Châu Á là châu lục rộng lớn nhất, có điều kiện tự nhiên phức tạp và đa dạng. Tính phức tạp, đa dạng đó được thể hiện trước hết qua cấu tạo địa hình và sự phân bố khoáng sản.
Châu Á nằm trải dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo, có kích thước rộng lớn và cấu tạo địa hình phức tạp. Đó là những điều kiện tạo ra sự phân hoá khí hậu đa dạng và mang tính lục địa cao.
Châu Á có mạng lưới sông ngòi phát triển, song sự phân bố không đều, chế độ nước thay đổi phức tạp. Cảnh quan tự nhiên phân hoá đa dạng. Nhìn chung, thiên nhiên châu Á có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Châu Á là một trong những nơi có người cổ sinh sống và là cái nôi của những nền văn minh lâu đời trên Trái Đất. Châu Á còn được biết đến bởi một số đặc điểm nổi bật của dân cư mà ta sẽ tiếp tục tìm hiểu.
Các nước châu Á có quá trình phát triển sớm nhưng trong một thời gian dài việc xây dựng nền kinh tế - xã hội bị chậm lại. Từ cuối thế kỉ XX nền kinh tế của các nước và vùng lãnh thổ châu Á đã có chuyển biến mạnh mẽ nhưng không đồng đều.
Trong mấy chục năm cuối thế kỉ XX, phần lớn các nước châu Á đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhìn chung, sự phát triển của các nước không đồng đều, song nhiều nước đã đạt được một số thành tựu to lớn.
Tây Nam Á nằm ở vị trí ngã ba của ba châu lục Á, Âu, Phi, là khu vực nhiều núi và cao nguyên, có khí hậu khô hạn và có nguồn tài nguyên dầu mỏ rất phong phú. Tây Nam Á là một trong những nơi phát sinh các nền văn minh cổ đại.
Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên khu vực Nam Á phong phú, đa dạng, có hệ thống núi Hi-ma-lay-a hùng vĩ, sơn nguyên Đê-can, đồng bằng Ấn - Hằng rộng lớn. Cảnh quan thiên nhiên chủ yếu là rừng nhiệt đới và xa van, thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Khu vực Nam Á có tài nguyên thiên nhiên giàu có, là một trong những cái nôi của nền văn minh Cổ đại thế giới. Hiện nay Nam Á vẫn là khu vực các nước đang phát triển, có dân cư đông bậc nhất thế giới.
Đông Á là khu vực rộng lớn nằm tiếp giáp với Thái Bình Dương, có điều kiện tự nhiên rất đa dạng. Đây là khu vực được con người khai thác lâu đời nên cảnh quan tự nhiên bị biến đổi rất sâu sắc.
Đông Á là khu vực đông dân nhất châu Á, đồng thời là khu vực phát triển nhanh, nơi có nhiều nền kinh tế mạnh của thế giới. Trong tương lai sự phát triển kinh tế của các nước Đông Á còn nhiều hứa hẹn.
Khu vực Đông Nam Á có diện tích đất đai tuy chỉ chiếm khoảng 4,5 triệu km2, nhưng lại có cả không gian gồm đất liền và hải đảo rất rộng lớn. Vậy đặc điểm tự nhiên của khu vực này như thế nào?
Đông Nam Á là cầu nối giữa hai châu lục, hai đại dương với các đường giao thông ngang, dọc trên biển và nằm giữa hai quốc gia có nền văn minh lâu đời. Vị trí đó đã ảnh hưởng tới đặc điểm dân cư, xã hội của các nước trong khu vực.
Hơn 30 năm qua các nước Đông Nam Á đã có những nỗ lực lớn để thoát khỏi nền kinh tế lạc hậu. Ngày nay Đông Nam Á được thế giới biết đến như một khu vực có những thay đổi đáng kể trong kinh tế - xã hội.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967. Việc thành lập ASEAN đã tạo điều kiện và thúc đẩy nền kinh tế của các nước trong khu vực phát triển.
Các nơi trên bề mặt Trái Đất nhận lượng nhiệt mặt trời không giống nhau nên xuất hiện đới khí hậu khác nhau. Yếu tố địa hình; vị trí xa/gần biển, đại dương ảnh hưởng tới khí hậu từng vùng. Sự đa dạng của khí hậu tạo nên sự phong phú cảnh quan thiên nhiên.
Trái Đất là môi trường sống của con người. Con người với các hoạt động đa dạng đã khai thác từ thiên nhiên các nguồn tài nguyên, qua đó không ngừng làm môi trường bị biến đổi.
