Bài 42. MIỀN TÂY BẮC VÀ BẮC TRUNG BỘ | Địa Lí 8 | Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM - Lớp 8 - Giáo Dục Việt Nam

Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là cầu nối giữa hai miền địa lí tự nhiên phía bắc và phía nam. Thiên nhiên ở đây có nhiều nét độc đáo và phức tạp.


1. VỊ TRÍ, PHẠM VI LÃNH THỔ

Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc hữu ngạn sông Hồng, từ Lai Châu đến Thừa Thiên - Huế.

Dựa trên hình 42.1 xác định vị trí và giới hạn của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

2. ĐỊA HÌNH CAO NHẤT VIỆT NAM

Đây là miền núi non trùng điệp, nhiều núi cao, thung lũng sâu. Sông suối lắm thác, nhiều ghềnh. Các dãy núi chạy theo hướng tây bắc - đông nam, so le nhau, xen giữa là các sơn nguyên đá vôi rất đồ sộ. Dãy núi Hoàng Liên Sơn cao và hùng vĩ nhất Việt Nam, có đủ các vành đai khí hậu - sinh vật từ nhiệt đới chân núi tới ôn đới núi cao.

- Hãy quan sát hình 42.1 và cho biết những dãy núi, những sông lớn nào có hướng tây bắc - đông nam?

Các mạch núi lan ra sát biển, xen với đồng bằng chân núi và những cồn cát trắng tạo cho vùng duyên hải Trung Bộ nước ta những cảnh quan rất đẹp và đa dạng.

3. KHÍ HẬU ĐẶC BIỆT DO TÁC ĐỘNG CỦA ĐỊA HÌNH

Mùa đông ở đây đến muộn và kết thúc khá sớm. Miền núi cũng thường chỉ có ba tháng lạnh với nhiệt độ trung bình dưới 18°C (tháng 12,1, 2). Ngay cả khi gió mùa đông bắc tràn tới nhiệt độ ở đây cũng thường cao hơn ở miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ từ 2 - 3°C.

Hãy giải thích tại sao ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ mùa đông lại ngắn hơn và ấm hơn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ?

hinh-anh-bai-42-mien-tay-bac-va-bac-trung-bo-2488-0

Vào mùa hạ gió tây nam từ vịnh Ben-gan tới, vượt qua các dải núi phía tây trên biên giới Việt - Lào, bị biến tính trở nên khô nóng ảnh hưởng mạnh tới chế độ mưa của miền, đặc biệt là vùng ven biển Đông Trường Sơn.

Qua hình 42.2, em có nhận xét gì về chế độ mưa của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ?

hinh-anh-bai-42-mien-tay-bac-va-bac-trung-bo-2488-1

Theo sát mùa mưa, mùa lũ cũng chậm dần. Ở Tây Bắc lũ lớn nhất vào tháng 7, còn ở Bắc Trung Bộ vào các tháng 10, 11.

4. TÀI NGUYÊN PHONG PHÚ ĐANG ĐƯỢC ĐIỀU TRA, KHAI THÁC

Sông ngòi trong miền có độ dốc lớn, có giá trị cao về thuỷ điện.

Nổi lên hàng đầu là tiềm năng thuỷ điện sông Đà. Trên sông Đà có thể xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Sơn La. Dòng sông Đà sẽ được ngăn thành những hồ nước khổng lồ, cung cấp mỗi năm hàng chục tỉ kwh điện và nhiều lợi ích khác.

Hãy nêu giá trị tổng hợp của hồ Hoà Bình?

Trong miền có tới hàng trăm mỏ và điểm quặng khác nhau, có giá trị lớn là các mỏ đất hiếm, crômit, thiếc, sắt, titan, đá quý và đá vôi.

Em hãy xác định vị trí và địa danh của các mỏ ghi trên hình 42.1.

Do có khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn nên miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là miền có đầy đủ hệ thống các vành đai thực vật ở Việt Nam, từ rừng nhiệt đới chân núi đến rừng ôn đới núi cao. Trong các khu rừng Trường Sơn còn bảo tồn được nhiều loài sinh vật quý hiếm.

Tài nguyên biển của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ cũng thật to lớn và đa dạng.

Các bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế)... hàng năm thu hút hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nuớc.

5. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Việc khôi phục và phát triển diện tích rừng trong miền là khâu then chốt để đảm bảo cuộc sống của nhân dân bền vững, đặc biệt là tại các vùng núi cao đầu nguồn nước như Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn... Tiếp theo là bảo vệ và nuôi dưỡng các hệ sinh thái ven biển, đầm phá và cửa sông.

Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ thường có nhiều thiên tai. Tại các vùng núi, thiên tai là sương muối, giá rét, lũ bùn, lũ quét. Tại vùng duyên hải là bão lụt, hạn hán, gió Tây khô nóng... Do vậy phải luôn sẵn sàng và chủ động phòng chống thiên tai để giảm nhẹ tác hại của chúng.

Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có địa hình cao nhất nước ta, có nhiều dãy núi và sông lớn hướng tây bắc - đông nam.

Khí hậu của miền còn chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và gió phơn tây nam.

Tài nguyên của miền rất phong phú đa dạng nhưng khai thác còn chậm. Cần tích cực bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái rừng, ven biển và hải đảo.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu những đặc điểm tự nhiên nổi bật của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

2. Vì sao bảo vệ và phát triển rừng là khâu then chốt để xây dựng cuộc sống bền vững của nhân dân miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

3. Hãy sắp xếp các đèo sau đây theo đúng trình tự từ Nam ra Bắc: đèo Ngang, đèo Mụ Giạ, đèo Keo Nưa, đèo Lao Bảo, đèo Hải Vân và cho biết chúng nằm trên những quốc lộ nào?

Sưu tầm tranh ảnh, tư liệu về hệ sinh thái của các vườn quốc gia trong miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ (Hoàng Liên Sơn, Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng...).

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 42. MIỀN TÂY BẮC VÀ BẮC TRUNG BỘ | Địa Lí 8 | Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM - Lớp 8 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lí 8

  1. Phần một - THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI Ở CÁC CHÂU LỤC (tiếp theo)
  2. Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 8

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.