BẢNG TRA CỨU THUẬT NGỮ | Địa Lí 8 | Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM - Lớp 8 - Giáo Dục Việt Nam

Trang 154

Nội Dung Chính

  1. B
  2. C
  3. D
  4. Đ
  5. E
  6. H
  7. L
  8. M
  9. N
  10. P
  11. S
  12. T

B

Băng hà núi: một dạng của băng hà được hình thành trên các sườn hoặc thung lũng núi cao. Các băng hà núi luôn luôn di chuyển chậm theo sườn dốc. Các lưỡi băng di chuyển xuống thấp khi vượt quá đường giới hạn tuyết vĩnh viễn sẽ bị tan ra tạo thành nguồn nước cung cấp cho sông ngòi. Tuỳ theo vị trí địa lí của các vùng núi mà giới hạn của băng hà núi thay đổi khác nhau. Các núi cao ở vùng xích đạo, độ cao vượt trên 5000 m mới hình thành băng hà. Các núi ở vùng cận nhiệt và ôn đới, giới hạn đó xuống thấp hơn. Ví dụ, trên sườn nam dãy Hi-ma-lay-a, đường giới hạn tuyết vinh viễn nằm ở độ cao khoảng 4500 m. Ở núi An-pơ, độ cao là 2300 - 2500 m.

Băng sơn (núi băng): là những khối băng lớn trôi trên các biển hoặc các đại dương vùng cực hoặc cận cực. Các núi băng gồm hai phần: phần nổi trên mặt nước chỉ chiếm khoảng 1/10, còn phần chìm dưới mặt nước chiếm 9/10 khối lượng băng. Các núi băng lớn có thể cao tới 70 - 100 m và có chiều dài từ hàng chục, thậm chí có trường hợp tới hơn 100 km. Các băng sơn là mối nguy hiểm đối với các tàu bè đi qua các vùng biển có băng trôi.

Băng thềm lục địa: là những lớp băng dày được hình thành trên các thềm lục địa, chủ yếu trong các vịnh biển và các vùng biển nông ven bờ châu Nam Cực. Bề dày của các băng thềm thay đổi từ vài chục đến hơn 300 m. Phía ngoài các băng thềm thường tạo thành các vách băng có thể cao tới 70 - 80 m và kéo dài tới hàng trăm km. Ở lục địa Nam Cực có hai băng thềm lớn nhất, đó là băng thềm Rốt rộng 522 000 km và băng thềm Phin-xne rộng 350 000 km. Băng thềm Rốt tạo thành một vách băng dài hon 950 km cao tới 75 m. Đây là nơi cung cấp các băng sơn lớn cho đại dương.

C

Cao nguyên: là dạng địa hình rộng lớn, có bề mặt tương đối bằng phẳng hoặc lượn sóng. Cao nguyên có các dấu hiệu khác với sơn nguyên ở chỗ: về hình thái bao giờ cũng có sườn dốc, thậm chí có nơi tạo thành vách đứng. Về nguồn gốc, các cao nguyên được hình thành trên các đá trầm tích dày như đá vôi, đá phiến sau đó được nâng lên cao nhưng bị chia cắt yếu như cao nguyên Sơn La, Mộc Châu, hoặc do dung nham bao phũ trên các khu vực rộng như cao nguyên Bảo Lộc, Di Linh hoặc cao nguyên Bô-lô-ven ở Lào.

Cảnh quan: hiểu một cách đơn giản nhất, từ cảnh quan có nội dung gần với từ phong cảnh. Các phong cảnh này con người có thể nhìn thấy ở bất kì một vùng hay một khu vực nào trên bề mặt Trái Đất với những đặc điểm riêng biệt của chúng (địa hình, đất, sông hồ, thực vật, động vật) hoặc những công trình do con người tạo ra như nhà cửa, làng xóm, đồng ruộng... Ví dụ, cảnh quan vùng núi Tam Đảo, cảnh quan bờ biển thành phố Nha Trang hoặc cảnh quan vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.

Chế độ nước (Chế độ sông hoặc thủy chế của sông): là nhịp điệu thay đổi lưu lượng của sông trong một năm. Trong một năm, các sông có mùa cạn, mùa lũ, có thời kì nước chảy, thời kì nước đóng băng...

