Nội Dung Chính
1. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA VÙNG BIỂN VIỆT NAM
a) Diện tích, giới hạn
Vùng biển Việt Nam là một phần của Biển Đông. Biển Đông là một biển lớn, tương đối kín, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á.
Biển Đông trải rộng từ Xích đạo tới chí tuyến Bắc, thông với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển hẹp. Diện tích Biển Đông là 3 447 000 km2. Biển Đông có hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, độ sâu trung bình của các vịnh dưới 100 m.
Em hãy tìm trên hình 24.1 vị trí các eo biển và các vịnh nêu trên.
Phần biển Việt Nam nằm trong Biển Đông có diện tích là bao nhiêu km2, tiếp giáp vùng biển của những quốc gia nào?
b) Đặc điểm khí hậu và hải văn của biển
Khí hậu các đảo gần bờ về cơ bản giống như khí hậu vùng đất liền lân cận. Còn khu vực biển xa, khí hậu có những nét khác biệt lớn với khí hậu đất liền.
- Chế độ gió: Trên Biển Đông, gió hướng đông bắc chiếm ưu thế trong bảy tháng, từ tháng 10 đến tháng 4. Các tháng còn lại trong năm, ưu thế thuộc về gió tây nam, riêng ở vịnh Bắc Bộ chủ yếu là hướng nam. Gió trên biển mạnh hơn trên đất liền rõ rệt. Tốc độ gió trung bình đạt 5-6 m/s và cực đại tới 50 m/s, tạo nên những sóng nước cao tới 10 m hoặc hơn. Dông trên biển thường phát triển về đêm và sáng.
- Chế độ nhiệt: Ở biển, mùa hạ mát hơn và mùa đông ấm hơn đất liền. Biên độ nhiệt trong năm nhỏ.
Nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt là trên 23°C.
Quan sát hình 24.2, em hãy cho biết nhiệt độ nước biển tầng mặt thay đổi như thế nào?
- Chế độ mưa: Lượng mưa trên biển thường ít hơn trên đất liền, đạt từ 1100 đến 1300 mm/năm. Ví dụ: lượng mưa trên đảo Bạch Long Vĩ là 1127 mm/năm, trên đảo Hoàng Sa là 1227 mm/năm. Sương mù trên biển thường hay xuất hiện vào cuối mùa đông đầu mùa hạ.
Dòng biển: Dựa vào hình 24.3, em hãy cho biết hướng chảy của các dòng biển hình thành trên biển Đông tương ứng với hai mùa gió chính khác nhau như thế nào?
Cùng với các dòng biển, trên vùng biển Việt Nam còn xuất hiện các vùng nước trồi và nước chìm, vận động lên xuống theo chiều thẳng đứng, kéo theo sự di chuyển của các sinh vật biển.
- Chế độ triều: Thuỷ triều là nét rất đặc sắc của vùng biển Việt Nam. Vùng biển ven bờ nước ta có nhiều chế độ triều khác nhau. Trong đó, chế độ nhật triều của vịnh Bắc Bộ được coi là điển hình của thế giới, ở đây mỗi ngày chỉ có một lần nước lên và một lần nước xuống rất đều đặn.
- Độ muối trung bình của biển Đông là 30 - 33%.
2. TÀI NGUYÊN VÀ BẠO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VIỆT NAM
a) Tài nguyên biển
Vùng biển nước ta rất giàu và đẹp, nguồn lợi thật là phong phú, đa dạng và có giá trị to lớn về nhiều mặt (kinh tế, quốc phòng, khoa học...).
Em hãy cho biết một số tài nguyên của vùng biển nước ta. Chúng là cơ sở cho những ngành kinh tế nào?
Biển của chúng ta là một kho tài nguyên lớn nhưng không phải là vô tận. Việc khai thác tài nguyên nơi đây đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ. Thiên tai vùng biển cũng thật dữ dội và khó lường hết.
Em hãy cho biết một số thiên tai thường gặp ở vùng biển nước ta.
b) Môi trường biển
Môi trường biển Việt Nam còn khá trong lành. Tuy nhiên ở một số vùng biển ven bờ đã bị ô nhiễm do chất thải dầu khí và chất thải sinh hoạt. Nguồn lợi hải sản của biển cũng có chiều hướng giảm sút.
Muốn khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì?
Biển Đông là một vùng biển lớn, tương đối kín, thể hiện rõ tính chất nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á.
Vùng biển Việt Nam rộng gấp nhiều lần phần đất liền và có giá trị to lớn về nhiều mặt.
Cần phải có kế hoạch khai thác và bảo vệ biển tốt hơn để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Vùng biển Việt Nam mang tính chất nhiệt đới gió mùa, em hãy chứng minh điều đó thông qua các yếu tố khí hậu biển.
2. Biển đã đem lại những thuận lợi và khó khăn gì đối với kinh tế và đời sống của nhân dân ta?
3. Sưu tầm tranh ảnh về hải sản và cảnh đẹp của biển Việt Nam.
BÀI ĐỌC THÊM
VÙNG BIỂN CHỦ QUYỀN CỦA NƯỚC VIỆT NAM
Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chinh phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khẳng định chủ quyền và các quyền của nước ta trên các vùng biển và thềm lục địa. Tuyên bố này phù hợp với luật biển quốc tế hiện hành, quy định vùng biển thuộc chủ quyền nước ta bao gồm các vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền về kinh tế. Dưới phần nước biển là phần thềm lục địa.
Ngày 12 tháng 11 năm 1982, Chính phủ ta tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (hình 24.5 và hình 24.6).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn