Việt Nam có chín hệ thống sông lớn, còn lại là các hệ thống sông nhỏ và rời rạc tại ven biển Quảng Ninh và Trung Bộ nước ta.
Em hãy tìm trên hình 33.1 vị trí và lưu vực của chín hệ thống sông nêu trong bảng 34.1.
1. SÔNG NGÒI BẮC BỘ
Sông ngòi Bắc Bộ có chế độ nước rất thất thường. Mùa lũ kéo dài năm tháng và cao nhất vào tháng 8. Lũ tập trung nhanh và kéo dài do các sông ở đây có dạng nan quạt. Một số sông nhánh chảy giữa các cánh cung núi, quy tụ về đỉnh tam giác châu sông Hồng.
Tiêu biểu cho khu vực sông ngòi Bắc Bộ là hệ thống sông Hồng. Hệ thống sông Hồng gồm ba sông chính là sông Hồng (sông Thao), sông Lô và sông Đà hợp lưu ở gần Việt Trì. Chiều dài tổng cộng của dòng chính là 1126 km, đoạn trung lưu và hạ lưu chảy qua nước ta dài 556 km.
Em hãy tìm trên hình 33.1 vùng hợp lưu của ba sông nêu trên.
2. SÔNG NGÒI TRUNG BỘ
Sông ngòi Trung Bộ thường ngắn và dốc, phân thành nhiều lưu vực nhỏ độc lập. Lũ lên rất nhanh và đột ngột, nhất là khi gặp mưa và bão lớn. Mùa lũ tập trung vào cuối năm từ tháng 9 đến tháng 12.
Em hãy cho biết vì sao sông ngòi Trung Bộ lại có đặc điểm như vậy? Tìm trên bản đồ một số sông lớn ở Trung Bộ nước ta.
Bảng 34.1. Hệ thống các sông lớn ở Việt Nam
STT | Hệ thống các sông | Độ dài sông chính (km) | Diện tích lưu vực (km2) | Tổng lượng dòng chảy (tỉ m3/năm) | Hàm lượng phù sa (g/m3) | Mùa lũ (tháng) | Các cửa sông |
1 | Hồng | 556/1126 | 72 700/143 700 | 120 | 1010 | 6 - 10 | Ba Lạt Trà Lí Lạch Giang |
2 | Thái Bình | 385 | 15 180 | 10 | 128 | 6 - 10 | Nam Triệu Cấm Văn Úc Thái Bình |
3 | Kì Cùng - Bằng Giang | 243 | 11 220 | 7,3 | 686 | 6 - 9 | Chảy vào Tây Giang (Trung Quốc) |
4 | Mã | 410/512 | 17 600/28400 | 10,8 | 402 | 6 - 10 | Lạch Trường Lạch Trào (Hới) |
5 | Cả | 361/513 | 17 730/27 200 | 24,7 | 206 | 7 - 11 | Hội |
6 | Thu Bồn | 205 | 10350 | 20 | 120 | 9 - 12 | Đại |
7 | Ba (Đà Rằng) | 388 | 13 900 | 9,39 | 227 | 9 - 12 | Tuy Hoà |
8 | Đồng Nai | 635 | 37 400 | 32,8 | 200 | 7 - 11 | Cần Giờ Soài Rạp Đồng Tranh |
9 | Mê Công | 230/4300 | 71 000/795 000 | 507 | 150 | 7 - 11 | Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Trần Đề, Bát Xác |
Mẫu số chỉ toàn bộ độ dài sông, diện tích lưu vực sông (kể cả ngoài nước) |
2. SÔNG NGÒI NAM BỘ
Sông ngòi Nam Bộ thường có lượng nước chảy lớn, chế độ nước cũng theo mùa, nhưng điều hoà hơn sông ngòi Bắc Bộ và Trung Bộ. Lòng sông rộng và sâu, ảnh hưởng của thủy triều lớn, rất thuận lợi cho giao thông vận tải.
Có hai hệ thống sông lớn là hệ thống sông Mê Công và hệ thống sông Đồng Nai.
Mê Công là hệ thống sông lớn nhất vùng Đông Nam Á. Chiều dài dòng chính là 4300 km, chảy qua sáu quốc gia.
Em hãy cho biết đoạn sông Mê Công chảy qua nước ta có chung tên là gì, chia làm mấy nhánh, tên của các sông nhánh đó, đổ nước ra biển bằng những cửa nào?
Sông Mê Công đã mang đến cho đất nước ta những nguồn lợi to lớn. Song do nhiều nguyên nhân, dòng sông vào mùa lũ cũng gây nên những khó khăn không nhỏ.
Em hãy nêu những thuận lợi và khó khăn do lũ gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nước ta có chín hệ thống sông lớn và chia thành ba vùng sông ngòi:
- Sông ngòi Bắc Bộ mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10.
- Sông ngòi Trung Bộ ngắn và dốc, có lũ vào thu đông.
- Sông ngòi Nam Bộ khá điều hoà, mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 11.
Phải sẵn sàng phòng chống lũ lụt, bảo vệ đời sống và sử dụng các nguồn lợi từ sông nước.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Xác định trên hình 33.1 chín hệ thống sông lớn của nước ta.
2. Các thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Đà Nẵng, Cần Thơ nằm trên bờ những dòng sông nào?
3. Nêu cách phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn