại song song, thậm chí là đan xen của những nền văn hoá khác biệt một cách gay gắt. Sự tôn trọng những khác biệt vì thế đang là đạo lí sống của con người trong một thời đại mới. Học cách ứng xử trước những khác biệt ngay trong nội tại một nền văn hoá chính là những trải nghiệm khởi đầu để sống với những khác biệt giữa những nền văn hoá. Chính từ đây mà tác phẩm sẽ là nơi đánh thức và nuôi dưỡng tình yêu thương, sự trân trọng một tồn tại khác với những nỗ lực để thấu hiểu và tôn trọng.

Chú ý
Quan điểm của tác giả về nhân vật trong tác phẩm văn học thiếu nhi.

   Thứ hai, không nên biến những nhân vật trong các tác phẩm văn học thiếu nhi trở thành những nhân vật hoàn hảo. Những nhân vật trong Thằng quỷ nhỏ (cũng như nhiều nhân vật khác trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh) đều không phải là những nhân vật hoàn hảo. Khải đẹp trai, có tình cảm chân thành nhưng có phần lạm dụng những chiến thuật, tiểu xảo, có lúc nhỏ nhen. Nga nhân hậu nhưng không thật sâu sắc. Luận tinh nghịch, có khi vô tâm nhưng cũng biết chạnh lòng... Đọc Thằng quỷ nhỏ, tôi rất có ấn tượng khi Nguyễn Nhật Ánh

(Trang 100)

miêu tả cảm giác sợ hãi của Nga trước những nét dị thường trong chân dung của Quỳnh, cái cách Nga chạy trốn khỏi tình cảm của Quỳnh... Một cây bút thiên về cảm hứng hoàn hảo sẽ miêu tả Nga với những cảm thông cao thượng hơn nhưng vì thế sẽ xa lạ hơn và vì thế ý đồ giáo dục của nó cũng lộ liễu hơn và khó được chấp nhận hơn với người đọc hiện nay. Nguyễn Nhật Ánh chọn một giải pháp khác: anh miêu tả một lòng tốt đầy giới hạn mà chúng ta vẫn thường gặp và vì thế đặt người đọc (những cô bé, những cậu bé) trước những giới hạn của chính bản thân mình. Điều này sẽ khơi gợi sự ngẫm ngợi trong lòng người đọc và từ đó hình thành một sự tự điều chỉnh, tự giáo dục trong mỗi đứa trẻ.

Suy luận
Vì sao tác giả bài nghị luận cho rằng, cần phải viết cho trẻ em từ cái nhìn của một người lớn sâu sắc và từng trải?

   Cuối cùng, phải viết cho trẻ em từ cái nhìn của một người lớn sâu sắc và từng trải. Qua lăng kính của một người lớn đã đi qua bao bể dâu của cuộc đời, của tình người, tuổi thơ được phát hiện lại, được trục vớt từ trong những hoài niệm, được chiếu sáng từ những thao thức về giá trị. Một tác phẩm viết cho thiếu nhi sâu sắc, theo tôi, đều phải ít nhiều mang trong mình một tuổi thơ được nhìn từ một lăng kính như thế.

(Theo Trần Văn Toàn, Từ “Thằng quỷ nhỏ” của Nguyễn Nhật Ánh nghĩ về những phẩm chất
của một tác phẩm viết cho thiếu nhi,
in trong Nguyễn Nhật Ánh – Hiệp sĩ của tuổi thơ,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr. 146 – 159)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Văn bản bàn luận về vấn đề gì? Theo em, phạm vi của vấn đề bàn luận trong văn bản này có gì khác với văn bản “Người con gái Nam Xương” – một bi kịch của con người?

2. Xác định các luận điểm chính trong văn bản. Các luận điểm ấy có quan hệ với nhau như thế nào?

3. Đọc phần (1) và cho biết tác giả bài nghị luận đã dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phân tích nhân dạng của Quỳnh và thái độ của các nhân vật khác đối với nhân dạng ấy. Em có nhận xét gì về các lí lẽ và bằng chứng được tác giả sử dụng?

4. Đọc phần (2) và cho biết tác giả có quan điểm như thế nào về nhân dạng của con người. Em hãy dẫn ra một vài lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản giúp làm sáng tỏ quan điểm của tác giả.

(Trang 101)

5. Trong phần (2), tác giả đã lí giải như thế nào về cách ứng xử của chúng ta trước một nhân dạng đặc biệt? Việc liên tưởng đến truyện cổ tích trong đoạn cuối của phần này có tác dụng gì?

6. Trong phần (3), theo tác giả, một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi cần có những phẩm chất gì? Những câu văn nào giúp em nhận ra điều đó?

7. Trong đoạn cuối của bài nghị luận, tác giả cho rằng: “phải viết cho trẻ em từ cái nhìn của một người lớn sâu sắc và từng trải”. Em có suy nghĩ gì về quan điểm này?

8. Nhận xét về nghệ thuật viết văn nghị luận của tác giả thể hiện ở văn bản (cách đặt vấn đề, tổ chức luận điểm, cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng, ngôn ngữ,...).

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

“Không nên biến những nhân vật trong các tác phẩm văn học thiếu nhi trở thành những nhân vật hoàn hảo”.
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 7 – 9 câu) chia sẻ suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Thực hành tiếng Việt

MỘT SỐ LƯU Ý VỀ CÁCH THAM KHẢO, TRÍCH DẪN TÀI LIỆU

1. So sánh hai cách trích dẫn tài liệu trong từng trường hợp dưới đây và cho biết cách nào đúng quy định. Dựa vào đâu em khẳng định như vậy?

a. Cách 1: Một nền giáo dục phiến diện, có thể sản sinh ra những người nông cạn về tinh thần, những con người một chiều kích.

Cách 2: Một nền giáo dục phiến diện, có thể sản sinh ra những người nông cạn về tinh thần, “những con người một chiều kích” như Hơ-bớt Mác-kiu-do (Herbert Marcuse) đã nói.

(Huỳnh Như Phương, Hãy cầm lấy và đọc)

b. Cách 1: Nhưng có một điều chắc chắn, để đi đến đích, em sẽ phải trải qua không ít thử thách, gian nan. Những lúc như vậy, hãy luôn nhớ rằng, “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” (Nguyễn Bá Học).

(Theo Đoàn Công Lê Huy, Câu chuyện về con đường)

Cách sử dụng tài liệu tham khảo và trích dẫn tài liệu

• Khi viết, ta thường tham khảo tài liệu từ các nguồn khác nhau để có thể tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, sâu sắc hơn.

• Tài liệu tham khảo có thể được trích dẫn theo nhiều cách. Có thể chọn cách dẫn trực tiếp hoặc cách dẫn gián tiếp tuỳ vào mục đích của người viết. Tuy nhiên, dù chọn cách dẫn nào thì người viết cũng cần nêu rõ tác giả được trích dẫn và xuất xứ của tài liệu, đồng thời truyền tải trung thực nội dung ý tưởng, thông tin được trích dẫn để thể hiện sự tôn trọng đối với công sức lao động của người khác và tránh đạo văn. Ví dụ:

 

 

 

 

(Trang 102)

Cách 2: Nhưng có một điều chắc chắn, để đi đến đích, em sẽ phải trải qua không ít thử thách, gian nan. Những lúc như vậy, hãy luôn nhớ rằng, đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

2. Dấu hiệu nào trong các đoạn trích sau cho thấy người viết tuân thủ quy định khi tham khảo tài liệu và trích dẫn? Từ đó, em rút ra bài học gì trong việc tham khảo và trích dẫn tài liệu?

a. Vũ Nương trở về dương thế, nhưng chỉ hiện ra “ở giữa dòng mà nói vọng vào: – [...] thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Ảo ảnh chập chờn và mau chóng tan biến. Chia li là vĩnh viễn. Người chết chẳng thể nào sống lại: “trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất”.

(Nguyễn Đăng Na,
Người con gái Nam Xương”–
một bi kịch của con người)

b. Sau này, tâm hồn thi sĩ, ngòi bút tài hoa của Hoàng Cầm cũng khiến ta chẳng thể nào quên nụ cười của những cô gái miền quê Kinh Bắc:
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng.