D

Dân bản địa (xem thổ dân)

Đ

Đại chủng Ô-xtra-lô-it: là đại chủng gồm các thổ dân sống trên lục địa Ô-xtrây-li-a, các đảo thuộc Mê-la-nê-di và Niu Di-lân. Những người Ô-xtra-lô-it có màu da đen, tóc quăn tương tự như người Nê-grô-it ở châu Phi. Bởi vậy, trước dãy người ta xếp người Ô-xtra-lô-it và người Nê-grô-it vào cùng một đại chủng và gọi là đại chủng Nê-grô-Ô-xtra-lô-it. Ngày nay, với những kết quả nghiên cứu mới người ta tách đại chủng này thành hai đại chủng riêng biệt: Đại chủng Nê-grô-it và đại chủng Ô-xtra-lô-it.

Đảo đại dương: là những đảo xuất hiện giữa các đại dương. Có hai loại đảo đại dương: đảo núi lửa và đảo san hô.

Đảo núi lửa được hình thành do hoạt động của núi lửa ngầm dưới đáy đại dương. Dung nham trào ra tạo thành các núi và cao nguyên ngầm dưới nước. Khi các núi lửa nhô cao khỏi mực nước biển, tạo thành các đảo núi. Đảo núi có thể cao tới hàng nghìn mét. Quần đảo Ha-oai là một quân đảo núi lửa.

Trên nhiều đảo hiện nay có các núi lửa đang hoạt động. Ví dụ, đảo Ha-oai có ngọn Mô-na Loa là ngọn núi lửa đang hoạt động, cao tới 4170 m.

Đảo san hô được hình thành do các cấu tạo san hô phát triển trong các vùng biển nhiệt đới. Khi các cấu tạo san hô này được nâng lên khỏi mực nước biển thì tạo thành các đảo. San hô có thể phát triển trên các cao nguyên ngầm (thường không sâu quá 50 m), tức là nơi còn ánh sáng xuyên tới, hoặc xung quanh các đảo núi lửa. Loại san hô hình thành xung quanh các núi lửa. Trong điều kiện khu vực núi bị lún xuống từ từ thì san hô phát triển cao dần lên. Đến một lúc nào đó khu vực núi lại được nâng lên thì san hô sẽ lộ ra trên mặt, tạo thành đảo dạng vành khăn. Loại đảo dạng vành khăn thường có hình bầu dục hoặc tròn, đường kính có thể rộng mấy trăm mét đến mấy ki-lô-mét. Loại đảo này ở giữa có một hồ nước nông rất thuận lợi cho các tàu thuyền ẩn nấp, cho việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Đa số các đảo san hô đều là những đảo thấp, có bề mặt bằng phẳng. Bờ đảo phía hồ nước thường là bờ thoai, có các bãi biển rộng.

Đảo lục địa: là những đảo được hình thành từ một bộ phận lục địa bị tách ra do phần đất nằm giữa đảo và lục địa hiện nay bị đút gãy, sụt lún, biển tràn ngập tạo thành eo biển hay biển hẹp. Ví dụ, đảo Ma-đa-ga-xca ở châu Phi, các đảo Niu Ghi-nê, Bi-xmac, Nu-ven Ca-lê-đô-ni thuộc nhóm đảo Mê-la-nê-di.

Các đảo lục địa có kích thước lớn nhỏ khác nhau, trong đó có những đảo rất lớn như đảo Niu Ghi-nê rộng tới 880.000 km2 nghĩa là lớn gấp 2,5 lần diện tích nước ta.

Địa mảng: theo thuyết kiến tạo mảng, địa mang là những bộ phận của vỏ Trái Đất được phân biệt với nhau bởi các trục tách dãn theo sống lồi giữa các đại dương và các đới hút chìm (do hai mảng lục địa và đại dương tiến gần nhau, dồn ép vào nhau, mảng đại dương chúi xuống dưới mảng lục địa) hoặc đới nén ép (do hai mảng lục địa gặp nhau).

Sự dịch chuyển của các mảng và sự gặp nhau giữa chúng là nguyên nhân gây ra những biến dạng của vỏ Trái Đất như: hình thành các dãy núi uốn nếp, sự nâng lên hay hạ xuống của các vùng, hoạt động núi lửa, động đất và các đứt gãy, sụt lún của vỏ Trái Đất.

Địa nhiệt: là nguồn nhiệt từ lòng Trái Đất, được thể hiện qua các hiện tượng như: hoạt động núi lửa, các suối nước nóng, suối phun nóng... Nếu ta đào sâu xuống lòng đất, càng vào sâu trong lòng đất nhiệt độ càng tăng dần. Theo các tính toán, cứ xuống sâu 100 m nhiệt độ tăng lên khoảng 3°C, do đó, trong lòng Trái Đất nhiệt độ sẽ rất cao. Ở độ sâu 100 km nhiệt độ có thể lên tới 1000 - 1400°C...

Nguồn nhiệt trong lòng đất cao như vậy có thể do sự phân rã của các nguyên tố phóng xạ hoặc do sự phân dị trọng lực của vật chất trong lớp manti.

Từ lâu con người ở các vùng khí hậu lạnh đã biết sử dụng nguồn nhiệt này để sưởi ấm các khu dân cư, để trồng rau quả trong nhà kính và xây dựng các nhà máy điện địa nhiệt.

E

En Ninô

a) En Ninô trước đây để chỉ dòng biến nóng xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển Ê-cu-a-đo - Pê-ru từ vùng xích đạo về phía nam tới khoảng 12 - 13°N. Chu kì xuất hiện của dòng nóng này khoảng 11-12 năm một lần vào dịp lễ Giáng Sinh, vì thế ngư dân địa phương gọi hiện tượng này là En Ninô (con của Chúa).

Vào thời kì này nước mặt biển nóng lên, các vùng hoang mạc dọc theo duyên hải phía tây Nam Mĩ thường xuyên khô hạn, nay có mưa rào lớn làm cho cảnh quan thiên nhiên bị biến đổi mạnh. Trong hoang mạc bắt đầu xuất hiện các dòng chảy, các loài cây cỏ mọc và phát triển nhanh chóng, các loài côn trùng, sâu bọ sinh sôi nảy nở kéo theo các loài chim đến tìm mồi tụ tập khá đông.

b) Ngày nay, En Ninô được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên khác thường của nước biển thuộc vành đai xích đạo rộng lớn, dài gần 10.000 km từ bờ biển Nam Mĩ đến quần đảo Mác-san ở vùng giữa Thái Bình Dương.

En Ninô thường lặp lại với chu kì dài 8-11 năm và chu kì ngắn 2-3 năm một lần. Giữa các thời kì nóng lền bất thường của nước biển các khu vực nói trên lại có hiện tượng ngược lại, nước biển bị lạnh đi và người ta gọi là hiện tượng Đối En Ninô hay La Nina.

Khi En Ninô xuất hiện thường xảy ra thiên tai nặng như mưa lớn, bão, lũ lụt ở vùng này, hạn hán, cháy rừng ở vùng khác làm thiệt hại lớn về người và sản xuất của xã hội.

H

Hoàn lưu khí quyển: là vòng tuần hoàn của không khí trong khí quyển được biểu diễn bằng hệ thống gió có quy mô hành tinh xuất hiện trên bề mặt Trái Đất.

Hoàn lưu khí quyển có tác dụng điều hoà, phân phối lại nhiệt, ẩm, làm giảm bớt sự chênh lệch về nhiệt độ và độ ẩm giữa các vùng khác nhau trên phạm vi toàn thế giới. Có các hoàn lưu chính: hoàn lưu tín phong, hoàn lưu gió tây, hoàn lưu gió mùa...

Hoàng thổ: một loại đất mịn, màu vàng được hình thành do sự tích tụ các hạt bụi từ nơi khác do gió vận chuyển tới. Hoàng thổ còn gọi là "đất Lớt". Loại đất này phân bố chủ yếu ở phía bắc Trung Quốc, trong các tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây, Sơn Tây...

L

Lục địa cổ: là những lục địa được hình thành rất sớm trền bề mặt Trái Đất, có tuổi địa chất trước đại Cổ sinh, cách hiện nay ít nhất khoảng 570 triệu năm. Ngày nay, trên thế giới người ta đã xác định được một số mảng lục địa cổ sau đây: phần phía đông của lục địa Nam Mĩ, phần lớn lục địa Phi, phần Tây lục địa Ô-xtrây-li-a, bán đảo A-rap, bán đảo Ấn Độ...

M

Mạng lưới sông: là toàn bộ các sông phân bố trong phạm vi một lãnh thổ nào đó. Mạng lưới sông phụ thuộc vào lượng mưa rơi, địa hình mà có các sông dày đặc hay thưa thớt.

N

Nền cổ: là thành tạo địa chất cổ nhất của bề mặt Trái Đất, có tuổi trước đại Cổ sinh. Nền có được cấu tạo bởi các đá kết tinh, biến chất rắn chắc. Các nền cổ chịu quá trình xâm thực, bào mòn lâu dài nên địa hình bề mặt tương đối bằng phẳng.

Nguồn tài nguyên: là toàn bộ các nguồn vật chất, năng lượng và thông tin có trên Trái Đất và trong Vũ Trụ, được con người sử dụng để phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển xã hội.

Nguồn tài nguyên có nhiều loại khác nhau. Dựa vào nguồn gốc, có thể chia các tài nguyên thành hai loại: tài nguyên tự nhiên liên quan đến các yếu tố tự nhiên như khoáng sản, nước, đất, không khí, các loài sinh vật... và tài nguyên con người hay còn gọi là tài nguyên nhân văn, liên quan đến vai trò của con người như sức lao động, các công cụ và phương tiện lao động, các công trình xây dựng kinh tế - xã hội, các di tích văn hoá lịch sử.

Dựa vào khả năng bảo tồn, có thể chia các nguồn tài nguyên thành hai nhóm: tài nguyên cạn kiệt và tài nguyên không cạn kiệt.

Nguồn tài nguyên cạn kiệt bao gồm:

+ Tài nguyên không thể tái tạo (không thể phục hồi) là những loại có khối lượng hữu hạn, trong quá trình khai thác, sử dụng chúng sẽ bị cạn kiệt dần. Thuộc loại này chủ yếu là các khoáng sản.

+ Tài nguyên có thể tái tạo (có thể phục hồi) là những loại nếu biết khai thác, sử dụng hợp lí, chúng có khả năng tự phục hồi để trở lại trạng thái ban đầu, như các loại động vật, thực vật, đất và độ phì của đất.

Tài nguyên không cạn kiệt, bao gồm:

+ Tài nguyên tồn tại vĩnh viễn (vô tận) gồm các nguồn năng lượng có trên Trái Đất hoặc trong Vũ Trụ như năng lượng Mặt Trời, địa nhiệt, năng lượng gió, dòng chảy, sóng nước, thuỷ triều...

+ Tài nguyên không cạn kiệt nhưng bị biến đổi chất lượng hoặc sự phân bố do bị ô nhiễm như nguồn tài nguyên nước (nước hồ ao, sông suối, biển, đại dương) và tài nguyên khí hậu (các khối khí, nhiệt độ, gió, mưa, độ ẩm...).

P

Phù du sinh vật (sinh vật nổi, sinh vật phù du): là những sinh vật bậc thấp không có cơ quan tự di chuyển, cơ thể rất nhỏ bé và sống trôi nổi trên mặt nước hoặc trong các lớp nước. Chúng là nguồn thức ăn chính cho các loài cá nhỏ và tôm...

S

Sơn nguyên: là những khu vực đồi núi rộng lớn, có bề mặt tương đối bằng phẳng. Các sơn nguyên được hình thành trên các vùng nền cổ hoặc các khu vực núi già (thuộc đới uốn nếp Cổ sinh) bị quá trình bào mòn lâu dài. Các sơn nguyên có độ cao thay đổi: 400 - 500 m như sơn nguyên Đê-can, A-rap, Trung Xi-bia; 1500 - 2000 m như sơn nguyên Bra-xin hoặc 4000 - 4500 m như sơn nguyên Thanh - Tạng, Pa-mia. Trong nhiều tài liệu, người ta sử dụng thuật ngữ này đồng nghĩa với thuật ngữ cao nguyên.

T

Thổ dân: là cư dân gốc ở địa phương lâu đời. Tổ tiên của họ đến ở tại địa phương đó đã hàng ngàn năm.

Tin tức mới


Đánh giá

BẢNG TRA CỨU THUẬT NGỮ | Địa Lí 8 | Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM - Lớp 8 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lí 8

  1. Phần một - THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI Ở CÁC CHÂU LỤC (tiếp theo)
  2. Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 8

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.