Những bài học Địa lí Việt Nam mang đến cho các em những hiểu biết cơ bản, hiện đại và cần thiết về thiên nhiên và con người Việt Nam, về sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Vị trí, hình dạng, kích thước lãnh thổ là những yếu tố địa lí góp phần hình thành nên đặc điểm chung của thiên nhiên và có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội nước ta.
Đất nước ta, ngoài phần trên lục địa, còn một phần rộng lớn hơn trên Biển Đông. Biển Đông ảnh hưởng sâu sắc đến tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm của đất liền. Kinh tế biển đang góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Lãnh thổ Việt Nam được tạo lập dần qua các giai đoạn kiến tạo lớn. Xu hướng chung của sự phát triển lãnh thổ là phần đất liền ngày càng mở rộng, ổn định và nâng cao dần. Cảnh quan tự nhiên nước ta từ hoang sơ, đơn điệu đến đa dạng, phong phú như ngày nay.
Nước ta có lịch sử phát triển hàng trăm triệu năm, cấu trúc địa chất phức tạp, nằm ở khu vực giao nhau của 2 vành đai sinh khoáng lớn của thế giới là Địa Trung Hải & Thái Bình Dương. Điều đó có ảnh hưởng đến tài nguyên khoáng sản của nước ta như thế nào?
Địa hình nước ta rất đa dạng, nhiều kiểu loại địa hình (đồi núi, đồng bằng, bờ biển, thềm lục địa...) phản ánh lịch sử phát triển địa chất, địa hình lâu dài trong môi trường gió mùa, nóng ẩm, phong hoá mạnh mẽ.
Địa hình nước ta đa dạng, chia thành các khu vực địa hình khác nhau. Mỗi khu vực có nét nổi bật về cấu trúc, kiến tạo địa hình, tính chất của đất đá... Do đó, việc phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi khu vực địa hình có những thuận lợi và khó khăn riêng.
Khí hậu nước ta là khí hậu nhiệt đới gió mùa, đa dạng và thất thường. So với các nước khác cùng vĩ độ, khí hậu Việt Nam có nhiều nét khác biệt, không bị khô hạn như khu vực Bắc Phi, Tây Nam Á, cũng không nóng ẩm quanh năm như các quốc đảo ở Đông Nam Á...
Không thể hiểu đúng và sát thực tế khí hậu nước ta nếu chỉ thông qua đặc điểm chung và các số liệu trung bình về nhiệt độ, lượng mưa... trên cả nước. Do vậy, ta phải xét tới diễn biến của thời tiết, khí hậu trong từng mùa và trên các vùng của lãnh thổ.
Sông ngòi, kênh rạch, ao hồ... là hình ảnh quen thuộc đối với chúng ta. Dòng nước khi vơi, khi đầy theo sát mùa khô, mùa mưa, mang lại cho ta nguồn lợi lớn. Song lũ lụt cũng gây ra những tai hoạ khủng khiếp cướp đi sinh mạng, của cải của rất nhiều người.
Mạng lưới sông ngòi nước ta dày đặc, chia thành nhiều hệ thống. Mỗi hệ thống sông có hình dạng, chế độ nước khác nhau tuỳ thuộc điều kiện địa lí tự nhiên của lưu vực như khí hậu, địa hình, địa chất... và các hoạt động kinh tế, thuỷ lợi trong hệ thống ấy.
Đất (thổ nhưỡng) là sản phẩm của thiên nhiên do nhiều nhân tố hình thành. Đất còn là tư liệu sản xuất chính từ lâu đời của sản xuất nông, lâm nghiệp. Đất ở nước ta đã được nhân dân sử dụng, cải tạo, phát triển và trở thành tài nguyên vô cùng quý giá.
Sinh vật là thành phần chỉ thị của môi trường địa lí tự nhiên và gắn bó với môi trường ấy tạo thành hệ sinh thái thống nhất. Việt Nam là xứ sở của rừng và của muôn loài sinh vật đến tụ hội, sinh sống, phát triển qua hàng triệu năm trước.
Tài nguyên sinh vật nước ta vô cùng phong phú, đa dạng nhưng không phải là vô tận. Sự giàu có của rừng và động vật hoang dã ở Việt Nam đã giảm sút nghiêm trọng, trước hết là tài nguyên rừng.
Thiên nhiên nước ta rất đa dạng, phức tạp, phân hoá mạnh mẽ trong không gian và trong các hợp phần tự nhiên. Song có thể nêu lên một số tính chất chung nổi bật của môi trường tự nhiên nước ta sau đây.
Việt Nam được chia thành ba miền địa lí tự nhiên. Mỗi miền có những nét nổi bật về cảnh quan tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.