Bên kia sông Đuống)
(Lê Quang Hưng, “Nắng mới” –
sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng)

(1) Trong mắt mọi người, Quỳnh chỉ là một thằng hề, để tiêu khiển, để mua vui cho đám động hồn nhiên, vô tâm: “Họ lấy anh làm trò tiêu khiển. Anh giúp họ giải buồn hoặc thoả mãn tính hiếu kì hoặc lấp đầy những phút giây nhàn rỗi.”.

(Trần Văn Toàn,
Từ “Thằng quỷ nhỏ”của
Nguyễn Nhật Ánh nghĩ về những
phẩm chất của một tác phẩm viết
cho thiếu nhi
)

Trong ví dụ trên, tác giả đã trích dẫn theo cách đặt những câu văn trong tác phẩm Thằng quỷ nhỏ của Nguyễn Nhật Ánh vào ngoặc kép. Đó là dẫn trực tiếp.

(2) Trần Đình Sử quan niệm văn chính là hành trình người đọc khám phá ý nghĩa thú vị bên trong tác phẩm văn chương, bởi theo ông, ý nghĩa của tác phẩm là điều có sức hấp dẫn lớn đối với độc giả (“Đọc văn – cuộc chơi tìm ý nghĩa”).
Trong ví dụ trên, ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử được trích dẫn theo lối gián tiếp.

 

 

c. Từ hơn nửa thế kỉ trước đây, Nguyễn Tuân đã sớm cảm thấy cái sức truyền cảm tuy kín đáo nhưng khó cưỡng lại ấy trong văn chương của Thạch Lam khi viết một câu văn đúng và đẹp lạ lùng: “Đọc “Hai đứa trẻ”, thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín.” (Nguyễn Tuân, “Thạch Lam”, trích lại trong “Thạch Lam, văn và đời”).

(Đỗ Kim Hồi, Thạch Lam – Đôi điều cảm nhận)

3. Trong tạo lập văn bản, việc không dẫn nguồn tài liệu khi dùng lời hoặc ý của người khác và việc trích dẫn theo cách gián tiếp khác nhau như thế nào?

(Trang 103)

VĂN BẢN 3

ĐỌC VĂN BẢN

Ngày xưa

VŨ CAOhinh-anh-bai-1-doc-9665-8

Mẹ tôi ru cháu chiều chiềuhinh-anh-bai-1-doc-9665-9

Thường là ru mấy câu Kiều cháu nghe:

“Mây Tần khoá kín song the

Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao..."

Tôi rằng: cháu hiểu làm sao

Những câu thơ tự thuở nào, mẹ ơi!

Mẹ nhìn, chẳng trả lời tôi,

                          Hai tay ôm cháu, mẹ ngồi vẫn ru:

                                  “Mai sau dù có bao giờ

                         Đốt lò hương ấy, so tơ phim này...”

                                  Con tôi đôi má tròn đầy

                     Lại ngon giấc ngủ thơ ngây chiều chiều.

                             Bâng khuâng mẹ nói một điều:

                 – Nghĩ mà thương phận cô Kiều ngày xưa...

(Vũ Cao, Thơ với tuổi thơ, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2001)

SAU KHI ĐỌC
TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Bà ru cháu bằng những câu Kiều, mặc dù cháu còn rất nhỏ, chưa thể hiểu được, điều đó gợi cho em suy nghĩ gì?

2. Bài thơ cho thấy Truyện Kiều đã được tiếp nhận theo những cách nào?

3. Bài thơ gợi cho em suy nghĩ gì về sức sống của Truyện Kiều trong lòng người dân Việt Nam?

4. Em có nhận xét gì về hình thức nghệ thuật của bài thơ (thể thơ, ngôn từ, hình ảnh, cách tổ chức, sắp xếp ý thơ,...)?

----------------------------------------------
hinh-anh-bai-1-doc-9665-10

Vũ Cao (1922 – 2007) quê ở Nam Định, từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thơ ông thường viết về đề tài kháng chiến và những tình cảm cách mạng, ngôn ngữ và hình ảnh thơ trẻ trung, tươi mới và giàu cảm xúc. Tác phẩm tiêu biểu: Núi đôi (thơ, 1956), Đèo trúc (thơ, 1973), Từ một trận địa (truyện ngắn, 1973),...

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 1 : Đọc | Ngữ Văn 9 - Tập 1 | Bài 4 : Khám phá vẻ đẹp văn chương - Lớp 9 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 9

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.