Nội Dung Chính
1. HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á
Quan sát hình 17.1, cho biết 5 nước đầu tiên tham gia vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á, những nước nào tham gia sau Việt Nam.
Trong 25 năm đầu, Hiệp hội được tổ chức như một khối hợp tác về quân sự. Từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX với mục tiêu chung là giữ vững hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, các nước còn lại lần lượt gia nhập Hiệp hội để xây dựng một cộng đồng hoà hợp, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội. Các nước hợp tác với nhau trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên và ngày càng hợp tác toàn diện hơn, cùng khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.
2. HỢP TÁC ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Em hãy cho biết các nước Đông Nam Á có những điều kiện thuận lợi gì để hợp tác phát triển kinh tế?
Vị trí địa lí giữa các nước trong khu vực cũng tạo thuận lợi cho các nước hợp tác với nhau. Ba nước Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và In-đô- nê-xi-a đã lập tam giác tăng trưởng kinh tế XI-GIÔ-RI từ năm 1989.
Sau hơn 10 năm, tại vùng kém phát triển của Ma-lai-xi-a (tỉnh Giô-ho) và In-đô-nê-xi-a (quân đảo Ri-au) đã xuất hiện các khu công nghiệp lớn. Còn Xin-ga-po phát triển những ngành công nghiệp không cần nhiều nhân công và nguyên liệu.
Sự hợp tác để phát triển kinh tế - xã hội còn biểu hiện qua:
- Nước phát triển hơn đã giúp đỡ cho các nước thành viên chậm phát triển đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong khu vực và để xuất khẩu.
- Tăng cường trao đổi hàng hoá giữa các nước.
- Xây dựng tuyến đường sắt, đường bộ từ Việt Nam sang Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po; từ Mi-an-ma qua Lào tới Việt Nam.
- Phối hợp khai thác và bảo vệ lưu vực sông Mê Công.
Tuy nhiên vào cuối những năm 90 của thế kỉ XX, các nước ASEAN gặp một số khó khăn như khủng hoảng kinh tế, xung đột tôn giáo, thiên tai. Điều đó càng đòi hỏi phải đoàn kết, hợp tác cùng giải quyết những khó khăn đó.
3. VIỆT NAM TRONG ASEAN
Từ khi trở thành thành viên của Hiệp hội, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ.
"Trong quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam với các nước ASEAN, tính chung từ 1990 tới nay, tốc độ tăng trung bình 26,8%/năm. Hiện nay, buôn bán với ASEAN chiếm 32,4% tổng buôn bán quốc tế của nước ta. Mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta sang ASEAN là gạo. In-đô-nê-xi-a là thị trường gạo lớn nhất của nước ta trong Hiệp hội, tiếp đó là Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a... Hàng hoá nhập khẩu từ ASEAN chủ yếu là nguyên liệu sản xuất như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, hàng điện tử...
Việt Nam có sáng kiến xây dựng Dự án phát triển hành lang Đông - Tây tại lưu vực sông Mê Công gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan và Mi-an-ma, nhằm xoá đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước và các vùng trong Hiệp hội. Khi thực hiện Dự án, những lợi thế về kinh tế của miền Trung nước ta sẽ được khai thác và đưa lại lợi ích cho nhân dân các dân tộc đang sinh sống ở khu vực còn nhiều khó khăn này..."
Từ đoạn văn trên hãy cho biết những lợi ích của Việt Nam trong quan hệ mậu dịch và hợp tác với các nước ASEAN là gì?
Hãy liên hệ với thực tế đất nước, nêu thêm một vài ví dụ về sự hợp tác này.
Tham gia vào ASEAN, Việt Nam vừa có được cơ hội để phát triển đất nước vừa gặp những thách thức rất lớn như sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, sự khác biệt về thể chế chính trị, bất đồng ngôn ngữ... Chúng ta đang có những giải pháp để vượt qua những thử thách này, góp phần vào quá trình tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực.
Năm 1999 Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã có mười nước thành viên và hợp tác để cùng phát triển đồng đều, ổn định trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng chủ quyền của nhau.
Sự hợp tác đã đem lại nhiều kết quả trong kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi nước.
Tham gia vào ASEAN, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng có nhiều thách thức cần vượt qua.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Mục tiêu hợp tác của Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã thay đổi qua thời gian như thế nào?
2. Phân tích những lợi thế và khó khăn của Việt Nam khi trở thành thành viên của ASEAN.
3. Vẽ biểu đồ hình cột và nhận xét GDP / người của các nước ASEAN theo số liệu dưới đây:
Bảng 17.1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người của một số nước Đông Nam Á năm 2001 (đơn vị: USD).
Nước | GDP/người | Nước | GDP/người | Nước | GDP/người |
Bru-nây Cam-pu-chia In-đô-nê-xi-a | 12 300 280 680 | Lào Ma-lay-xi-a Phi-líp-pin | 317 3 680 930 | Thái Lan Việt Nam Xin-ga-po | 1 870 415 20 740 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2002. NXB Thống kê, Hà Nội, 2003.
4. Thu thập thông tin về sự hợp tác của Việt Nam với các nước Đông Nam Á.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn