Bài 43. MIỀN NAM TRUNG BỘ VÀ NAM BỘ | Địa Lí 8 | Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM - Lớp 8 - Giáo Dục Việt Nam

Phía nam dãy núi Bạch Mã là một miền tự nhiên nhiệt đới gió mùa điển hình. Thiên nhiên ở đây khác biệt rõ rệt so với hai miền tự nhiên phía bắc.


1. VỊ TRÍ, PHẠM VI LÃNH THỐ

Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ bao gồm toàn bộ lãnh thổ phía nam nước ta, từ Đà Nẵng tới Cà Mau, chiếm tới 1/2 diện tích của cả nước.

Hãy xác định trên hình 43.1 phạm vi lãnh thổ của miền này, chỉ rõ các khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

2. MỘT MIỀN NHIỆT ĐỚI GIÓ MÙA NÓNG QUANH NĂM, CÓ MÙA KHÔ SÂU SẮC

a) Từ dãy núi Bạch Mã (16° vĩ Bắc) trở vào nam, nhiệt độ trung bình năm đã tăng cao, vượt 25°C ở đồng bằng và trên 21 °C ở vùng núi. Biên độ nhiệt năm cũng giảm rõ rệt, dao động trong khoảng từ 3 đến 7°C.

Vì sao miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ có chế độ nhiệt ít biến động và không có mùa đông lạnh giá như hai miền phía bắc?

b) Chế độ mưa ở miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ không đồng nhất. Đặc biệt khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có mùa khô kéo dài, nhiều nơi bị hạn gay gắt, mùa mưa đến muộn và tập trung trong thời gian ngắn (các tháng 10, 11). Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên mùa mưa kéo dài 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80% lượng mưa cả năm. Mùa khô thường bị thiếu nước nghiêm trọng.

Vì sao mùa khô ở miền Nam diễn ra gay gắt hơn so với hai miền phía bắc?

3. TRƯỜNG SƠN NAM HÙNG VĨ VÀ ĐỒNG BẰNG NAM BỘ RỘNG LỚN

a) Hình thành trên một miền nền bằng rất cổ (nền cổ Kon Tum), được Tân kiến tạo nâng lên mạnh mẽ, Trường Sơn Nam trở thành khu vực núi và cao nguyên rộng lớn, hùng vĩ. Cũng vì thế, cảnh quan nhiệt đới ở dãy trở nên đa dạng, có thêm phần mát mẻ, lạnh giá của khí hậu miền núi và cao nguyên.

hinh-anh-bai-43-mien-nam-trung-bo-va-nam-bo-2489-0

hinh-anh-bai-43-mien-nam-trung-bo-va-nam-bo-2489-1

Tìm trên hình 43.1 những đỉnh núi cao trên 2000m (Ngọc Linh 2598m, Vọng Phu 2051m, Chư Yang Sin 2405m) và các cao nguyên (Kon Tum, Plây Ku, Đắk Lắk, Lâm Viên, Mơ Nông, Di Linh).

b) Đồng bằng Nam Bộ hình thành và phát triển trên một miền sụt võng rộng lớn và được phù sa của hệ thống sông Đồng Nai - Vàm Cỏ và hệ thống sông Mê Công bồi đắp nên. Đồng bằng Nam Bộ rộng lớn, chiếm tới hơn một nửa diện tích đất phù sa của cả nước và còn giữ lại nhiều tính chất tự nhiên ban đầu.

So sánh với đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long có những nét khác biệt cơ bản nào?

4. TÀI NGUYÊN PHONG PHÚ VÀ TẬP TRUNG, DỄ KHAI THÁC

a) Khí hậu - đất đai thuận lợi

Tuy có một mùa khô khá gay gắt nhưng nhìn chung khí hậu, đất đai miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi trông thuỷ sản quy mô lớn.

Hãy nêu một số vùng chuyên canh lớn về lúa gạo, cao su, cà phê, cây ăn quả... ở miền Nam nước ta hiện nay và cho biết hoàn cảnh sinh thái tự nhiên của các vùng đó.

b) Tài nguyên rừng trong miền rất phong phú, nhiều kiểu loại sinh thái. Rừng phân bố rộng rãi từ miền núi Trường Sơn, Tây Nguyên tới các đồng bằng ven biển. Diện tích rừng ở đây chiếm gần 60% diện tích rừng cả nước. Trong rừng còn có nhiều sinh vật quý hiếm.

c) Tài nguyên biển trong miền rất đa dạng và có giá trị to lớn

Bờ biển Nam Trung Bộ có nhiều vũng vịnh nước sâu, kín đáo để lập hải cảng.

Thềm lục địa phía nam có trữ lượng dầu khí rất lớn, khai thác mỗi năm hàng chục triệu tấn dầu thô. Trên vùng biển này còn có những đảo yến giàu có, những đảo đá san hô như các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...

Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ có diện tích rộng lớn, thiên nhiên đa dạng, tài nguyên phong phú.

Miền có khí hậu nóng quanh năm với lượng mưa lớn nhưng phân bố không đều. Mùa khô kéo dài dễ gây ra hạn hán và cháy rừng.

Để phát triển kinh tế bền vững, cần chú trọng bảo vệ môi trường rừng, biển, đất và các hệ sinh thái tự nhiên.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Đặc trưng khí hậu của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là gì?

2. Trình bày những tài nguyên chính của miền.

3. Lập bảng so sánh ba miền tự nhiên Việt Nam theo mẫu sau:

Yếu tố Miền
Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ
Địa chất - Địa hình      
Khí hậu - Thuỷ văn      
Đất - Sinh vật      
Bảo vệ môi trường      

BÀI ĐỌC THÊM

KÌ THÚ VƯỜN QUỐC GIA YOK ĐÔN

Vườn quốc gia Yok Đôn cách Buôn Ma Thuột 40km về phía tây, thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong những khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, có diện tích 115 000 ha. Điều làm hấp dẫn du khách là cảnh hoang sơ của núi rừng, có nhiều loại rừng: rừng ẩm, rừng rụng lá vào mùa khô, rừng cây bụi... Yok Đôn còn là nơi cư trú của 62 loài thú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 loài thực vật. Vào mùa khô, trong cái nắng gay gắt của Tây Nguyên thì nơi đây vẫn mát lạnh như ở xứ sương mù Đà Lạt, thoang thoáng mùi hương phong lan quanh năm. VQG hàng năm đón nhận nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu.

Khi đến tham quan VQG, bạn sẽ được cưỡi voi đi dạo giữa những cánh rừng xanh mát, hoặc cùng voi vượt sông Xrê-pôk, thưởng thức những món ăn truyền thống: cơm lam, gà nướng... của cư dân bản địa, hoặc quây quần bên ché rượu cần nghe già làng kể khan, nghe những truyền thuyết, sử thi... Những điều kì thú ở VQG đang chờ đón bước chân bạn tìm về!

Vào mùa đông, các đầm nước trong rừng tiếp nhận vô số đàn chim từ phương bắc lạnh bay về cư trú. Vịt trời, ngỗng trời, giang, sếu, le le... đậu la liệt trên các gò đất và trong các bãi lầy. Bằng nhiều chất giọng khác nhau, chúng gọi nhau ríu rít, tạo nên một khung cảnh náo nhiệt lạ thường.

hinh-anh-bai-43-mien-nam-trung-bo-va-nam-bo-2489-2

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 43. MIỀN NAM TRUNG BỘ VÀ NAM BỘ | Địa Lí 8 | Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM - Lớp 8 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lí 8

  1. Phần một - THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI Ở CÁC CHÂU LỤC (tiếp theo)
  2. Phần hai - ĐỊA LÍ VIỆT NAM

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 8

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.